Chấp nhận hoàn cảnh
Đặt mình trong hoàn cảnh khó khăn là cách thức để tâm được trưởng thành. Trong khổ đau, nếu không trưởng thành thì trong hạnh phúc thật sẽ chẳng biết được giá trị của nó. Vì thế, đo giá trị của cuộc đời bằng những lận đận, ai lận đận nhiều sẽ trưởng thành hơn. Người sống thuận lợi do cha mẹ mình mang lại, ông bà tổ tiên làm sẵn, hoặc do thầy tổ nâng đỡ thì sự thành công đó cũng như toà lâu đài trên cát không chân, nó có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Chấp nhận hoàn cảnh, phấn đấu, khắc phục, thì sự thành công mới có thể tồn tại lâu dài.
Than phiền là căn bệnh vô cùng nguy hiểm. Sự than phiền làm cho con người dù dấn thân làm việc vẫn không được thoải mái. Hãy tâm niệm đây là dịp để làm phước, công quả, như vậy phước báu và trí tuệ được phát triển một cách song hành. Với tâm niệm đó, con người sẽ cảm thấy hạnh phúc nhiều hơn.
Trong một ngôi chùa, người đệ tử nào bị thầy đì nhiều nhất thì lại có khả năng thành công hơn, nếu người đệ tử đó biết tùy hỷ, chấp nhận hoàn cảnh với tâm tỉnh thức. Ai sống trong hoàn cảnh thuận lợi, thì khả năng thất bại cao hơn, do không được rèn sức chịu đựng.
Hai chú tiểu được phân công quét chùa, một chú quét ở Tây lan, một chú quét ở Đông lan. Ngày nọ, một chú bị ốm, chú còn lại phải quét cả hai bên. Có hai cách ứng xử trong tình huống này. Nếu là người lười biếng, so đo, chú tiểu còn lại chỉ làm riêng phần mình, hoặc sẽ rất ấm ức khi buộc phải làm cả phần việc của người khác. Như vậy, dù làm hai phần theo sự bắt buộc, chú đó cũng không có công đức nào cho phần làm thứ hai, thậm chí có thể đánh mất cả phần làm thứ nhất, vì việc làm không hoan hỷ, không bằng thái độ đóng góp nên phước giảm. Nếu là người có đạo tâm lớn, chú ta sẽ mừng, vì có cơ hội đóng góp nhiều hơn.
Chùa Giác Ngộ gần chùa Ấn Quang và Việt Nam Quốc Tự. Ấn Quang và Việt Nam Quốc Tự tụng kinh vào sáu giờ tối, Giác Ngộ tụng kinh vào bảy giờ. Nhờ cách sắp thời gian như vậy mà nhiều Phật tử được tụng kinh hai lần ở hai ngôi chùa khác nhau. Có khoảng hai chục Phật tử tụng hai lần kinh, mặc dù bài kinh Phẩm Phổ Môn Quan Thế Âm hoặc Kinh A Di Đà họ đã thuộc nằm lòng. Tại sao họ lại có niềm đam mê trong lời kinh tiếng kệ đó? Vì đó là cách chấp nhận hoàn cảnh, tận dụng hoàn cảnh như một chất liệu mang lại hạnh phúc trong hiện tại. Kinh A Di Đà dạy ta ngoài việc nghe Phật nói pháp, nghe Bồ Tát Quan Thế Âm, Đại Thế Chí, những vị đại Bồ tát khác, những bậc bất thối chuyển giảng, mà ta còn cần phải nghe tiếng gió thổi, suối reo, chim hót và quan niệm nó như là thời pháp. Quán tất cả âm thanh nghe được hàng ngày là thời pháp, đó là cách tận dụng hoàn cảnh, biến nó thành chất liệu đem lại sự bình an hạnh phúc. Hãy cố gắng quán tưởng để những điều không như ý thành những gì tâm đắc. Việc này rất khó nhưng chịu khó sẽ làm được.
