Dòng Sông Quê Mẹ

Lâu lắm rồi tôi mới có dịp đi lại trên dòng sông này. Bờ bên kia là vườn cây trái xum xuê chạy thẳng tới chân trời. Xa xa, từng cánh đồng lúa xanh non trải rộng như tấm màn nhung giăng kín mặt đất. Và ngay trước mắt tôi, vài cánh cò chao nghiêng đang bay lượn theo hương mùi mạ mới.

Đây là lần thứ hai tôi trở lại nơi đây. Nhớ năm nào em đưa tôi về quê để thưởng thức hoa quả đầu mùa sai quằn ngọt lịm. Khoảng cách của mười năm mà thấy như gần lắm. Sáng sớm trở dậy tôi còn ngỡ như mới hôm nào mình từng ở trong ngôi nhà này, từng đi trên con đường đất bốc mùi âm ẩm của bùn cùng làn hương đồng nội ngào ngạt qua hơi thở. Khi ấy em là cô nữ sinh trường tỉnh mộc mạc và chân tình còn hơn cả loài cỏ dại mọc quanh nhà. Trong chuyến đi theo đoàn từ thiện về quê, tôi làm quen và lưu lại nhà em chơi để rồi yêu luôn mảnh đất miền nam hiền hoà mà thơm thảo nghĩa tình. Còn Diệu Anh cũng đang tìm hiểu con đường chơn lý và màu y vàng của người tu sĩ. Tôi thường kể cho em nghe vài câu chuyện Phật Pháp cùng những gì mà mình đã được học, được kinh qua trong quá trình tu tập.
Bây giờ Diệu Anh đã chọn cho mình một hướng đi đúng với tâm nguyện thuở ban đầu. Những lời trao đổi tâm sự của hai kẻ đồng hành từ đây mang tính triết lý cao siêu hơn mà cũng thân tình gần gũi hơn. Cũng với cung cách nghiêm trang ý nhị nhưng cái tính vui tươi nhí nhảnh của người con gái miền sông nước Nam bộ trong em vẫn không mất. Khi thấy tôi tắm sông mà chỉ đứng ngâm mình trong làn nước mát lạnh. Em nhào xuống như chú sóc rồi kéo tay tôi chạy dài ra dòng sông, bảo tôi ngập lặn trong đó, bơi lội trong đó. Em vẫy vùng trong thế giới quen thuộc của mình một cách nhanh nhẹn tài tình. Tôi đành chịu. Chỉ biết mỉm cười nhìn em… mà thấy như cả dòng phù sa đang ngấm dần trong huyết quản.

Một cơn gió mạnh thổi tạt qua. Trời sắp mưa rồi. Tôi nghe có tiếng gió rít trong nắng ấm, tiếng xào xạt của từng chiếc lá rụng. Và rõ hơn cả là tiếng sóng vỗ từ hai bên bờ đất lở. Diệu Anh ngước lên nhìn trời nhìn mây rồi nói khẻ:

– Gió mạnh thế này sẽ không mưa to đâu. Đến chiều em sẽ dẫn cô qua bên cồn chơi. Trái cây chắc rụng đầy vườn. Ngày trước em hay rủ chúng bạn đi lượm xoài chua về ăn. Mẹ cứ la con gái mà thích ăn chua là làm biếng lắm đó.

Nhắc đến mẹ đôi mắt Diệu Anh lại đượm buồn. Năm năm về trước, mẹ em qua đời trong một cơn bạo bịnh. Cả tháng sau tôi mới hay tin nên không kịp về chia sẻ với em sự mất mát lớn lao này. Viết thư cho tôi em nói:-“Mẹ mất rồi, dòng sông đời em bỗng nổi sóng ba đào. Vườn cây trái ngày nào được cô ví ngọt ngào như dòng sữa mẹ, nay đã trở thành vị đắng đau thương của cuộc đời mà em đang phải nếm qua….”

Cái gia đình của em đó chỉ vỏn vẹn có hai mẹ con. Mẹ mất, cô sinh viên năm thứ hai trường Dược đành gác mộng sách đèn, trở về quê lo hương khói và canh tác mảnh vườn cây trái của mẹ để lại. Em sống lặng lẽ trong tâm trạng của kẻ mồ côi vừa đánh mất hết mọi thâm tình. Tôi chỉ biết gởi lời an ủi, động viên em và chờ đợi sự kỳ diệu của viên thuốc thời gian.

