Quà Tặng

ồi ông cũng quen dần với những ngày không quyền chức. Giã biệt ngôi cao và gần bốn mươi năm đua bơi chốn quan trường, ông trở về cõi riêng bình lặng. Những người thân yêu, mảnh vườn xinh, những khóm cây, mấy chuồng chim lủng lẳng với giàn thiên lý… chầm chập lấp đầy khoảng trống trong ông – cái khoảng trống mơ hồ nhưng thật như sờ được đối với nhiều quan chức vừa rời nhiệm sở như ông. Tĩnh tâm, ông lan man với chiêm nghiệm: về vườn âu cũng là dịp hay để đong đếm lòng người và hiểu chính mình. Ông cười chua chát khi ngộ rằng, hóa ra bấy lâu ông vẫn khen “ngon” khi “ăn” bao “quả” lừa của thuộc cấp.

Ngày ông còn vắt vẻo trên chiếc ghế giám đốc công ty, khối đứa nhũn như người không xương khi diện kiến ông. Liền đó, tiếng cười cầu lợi phe phé phát ra từ những cái miệng dẻo như kẹo kéo cùng mớ cử chỉ đưa đẩy (giờ nghĩ lại, ông thấy mỉa mai đến cay đắng). Rõ nhất là khi nhà ông có công to việc lớn. Đám giỗ cụ thân sinh, đám cưới con đầu, tiệc mừng con út ông vào đại học… đều là dịp tốt để mấy tay trong nhóm “cực nhanh” thể hiện tài mẫn cán. Bọn họ tình nguyện làm cửu vạn từ khuân bàn, vác ghế đến bưng bê, bày dọn. Khi ông ngỏ lời nhờ việc gì đó, lập tức nhận được sự đi tắt đón đầu: “Bọn em tính cả rồi”; nếu ông mó tay vào việc của mình, tức thì được biến thành khách quý: “Ấy chết, đây là trách nhiệm của bọn em”. Vào dịp đó, ông chỉ đóng bộ thật oách, với nụ cười thường trực trên môi và liên tục “cảm ơn”, nâng cốc. Xong việc, chỉ cần ông hạ cố ban phát vài lời cảm ơn vật vờ cũng đủ khiến đám “tình nguyện viên” có quyền vênh mặt với người khác. Vậy mà khi mới phong phanh nghe ông hồi quán, bọn họ đã nhất loạt hô “biến”.

Ngay cả việc hằng tháng đưa tiền lương ra nhà cho ông trong những ngày ông chờ làm dân mà tay tài vụ cơ quan rề rà như con rùa lật ngửa. Gặp nhau, anh ta bãi bôi vài câu quấy quá, nhạt đến nước ốc cũng thua rồi cáo từ. Vội đến, vội đi, hững hờ như giao dịch giữa chợ của kẻ từng như người nhà khiến ông tức nghẹt thở. Tương tự là tay trưởng phòng hành chính của công ty. Khi ông điện thoại vào nhờ việc gì đó, anh ta ậm ờ, lạch bạch như con ngỗng què. Có lần ông xin chuyến xe đưa cả nhà về quê giỗ họ mà gã cật vấn, nâng lân đặt xuống khiến ông điên tiết. Và rồi, ông đau hết cả người, đau từ ngoài vào trong khi phải ngồi lên chiếc xe rách như ổ của người nguyên thủy. Chẳng bù khi đám cưới con gái ông, lúc ông còn tại vị. Ông bảo làm phiên phiến thôi, bởi cô dâu vác cái bụng chênh ềnh như trống chầu nên mong người ta rước cho là phước rồi. Nhưng trưởng phòng hành chính bảo cứ phải hoành tráng. Riêng khoản xe, anh ta nhất định tập hợp đủ mười tám chiếc để có số đẹp, thành ra nhiều xe chỉ chở gió. Càng nghĩ, ông càng ngán ngẩm cái mớ đời. Lạ là mỗi lần nhớ chuyện cũ, ông hay nghĩ về người lái xe của mình.

