Phật tử Long Vận:
Nói đến Phật tử Long Vận có thể nhiều người trong chùa Quang Minh sẽ không biết. Nhưng nói chú Tư Sinh hay anh Tư Sinh thì rất nhiều người biết ngay. Thầy trụ trì Thích Phước Tấn thường gọi Phật tử Long Vận là chú Tư rất thân mật. Tôi thì gọi là anh Tư vì là người đồng hương với nhau. Nhà anh Tư và tôi ở thành phố Mỹ Tho gần nhau. Anh và tôi học cùng trường trung học Nguyễn Đình Chiểu, một trường công lập lâu đời nhất ở miền Nam Việt Nam. Anh Tư thuộc thế hệ đàn anh và lớn hơn tôi gần một con giáp. Lúc anh Tư đi du học bên Hoa Kỳ tôi mới vào học lớp đệ tứ. Cùng định cư tại Úc, tha hương hội ngộ đồng hương và anh xem tôi như một đứa em. Anh nói chuyện với tôi xưng anh Tư, gọi tôi là em thật ngọt ngào. Nhà anh ở Adelaide, nhưng anh đi làm tại Melbourne từ thứ hai đến thứ sáu. Anh chỉ về với vợ con ở Adelaide vào cuối tuần mà thôi. Anh không phải là liên viên chánh thức của đạo tràng Cực Lạc Liên Hữu chùa Quang Minh, nhưng thỉnh thoảng anh đến thọ bát quan trai, hay tham dự những khoá tu ngắn hạn. Từ khi gặp gỡ anh Tư ở trong đạo tràng và anh trở thành thân thiết với tôi. Lâu lâu anh đến nhà tôi và mang cho gia đình tôi những đặc sản nông trại của anh ở Adelaide.
Mùa thu năm rồi Ni Sư Triệt Như đến hoằng pháp tại Úc Châu. Ni Sư có mở một khoá tu tại chùa Từ Quang. Anh Tư có đến tòng tu. Sau khoá tu nầy anh ngã bệnh và tôi không có cơ hội gặp anh nữa. Dù vậy, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn liên lạc với nhau qua điện thoại. Mỗi thứ bảy anh và tôi hay điện thoại nhau để vấn an và đàm đạo. Anh hay nói:
“Anh bệnh nhưng không sao đâu em, anh chỉ tội nghiệp chị Tư em lo lắng cho anh quá!”.
Có lần hai anh em thảo luận về khoá tu do Ni Sư Triệt Như hướng dẫn. Tôi không đủ duyên để theo tham dự khoá tu. Anh kể cho tôi nghe tóm tắt những gì anh hiểu được ở tánh không như sau.
“Em à, Phật pháp thậm thâm vi diệu nên đôi ba ngày, đôi ba năm học hỏi và hành trì chẳng được bao nhiêu đâu em. Trong toàn bộ giáo huấn của Bổn Sư Thích Ca của chúng ta thì tánh không là một chủ đề khó thấu triệt nhất, bởi vì đây chính là phần cốt lõi của Phật giáo. Những người họ chỉ biết nghiên cứu bằng sách vở, chẳng những sẽ không hiểu được tánh không, mà lại còn rất dễ hiểu biết sai lầm. Trái lại, những ai biết quan chiếu tất cả những gì xảy ra trong tâm thức mình và tự nhận định được những điều nào là đúng trong chính tâm thức mình thì mới không sợ bị lầm lẫn.
Sau khóa tu với Ni Sư, anh cố gắng thực tập quán sát sự tiếp xúc giữa tâm thức với tất cả các sự vật chung quanh. Anh cố nhận biết được bản chất của các hậu quả mang lại từ sự tiếp xúc đó. Nhiều người xem Đức Phật như một y vương tâm thần. Chúng ta cũng đã biết có hai loại bệnh. Bệnh thứ nhất là các bệnh thuộc thân xác và thứ hai là tâm thần thuộc lãnh vực tâm linh. Bệnh tâm linh là một căn bệnh khi người ta không thấy những sự vật, sự việc đúng như thật. Cái bệnh thể xác của anh hiện tại không ghê gớm bằng thứ bệnh liên quan đến vô minh, hay là sự hiểu biết sai lầm. Nếu chúng ta hiểu biết sai lầm thì tất nhiên là nó sẽ đưa đến những hành động sai lầm và từ đó phát sinh ra những đau khổ ngút ngàn.
