Hạnh Phúc Trong Tầm Tay – Chương II

Không có nợ nần

Mượn nợ là một nỗi khổ và người cho mượn nợ cũng khổ. Đức Phật dạy đừng bao giờ cho mượn nợ, vì chúng ta không phải là ngân hàng, cũng  không phải là dịch vụ cầm đồ. Ai sai lầm tự biến mình thành ngân hàng  hoặc dịch vụ cầm đồ sẽ có ngày mất hết tài sản. Nhiều Phật tử hoang mang không biết việc đảm trách nghề cầm đồ với lãi suất cao có hợp với đời  sống chánh mạng không? Câu trả lời là không. Bởi nhiều người vì hoàn  cảnh bế tắc không có những cơ sở pháp lý để vay nợ ngân hàng, do vậy, ở cấp quốc gia hay quốc tế, họ bị ép vào tình thế trả lãi cao hơn số lãi được ngân hàng quy định. Chúng ta lại làm lời trên sự khổ nạn của một  người bất hạnh, đồng nghĩa việc đẩy họ vào ngõ bế tắc.

Tuy nhiên, cho mượn mà không lấy lãi cũng là một việc làm liều. Đức  Phật chưa bao giờ khuyên chúng ta làm như thế. Vì tình huống giựt nợ nếu xảy ra sẽ đốt cháy tình thân. Do đó, chỉ nên giúp đỡ, nếu không, đừng  cho mượn. Việc vay mượn chỉ nên được thực hiện tại ngân hàng, hay các  dịch vụ hợp pháp. Ở đó có những cam kết về lãi suất để người mượn nợ có  trách nhiệm thanh toán đúng với khế ước xã hội mà luật pháp cho phép.

Trước đây giảng tại Hoa Kỳ bốn lần, chúng tôi được biết có một gia đình thuộc về hàng triệu phú Việt Nam, vì muốn dang tay giúp đỡ những  người thân còn ở Việt Nam được định cư sang Hoa Kỳ và có công ăn việc  làm ổn định ngay từ ban đầu, họ đã nghĩ cách làm ăn. Tiền có trong ngân  hàng khoảng hai triệu đô la, họ rút ra đầu tư một cây xăng giá khoảng  1,3 triệu, mấy trăm ngàn còn lại mở một quán ăn. Nhưng vì thiếu tư vấn  và kinh nghiệm, cây xăng trải qua sáu năm liên tục ế khách, vì nằm trên  tuyến đường vắng vẻ. Lúc mua thì giá thị trường rất cao, trong lúc túng  thiếu muốn bán lại chỉ hai trăm ngàn đô la mà không ai mua. Quán thực  phẩm họ đầu tư cũng trong khu vực vắng nên mỗi tháng phải bù lỗ để trả lương nhân viên, thuế má, điện nước. Tình trạng này kéo dài gần năm năm, khiến gia đình đứng trước bờ vực phá sản.

Thương  người  thân,  muốn  giúp  nhưng  thiếu  phương pháp thì dù có phước trong quá khứ, dù sống rất đạo đức hiền lương, vẫn có thể trở thành những người trắng tay. Trong hoàn cảnh đó, chúng tôi rất khó  khuyên những người Phật tử này không bị thoái thác niềm tin. Họ nghĩ rằng quá khứ đã từng phát tâm cúng dường, xây dựng chùa chiền, làm công đức, phước báu biết bao nhiêu, nay chỉ vì muốn giúp người thân có chỗ an cư lạc nghiệp lâu dài, mà phải trắng tay như ngày hôm nay. Trắng tay  chưa đủ, bằng uy tín giàu có của mình trong quá khứ, họ gượng dậy để tiếp tục làm ăn, phải đi vay nợ, mượn hết chùa A đến chùa B, C, người A đến người B… Khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu của Mỹ ảnh hưởng đến toàn thế giới trong vòng hai năm qua đã làm cho việc đầu tư của họ trắng tay thêm một lần nữa.

Khi mang gánh nợ trên vai, người ta đi một cách rất ì ạch, mệt mỏi,  rất may mắn họ chưa đến chỗ tuyệt vọng. Tuy nhiên, những người đầu tư vào họ đều khổ lây. Chúng ta phải hiểu rõ, người không có khả năng vay  nợ ngân hàng đồng nghĩa không có khả năng để thanh toán và thanh lý.

Suy thoái tài chính toàn cầu của Hoa Kỳ ở phố Wall ảnh hưởng toàn thế giới là do đâu? Do họ khai thác lòng tham một cách thiếu phương pháp.  Kinh tế thị trường bản chất phát triển từ lòng tham. Hệ thống khuyến mãi phát triển trên lòng tham, các quảng cáo cũng trên lòng tham. Những  hình thức làm hài lòng khách hàng: “2 trong 1”, “3 trong 1”, “4 trong 1” …, “sử dụng hàng trong một tháng, không hài lòng trả lại không tính tiền” cũng khai thác lòng tham. Cho vay mượn nợ một cách vô tội vạ, không  tính đến khả năng thanh lý, chính là lòng tham tuyệt đối của các chủ đầu tư ngân hàng. Kết quả chỉ cần hai tháng thất nghiệp, con nợ mất khả năng chi trả, ngân hàng phải dỡ nhà bán đấu giá, dẫn đến tình trạng phá  sản.

Nhiều người nghĩ đơn giản rằng đầu tư cho bạn bè, người thân mượn nợ  để mình có tiền lãi nhiều hơn. Rốt cuộc khi họ lâm nạn mình cũng chết  theo. Một triệu phú có thể trở thành một con nợ lớn. Khi mắc nợ, tâm lý  sợ hãi, mặc cảm, chán nản xuất hiện. Do đó, không nợ nần là niềm hạnh  phúc.