Khi ông làm giám đốc công ty, Thịnh được phân công lái xe cho ông. Cái bắt tay chừng mực, nét mặt thân thiện vừa phải (nếu đo đếm được thì chỉ có một nửa sự thân thiện) toát ra từ khuôn mặt ấy cùng dáng người thô thô và cách mang mặc lùi xùi của người giúp việc khiến ông chẳng mấy cảm tình trong lần đầu giáp mặt. Thủ trưởng nào chẳng muốn có nhân viên giúp việc bắt mắt, chỉ là phông nền nhưng cần lắm. Ông cũng không ngoại lệ. Thịnh thì chất quê như đã ngấm vào người từ kiếp trước. Ngoài những lúc chạy xe, Thịnh loanh quanh, lọ mọ cùng đám cây cảnh trong khuôn viên cơ quan. Từ những mầm chồi mới nứt mắt, anh chăm bẵm, cắt tỉa thành những chậu cây xinh xinh. Những khi hai thầy trò cùng về các huyện trung du, miền núi, ông làm việc còn Thịnh ra bờ sông, bờ suối hì hục đào những gốc sung, sy, lộc vừng. Sau Tết, Thịnh nhờ anh kéo xe rác của công ty vệ sinh gom cho những gốc đào, mai héo queo, bị người ta thải ra đem về “cấp cứu”. Mấy năm nâng niu mới được chậu cây ưng ý nhưng đồng nghiệp nào thích, anh cho đổi chủ ngay. Hiền như thấy điều gì chướng tai gai mắt, Thịnh “nổ” liền. Những buổi giao ban, trưởng phòng hành chính hay nhắc việc tiết kiệm của công. Anh kê ra bóng đèn phòng này sáng không đúng lúc, vòi nước buồng kia rò rỉ, khiến người bị phê bình cứng họng, muốn cãi cũng chịu. Nhưng Thịnh phang ngang: “Chỉ cần mấy sếp bớt một chai rượu trên bàn nhậu là được mấy trăm khối nước, toàn công ty cởi truồng tắm cả ngày cũng không hết!”. Mọi người cười ồ, sực tỉnh. Riêng trưởng phòng tức tái mặt.

Đến ông, lắm phen Thịnh cũng cản mũi hệt như gián quan ngày trước. Chẳng là sau mỗi cuộc nhậu, mấy tay tài chính, hành chính thường thiết kế “hiệp hai” vui vẻ, thư giãn. Bọn họ là những giọng ca “trưởng thành” từ bia rượu, hát như chửi nhau nhưng lẽo đẽo đi theo làm “vật tế thần” cho sếp là chính. Riêng Thịnh, dù được đả thông là mát xa sạch, ca hát trong luồng nhưng vẫn không thích, còn có vẻ khó chịu. Buông lời xa xôi ngăn cái sự sung sướng của thủ trưởng không xong, Thịnh nói thẳng: “Anh cứ nghe mấy thằng kia, có ngày mang họa”. Ông sôi máu, quát như vỗ mặt kẻ thuộc cấp. Từ đó, mỗi lần ông liêu xiêu những bước chân vắt sổ đi vào chốn mờ ảo, hiu hiu ánh điện, Thịnh ngã ghế nằm trên xe chờ. Trước những lời có cánh của đám “cận thần” muốn cho sếp lên mây, anh nhăn mặt quay đi. Những lúc trưởng phòng hành chính bảo lấy xe đưa vợ con sếp đi chợ, đi chơi, anh lẳng lặng làm theo như cái máy. Thái độ bất hợp tác của Thịnh không qua được trưởng phòng. Một bữa, anh ta rỉ tai ông: “Lái xe mà nhủng nhẳng thế kia, có ngày xì ra, đâm hư sự anh ạ”. Ông cười, cắt ngang: “Tôi biết chú định nói gì, cứ để Thịnh lái cho tôi”. Khúc dạo đầu chưa nhận được cái gật gù như mong đợi, tay trưởng phòng cứ có dịp là kể lể khuyết tật của người anh ta ghét. Ông lung lay.