Vì vậy, chúng ta nên nỗ lực chữa lành được căn bệnh tâm linh ấy. Phương thuốc giúp chữa khỏi chính là tánh không. Hơn nữa tánh không là một phương thuốc có công năng giải hóa tất cả mọi thứ tâm bệnh. Bởi vì đạt được tánh không, là đạt được sự giải thoát hoàn toàn . Phương thuốc giúp chữa lành căn bệnh tâm linh chính là sự hiểu biết và giúp chúng ta ý thức được tánh không. Khi tánh không hiện lộ ra, nó sẽ chữa khỏi những căn bệnh của tâm. Ngoài ra anh Tư của em đã và đang thực tập hạnh bố thí. Đây chính là một hành động buông xả và cũng là một cách để buông bỏ chính mình . . .”
Mấy tháng sau tôi và anh Tư không có gọi điện thoại nhau. Lúc đó sắp hết mùa đông năm 2015. Đêm đó anh Tư gọi điện thoại cho tôi mới biết anh ra vào bệnh viện nhiều lần trong vòng mấy tháng qua. Melbourne ngoài trời mưa nhiều, gió thổi vụt vù. Tôi đọc cho anh nghe bài thơ tôi mới viết cách đó vài hôm:
Bây giờ mùa đông sắp tàn,
Gió đông thổi hết lá vàng thuở xưa.
Thời gian nước chảy gió lùa
Lòng còn lưu luyến một mùa lá rơi.
Nghìn năm mây trắng vẫn trôi,
Dòng sông nước vẩn muôn đời về xuôi.
Vô thường cảnh vật đổi dời,
Nương dâu biển cả một thời còn đâu!
Xuân xanh thoáng đã bạc đầu,
Sao còn xây dựng gác lầu làm chi.
Vô thường tất cả còn gì,
Gò hoang, đất lạnh xì xào gió đưa.
Tranh nhau chút lợi danh thừa,
Đến khi đạt được cũng vừa hoàng hôn.
Nắng chiều lịm tắt cô thôn,
Đêm đông gió lạnh oan hồn thở than.
Bao nhiêu danh lợi bạc vàng,
Cũng không mua được ngày tàn thế nhân,
Vô thường lớp sóng bao lần,
Mà không thức tỉnh cõi trần vẫn mơ,
Nghìn năm mây vẫn lửng lơ,
Hai vầng nhật nguyệt muôn đời sáng soi,
Số phận con người gẫm coi,
Trăm năm một thoáng để rồi ra đi . . .
Nghe qua, anh Tư thích những vần thơ trên. Anh kêu tôi gởi qua e-mail cho anh in ra để ngâm nga trong những lúc trống vắng. Hiện tại anh Tư không được tiếp xúc người ngoài, ngọai trừ gia đình, vì anh yếu dễ lây bệnh của người khác. Có lần nói chuyện qua điện thoại anh Tư khuyên tôi:
“Trong cuộc sống ai cũng có riêng cho mình những kế hoạch, những dự định riêng, rồi những nỗi lo toan cho cơm, áo, gạo. tiền. Nhưng đôi lúc, dường như con người chúng ta không còn có thời gian quan tâm tới những việc, những người xung quanh. Trong dòng đời vội vã, nhiều người dường như đã quên đi tình nghĩa giữa người với người. Cuộc đời đâu phải chỉ trải đầy hoa hồng, đâu phải ai sinh ra cũng có được cuộc sống giàu sang, có được gia đình hạnh phúc toàn diện mà còn có nhiều mảnh đời đau thương, bất hạnh, cần chúng ta sẻ chia, giúp đỡ. Chúng ta đâu chỉ sống riêng cho mình, mà còn phải biết quan tâm tới những người khác. Đó chính là sự cho và nhận trong cuộc đời này.
Em chắc cũng đã có lần nghe câu nói: cho đi là hạnh phúc. Nhưng em à, thực hiện được điều nầy không dễ đâu nghen. Hạnh phúc nhận được khi cho đi chỉ thật sự đến khi cho đi mà không nghĩ ngợi đến lợi ích riêng của chính bản thân mình. Đâu phải ai cũng quên mình vì người khác. Em ơi sống đừng chỉ lo cho mình không thôi, hãy để trái tim có những nhịp đập yêu thương để giúp đỡ người khác.