Sống thong dong và buông xả
Đời sống người xuất gia là đi trên con đường lấy sự viễn ly làm mục đích. Viễn ly vợ con, nếu đã lập gia đình; viễn ly tình ái, nếu là người đồng ấu xuất gia; viễn ly gia tài sự nghiệp, nếu là người tư bản; và viễn ly tất cả chức tước, địa vị danh vọng trong cuộc đời. Đức Phật dạy: “Hãy viễn ly tất cả những thứ đó, và khi thái độ viễn ly xuất hiện thì trạng thái thong dong tự tại bắt đầu có mặt”. Thế nhưng, cũng cần thận trọng trong phân biệt, vì viễn ly thực sự thường bắt nguồn từ trạng thái sống của tâm, không phải sự xa lìa vật chất của những con người sống đầy đủ phương tiện nhưng tâm đang viễn ly. Những con người trên lưng chỉ một chiếc y, không có tài sản, nhưng nếu tâm chưa buông được thì đời sống đó vẫn là một sự trói buộc.
Chuyện ngụ ngôn Ấn Độ đã kể về câu chuyện một nhà vua và một đạo sĩ. Đạo sĩ là người lỗi lạc về đời sống tâm linh. Ảnh hưởng của ông làm các vị vua, quan thần phải đến chiêm bái và tìm kiếm con đường giải quyết bế tắc mà họ đang gặp phải. Theo phong tục Ấn Độ, vua đến gặp các vị đạo sư phải quỳ lạy, đi bộ chân trần để bày tỏ lòng chí thành chí kính. Nhà vua cho tất cả quan lính dừng lại ở cánh rừng cách đó vài trăm mét cùng với tất cả tài sản vừa nhận được từ những nước cống nạp. Ông đến học hỏi đạo lý vị đạo sĩ với hai bàn tay không. Nhưng không may, trong lúc hai người đàm đạo thì hỏa hoạn diễn ra ngay cánh rừng. Lúc bấy giờ vị đạo sĩ đưa mắt dõi nhìn cánh rừng đang phát cháy, nơi có một bộ áo của đạo sĩ phơi ở đó. Ông lo sợ, nếu cháy thì không còn gì để mặc. Trong khi đó, nhà vua vẫn an nhiên, dù các vật báu bị thiêu cháy trong cơn hỏa hoạn. Vua vẫn điềm nhiên bất động, lắng tâm nghe từng lời thuyết pháp của vị đạo sĩ.
Như vậy, ai là người tự tại? Nhà sư vô sản hay vị vua đầy tài sản mà không vướng mắc là người tự tại? Câu chuyện vừa ngụ ngôn vừa châm biếm, phản ánh giá trị giải thoát an vui không nằm ở những gì con người có hay không có, mà nằm ở cách thức con người ứng xử với cái có và không có như thế nào. Nếu nói “có nhiều” thì không ai bằng vua, ông có cả giang sơn, đất nước, và đôi khi có quá nhiều nên người ta không vướng bận những cái cỏn con. Thái độ có quá nhiều theo kinh Dịch gọi là “cùng tất biến”, “thịnh tất suy, suy tất thịnh”. Có quá nhiều sẽ sinh cảm giác nhàm chán, kẻ có ít thì lại mang lòng nuối tiếc, chấp trước, bảo vệ giữ gìn nó như báu vật. Vàng bạc quý là vì nó hiếm. Giá trị của sự vật là một cái gì rất tương đối, lệ thuộc vào quan niệm, cách nhìn, bối cảnh văn hóa và bối cảnh chính trị ở từng nơi trong từng thời điểm khác nhau.
Nhàm chán đời sống vật chất trước nhất là sự viễn ly, buông bỏ, nhưng việc buông bỏ này liệu có đảm bảo được trạng thái an lạc, tự tại lâu dài hay không là một vấn đề hoàn toàn khác. Người đã ăn quá nhiều sơn hào hải vị đến mức chán ngán, không bao giờ thích ăn những món sơn hào hải vị ấy nữa. Sự viễn ly đó hoàn toàn không đủ đảm bảo họ là người không tham trước. Họ cũng tham trước, sự tham trước đó được đổi sang món khác, và sự tham trước mới này còn đê mê, tham đắm hơn rất nhiều.
