Không có lỗi lầm
Đây là niềm an vui mang tính đạo đức rất quan trọng mà đức Phật khuyên tất cả mọi người cần phải thực hiện.
Hạnh phúc đời sống vật chất, sở hữu, không thiếu nợ, phước báu chỉ mang tính điều kiện và bị quy luật vô thường chi phối. Trong khi đó, an vui do không có tội là vĩnh hằng. Kẻ tạo tội lúc nào cũng nơm nớp lo âu, sợ bị luật pháp phát hiện, bị người truy tố, bị xã hội cô lập, lên án, nguyền rủa, trả thù. Nếu luật pháp không đòi nợ thì nhân quả cũng bắt đền. Tội lỗi là mối nợ rất lớn. Rất nhiều người phàm kẻ tục không hiểu, nghĩ rằng cuộc đời mình đến đây là hết, “cùi không sợ lở”, “điếc không sợ súng”, càng dấn sâu vào vũng lầy tội lỗi. Từ việc thiếu nợ dẫn đến tội lỗi đôi lúc chỉ là một khoảng cách rất ngắn.
Mấy tháng vừa qua, tòa án phán xử vụ án một con nợ bị chủ nợ đòi. Không những không trả nợ mà còn dàn xếp giết chủ nợ, sau đó chặt xác thành nhiều khúc, bỏ vào thùng xốp thả xuống sông. Cuối cùng kẻ phạm tội bị phát hiện và bị tuyên án tử hình. Mặc dù khóc lóc van xin, được gia đình nạn nhân tha thứ, luật pháp tha thứ nhưng tòa án vẫn kiên quyết tuyên án tử hình để làm gương.
Tội lỗi có nhiều gốc rễ của xã hội, gia đình, tâm lý, cá tính, nói chung dù bất cứ điều kiện gì, tình huống nào, nếu chúng ta không làm chủ được tâm thức của mình thì mỗi hành động, lời nói, việc làm là một phương tiện dẫn đến tội lỗi. Nghi thức sám hối sáu căn mà chúng ta có dịp đọc tụng trong mấy năm qua tại chùa Giác Ngộ vẽ nên bức tranh tội lỗi mà hầu như con người khi sinh ra và nhiều kiếp trước cho đến lúc qua đời không tạo tội này cũng tạo lỗi khác. Rất nhiều tội lỗi từ mắt, tội lỗi phát xuất từ tai, do mũi và lưỡi, có tội lỗi do thân, và do tâm lý. Mỗi lần đọc lại bản văn sám pháp, lòng chúng ta cảm thấy rung động, sợ hãi và nêu quyết tâm không tái phạm trong tương lai. Cho nên trong các chùa Bắc tông, nghi thức sám hối được áp dụng nửa tháng một lần nhằm mục đích nhắc nhở. Nó như tấm gương phản chiếu. Ai cũng có thói quen soi gương mỗi ngày vài lần để xem gương mặt mình có đẹp, sạch, ăn mặc có chỉnh trang chưa, có thể nhờ đó mà điều chỉnh. Nếu chúng ta biết lấy tấm gương đạo đức để soi mình cũng vài ba lần như thế trong một ngày, chắc chắn cuộc sống sẽ rất an vui. Đừng đợi đến lúc bị luật pháp truy tố hay bị người khác phê phán mới bắt đầu suy nghĩ lại.
Trên tinh thần này, người con Phật không nên kỳ vọng trong các tương quan xã hội nhận xét về mình bao giờ cũng phải là lời khen tặng. Có rất nhiều lời khen tặng thuộc về adua, cười lấy lòng, xã giao. Cũng có rất nhiều lời phê bình nặng, nhưng lại mang tính góp ý và xây dựng.
Người sáng suốt là người biết sử dụng các nguồn phê bình góp ý xây dựng, dù xuất phát từ động cơ tốt hay xấu, để làm mới chính bản thân mình. Nhờ đó tội lỗi được tách ly. Kinh mô tả A Xà Thế sau khi giết cha, trải qua chuỗi thời gian điên loạn về tâm thần, suýt chết. Nhờ y sĩ Kỳ Bà là trợ thần, cũng là đệ tử đức Phật, dẫn ông đến gặp đức Phật. Ngài đã khuyên vua một câu ngắn gọn có giá trị trị liệu rất cao: “Trong đời có hai hạng người, một là từ lúc sinh ra đến lúc nhắm mắt chưa từng tạo tội, họ là những bậc thánh từ thuở lọt lòng. Hai là sinh ra không có lỗi chỉ có tội hoặc vừa có lỗi vừa có tội, nhưng sau khi được nhắc nhở, giáo dục, khuyên răn, họ ý thức và cam kết không tái phạm trong tương lai”. Đức Phật kết luận: “Loại người thứ hai cũng là một bậc thánh”.