Cho, không có nghĩa là khi chúng ta có đầy đủ về vật chất mới có thể giúp đỡ người khác, mà đôi khi chỉ cần một lời hỏi han, khuyên lơn đúng lúc để giúp người khác để có thêm sức mạnh, niềm tin và nghị lực. Em hãy làm một việc gì đó, có thể giúp đỡ một ai đó trong lúc túng quẫn, những kẻ xa cơ lỡ vận, hay những lúc gặp khó khăn, em sẽ nhận được những niềm vui vượt lên hơn cả sự mong đợi. Dù cho rằng sự giúp đó chỉ chút ít tiền bạc hay chỉ là một vài lời động viên an ủi; em sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc tràn ngập từ trong sâu thẳm trái tim mình. Hạnh phúc đó đang đến từ chính hành động đẹp đẽ của em. Khi người khác gặp khó khăn, em nên luôn ra tay giúp đỡ. Khi người khác có tâm sự, nỗi niềm, em nên là người lắng nghe và sẵn sàng chia sẻ. Khi thấy người khác hạnh phúc, em hãy luôn mỉm cười, chung vui với người khác, đừng ganh tị. Cuộc sống này có quá nhiều điều mất mát bất ngờ, nhưng quan trọng nhất là chúng ta giữ lại mãi tình yêu thương. Tóm lại sống không chỉ là nhận mà còn phải biết cho đi. Lúc chúng ta cho đi nhiều nhất, là lúc ta được nhận lại nhiều nhất.
Anh tin tuyệt đối rằng trên đời này luôn có luật nhân quả và gieo gió thì sẽ gặp bão. Nếu chúng ta biết yêu thương người, thì cũng sẽ được yêu thương trở lại. Khi chúng ta giúp người khác, thì cũng chính là lúc chính ta tự giúp mình. Khi chúng ta cho đi cũng chính là lúc chúng ta nhận lại. Đây là những điều kỳ diệu nhất của cuộc sống.”
Vào trung tuần tháng 9 năm 2015, tôi vào nằm bệnh viện St Vincent, ở Melbourne. Tôi không ngờ anh Tư cũng nằm trong bệnh viện ở Adelaide. Đêm đó anh điện thoại thăm tôi, trong khi cả hai đều nằm trên giường. Nhất là cả hai đều trải nghiệm được cái bệnh khổ, vì cả hai đều đang là bệnh nhân. Cả hai đều thông cảm cho những tiếng rên la thảm thiết của kiếp nhân sinh khi lâm vào cảnh đau đớn.
Vài tháng sau đó anh điện thoại tôi lần nữa, anh nói về việc tu thân cho tôi nghe:
“Em à, bổn phận quan trọng và trước tiên là đối với bản thân của mình. Tu thân, tề gia, trị quốc rồi mới bình thiên hạ. Mọi việc sẽ chẳng tới đâu, nếu bản thân ta chưa biết tu tập. Vấn đề ưu tiên không phải là những gì xung quanh mình, nhưng là chính mình. Vì thế quan trọng nhất là đối diện với chính mình. Gần cả năm nay anh Tư của em tự giam mình trong một căn phòng và tách rời với bên ngoài để chính mình nhìn lại mình từng phút, từng ngày.
Em à nhìn giỏi không phải là nhìn người khác, mà là nhìn vào bản thân mình, để thấy được chính mình. Ai không nhìn thấy bản thân mình thì cũng chẳng nhìn thấy được tha nhân. Sự dừng lại là một khoảng trống, nhưng đừng sợ hãi vì phải đối diện với chính mình, đừng sợ thấy những điều mình không muốn thấy, nhưng lại là những điều cần nhất phải thấy. Như vậy chúng ta mới thấy rõ bộ mặt của chính mình. Chúng ta thấy những cái đáng lo ngại trước lối sống và tình trạng của mình; thấy mặt trái nhân cách của mình. Chúng ta thấy không thể tiếp tục che giấu bộ mặt thực của mình với nhiều loang lỗ.
Tương tự cũng như nhìn, nghe giỏi không phải là nghe người khác mà là nghe chính mình. Ai không nghe mình thì cũng chẳng hiểu người khác. Chẳng ai có thể hiểu được người khác thâm sâu, khi chưa hiểu được chính mình. Có biết lắng nghe mình, mới có yêu thương thực sự và trọn vẹn người khác đó em.
Sự tĩnh lặng trong tâm hồn là một nghệ thuật, nhưng nó đang bị đánh mất giữa một thế giới hiện tại, càng ngày càng nhiều những ồn ào, hấp tấp và xáo động từ mọi phía. Âm thanh bên ngoài dường như nó chiếm cứ toàn bộ cuộc sống con người, từ lúc thức dậy đến khi đêm về đi ngủ. Những âm thanh đó như bức tường che lấp và phủ kín âm thanh của tâm hồn, khiến ta không còn khả năng đối diện với chính mình.