Vì thế, thái độ từ bỏ về tâm rất quan trọng. Người xuất gia phải buông bỏ về tâm bằng tất cả nhận thức sáng suốt thì cuộc đời cống hiến cho tu hành mới thật sự không uổng phí. Đối với Phật tử tại gia, họ đã bỏ khả năng làm giàu, đến chùa tụng kinh niệm Phật, bái sám kinh hành thiền quán, nghe giảng, làm lành, bố thí, cúng dường… Tất cả việc đó nếu muốn làm được thì phải bỏ hết các tham muốn về đời sống giàu có, phú quý, vinh hoa. Cấp Cô Độc đã để lại tấm gương rất quý về bố thí cúng dường đến độ toàn bộ tài sản của ông trở nên khánh kiệt. Cái đáng học ở ông là thái độ không bao giờ hối hận hay mất niềm tin vào chánh pháp. Nếu cúng dường Tam bảo với mục đích được Phật gia hộ sống an vui, hạnh phúc, hanh thông, khi không đạt được những ước nguyện thì mất niềm tin, cho rằng Phật không gia hộ, hoặc nghĩ rằng có lẽ ông thầy này tu không giỏi nên nhờ cầu nguyện không có kết quả. Tất cả quan niệm đó đều sai lầm. Bởi vì có những hạt giống đòi hỏi đến vài chục năm mới kết trái, có những loại cây chỉ ba tháng là trổ quả, thậm chí có loại sáng gieo chiều gặt. Đó là chưa kể đến sự tác động đa chiều của những gì diễn ra trong quá khứ, phối hợp với hiện tại mà thành. Cấp Cô Độc hiểu đạo lý rất sâu, làm từ thiện giúp đỡ người khác với tấm lòng Bồ tát để tìm trạng thái thong dong trong cuộc đời. Như vậy, thông qua các việc từ thiện, dù đang buông xả tài sản, bố thí, cúng dường, nếu tâm viễn ly thật sự thì dù khánh tận tài sản, người đó vẫn vui, có chăng nuối tiếc thì sự nuối tiếc trong trường hợp này là mình không còn tài sản để làm nhiều hơn. Đó là thái độ của bậc trí. Kết quả của thái độ bậc trí thong dong tự tại, Cấp Cô Độc được đền đáp bằng bài kinh của ngài Xá Lợi Phất giảng về vô ngã, dòng cảm thọ, ý niệm hóa, trong sự vận hành của tâm thức, trước khi ông nhắm mắt ra đi trong sự an lành ở tuổi xế chiều. Đó là một trong những tấm gương cho thấy tinh thần, thái độ thong dong, tâm buông xả để giúp cho bản thân được an vui, hạnh phúc.
Thong dong tự tại khác với “mặt dày mày dạn” hay “điếc không sợ súng”. Thong dong là thái độ của người không vướng bận, không câu thúc, không bị trở ngại, bị tác động bởi lời khen tiếng chê, không bị ảnh hưởng bởi môi trường hoàn cảnh thuận lợi hay không thuận lợi, có thì họ làm theo cách thức có, không thì làm theo cách thức không, trong cái có cái không này họ vẫn giữ được tâm an vui tự tại. Còn người mặt dày mày dạn là người có bản ngã đã được nhân lên quá lớn, đến độ không còn biết sợ là gì. Dạng này rất nguy hiểm vì họ sẽ không bao giờ cải thiện mà hãnh diện tự hào về những gì mình đã làm. Nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng là ví dụ điển hình của loại người mặt dày mài dạn.
Thong dong, dù ở trong không gian nhỏ hẹp, giới hạn bởi bốn bức tường nhưng lòng vẫn bao la, trí vẫn sáng, vẫn có được an vui, còn gọi là “tự tại”.
