Hưởng phước đúng cách
Sở hữu tài sản là một loại phước báu, con cái là một loại phước báu. Trong khi đó, Nho giáo lại cho rằng “con là nợ, vợ là oan gia”. Nhiều phụ nữ khổ đau vì mất quyền làm mẹ do bệnh, phải chạy vạy rất nhiều phương pháp thậm chí mang thai hộ hay tạo mầm sống bằng ống nghiệm mà vẫn không có kết quả. Trong khi đó rất nhiều người nghèo khó không hề muốn có con, lại có đến hàng chục đứa. Có vẻ quy luật của sự sống không đáp ứng lại nguyện vọng của con người, nó đi theo quy luật nghiệp chung và riêng của nó.
Nhiều người trách trời bất công, trách như thế là oan cho trời, vì trời có mặt đâu mà bất công. Nếu có mặt, ông trời cũng bế tắc. Sự vận hành nghiệp chung và riêng tự trổ quả trong tiến trình của nó, không ai có thể can thiệp được. Do đó, có phước và biết cách hưởng phước là một điều an vui.
Phước báu, ngoài sở hữu tài sản còn là sự thuận lợi khi được sinh ra trong bối cảnh lịch sử hòa bình; kinh tế, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục phát triển. Sự lạm phát về kinh tế tài chính hầu như vắng mặt, cho nên chúng ta đầu tư ít mà lại gặt hái thành quả cao. Đó gọi là có phước, không phải do chúng ta giỏi hay không được ai tư vấn. Sự khác biệt rất lớn về bản chất sinh hoạt liên hệ đến có phước hoặc kém phước có thể được minh chứng bằng một thử nghiệm nhỏ sau, chúng ta hãy đến tham quan những khu vực bán cùng một mặt hàng, sự trang hoàng nội thất trong khu vực này giống nhau, người bán hàng cũng rất lịch thiệp, vì cùng được huấn luyện kỹ năng bán hàng, chất lượng món hàng đồng đều nhau. Ấy thế mà, có tiệm vắng, tiệm bán mệt tay không kịp. Chúng ta có thể lý giải đó là sự chênh lệch về phước báu. Nhiều người bán hàng không biết ăn nói, chèo kéo nhưng khách đến mua rất đông. Hiện tượng này phổ quát hóa.
Trong cơn khủng hoảng tài chánh toàn cầu hai năm qua, các đại gia bất động sản và thị trường chứng khoán trở nên trắng tay, nguồn tài chính và sự gượng dậy nếu không có những gói kích cầu và viện trợ từ chính phủ thì không biết khi nào mới có thể tái hồi phục. Tuy nhiên, trong giai đoạn đó, có người lại bỗng dưng giàu có không thể tưởng tượng. Nếu hiện tượng lở bồi là quy luật của thế giới tự nhiên, thì trong phước báu, hiện tượng này liên hệ đến biệt nghiệp và cộng nghiệp, nó cũng diễn ra theo thế tương tự. Sự thất bại của người A, cộng đồng A, khu vực A có thể trở thành điều kiện thuận lợi cho đối tượng B, cộng đồng B, khu vực B làm giàu.
Năm 1930, khủng hoảng tài chính cũng từng diễn ra kéo dài suốt năm năm. Một số người trở thành đại gia nổi cộm vì có cơ hội mua tất cả những công ty, xí nghiệp bên bờ vực phá sản với giá chỉ bằng 1/4, thậm chí 1/10. Nhật trở thành tập đoàn giàu có từ khủng hoảng tài chính vào thời điểm ấy.
Năm 1980, một lần nữa, Nhật cũng trở thành đại gia hứng lấy những tập đoàn bị thua lỗ phá sản. Đến hai năm vừa qua, báo chí đưa tin Trung Quốc bắt đầu trở thành đại gia mới. Các đại gia Trung Quốc mua lại rất nhiều công ty thua lỗ lớn. Sau một năm họ trở nên vô cùng giàu có. Do đó, phước báu là hộ pháp bảo hộ chúng ta trong những tình huống khó khăn. Muốn gặp nhiều thuận lợi trong cuộc đời để thăng tiến, thành công, phát triển thì phải gieo trồng phước báu. Cầu nguyện không có tác dụng, nếu không có phước báu. Có phước, khi cầu nguyện, phước sẽ tự động theo tiến trình tự nhiên của nhân quả, làm cho người ta có cảm giác nhờ sự cầu nguyện mà thành tựu kết quả như ý muốn. Thực ra, tất cả đều do phước của chúng ta tạo ra. Không có phước thì không cách gì chúng ta đạt được.