Từ lúc ngã bệnh đến nay anh có được sự tĩnh lặng từng giờ, từng ngày và nhận biết sự thật có bóng tối thì mới có ánh sáng. Anh phải can đảm vượt qua mọi trở ngại mới biến nỗi buồn thành niềm vui”.
Có lần tôi đang trong sở làm anh Tư gọi điện thoại cho tôi. Anh nói anh đã lên Melbourne và đang nằm tiếp huyết ở nhà thương St Faukner ở Coburg cách nhà tôi chừng và trăm thước. Anh kêu tôi đến gặp anh. Đáng tiếc thay, tôi vì việc làm không thể đến với anh được. Mới đây tôi và anh Tư nói chuyện nhau hằng giờ. Cả hai đều nhắc về Mỹ Tho với con sông Bảo Định, bến đò xưa, chợ Cũ, rạp hát Viễn Trường vân vân và vân vân. Khi nhắc đến mận Trung Lương anh khoe anh có trồng giống mận Mã Lai ngon ngọt lắm. Anh dùng điện thoại di động chụp hình những cây mận trồng sau nhà anh với những chùm trái nặng trĩu và gởi qua viber cho tôi xem “thấy mà thèm”. Vài ngày sau đó anh gởi qua bưu điện cho tôi ba hạt mận làm giống để trồng.
Buổi sáng đầu mùa đông nầy tôi nhận tin anh đã thanh thản ra đi trong đêm 30 tháng 5 năm 2016 (nhằm 24 tháng 4 năm Bính Thân). Thầy trụ trì đi máy bay xuống Adelaide hai lần: một lần tẩn liệm 02/06/2016 và một lần làm lễ hỏa táng cho anh 06/06/2016. Nhiều thân hữu, đạo hữu và đồng hương từ các nơi xuống Adelaide đưa tiễn anh Tư lần cuối cùng.
Hai đóa sen rơi rụng giữa mùa đông:
Liên hữu Tâm Trúc có mặt trong đạo tràng Quang Minh từ thuở ban đầu. Chị Tâm Trúc đã làm duy na trong các thời khoá của đạo tràng trong nhiều năm. Cách đây hơn 2 năm chị quên hết sự đời nên phải ngưng sinh hoạt. Tôi còn nhớ trước kia mỗi lần gặp gỡ chị ở chùa chị hay nói: “Em à rán tu nha, đời khổ lắm em ơi!”. Chắc chắn là sau nhiều năm học hỏi Phật pháp và hành trì nên chị đã biết thế gian nầy là vô thường và cuộc đời nầy dẫy đầy đau khổ. Chị đã thấy chỉ còn một con đường là diệt khổ bằng cách tu đạo.
Vào ngày 01 tháng 7 năm 2016 nầy chị Tâm Trúc đã trút hơi thở sau cùng. Chi đã ra đi vô cùng thanh thản. Tang lễ của chị tổ chức tại chánh điện cũ chùa Quang Minh với sự hiện diện đông đảo của quý Thầy, quý Sư Cô và các Phật tử, liên hữu và con cháu của chị .
Bây giờ nói về liên hữu Nguyên Phú 1, anh gia nhập đạo tràng trên dưới 5 năm. Từ khi quý thầy thành lập chúng nam Triệt Ngộ thì đã có mặt anh. Anh Nguyên Phú cũng lớn hơn tôi cũng gần con giáp. Anh luôn xưng là anh và gọi tôi là em như anh Long Vận. Anh ngã bệnh cách đây hơn 2 năm nên không thể tiếp tục sinh hoạt cùng các bạn sen trong đạo tràng.
Đầu mùa đông 2014 khi nghe tin anh giải phẩu xong trở về nhà. Anh Huệ Trân và tôi điện thoại hẹn đến thăm anh. Khi chúng tôi đến anh Nguyên Phú đã đứng chờ trước cổng tự thuở nào. Anh nói nghe hai vị đến thăm, tôi mừng quá nên ra cổng chờ hơn nửa giờ rồi. Trời mưa lái phái, gió lạnh thấu xương, gương mặt anh tái xanh, người gầy còm thấy thật là cảm động. Sau khi uống trà, hàn huyên ở phòng khách, anh hướng dẩn chúng tôi vào phòng riêng của anh Anh chỉ trên đầu gường một tôn tượng đức Phật. Anh nói: vợ anh thấy tượng Phật người ta bỏ ở vệ đường đem về đưa cho anh.