Không lâu sau, Thịnh bị điều xuống lái xe dùng chung của công ty. Vì là xe dùng chung nên chẳng khác chuồng gà di động là mấy. Đã thế không ai muốn đi xe ấy, thành ra Thịnh chơi dài. Lái xe không cầm vô lăng khác nào cầu thủ không được ra sân, Thịnh có vẻ buồn. Anh lấp chỗ trống bằng những việc vặt, khi thì giúp chị cấp dưỡng nấu cơm, lúc làm cho cô tạp vụ cái giàn mướp. Đám cây cảnh của anh nhờ thế cũng được chăm chút tỉ mẩn hơn. Hẳn không biết việc điều động mình như là cách giải tỏa bực tức của cấp trên, với ông, Thịnh vẫn như ngày nào. Ngay với “đại kình địch” là trưởng phòng hành chính, Thịnh cũng không để bụng. Khi nghe anh này bị tai nạn giao thông, Thịnh hộc tốc lao vào viện. Bệnh nhân phải truyền máu khi mổ cấp cứu nhưng viện vừa hết máu thuộc nhóm đang cần. Thế là Thịnh cùng mấy đồng nghiệp xắn áo, chìa cánh tay cho bác sĩ chích kim.

Ông đón cái Tết đầu tiên sau ngày về hưu trong bình lặng không ngờ. Xa rồi những cái Tết với người xe, cười nói, những lời chúc cao vút đầy từ trong nhà ra đường; cùng với đó là quà. Đã là quá vãng, thời ông ngỡ mình luôn ngập trong yêu thương, quý trọng của đồng nghiệp. Những lời trân trọng, những tràng pháo tay như sấm mỗi khi ông xuất hiện chỉ còn mong manh trong ký ức. Người ta còn những mối quan tâm khác – ông tự an ủi nhưng lòng man mác.

Chiều cuối năm, ông đang ngẩn ngơ nơi ngõ vắng thì Thịnh đến. Ngất ngưởng trên chiếc  xích lô cùng chậu mai đơm đầy búp, Thịnh vẫy tay chào ông từ xa. Sau khi cùng anh đạp xích lô khệ nệ khiêng chậu cây vào sân, anh lấy chổi quét lớp cát dính quanh chậu, nhìn ông cười: “Của nhà nên không được nét lắm, anh chưng cho vui”. Lời cảm ơn đọng trên môi, ông đứng lặng. Đây là món quà đầu tiên Thịnh tặng thủ trưởng, cũng là món quà đầu tiên ông nhận được kể từ ngày về hưu.

Chuyện giữa họ kéo dài đến khi ấm trà thứ hai bắt đầu nhạt và ánh ngày đã tắt trên ngọn cau trước ngõ. Nghe ông ta thán về cái sự bạc bẽo của lắm người thân thuở trước, Thịnh im lặng hồi lâu. Bất chợt anh nắm tay ông, thân tình: “Có lúc nào anh tự hỏi, sao mình bị đối xử tệ thế không?”. Ông bối rối, không lời đáp, Lâu, thật lâu ông mới lên tiếng như để giải tỏa lòng mình: “Hồi phải chuyển công việc, cậu có giận tôi không?”. Thịnh nhìn vào mắt ông: “Em bực, khi biết đó là ý định không sạch của người khác, nhưng anh chẳng ngăn”. Ông tròn mắt: “Tôi thấy cậu vẫn bình thản”. Thịnh tươi cười: “Em dại gì tự hạ mình thành kẻ hèn mạt bằng trò thù vặt, hả anh?”.

Ông ngước nhìn người lái xe quen thuộc, bỗng thấy lạ đến ngỡ ngàng.

NGUYỄN TRỌNG HOẠT – Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 136

http://vanhoaphatgiaoblog.com/truyen-ngan/qua-tang.html

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.