Đức Phật dạy nghệ thuật để tạo phước là làm phước, nghệ thuật sống phước để duy trì và phát triển phước. Cũng như tiền, nếu để không thì tiền chết, tiền đầu tư có phương pháp thì tiền đẻ ra tiền. Phước báu cũng như thế. Sự thành công, được người quý mến, có uy đức, thẩm quyền, biết tiêu thụ tài sản mình có, có uy tín với tha nhân và cộng đồng đều được xem là phước. Phước nếu không biết giữ sẽ suy sụp rất nhanh. Đường đi của phước là nước chảy xuống thấp. Do đó, tạo phước là làm sao để nước chảy lên cao. Nước chảy xuống thấp là tiến trình tự nhiên, nếu chúng ta theo khuynh hướng chỉ biết hưởng, sau một thời gian nước sẽ cạn. Dân gian có câu “Tọa thực sơn băng”, ngồi không hưởng thì núi phước cũng sụp lở.
Người Việt Nam khi có mặt ở các châu lục sau năm 1975, trong giai đoạn đầu họ đã phải phấn đấu rất nhiều để tạo dựng sự nghiệp mới. Trong số đó cũng có nhiều thành phần lợi dụng vào các lỗ hổng của luật pháp phương Tây để gom góp về mình. Chế độ an sinh xã hội vốn chu cấp cho những người thất nghiệp. Nhiều người Việt Nam lanh trí, không ký bất cứ hợp đồng lao động nào khi đi làm. Dĩ nhiên nếu không ký hợp đồng lao động, họ sẽ chỉ nhận đồng lương rẻ hơn 10% so với những lao động ký hợp đồng, nhưng bù lại họ lại được nhận khoản trợ cấp thất nghiệp từ chính phủ. Làm ca một chưa đủ, họ làm ca hai, ca ba. Khoảng mười năm sau họ có được căn nhà, xe hơi, phương tiện, tiện nghi vật chất đủ đầy. Họ cho rằng như thế là mình đang dành dụm phước, nhưng thực ra họ đang vay nợ phước. Chế độ an sinh xã hội được thiết lập ở các quốc gia nhằm mục đích hỗ trợ người lâm nạn, không còn khả năng tự lập, trợ cấp để tệ nạn xã hội không có cơ hội diễn ra ở mức độ nguy cơ. Tuy nhiên, nhiều người lợi dụng vào đó để làm giàu.
Năm 2003, khi chúng tôi có mặt tại Úc Châu, các đài truyền hình và báo chí đưa một tin tức đau lòng: “Một người Việt Nam đi máy bay để ăn trợ cấp”. Vì hệ thống lỏng lẻo, họ đăng ký cư trú ở nhiều bang và xin trợ cấp ở nhiều bang. Đến ngày lãnh lương trợ cấp, họ bay từ tiểu bang này sang tiểu bang kia để nhận. Hành động đó là vay nợ mà cứ tưởng rằng mình đang hưởng phước.
Lệ thuộc vào tấm lòng thương yêu và sự chăm sóc của những người thân thương như cha mẹ, bạn bè, họ hàng trong khi bản thân có năng lực, sức khỏe để lao động, đó cũng là sự vay nợ chứ không phải hưởng phước. Nghệ thuật biết sống với phước là một thách đố. Phước luôn luôn là cái ban tặng đến người chứ không phải gom góp về cho chính bản thân mình. Khi ban tặng, chúng ta ban tặng hợp pháp, có nghệ thuật, chúng ta mang lại niềm nui cho rất nhiều người thì phước đó không bao giờ cạn kiệt. Còn sử dụng nó như nguồn tài nguyên thì sẽ đến lúc nó không còn nữa. Và sự suy sụp sẽ đẩy chúng ta rơi từ đỉnh cao xuống vực thẳm.