Dù anh bệnh mất sức rất nhiều nhưng vẫn giữ trường chay. Thời gian sau đó bệnh tình thuyên giảm nên mỗi tuần anh đều vào chùa Quang Minh mua thức ăn chay. Anh thường ngồi gần tôn tượng Bồ Tát Quan Âm để chờ tôi thọ trai xong để gặp nhau trao đổi một vài mẩu chuyện rồi mới về nhà. Có lần tôi đọc bài thơ Như Tâm của nhà thơ Như Nhiên cho anh nghe:
Tâm như sông và sông như tâm,
Lúc sóng xôn xao, lúc lặng thầm,
Vui buồn, sướng khổ rồi xuôi chảy,
Một người nhìn sông trôi quanh năm.
Mây như tâm và tâm như mây,
Chợt đến, chợt đi giữa tháng ngày.
Mây bay du thú hay thường tại,
Xanh ngát trời xanh không đổi thay,
Hoa như tâm tâm như hoa,
Hương sắc bao phen để nhạt nhòa,
Một đóa sen lòng tươi thắm mãi.
Ướm hỏi nhân hoàn ai biết qua?
Tâm như gió và gió như tâm,
Trầm bổng vi vu khúc nguyệt cầm.
Nỗi niềm thả gió ngàn phiêu bạt,
U uẩn vì tâm, bao thế âm.
Mưa như tâm và tâm như mưa,
Rơi trên trần mộng đã bao mùa,
Mưa chẳng ươm sầu, sao ướt lệ,
Đâu lá sen còn giọt nước xưa,
Tâm như đất và đất như tâm,
Gửi rác, tung hoa vẫn lặng câm,
Nằm nghe đất thở từng tâm niệm,
Nghịch, thuận hề . . . vô quái ngại tâm!
Thiên nhiên tâm, nầy tâm thiên nhiên,
Lẽ Đạo hàm dung khắp mọi miền.
Chiều lên núi thả thơ theo gió,
Trải chút tâm tình với vạn niên . . .
Anh Nguyên Phú nói từ lúc bệnh đến nay anh coi như là anh đang nhập thất vô thời hạn. Anh dành hết thời gian mình có để được thâm cứu kinh điển. Anh đã chán ngán Ta Bà, nỗ lực niệm Phật cầu vãng sanh về thế giới của Phật A Di Đà. Anh chuyên chú về pháp môn niệm Phật. Có lần anh nói rõ cho tôi nghe về pháp môn nầy. Anh nói:
“Em biết không niệm Phật là pháp môn tu khá phổ biến hiện nay. Không phải thấy nhiều người tu rồi anh tu theo, mà anh tìm hiểu cặn kẻ lắm. Pháp môn này được những người con Phật thực tập rất tinh chuyên từ thời Thế Tôn còn tại thế. Những cách tu niệm Phật như trì danh niệm Phật, quán tượng niệm Phật, quán tưởng niệm Phật v v đã có từ thời Phật Thích Ca và do chính Ngài chỉ dạy. Ngày nay, ngoài những người tu niệm Phật Thích Ca thì phần đông các Phật tử tu theo Tịnh Độ tông niệm Phật A Di Đà. Dù niệm Phật A Di Đà, hay những danh hiệu Phật khác nhưng cách thức trì danh, quán tượng, quán tưởng v v vẫn không thay đổi.
Nam truyền hay Bắc truyền đều có tính nguyên thủy trong đó. Chư tổ sau nầy vẫn gìn giữ, kế thừa và phát huy với nền tảng vững chắc, rõ ràng của Phật Bổn Sư. Niệm là tâm nhớ nghĩ, miệng niệm. Quán tượng là tâm quán thấy tướng tốt của Như Lai. Quán tưởng là tâm tưởng niệm các công đức của Như Lai. Từ chuyên tâm niệm Phật để chỉ, đến quán như quán về ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, mười trí lực, mười danh hiệu, bốn tâm vô lượng, bốn đức vô úy v.v… của Như Lai. Chúng ta thấy rõ chỉ và quán luôn đầy đủ trong pháp môn này. Nên tu tập niệm Phật sung mãn thì sẽ thành tựu và trừ được các thứ loạn tưởng mà các bậc thánh đã từng thành tựu.
