Đến với Đạo Phật, trước tiên chúng ta cần phải học những gì? Đó trước hết chính là mỗi chúng ta phải học cách sống Tỉnh Thức của Đức Phật. Thức Tỉnh lại chính thân tâm mình để tỉa nhánh, rồi dần mé cành và cuối cùng đi đến đốn đổ tận gốc rễ ba cây: Si (Si mê), Tham (Tham lam) và Sân (Sân hận) vốn dĩ đã ăn sâu, bén rễ trong chúng ta đã từ lâu lắm rồi.
Hãy thức tỉnh lại chính mình: Tất cả những gì thuộc về Thân, Khẩu, Ý mà chúng ta đã, đang và sẽ làm để rồi điều chỉnh lại sao cho hợp với đạo lý. Như từ ý nghĩ ác thành ý nghĩ lành; Từ lời nói ác thành lời nói lành; Từ việc làm ác thành việc làm lành và vượt lên trên cả hai thái cực ấy. Đó chính là ý nghĩa của hai chữ Tu Hành mà Đức Phật muốn dạy chúng ta từ gần 2.600 năm trước:
“Từ bỏ các việc ác,
Vâng làm các việc lành.
Giữ tâm ý thanh tịnh
Là lời chư Phật dạy.”
Tu theo Phật là những gì Phật dạy nên làm chúng ta cố gắng làm theo, những gì Phật dạy không nên làm thì nhất định chúng ta không được làm. Nghiệp nào ác, bất thiện thì chúng ta cần phải từ bỏ ngay, nghiệp nào thiện thì chúng ta nên duy trì. Và cũng đừng nên chê việc thiện nhỏ mà không làm và khinh việc ác nhỏ lại làm. Phật dạy: “Như nước nhỏ từng giọt, rồi bình cũng đầy tràn”. Phải luôn luôn Thức Tỉnh lại mình từ thân, khẩu, ý. Đoạn bỏ tham, sân, si. Đạo Phật coi trọng Ý hơn vì ý là gốc, hành động chỉ là cái ngọn. Nếu ý nghĩ sai mới dẫn đến lời nói sai hay hành động sai. Diệt ý ác tức là đã diệt tận gốc của mọi điều ác. Trong Kinh Pháp Cú (HT Thích Minh Châu dịch), Đức Phật dạy:
“Ý dẫn đầu các pháp.
Ý làm chủ, ý tạo.
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động.
An lạc bước theo sau,
Như bóng không rời hình”.
Và cũng như thế, nhưng: “Nếu với ý nhiễm ô, nói lên hay hành động” thì : “Khổ não bước theo sau, như xe chân vật kéo”…
Khái niệm về Nghiệp.
Các bạn có biết không? Phật dạy, khi chết chúng ta không mang theo được bất cứ vật gì có hình tướng như nhà cửa, vật chất, tiền của hay người thân v.v… Mà chỉ mang theo nghiệp để ra đi mà thôi! Nghiệp sẽ dẫn dắt chúng ta đi trong sáu nẻo của luân hồi sanh tử. Thật sự bản thân chúng ta chưa bao giờ chết, mà chỉ là một sự thay đổi báo thân. Chết chỗ này sanh chỗ kia, mất thân này liền thọ thân khác. Thân sau tốt hay xấu hơn thân trước đều là do nghiệp dẫn mà thành. Ngày xưa, trong pháp hội Thủ Lăng Nghiêm khi nghe Đức Phật chỉ ra rằng, chúng ta sẽ không bao giờ chết thì vua Ba Tư Nặc là người rất mộ Đạo Phật cùng tất cả đại chúng ai nấy đều nhảy lên vui mừng như thể chưa từng có.