Mãn tang mẹ em đi xuất gia nơi một ngôi chùa gần nhà. Sau đó tôi gởi em về Thành Phố để tiện việc đi học. Thỉnh thoảng tôi đến thăm, để được nghe em kể những câu chuyện về dòng sông trái ngọt quê nhà. Nhìn em hồn nhiên vui tươi như cô bé nữ sinh ngày nào, tôi biết là em đã tìm thấy niềm an lạc trong đời sống tu niệm. Ngày đám giổ mẹ, em lại rủ tôi về quê. Được trải lòng với sông nước, tôi những muốn cảm thụ cùng em bao cảnh đẹp thiên nhiên cùng với những thâm tình của người dân quê chất phác. Ngôi nhà nhỏ không ngớt người thân cùng hàng xóm lui tới. Họ cung kính đốt nén nhang tưởng nhớ đến người đã khuất, thăm hỏi người con gái của quê hương, bây giờ đã yên vui nơi cửa Phật bằng tấm lòng quý mến trân trọng. Mùa Vu Lan vừa đi qua. Âm vang của ngày báo hiếu, ngày xá tội vong nhân dường như còn phẳng phất nơi đây. Mọi người tìm đến nhau để được tỏ bày chút niềm tri ân báo nghĩa. Họ thật tình bày tỏ chứ không ra vẻ màu mè càng làm cho không gian và lòng người thêm trải rộng chan hoà. Nhớ hôm rằm tháng bảy khi tôi cài cho em một cánh hoa hồng trắng, Diệu Anh xúc động nói:

– Mẹ mất rồi..nhưng sông nước và cây trái quê nhà vẫn còn đó, tình người vẫn còn đó. Em đã lớn lên trên mảnh đất này, được nuôi dưỡng bằng bầu sữa ngọt ngào, trong tình yêu thương của mẹ, của bà con làng xóm. Khi đã chọn đời sống thoát tục, em vẫn thấy mẹ luôn hiện hữu bên mình. Mẹ luôn dõi theo từng bước chân, nung đúc cho em thêm niềm tin và sức mạnh để tiến mãi đến bến bờ an vui giải thoát.

Diệu Anh cảm nhận tình mẹ qua những dòng chảy dạt dào nơi vùng quê yên bình chơn chất. Còn tôi thì lấy cảm xúc từ em mà dệt nên vài áng văn chương cho đời: “Có ai đếm đủ từng chiếc lá trên cành, nếm cho trọn hết những hương vị của các loại cây trái chín mùi qua bao mùa mưa nắng sẽ thấy được công ơn của mẹ hằn sâu nơi đó… Và dòng sông kia ai uống cạn để đong cho đầy tình mẹ bao la…”

– Diệu Anh nè…em có nghe dòng sông đang nói chuyện không ?

Em bật cười khi thấy tôi bắt đầu văn vẻ. Trầm ngâm giây lát, Diệu Anh trả lời, giọng nhỏ nhẹ như đang thì thầm với dòng sông:

– Em cũng từng lắng nghe dòng sông này nói chuyện bao lần rồi…kể từ khi mẹ vắng bóng nơi cõi dương trần. Nhưng cô đã nghe sông nói những gì ?

– À ! Mà hình như là sông đang hát đấy. Một điệp khúc muôn đời về tình mẹ. Những người mẹ thế gian luôn hiện hữu bên dòng sông đời. Vậy mà đôi khi con người ta lại bỏ quên đi niềm hạnh phúc thiêng liêng ấy, để đuổi bắt theo chút bọt ảnh phù phiếm trên những ao hồ bé nhỏ. Dòng sông quê mẹ đưa ta thênh thang bước đi bằng niềm tin, bằng tất lòng tự hào được vươn lên từ lòng đất mẹ.

Diệu Anh có vẻ ngạc nhiên khi nghe tôi nói. Chắc em nghĩ tôi đang diễn tập cho thông thạo để tuần tới lên thuyết giảng trên lớp. Tôi lại miên man theo từng lời của dòng sông. Câu hát về đời người đã trở thành niềm thiên thu cho cuộc sống.

“Người tìm đến với bước chân… từng cơn mưa trút lá, và dòng sông cuốn đi.
Người tìm về dòng sông.. hỏi thầm về đời mình, hoang vu dòng nước lũ.

…. Ôi hư vô phong kín… Rồi dòng sông vẫn miên man đưa người về …”

Trời bắt đầu đổ mưa. Cơn mưa tháng bảy dìu dặt như lời ru buồn của mẹ. Diệu Anh đã bước lên bờ và đưa tay vẫy gọi tôi. Nhìn khuôn mặt ướt đẫm nước mưa của em, tôi mường tượng những giọt nước mắt em đã khóc trong ngày mẹ mất. Thời gian và lý tưởng đạo mầu đã giúp em xoa dịu nỗi đau mất mát mà vững vàng hơn trong mọi cách nghĩ cách nhìn. Tôi chợt hiểu vì sao em lại yêu dòng sông này đến thế. Em ra đời và lớn khôn trong vòng tay của mẹ. Nhưng chính dòng sông quê hương đã cho em một trái tim, một lẽ sống để biết cảm thương san sẻ….

Có một dòng sông vừa trôi qua.…Dòng sông của sự tĩnh thức quay về. Trên mỗi dòng sông đều in đậm dấu chân đời lam lũ mà bao bà mẹ hiền dãi dầu khuya sớm đi về. Những đứa con trưởng thành như cánh chim trời bay mãi. Chỉ một lúc nào đó khi chợt nhìn về giòng sông, ta thấy như có cả nguồn suối yêu thương sâu thẳm không bến bờ…

Truyện ngắn – Lam Khê

http://www.buddhismtoday.com/viet/truyen/dongsong.htm

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.