Pháp môn Niệm Phật đã được Phật Thích Ca thiết lập trên nền tảng chỉ và quán để đưa đến định huệ. Anh nói cho em hiểu là thành tựu giải thoát niết bàn hay vãng sanh không khác nhau chẳng qua chỉ là ngôn từ mà thôi. Theo anh người niệm Phật ngày nay cũng nên tỉnh giác với nhiều vị hướng dẫn nói là pháp dễ tu, dễ chứng. Nếu suy nghĩ như vậy dễ rơi vào tự huyễn hoặc mình, quá dựa vào tha lực mà không cố gắng tự lực. Niệm Phật mà không nhất tâm, công phu không miên mật thì khó đạt được định và khó mà thành tựu giải thoát, vãng sanh. Đây chính là điều người tu niệm Phật như anh em mình cần lưu tâm . ..
Tịnh độ chân nghĩa là gồm sức tự lực và tha lực, tạo thành sức mạnh tâm linh, dễ đạt được vãng sanh hay là chứng đắc niết bàn. Niệm Phật được xem là pháp môn căn bản trong các pháp môn được Đức Phật dạy trong kinh tạng nguyên thủy và ngay cả trong kinh tạng đại thừa. Thực tế tu tập hiện nay cho thấy có khá nhiều người quan tâm đến pháp tu niệm Phật và cảnh giới Tịnh độ. Nương nhờ tha lực, hồng ân tam bảo là nền tảng của niềm tin tu tập và cứu cánh giác ngộ.
Ngày nay anh em mình tu tập trong hoàn cảnh khá thuận lợi. Tại các chùa chiềng, tự viện trong các thành phố của Úc điều kiện vật chất rất cao, lại rất yên tĩnh. Phật tử chúng ta sống trong hoàn cảnh không quá lo âu về cuộc sống, hưởng phúc lợi cao. Chúng ta sống trong những khu nhà ở Úc khang trang, vắng vẻ rất dễ nhiếp tâm niệm Phật thì tìm ở đâu nữa và chờ đợi đến bao giờ?
Đối với người cư sĩ như anh em mình, Phật dạy nên phát tâm tu học năm giới, tu bát quan trai. Nên quán về Phật, Pháp, Tăng và Giới để phát triển đạo đức. Tiến xa hơn chúng ta, học theo đức hạnh của Phật. Chúng ta nên thanh tịnh nội tâm để vượt qua các thứ phiền não, không chạy theo sự lôi cuốn của tham ái, vật chất để phát sanh nhiều năng lượng giải thoát.
Nếu chúng ta thường niệm Phật, thiện pháp sẽ phát sanh, ác pháp tiêu trừ, sống an nhiên tự tại. Niềm tin rất quan trọng, nhất là tin Phật, Pháp và Tăng. Niềm tin càng vững thì muôn công đức lành sẽ phát sanh. Người niệm Phật tinh cần đến nhất tâm sẽ được Phật hộ niệm, từ đó phát huy được trí huệ và đi đến giải thoát. Khi có tuệ giác người tu thấy cuộc đời khổ, vô thường, vô ngã thì phiền não tham ái tự nhiên được đoạn trừ. Niệm Phật thì tâm chúng ta hiển lộ đặc tính của Phật. Nếu từ cá nhân, gia đình và xã hội đều có nhiều người niệm Phật thì thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Cho nên niệm Phật là con đường xây dựng hạnh phúc cuộc đời và nền tảng của sự thoát ly luân hồi sanh tử.
Anh biết có người bảo rằng tu niệm Phật suốt ngày cầu sanh Tây phương, trông ngóng giờ lâm chung, sẽ sanh thái độ bi quan với cuộc sống hiện thực. Đó là vì họ chưa hiểu chân nghĩa của giáo lý Tịnh độ. Anh hỏi em đời là khổ hay vui? Nếu nói đời là khổ thì do đâu mà có khổ? Phải chăng do ái nhiễm dục lạc mới khổ. Người tu bất cứ pháp môn nào cũng có thái độ sống xả ly tham ái và chấp thủ. Tâm ấy gọi là tâm giải thoát rồi. Niệm Phật là lộ trình tịnh hóa tâm thức, phát khởi tâm Phật, phát khởi tâm chân như, phát khởi tâm đại bi thương tất cả chúng sanh. Cho nên tu niệm Phật không phải là bi quan, mà lạc quan và tích cực giữ tâm lìa tham ái, chấp thủ thế gian. Đem tâm từ bi giúp đời bớt khổ, làm mọi việc lành để vun bồi phúc đức và trí tuệ, đem sự nghiệp tu hành hồi hướng Tây phương Tịnh độ. Vãng sanh Tây phương không phải là chạy trốn cuộc đời mà để sớm hoàn thành nhân cách giải thoát như Phật và Bồ tát để trở lại Ta Bà cứu độ chúng sanh.