Vậy nghiệp là gì? Thật rất khó có thể thấu hết được khái niệm về nghiệp. Tuy nhiên, trong phạm vi nhỏ hẹp, chúng ta có thể hiểu Nghiệp hình thành là do sự tạo tác từ Thân, Khẩu, Ý, thường thì lặp lại nhiều lần thành thói quen. Cơ bản, có hai loại nghiệp sau đây:
1. Nghiệp ác: Là một hành động, lời nói, ý nghĩ ác, bất thiện, thường thì được lặp lại nhiều lần thành thói quen gọi là nghiệp ác. Ví dụ: Sát sanh, trộm cắp, tà dâm, cờ bạc, uống rượu, nói láo, thêu dệt, ác khẩu…
2. Nghiệp thiện: Là một hành động, lời nói hay ý nghĩ thiện, thường thì nó được lặp lại nhiều lần thành thói quen thường hay làm việc thiện thì gọi là nghiệp thiện. Ví dụ như cúng dường Tam Bảo, làm từ thiện phúc lợi xã hội, hay giúp đỡ mọi người, nói lời chân thành, thật thà dễ nghe, không tham, không sân, không si v.v…
Nói về nghiệp, Kinh Phật có câu chuyện một ông Trưởng giả có bốn người vợ. Người thứ nhất rất trung thành và chung thuỷ với ông, nhưng suốt ngày ông không để ý tới. Người vợ thứ hai ông thường quan tâm. Người vợ thứ ba thì cũng luôn được ông chú ý quan tâm nhắc nhở. Người vợ thứ tư thì ông đặc biệt quan tâm hơn, ông đi đâu bà đều có mặt ở đó. Một hôm ông lâm bệnh nặng sắp chết nên gọi cả bốn bà vợ đến hỏi:
– Tôi sắp chết rồi! Trong bốn bà có bà nào tình nguyện chết theo tôi không?
– Người vợ thứ tư lên tiếng trước: Hằng ngày ông ở đâu thì tôi có mặt ở đó, vì vậy tôi xin đưa ông tới cửa.
– Người vợ thứ ba đáp: Hằng ngày, tôi luôn được ông quan tâm để ý luôn miệng nhắc nhở. Bây giờ, nếu ông chết, tôi xin đưa ông tới cổng.
– Người vợ thứ hai nói: Hằng ngày tôi cũng được ông quan tâm. Nếu ông chết tôi xin đưa ông ra đến mộ.
Đến lượt người vợ thứ nhất trả lời: Hằng ngày tuy ông không hề nghĩ gì đến tôi, nhưng bây giờ ông chết tôi sẽ chết theo ông.
Qua câu chuyện trên, Đức Phật có ý dụ cho chúng ta rằng, ông Trưởng giả bất công và phụ bạc kia chính là mỗi chúng ta. Người vợ thứ tư, Phật dụ cho tiền bạc. Chúng ta ở nhà hay mỗi khi đi đâu thường mang theo tiền bạc trong túi không thể thiếu nó, nhưng khi chết thì nó nằm trong tủ hay chỉ phạm vi trong nhà nên nói là đưa đến cửa. Người vợ thứ ba dụ cho của cải, tài sản, nhà cửa vì nằm trong phạm vi hàng rào nên nói là đưa tới cổng. Người vợ thứ hai dụ cho công danh chức tước, địa vị, sự nghiệp. Vì khi chết, đưa tang đến mộ người ta thường đọc điếu văn kể công trạng trước khi hạ huyệt nên nói là đưa đến mộ. Cuối cùng, người vợ thứ nhất Phật dụ cho Nghiệp của mỗi chúng ta. Dù là ác nghiệp hay thiện nghiệp đã tạo tác thì chúng cũng sẽ luôn luôn bám theo chúng ta như hình với bóng nên nói là sẽ chết theo cùng. Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy:
“Không trên trời dưới biển,
Không lánh vào động núi,
Không chỗ nào trên đời,
Trốn được quả ác nghiệp.”
Quảng Huy – Trích “Khuyên người học Phật”
http://www.lieuquanhue.vn