Cách đây khoảng một tháng, báo chí đưa tin, nhiều chị em phụ nữ ngoại hình đẹp, chỉ vì hoàn cảnh xuất thân nghèo khó muốn có cơ hội đổi đời,  họ liên hệ các dịch vụ môi giới để được làm vợ người Hàn Quốc đến nỗi đôi lúc làm mất luôn giá trị của bản thân. Mỗi lần từ quê lên TP. Hồ Chí Minh, tiền xe, tiền ăn ở, son phấn khá tốn kém. Ấy thế mà rất nhiều cô  mất cả chục lần vẫn chưa được chọn. Họ phải thoát y trình diễn để những  người đàn ông Hàn Quốc xem ngoại hình có vừa ý hay không. Nhân phẩm  người phụ nữ Việt Nam bị chà đạp chưa từng thấy. Cũng có thể Việt Nam bị ảnh hưởng từ những cuộc mua bán của những kẻ giàu có ở những nước phát  triển như Đài Loan, Hàn Quốc… trong rất nhiều năm qua. Đó là một nỗi đau. Khi bị bắt, chị em trả lời họ nuôi mộng đẹp, không ngờ bây giờ trở thành ác mộng.

Viễn cảnh trở thành người vợ của Hàn Quốc chưa thấy, trước mắt họ là  khoản nợ vài chục triệu, vì cả chục lần lên xuống TP. Hồ Chí Minh. May  mắn là họ bị bắt, bằng không, có thể họ sẽ bị chủ nợ ép phải làm nghề lầu xanh. Đó là chưa kể đến tình trạng làm vợ những ông chồng Hàn Quốc  mà phần lớn đều có chứng bệnh tâm thần, nghề nghiệp không ổn định hoặc  bị phụ nữ Hàn Quốc chán chê, nói chung họ thuộc thành phần không thành  công, bế tắc, nhưng cái nghèo của họ dù sao vẫn khá hơn so với cái nghèo của Việt Nam. Chị em ở những tỉnh lẻ được hứa hẹn nhận trợ cấp mỗi  tháng một khoản tiền là họ mừng rỡ, nghĩ rằng cơ hội đổi đời đã đến, họ sẵn sàng bỏ tiền làm lễ cưới linh đình để nở mặt nở mày với hàng xóm,  quê hương, nhưng khi qua đó sống khổ đau phải ngậm bồ hòn làm ngọt, vì  sợ xấu hổ. Một số trường hợp phụ nữ Việt Nam trở nên tâm thần khi sống  tại Hàn Quốc. Nguyên nhân vì không biết chi tiêu tiền, quản trị tài  chánh, bị đối xử tệ bạc.

Đua đòi là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mắc nợ lớn. Nhiều người đi mượn nợ để bố thí. Đức Phật không hề dạy như thế. Họ lý  giải rằng, vì đã hiểu vô ngã sở hữu, tất cả mọi thứ đều là tạm bợ nên  không có gì phải giữ. Trong khi người thân đang nghèo khổ thì không  giúp, đi giúp thiên hạ, làm như vậy, người ta nhìn vào sẽ hiểu nhầm đạo  Phật dạy đệ tử làm chuyện viễn vông. Phải hiểu rằng đức Phật khuyên lãi  trong lợi nhuận, không phải lãi trong doanh thu nên được chia làm bốn  phần bằng nhau: Một phần làm từ thiện, một phần hiếu thảo, một phần chi  dùng cá nhân và phần còn lại để tiết kiệm. Kinh doanh không có lãi,  chúng ta không nên làm từ thiện vì từ thiện là việc làm lâu dài. Hiểu rõ lời Phật dạy để có thể ứng dụng hợp lý.

Thời gian qua, một số Việt kiều về nước thể hiện mình là đại gia,  muốn có bạn tình ở Việt Nam nên phải vung tay chi tiền như nước, khiến  người bạn tình được chu cấp mừng rỡ nghĩ rằng gá được cây to, cuộc đời  từ đây được thoải mái, không ngờ chàng đại gia kia là kẻ đang vay nợ ở hải ngoại trốn về. Do đó, thà nghèo không thiếu nợ vẫn hạnh phúc hơn  giàu mà mang nợ nần. Nếu đặt trong bối cảnh lớn ở xã hội phương Tây,  theo cơ chế thị trường, thì người giàu nào cũng thiếu nợ. Ai thiếu nợ nhiều chừng nào và có khả năng thanh toán tương thích chừng đó, thì đó  là người có uy tín. “Credit card” là thẻ uy tín, dịch là thẻ tín dụng, có nghĩa sử dụng uy tín để tạo uy tín trong vay nợ. Nền kinh  tế thị trường vốn khích lệ lòng tham, thúc đẩy người có mười đồng vốn  sẵn sàng chi tiêu hai mươi đồng để rồi phải bỏ công làm ngày làm đêm trả nợ, mười hai con giáp, con nào cũng là con trâu. Nhờ đó mà kinh tế quốc gia phát triển, nhưng người dân phương Tây, không ai không thiếu nợ.

Nỗi căng thẳng luôn luôn ám ảnh họ, cuộc sống của họ trở nên tất bật, bộn bề thiếu vắng phong thái thảnh thơi an nhàn. Do đó, chúng ta phải  sống chi tiêu một cách hợp lý để không phải thiếu nợ, và cũng đừng vì  hám lợi nhất thời mà cho vay nợ những người thân, cuối cùng tiền vốn mất mà tình thương cũng không còn.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.