Người tu Tịnh độ cần có chánh kiến, tin nhân quả, tin lời Phật dạy, tin nguyên lý y báo và chánh báo. Tâm niệm Phật và hành thiện trong đời sống này là tâm trang nghiêm Tịnh độ. Hành trang về Cực lạc là sự dấn thân vào cuộc đời để hành đạo. Cuộc đời khổ đau này là ruộng phước điền và công đức to lớn cho người biết tu niệm Phật”.
Có lần anh Nguyên Phú và tôi ngồi bên cạnh tôn tượng Bồ tát Quan Thế Âm trước chánh điện cũ chùa Quang Minh trao đổi về chuyện bệnh đau. Anh nói:
“Chắc em phải công nhận rằng con người sống trên đời quý nhất là sức khỏe, bởi có sức khỏe là có tất cả. Anh có thể nói trừ một vài trường hợp hy hữu đầy đủ phước báo thì người ta chẳng biết ốm đau và thuốc thang là gì, còn lại hầu hết mọi người đều mang trong mình nhiều bệnh tật. Bệnh hoạn, ốm đau, già yếu là thuộc tính của đời sống con người, là quy luật của sự sống, là thân phận của chúng sinh. Đã bệnh tất nhiên phải khổ, nỗi khổ càng được nhân lên khi về già như anh. Già yếu và bệnh tật đã và đang gặm nhấm sự sống con người. Nỗi khổ này là một sự thật mà tự thân mỗi người đều chứng nghiệm được và chẳng ai tránh khỏi. Vậy thì người con Phật phải làm gì để vượt qua thân phận sinh lão bệnh tử? Theo tuệ giác của Thế Tôn, trước hết phải nhận ra già, bệnh của thân là một sự thật, là bản chất của tấm thân tứ đại này. Hình hài, thân thể chỉ là chiếc xe trung chuyển, điểm dừng tạm thời của bốn yếu tố đất, nước, gió và lửa vốn là giòng luân lưu bất tận. Bốn đại điều hòa tạm gọi là khỏe, không điều hòa gọi là bệnh, nhưng mấy khi bốn đại thực sự điều hòa hoài đâu. Nhận ra sự thật về già, bệnh của thân có tính tất yếu và chấp nhận nó là điều rất quan trọng để không còn khổ nữa..”
Cách đây không lâu con gái tôi mua quyển “Healing Anger” của ngài Dalai Lama thứ 16 viết để làm quà sinh nhật cho tôi (The Power of Patience from a Buddist Perspective). Sau khi đọc qua quyển sách nầy, tôi nhận thấy trong lịch sử nhân loại có những trang sử đẫm máu trong thế kỷ 20 vừa qua với hai cuộc đại chiến thế giới. Lịch sử Việt Nam qua cuộc chiến huynh đệ tương tàn nồi da xáo thịt. Vì ý thức hệ mà mất đi tình tự dân tộc và sự đoàn kết người Việt không còn cho đến ngày nay. Nạn khủng bố cuồng tín người giết người không gớm tay ở Mỹ, các nước Trung Đông, và Âu châu v v. Có lẽ nhân loại không để ý tới lời dạy vàng ngọc của đức Phật là những cuộc chiến tàn khốc, tang thương, những nghi kỵ thù hằn đều bắt nguồn từ tâm sân hận. Trong lần nói chuyện với anh Nguyên Phú dưới mái hiên chùa Quang Minh, tôi chia sẻ với anh:
“Anh à nếu mọi người biết thực hành hạnh nhẫn nhục, tương kính nhau, cho nhau những yêu thương và đối xử nhau bằng tình người chân thật từ trong gia đình đến ngoài xã hội để xoá bỏ mọi nghi kỵ, hiềm thù thì cõi Ta Bà nầy trở thành Tịnh Độ, thế giới an vui rồi”.
Anh gật gù tán thành, nhưng anh chắc lưỡi than:
“Biết đến bao giờ hả em?”
Mùa Vu Lan năm rồi tôi gặp anh Nguyên Phú đi dự lễ ở chùa Quang Minh. Anh Nguyên Phú kể tôi một câu chuyện rất thương tâm. Anh có người quen nhỏ hơn anh 7 tuổi. Cô nầy còn một mẹ già ở Việt Nam và bảo lãnh qua được bên Úc này. Bà cụ 85 tuổi. Từ đó bà mẹ héo mòn, ho hen cả ngày, có đêm vì ho bà còn ói mửa. Cô ta đưa mẹ nhập bệnh viện Sunshine. Bác sĩ khám, giữ bà lại một tuần, nhưng họ không tìm ra nguyên nhân.