Giữa hai bậc thánh, bậc thứ hai đáng trân trọng hơn cả. Đức Phật nói, bậc thứ nhất không có trong cuộc đời, đó chỉ là lý tưởng, hay nói cách khác, lỗi lầm và sai sót của con người là thuộc tính, thói quen, tình trạng thiếu kiểm soát tâm hay nhiều nguyên nhân khác có thể thông cảm. Luật pháp luôn có khung hình phạt nhất định, nếu không thể thông cảm thì phải xử lý đối với những tội phạm quá nặng nề nhằm răn đe làm gương. Còn đạo đức thì cho phép có sự thay đổi. Nếu tâm không thay đổi, chết đầu thai sang kiếp sau sẽ tiếp tục làm người của thế giới xã hội đen. Nhân quả luôn tiếp nối. Do đó, theo tinh thần Phật dạy, không nên tử hình mà chỉ nên chung thân là đủ. Trong lúc bị quản thúc chung thân, kẻ phạm tội sẽ học những điều hay lẽ phải, sống thay đổi bằng sự sám hối, làm mới, trở thành một con người hoàn toàn khác.
Sống với tội lỗi luôn đau khổ, vì tâm bị lương tri dằn vặt. Tuy nhiên, tâm lý nhà Phật dạy chúng ta nhận thức lỗi lầm, đó là con đường để trở thành thánh. Đừng để mặc cảm tội lỗi trở thành đà cản sự tiến bộ và chuyển biến của bản thân. Ấy thế mà, nhiều người lại rơi vào tâm lý này. Kể từ khi gây nên một lỗi lầm nào đó, họ ray rứt suốt cả cuộc đời.
Hai tháng trước, khi chúng tôi thuyết giảng tại một trường hạ ở Cần Thơ, một người mẹ do vì chậm phản ứng khi đứa con trai bị ngộ độc thực phẩm, thay vì đưa đến bệnh viện cấp cứu, bà lại cho uống thuốc bắc, phản ứng ngộ độc thực phẩm dẫn đến cái chết của cậu con trai bà. Gần mười lăm năm trôi qua, nỗi đau đó vẫn còn ám ảnh. Vì nghĩ rằng cái chết của con do chính mình tạo ra nên bà dằn vặt, khóc lóc thường xuyên khiến gương mặt gần như người điên loạn. Trên thực tế do phản ứng sai, sơ suất chứ không phải bà dụng ý. Bà đi nghe tư vấn ở rất nhiều Hòa thượng, Thượng tọa, giảng sư bao năm qua mà vẫn không an lòng. Chúng tôi giải thích đến bốn năm lần, bà cũng không an tâm. Vì vấn đề ở chỗ trạng thái ray rứt bà không chịu buông bỏ, trong khi có hiểu biết về Phật pháp, nhân quả, duyên nghiệp, lại được bao nhiêu thầy hướng dẫn. Bà không tự tin rằng nhân quả sẽ không ảnh hưởng đến bà. Cảm giác mình là kẻ tội đồ, nên mười lăm năm qua bà chưa từng được hạnh phúc. Đây là sự vô tình mà còn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, huống hồ những tình huống cố ý. Cho nên tránh tội bằng chuyển nghiệp, sống đạo đức, làm việc tốt, dấn thân phụng sự vô ngã, vị tha sẽ là nguồn dẫn đến niềm an vui thật sự.
Có trí tuệ lớn
Đức Phật kết luận trong bản kinh, trong năm điều an vui, điều an vui thứ tư thuộc về nền tảng, và điều an vui thứ năm mang tính quyết định. Người có trí tuệ không thể nào chấp vào sở hữu, tiêu phí phước báu, vay mượn nợ; người có trí tuệ cũng không thể dấn thân vào các hành động nghề nghiệp, sứ mạng, mục đích tiêu cực ảnh hưởng xấu cho người. Vì thế trí tuệ là nền tảng quan trọng nhất để quyết định.
Là kiến thức và đời sống đạo đức. Đó là định nghĩa ngắn gọn nhất, bao quát nhất. Kiến thức về nhân quả là một loại trí tuệ. Có kiến thức về nhân quả, chúng ta không còn mê tín dị đoan, không còn tin rằng vũ trụ do một Thượng đế sắp đặt, sáng tạo, mọi vận hành diễn ra theo hướng tích cực, tiêu cực, thế này hay thế kia, mà tất cả là quy luật tự nhiên của nhân quả. Do vậy, chúng ta không còn tin vào nguyên nhân đầu tiên; không còn tin vào những yếu tố may rủi, hên xui; không tin vào những hiện tượng ngẫu nhiên. Tất cả là quy luật trong tự thân, có điều, nhờ kiến thức khoa học, kiến thức phương pháp, kiến thức phân tích của chúng ta còn giới hạn nên chưa thấy được mối quan hệ biện chứng giữa nhân và quả ở hiện tại, quá khứ trong mối tổng hòa giữa chúng với nhau. Sự ngộ nhận đó dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Đọc kinh là một trong những phương pháp tốt. Vừa qua chúng tôi chủ trương dịch nhiều bản kinh, đọc tụng thường xuyên từ những bản kinh thấp đến bản kinh cao bên cạnh những bản kinh nghi thức được sử dụng trong các chùa Việt Nam và Trung Hoa mấy mươi thế kỷ qua. Sở dĩ làm như thế là vì mỗi bài kinh là một nguồn trí tuệ khác nhau. Hiểu theo thực phẩm học, nó là dưỡng chất tâm linh. Đức Phật trong suốt cuộc đời giáo hóa bốn mươi chín năm, đã thuyết giảng gần ba trăm ngàn bài kinh. Rất tiếc, khi tổ sư thiết lập các pháp môn, đã giới hạn ngắn gọn. Mỗi pháp môn chỉ còn có hai hoặc ba bài kinh. Như vậy hành giả của các pháp môn lâm vào tình cảnh suốt một đời tu tập chỉ có thể nạp vào cơ thể tâm linh một số dưỡng chất. Còn lại rất nhiều dưỡng chất trong hàng trăm ngàn bài kinh, chúng ta không có cơ hội để tiếp xúc. Đó là một sự thiệt thòi.
