Nghề gác đêm
Tại Ấn Độ có một nghề gọi là “nghề gác đêm” dành cho phái nam từ 20 đến 60 tuổi. Người làm nghề gác đêm thường cầm cây đi tuần vào ban đêm. Qua từng ngôi nhà, ông chống gậy xuống nền “cốc, cốc, cốc,…” sao cho chủ nhà phải thức giấc mà nghe được tiếng gõ cùng lời cảnh báo “Khuya rồi hãy ngủ đi, hãy ngủ đi” hoặc “Cẩn thận củi lửa, cẩn thận củi lửa”,…
Nếu đêm hôm đó, chủ nhà không nghe những tiếng gõ như vậy, ông ta sẽ bị trừ tiền lương, vì làm việc không nghiêm túc. Tiếng cảnh báo phải được chủ nhà nghe thấy để tạo cảm giác yên tâm mình được an toàn. Đó là nghề canh giữ cho giấc ngủ người khác. Trung Quốc và Việt Nam, xưa cũng có nghề này. Người làm nghề này không mấy khi được để ý, tán thán. Không ai dòm ngó đến họ. Công việc thầm lặng, tẻ nhạt và bạc bẽo, phải lang thang khắp thôn xóm, qua hàng trăm ngôi nhà dưới điều kiện khí hậu khi thì oi bức, lúc dầm mưa lạnh lẽo, ấy thế mà vẫn mang đến cho họ niềm vui, niềm vui phục vụ.
Hãy thử hình dung vào giờ đêm ai cũng cần phải ngủ. Nhưng người ta phải thuê một người chuyên đi canh chừng ban đêm, vì sợ ăn trộm. Liệu mỗi lần nghe “cốc, cốc, cốc”, “hãy ngủ đi”, chúng ta có ngủ được không? Không. Nhưng tại sao người ta vẫn cần người làm công việc đó? An toàn. Như vậy tính chất chủ yếu của công việc gác đêm là tạo sự an toàn.
Chúng ta vẫn biết người làm nghề gác đêm luôn nhắc nhở người khác coi chừng cháy, khuya rồi hãy ngủ đi… Thế nhưng, mỗi lần nghe nhắc nhở, có mấy ai để ý đến công sức bảo vệ sự an toàn cho mình, hầu như không ai để ý, thậm chí cũng chẳng ai hé cửa sổ nhìn ra và tán thán một câu. Họ chỉ chờ hôm nào không nghe tiếng nhắc nhở sẽ liền quở trách hoặc trừ lương. Ấy thế mà người gác đêm vẫn làm, bởi vì họ biết tìm ra được niềm vui trong việc giúp dân. Ngoài giúp dân, nó còn là cách thức nhận thấy ý nghĩa công việc làm của mình, thấy được ý nghĩa ngành nghề mình đang gắn bó.
Vậy nên, nếu ai cũng so đo, nghĩ rằng phải làm nghề nào đó quan trọng hơn, nhiều tiền lương hơn và được nhiều người tôn trọng thì còn ai làm những nghề thông thường đó. Mỗi ngành nghề đều có giá trị như nhau. “Lao động là vinh quang”. Cứ quan niệm mỗi nghề là một cơ hội để lao động. Mỗi loại hình lao động là một cách thức mang lại cho mình niềm vui và hạnh phúc, đặc biệt khi thấy được giá trị của nghề, giá trị của sự đóng góp.
Ấn Độ cách Việt Nam trên hai ngàn cây số. Người Ấn Độ khỏe mạnh, với nước da ngăm đen. Ấy thế mà họ không bao giờ mặc cảm với những người da trắng. Hạnh phúc là cái chúng ta có và thỏa mãn với nó. Không chấp nhận hiện tại mà tìm kiếm những cái cao hơn thì sẽ rơi vào khổ đau. Người Ấn Độ đa phần là những người sống rất hạnh phúc.
Mỗi hình thức lao động là dịp vui chơi giải trí hoặc khi giúp đỡ người khác, nói cách khác là thực hiện điều hay lẽ phải, việc công ích thì lúc bấy giờ chúng ta sẽ có được những niềm vui, có được rất nhiều hạnh phúc. Sống như vậy được xem là sống có ý nghĩa, sống tích cực.
Cũng cùng công việc, nhưng có người thực hiện với tâm trạng hân hoan, người khác lại thực hiện với tâm trạng chán nản. Cho nên, muốn có niềm vui thì bản thân chúng ta cần thay đổi thái độ. Đó là thái độ xung phong, không ganh tỵ, không so đo tính toán. Và muốn vậy, phải xem tất cả những người xung quanh là anh em ruột thịt, thì chúng ta mới khởi tâm thương yêu và giúp đỡ.
Cũng giống như người làm nghề gác đêm, nếu họ không coi những ngôi nhà mà họ đi qua như người thân của mình thì họ không thể gắn bó công việc một cách lâu dài, không thể phục vụ với niềm an lạc thật sự được.