Trong kinh, đức Phật thường nói, chư thiên khó có thể tu vì phước báu của họ rất lớn. Sống trên núi phước khiến họ có cảm giác hạnh phúc của mình là tuyệt đỉnh, do đó không cần tu để trở thành người an vui thật sự. Khi có những biểu hiện suy phước báu thì mới vỡ lẽ, khi ấy đã quá muộn màng, khó có thể gầy dựng lại được. Cũng như người bị ung thư giai đoạn cuối, khó có thể phục hồi, vấn đề còn lại là thời gian, những tích tắc đồng hồ trôi qua và sự kết liễu kéo theo sau.
Các dấu hiệu của sự kém phước, đó là mồ hôi ra nhiều, nỗi buồn lo, phiền não xuất hiện trên nét mặt. Trạng thái đi, đứng, nằm, ngồi, sinh hoạt không còn thảnh thơi, luôn có cái gì đó cuống quít. Tất cả dấu hiệu này cho thấy phước bắt đầu giảm. Dĩ nhiên, chúng ta đừng lẫn lộn tình trạng trong một giai đoạn mà mọi sự đầu tư của chúng ta bị bế tắc, những khó khăn nhất thời nào đó đồng nghĩa như sự suy sụp phước, không hẳn thế. Thăng và trầm như một đường sin, lệ thuộc rất nhiều vào tính điều kiện. Tổng thể phước nếu không mất đi thì trong những giai đoạn nghịch cảnh, phước đó vẫn còn và trở thành tiềm năng, một lúc nào đó sẽ phát triển giúp chúng ta vực dậy như một sự phục hồi.
Từ trong chùa nhìn ra, ngôi nhà sát vách phía bên phải chùa Giác Ngộ, vốn của một đại gia Phật tử. Gia đình ông sở hữu đến sáu căn nhà trong khu vực quận năm và quận mười. Những năm 1970, gia đình phải bỏ cả sáu căn nhà để ra đi, thậm chí không dám vào chùa từ giã Hòa thượng viện chủ, mặc dù là đệ tử của Hòa thượng. Nghĩa là “bỏ của lấy thân”, sẵn sàng chấp nhận, nếu hết phước làm mồi cho cá, họ cũng hoan hỷ. Bế tắc giai đoạn đó, họ muốn thoát để đi tìm một thế giới đầy đủ đời sống vật chất, tự do để phát triển, có những thứ để họ đầu tư và có công bằng xã hội để có thể sống hạnh phúc. Vượt biên sang Hoa Kỳ, cả gia đình làm việc rất vất vả. Sau hai mươi năm lập nghiệp bằng nghề nghiệp chân chính, hiện nay họ có được hơn mười căn nhà. Mất đi sáu căn nhà ở Việt Nam để có hơn mười căn nhà ở Hoa Kỳ, bao gồm hòn đảo rất lớn ở Sacramento, thuộc thủ phủ bang California, trị giá hàng triệu đô la. Tình huống đó gọi là phước đã nuôi, làm cho gia đình này vượt qua khốn khó. Những nghịch cảnh diễn ra với họ chỉ là hoàn cảnh tạm thời.
Dựa vào cấu trúc này, mỗi khi chúng ta đối diện với những thách đố, đừng chán nản tuyệt vọng mà hãy cố phấn đấu vì phước đã gieo trồng không bao giờ mất. Nó khác hoàn toàn với lúa. Lúa bỏ lâu trên mặt đất, không có sự sống sẽ chết, hoặc bị gia súc ăn. Còn phước, nếu không dùng hết sẽ còn mãi mãi. Cũng như số tiền trong tài khoản, không rút tiền thì vốn và lời ngày càng gia tăng. Khi làm các công tác xã hội, từ thiện, phát tâm, hiếu kính với cha mẹ, giúp đỡ người hiền lành,… một số có cảm giác bị cướp công, mình làm người khác hưởng. Thực ra phước đó vẫn còn nguyên, do đó đừng phiền não, chán nản. Ai cướp công là đang mượn nợ và họ phải đền trả bằng nhân quả, vấn đề là thời gian sự trổ quả đó sẽ diễn ra như thế nào.
Hiểu được nguyên lý hoạt động của phước, người tại gia lẫn xuất gia không nên thất vọng rằng tại sao mình làm nhiều Phật sự, đóng góp cho xã hội mà cuộc đời lận đận, phong ba, chao đảo, từ đó thoái tâm. Có người còn hiểu sai lầm rằng trì kinh Pháp Hoa nên đổ nghiệp, từ đó bỏ việc tu tập, nghĩa là vẫy tay chào với phước báu, vì hiểu sai bản chất của nhân quả.