Quanh năm suốt tháng, nếu mỗi ngày chúng ta đọc một bản kinh khác nhau, thì dưỡng chất đó sẽ được sung túc và chúng ta sẽ trở nên khỏe mạnh về trí tuệ. Khi khỏe mạnh về trí tuệ, chúng ta sống thọ trong đạo đức và không có sự chết yểu, không có tai nạn về đời sống nhân thân, tư cách nói chung.
Chúng tôi rất hy vọng và mong mỏi tất cả chúng ta, dù theo pháp môn nào, thì bên cạnh những bản kinh thuộc về kinh tông chỉ, chúng ta nên đọc càng nhiều các bản kinh càng tốt. Phát xuất từ quan điểm nêu trên, từ năm 2000, chúng tôi đã nỗ lực đưa các bản kinh Pali của Hòa thượng Minh Châu dịch, các bản kinh A Hàm do Hòa thượng Thiện Siêu, Hòa thượng Thanh Từ dịch và gần đây là Hòa thượng Tuệ Sĩ dịch, các bản kinh đại thừa do các vị tôn đức dịch như Hòa thượng Trí Tịnh, Trí Nghiêm và nhiều Hòa thượng khác truyền lên mạng miễn phí để mọi người có thể hạ tải và tiếp cận. Sáu năm trở lại đây, chúng tôi cũng đã thực hiện âm thanh hóa đại tạng kinh Việt Nam để mọi người có nghe miễn phí trên mạng hoặc dưới hình thức mp3. Bất cứ lúc nào, chẳng hạn trong khi lái xe từ nhà đến công sở, từ công sở về nhà, trong những giờ vệ sinh cá nhân, sinh hoạt gia đình, thậm chí tập thể dục trong nhà, chúng ta vẫn có thể nghe được giáo pháp để nạp vào đời sống tâm thức những hạt giống dưỡng chất của trí tuệ. Chúng tôi đã nỗ lực làm rất công phu, vấn đề còn lại là người tiếp nhận biết quản lý thời gian để sử dụng phước báu của thế kỷ hai mươi mốt này.
Người sống có trí tuệ rất bản lĩnh, có tự lực và tin chắc mình sẽ thành công bằng nỗ lực chân chính. Bao nhiêu thất bại không làm cho họ nản chí sờn lòng. Họ vẫn thẳng bước tiến, đến lúc sự nỗ lực không còn điểm gì để tiến tới nữa thì mới tạm dừng, và không bao giờ thỏa mãn trên thành quả của những gì đã đạt được để không rơi vào tình trạng ngủ quên trong chiến thắng.
Ứng xử đạo đức là một kiến thức trí tuệ ứng dụng. Người không ứng xử đạo đức thì không thể gọi là có trí tuệ mà chỉ là một nhà trí thức, một bác học, một nhà tập kết kiến thức giống như kho thư viện hoặc một từ điển bách khoa sống, do đó đôi lúc sẽ là một trở ngại lớn. Còn ứng xử đạo đức thuộc về phản ứng chỉ có những người trí tuệ mới thật sự vượt lên những kiến thức thông thường, mới thống nhất từ đầu chí cuối, và dưới mọi tình huống dù áp lực, dù hoàn cảnh, điều kiện ngang trái thế nào đi nữa họ vẫn giữ vững lập trường. Do đó, an vui vì có trí tuệ là điểm quan trọng nhất mà tất cả người tại gia và xuất gia cần phải hướng về.
Tóm lại, thông qua bài kinh Tăng Chi, đức Phật dạy chúng ta niềm tin về hạnh phúc mà tất cả mọi người có thể đạt được, nếu biết nỗ lực có phương pháp và đầu tư chân chính. Nhờ sống với quan niệm này, con người sẽ không còn chán nản, thất vọng, bế tắc vì những điều không may cứ níu kéo, xuất hiện dưới hình thức này hay hình thức khác, dẫn đến tâm lý muốn bỏ cuộc nửa chừng. Hãy sống theo năm điều an vui mà bản kinh đức Phật đã tặng hiến. Sống trong an vui đó để cuộc đời luôn là niềm hân hoan thật sự.
Thích Nhật Từ – Nhà xuất bản Phương Đông 2011
http://thuvienhoasen.org