Cái vỏ ốc
Có hai mẹ con ốc sên sống với nhau. Ốc sên con có thân thể mềm hơn ốc sên mẹ. Vỏ của nó cũng không cứng nên mỗi khi gió lớn hay mưa to, mỗi giọt mưa dội lên thân thể tạo cho nó nỗi đau. Khi gió thổi mạnh, ốc sên con cũng bị rớt bởi chất keo tiết ra từ miệng không đủ sức giúp nó bám chặt một cách an toàn ở bất cứ nơi đâu. Cho nên, ốc sên con luôn cần sự chăm sóc của ốc sên mẹ.
Hôm nọ, ốc sên con nói với mẹ: “Mẹ ơi, con biết rằng cái vỏ ốc này rất cần thiết, bởi vì nó giúp con tránh được mưa, đá giội lên mình. Nhưng tại sao chú sâu rọm cũng mềm mà lại không có cái vỏ như mình? Con mang cái vỏ trên thân thể này cảm thấy mệt nhọc, vì nó quá nặng và cứng. Đi đâu cũng phải vác trên lưng. Mẹ con mình hãy bỏ cái vỏ này đi”.
Ốc sên mẹ mới trả lời: “Con à, mặc dù cái vỏ này rất nặng, cứng, cồng kềnh, khó chịu nhưng thiếu nó thì những cơn mưa lớn, đặc biệt mưa đá,…, con sẽ đau nhức gấp nhiều
lần, thậm chí có thể chết. Cho nên con hãy giữ nó. Đừng bắt chước chú sâu rọm. Dòng họ sâu rọm thân thể nhẹ, có nhiều chân nên bò rất nhanh. Ngoài ra, họ có khả năng bám ngửa người xuống mà không bị rớt. Chỉ cần bám vào một chiếc lá, một thân cây và nằm cuộn tròn, họ có thể tránh được mưa hay những tình huống nguy hiểm”.
Ốc sên con chưa hài lòng: “Tại sao con giun sống dưới đất, thân hình nó cũng mỏng, mềm nhũn như mình, nhưng lại sống được?”.
Ốc sên mẹ lại nói “Con ơi, đừng tị nạnh. Giun có hang nằm dưới lòng đất. Mỗi khi bị con vật lớn hơn tấn công thì nó chui xuống hang và được an toàn. Chúng ta có vỏ ốc, hãy vui vẻ xem nó như căn nhà của mình, là nơi ấm để mình nương náu. Nó có thể thay thế cho cái hang dưới lòng đất của chú giun hay lá cây, thân cây phủ trùm che chở cho chú sâu rọm khỏi mưa nắng”.
Như vậy, ốc sên mẹ đã kết luận hai điều. Thứ nhất, con sâu rọm nhờ khả năng bám chắc, nhờ cây lá che chắn nên nó sống an toàn mà không cần cái vỏ. Thứ hai, con giun, con trùng nhờ lòng đất che chở nên nó cũng được an lành mà không cần vỏ. Còn loài ốc không có hai may mắn này thì phải sống bằng cái vỏ. Chúng ta có thể liên hệ nó như một căn nhà. Căn nhà có thể thay thế cái hang dưới lòng đất, thay thế cho thân cây phủ trùm với những chiếc lá giúp tránh mưa, tránh nắng.
Ốc sên mẹ ý thức được rằng “Dù không được bầu trời, lá cây che chắn như sâu rọm hay được đất bao bọc như con giun thì loài ốc vẫn may mắn còn có lớp vỏ cứng bảo vệ. Chúng ta có quyền tự hào về điều đó, và hơn hết là khả năng tồn tại lâu dài”.
Cuộc sống cũng vậy, chúng ta tự lực, tự vươn lên gầy dựng cho bản thân một ngôi nhà kiên cố để không bao giờ phải sợ hãi hiểm nguy, sống an vui hạnh phúc. Vỏ ốc được hiểu theo nghĩa vật chất như vậy. Nghĩa thứ hai thuộc về tinh thần. Con người sống dưới mái che của tình thương yêu, đùm bọc, san sẻ lẫn nhau thì cuộc sống trở nên êm đềm an lạc, cảm giác sợ hãi bị đe dọa, sẽ mất dần để thay vào đó là niềm tin vươn đến hạnh phúc.
Kinh nghiệm để có được hạnh phúc là chúng ta phải nương tựa vào một cái gì đó. Như loài sâu rọm nương tựa vào thân cây, chiếc lá; con giun đất nương tựa vào hang sâu; còn ốc sên phải nương tựa vào cái vỏ. Con người muốn có hạnh phúc lâu dài thì cần biết nương tựa, nương tựa vào cha mẹ, bạn bè, người thân, hoặc nương tựa vào bản thân, nếu hoàn cảnh không cho chúng ta có được sự nương tựa như ý muốn.