Thanh Tịnh Đạo – Chương III

THE PATH OF PURIFICATION – VISUDDHIMAGGA

Luận Sư: Bhadantacariya Buddhaghosa – Chuyển Dịch Từ Pàli Sang Anh Ngữ: Trưởng Lão Nanamoli

– Chuyển Dịch Từ Anh Ngữ Sang Việt Ngữ: Thích Nữ Trí Hải

PHẦN II – ÐỊNH

CHƯƠNG III – MÔ TẢ ÐỊNH- NHẬN MỘT ÐỀ MỤC QUÁN

(Nghiệp Xứ: Kammatthàna – gahana – niddesa)

1. Ðịnh được nói đến dưới danh từ tâm trong câu “tu tập tâm và tuệ” (Ch. I, 1). Ðịnh nên được tu tập bởi một người đã đứng vững trên đất giới được thanh tịnh nhờ những đức ít muốn, biết đủ… Và được viên mãn nhờ các khổ hạnh. Nhưng định ấy chỉ mới được nữa là tu tập. Do vậy, còn có loạt vấn đề sau đây mà mục đích là nêu rõ chi tiết về phương pháp tu tập định:

(i) Ðịnh là gì?
(ii) Ðịnh có nghĩa thế nào?
(iii) Đặc tính, bản chất, tướng trạng và nhân gần của định?
(iv) Có bao nhiêu loại định?
(v) Gì là cấu uế của định?
(vi) Gì làm định thanh tịnh?
(vii) Làm sao tu tập định?
(viii) Lợi ích tu tập định?

2. (i) Ðịnh là gì?

Ðịnh có nhiều thứ và nhiều phương diện. Một giải đáp nhằm bao quát mọi phương diện của định thì không thể nào hoàn tất được ý định nó mà cũng không chu toàn được mục đích của nó mà cũng không chu toàn được mục đích của nó và lại còn đưa đến sự tán loạn. Bởi thế, chúng ta tự giới hạn trong loại định ở đây gọi là sự nhứt tâm có lợi ích.

3. (ii) Ðịnh có những nghĩa như thế nào?

Nó được gọi là định, samàdhivới nghĩa tập trung (samàdhàna). Tập trung là gì? Ðó là sự xoay quanh (àdhàna) của tâm và tâm sở một cách đều đặn (samam) và chánh đáng (sammà) vào một đối tượng duy nhất. Bởi vậy, đấy là trạng thái nhờ đó tâm và tâm sở ở trong tình trạng quân bình, chánh đáng, và đặt để hết vào một đối tượng duy nhứt, không phân tán hay xao lãng.

4. (iii) Ðặc tính của Định là không phân tán. Bản chất hay nhiệm vụ nó là loại trừ phân tán. Tướng của nó là không tán loạn. Nhân gần của nó là lạc, do câu “Nhờ lạc, tâm vị ấy được định” (D. i, 73).

5. (iv) Có bao nhiêu loại Định?

1. Trước hết, nó thuộc một loại, với đặc tính không phân tán.

 

Hai loại
2. Định cận hành (upcàra) và định an chỉ (appanà).
3. Định thế gian và xuất thế gian.
4. Ðịnh có hỉ và câu hữu xã.
5. Ðịnh câu hữu lạc và câu hữu xã.

Ba loại
6. Ðịnh hạ, trung và thượng.
7. Có tầm, tứ v.v…
8. Ðịnh câu hữu lạc v.v…
9. Ðịnh có giới hạn, đại hành và vô lượng.

Ðịnh bốn loại
10. Định khó tiến và tuệ chậm…
11. Định có giới hạn với đối tượng hữu hạn…
12. Ðịnh phân loại theo các thiền chi.
13. Theo thối giảm, tù đọng…
14. Theo cõi.
15. Theo bốn như y túc.

16. Ðịnh có 5 loại, theo năm thiền.

6.

1) Ðịnh một loại, ý nghĩa đã nói.

2) Ðịnh 2 loại: Cận hành định là sự nhứt tâm đạt được nhờ các phương pháp: 6 tưởng niệm, tử tưởng, quán sự bình an, quán bất tịnh của đoàn thực, phân tích tứ đại; và sự nhứt tâm có trước định an chỉ. Ðịnh an chỉ là sự nhứt tâm theo liền sau công việc chuẩn bị, như luận nói: chuẩn bị cho sơ thiền là 1 duyên, kể như vô gián duyên, cho sơ thiền”.

7. 3). Ðịnh thế gian là sự nhứt tâm có tánh thiện ở ba cõi dục, sắc, vô sắc.Xuất thế gian là định thuộc thánh đạo.

 

8.4). Ðịnh câu hữu hỉ là sự nhứt tâm ở hai thiền đầu trong bốn thiền hoặc ba thiền đầu trong năm thiền. Ðịnh không hỉ là sự nhứt tâm trong hai thiền cuối. Nhưng cận hành định thì có thể có hỉ hoặc không hỉ.