Vừa về tới nhà, mẹ cô lấy ngay con dao nhà bếp đi ra vườn sau nhà. Cô cản mẹ không cho sợ mẹ té ngoài vườn. Nhưng bà thoăn thoát làm cỏ, xới đất say mê quên cả bệnh! Té ra bà thèm làm lụng tay chân, bà nhớ mảnh vườn, nhớ bụi tre, nhớ đàn vịt, bầy gà, nhớ cái nhà kỷ niệm của mình, nhớ quê hương yêu dấu. Anh Nguyên Phú nói với cô ấy đừng có giữ bà lại bên này, nếu giữ lại là bà chết sớm. Sau đó cô ta làm giấy cho mẹ hồi hương về Việt Nam đúng vào lễ Vu Lan rầm tháng 7 năm rồi. Anh Nguyên Phú khẳng định: ” Một khi cây cổ thụ đã già thì đừng bứng gốc mà đi trồng nơi khác. Bứng dời chỗ nó có cẩn thận cỡ nào rồi cây cổ thụ cũng không sống nổi đâu“.
Sáng sớm ngày 11 tháng 7 năm 2016 trên đường đến sở tôi nhận điện thoại anh Huệ Trân, rồi liên hữu Thiện Hỷ báo anh Nguyên Phú mới vừa vãng sanh lúc lúc 8 giờ tối đêm 10 tháng 7 năm 2016 (Nhằm mùng 7 tháng 6 năm Bính Thân). Ngày 13 tháng 7 năm 2016, tang lễ tổ chức tại nhà quàng Footscray trong chiều đông giá lạnh.
Sau lễ phúng điếu tôi ra về, màn đêm buông phủ, gió lạnh vụt vù thổi, nỗi buồn sâu đậm trong lòng tôi. Về đến nhà, tôi ngồi trước bàn thờ niệm Phật để hồi hướng chút công đức đến anh Tư, chị Tâm Trúc và anh Nguyên Phú thương kính.
Tôi ngồi đây ghi lại những dòng nầy mà tiếng ca của các bạn sen với bài ca “Mở Cửa Tây Phương” do Thầy Phó Ban sáng tác trong lễ phúng điếu của đạo tràng Quang Minh như còn văng vẳng:
Mở của Tây Phương cho các nhân loại đi về, đi đi về.
Bên Tây Phương vui tươi, hằng nghe loài chim nói pháp.
Mau, mau mau lên, mau mau lên, thoát vòng tử sinh, thoát vòng tử sinh.
Chín phẩm hoa sen, lớn nhỏ tươi nở không đồng, không không đồng.
Bởi do tu siêng năng cùng hay là tu lười biếng.
Nếu ta tu lôi thôi! Nếu ta tu lôi thôi phẩm nào cũng khó mong, phẩm nào cũng khó mong
. . . .
Muốn đến Tây Phương, gắng chí niệm Phật mỗi ngày, mỗi ngày.
Liên hoa sanh ra, nào đâu còn lo già chết.
Chỉ vui không thôi, chỉ vui không thôi, không còn khổ đau, không còn khổ đau.
Đến cảnh Tây Phương, thiên chúng trổi nhạc rước vào, rước rước vào
Ôi! Tây Phương vui thay! Cầu mong về nơi cõi đấy.
Ở chi bên nây, ở chi bên nây, nợ trần vấn vương, nợ trần vấn vương!
Hôm nay đêm trăng tròn tháng 6 âm lịch. Trăng mờ nhạt, ngoài trời sương trắng xóa. Mùa đông ở Úc là mùa an cư của chư tôn đức tăng ni. Bây giờ sắp cuối đông và Vu Lan, mùa xá tội vong nhân cũng sắp đến. Tôi viết lại tâm tình nầy những ai đọc qua vui lòng bỏ qua những lời lẽ vụng về. Tôi ước mong quý độc giả nương theo ý của những mẩu đối thoại trên của những người sơ cơ mới học hỏi Phật pháp trong “Câu chuyện mùa đông” nầy mà hướng tâm và hạ thủ công phu tu hành. Được vậy thì thật là tốt lành lắm thay!
Moreland, ngày 20 tháng 7 năm 2016.
Minh Quang