Một quan niệm phương Tây rất giống tinh thần nhà Phật, trừng trị tù nhân chỉ làm cho người đó “mặt dày mày dạn”, trở nên chai đá, căm phẫn cuộc đời hơn, mặc dù cũng có những trường hợp sẽ chấm dứt được tình trạng tương tự trong tương lai. Khi ở tù, tù nhân phương Tây vẫn được ăn uống đầy đủ, có các phương tiện giải trí, sách báo, tivi, được nghỉ ngơi thoải mái. Bởi vì họ rất coi trọng việc chuyển hoá giúp con người tẩy rửa được gốc rễ của khổ đau, của những cái bất toàn, thiếu an ninh, lận đận, khủng bố trong cuộc đời.
Tóm lại, hạnh phúc liên hệ đến nhận thức sáng suốt của con người với thái độ sống nhận chân những gì nên và không nên làm. Nếu nó là một dòng chảy, thì dòng chảy này mang lại khinh an của thân tâm, kéo dài không chỉ ở hiện tại mà còn tương lai. Dĩ nhiên, nó phải được đặt trên nền tảng của vị tha, vô ngã. Hạnh phúc chỉ đủ sức tồn tại khi các uẩn phá chấp không còn tác dụng trên các giác quan. Con người cảm thấy lâng lâng, cái lâng lâng vượt lên trên cảm giác lâng lâng của những loại thuốc kích thích. Đó là lý do tại sao nhiều người, dù rất là nghèo, đạm bạc, thô sơ nhưng vẫn nở nụ cười, có những đóng góp tích cực, các hạnh nguyện to lớn để dấn bước trong cuộc đời. Nếu người xuất gia không nhận ra được những điều đó, thì cuộc đời tu đôi lúc trở nên uổng phí.
Giam cả đời trai tráng trong nhà chùa, mà bản thân không được lợi ích, thì người khác không bao giờ có được chất liệu giải thoát hay ảnh hưởng tốt từ mình. Cho nên, người xuất gia phải nêu một quyết tâm lớn là trở thành pháp khí với hạnh nguyện cao cả, kiếp này không làm được thì kiếp sau sinh ra làm tiếp. Như vậy, mỗi giây phút ở chùa, khi còn duyên ở chùa, người xuất gia sẽ được an vui. Tất cả các nghi thức tụng niệm, hành trì, bái sám, tu tập, làm Phật sự, chấp tác lao vụ, mỗi cử chỉ, động tác, đều mang lại niềm an vui, bằng không đó chỉ là trạng thái đọa đày, tự tạo dựng nhà tù, địa ngục nơi mình đang ở, trong những việc mình đang làm, ngay tâm thức mình đang suy nghĩ.
Tu có hai khuynh hướng, một là hạnh phúc cho bản thân và người khác; hai là khổ đau cho bản thân và người khác. Người sáng suốt luôn chọn khuynh hướng đầu. Những người tu hiểu đạo lý vô ngã, áp dụng tinh thần vô sở úy để làm đạo, làm việc tốt, nhưng nếu không khéo sẽ lệch sang hướng xấu. Khi bị loạn vì tu không đúng hướng thì hành động xấu cũng vô chừng. Người ta cũng không thể đo lường chất liệu xấu đó theo kiểu tội tánh vốn không, chỉ quán tưởng lạc đề một chút cũng có thể gây ra nhiều tội lỗi, vì học thuyết này chủ yếu dành cho những người đang ngã, đã ngã có cơ hội để đứng dậy làm lại cuộc đời, không phải để bảo vệ bưng bít cho những người không chịu làm việc tốt. Do đó, tu có lợi ích rất lớn, nhưng tu sai cũng nguy hiểm rất nhiều. Hạnh phúc đạt được từ việc tu hành, dĩ nhiên hơn rất nhiều so với hạnh phúc thế gian. Chọn con đường tốt hơn, một phương trời cao rộng, một ý thức, lý tưởng cao đẹp, đó chính là tất cả cuộc sống, cũng là lý do tại sao chúng ta cần chọn đời tu, và tại sao nhiều người tại gia chọn đạo Phật như là một lý tưởng.
Thích Nhật Từ – Nhà xuất bản Phương Đông 2011
http://thuvienhoasen.org