9. 5). Ðịnh câu hữu lạc là sự nhứt tâm ở hai thiền đầu trong bốn thiền và ba thiền đầu trong năm thiền. Ðịnh câu hữu xả là định trong một thiền còn lại (ở cả hai hệ thống 4 và 5 thiền). Ðịnh cận hành có thể câu hữu lạc hoặc câu hữu xả.

10. 6). Ðịnh ba loại thứ nhứt, định mới đạt được là thấp, chưa được phát triển là trung bình, đã thuần thục đến mức chủ là cao.

11. 7). Thứ 2, định có tầm, tứ là định ở sơ thiền, và định cận hành. Không tầm có tứ là định ở nhị thiền trong năm thiền. Vì khi môït người thấy nguy hiểm trong tứ thì chỉ mong bỏ tầm khi vượt qua sơ thiền và bởi thế đạt đến định không tầm có tứ. Ðịnh không tầm, tứ là sự nhứt tâm ở ba thiền còn lại khỏi từ nhị thiền trong bốn thiền và tam thiền trong năm thiền. (Xem D. ii, 219)

12. 8). Thứ ba, định câu hữu hỉ: Ðịnh ở hai thiền đầu trong bốn thiền hay ba thiền đầu trong năm thiền. Ðịnh câu hữu lạc là định ở các thiền vừa kể, và định ở tam thiền trong hệ thống bốn thiền và tứ thiền trong hệ thống năm thiền. Ðịnh câu hữu xả là định ở thiền cuối cùng trong cả hai hệ thống. Ðịnh cận hành có thể câu hữu với hỉ, lạc; có thể câu hữu xả.

13. 9). Thứ tư, định có giới hạn là sự nhứt tâm trong cận hành định. Ðịnh đại hành là sự nhứt tâm trong thiện tâm thuộc sắc giới và vô sắc giới. Ðịnh vô lượng sự nhứt tâm liên hệ đến 8 thánh đạo.

14. 10). Ðịnh bốn loại là:

– khó tiến, lâu đắc,
– khó tiến, mau đắc,
– dễ tiến, lâu đắc, và
– dễ tiến mau đắc.

15. Sự phát triển mức tập trung kể từ phản ứng tâm ý đầu tiên đến khi phát sinh cận hành, gọi là tiến và tuệ phát sinh từ cận hành đến an chỉ, gọi là đắc. Sự tiển triển này khó khăn đối với một số người, dễ bởi sự phản kháng dai dẳng của những pháp đối nghịch, những triền cái, v.v… Ðối với một số khác thì dễ, vì không gặp những khó khăn trên, sự chứng đắc cũng vậy.

16. Khi một người tu tập những pháp không thích hợp, thì khó tiến lâu đắc. Khi tu pháp thích hợp, thì dễ tiến mau đắc. Nhưng nếu lúc đầu tu pháp không thích hợp, sau tu pháp thích hợp, hoặc ngược lại, thì như vậy là hỗn hợp. (Về các pháp thích hợp, không thích hợp sẽ nói ở Ch. IV đoạn 35 trở đi). Nếu khởi sự tu khi chưa làm công việc chuẩn bị, là trừ khử các chướng ngại, v.v…, thì khó tiến, ngược lại thì dễ tiến. (Ch. IV 20) Nếu không hoàn tất thiện xảo về định an chỉ thì lâu đắc, và ngược lại thì mau. (thiện xảo về định an chỉ, sẽ nói ở Ch. IV. 42).

17. Ngoài ra bốn loại định này còn kể theo tham và si, và tùy theo hành giả đã lập chỉ và quán hay chưa. Nếu hành giả nặng tham dục, thì rất khó tiến, nếu không nặng, thì dễ tiến. Nếu hành giả nặng về si, thì tuệ lâu đắc, ngược lại thì mau đắc. Nếu không tập tịnh chỉ thì khó tiến, đã thực tập tịnh chỉ thì dễ tiến. Nếu không tập tuệ quán thì lâu đắc, đã tập thì mau đắc.

18. Lại còn phân theo cấu uế và các căn. Nếu cấu uế sắc mạnh, căn chậm lụt thì khó tiến và lâu đắc; nếu căn linh lợi thì mau đắc. Nếu cấu uế yếu, căn cũng cùn nhụt, thì dễ tiến và lâu đắc, nhưng nếu căn linh lợi thì mau đắc.

19. Bởi vậy về phương diện tiến triển, chứng đắc này, khi một người đạt đến định với sự tiển triển khó khăn và tuệ (thắng trí) chậm lụt, thì định ấy gọi là Ðịnh khó tiến lâu đắc. Tương tự với ba trường hợp kia.

20. 11). Thứ hai, bốn loại là định giới hạn với một đối tượng hữu hạn, định có hạn với một đối tượng vô hạn, định vô hạn với một đối tượng hữu hạn, và định vô hạn với một đối tượng vô hạn. Hữu hạn là định không quen thuộc và không thể là điều kiện cho một thiền cao hơn. Có đối tượng không nới rộng, là định với đối tượng hữu hạn. (Ch. IV, 126). Khi định có tính cách quen thuộc, khéo tu tập, và làm điều kiện cho một thiền cao hơn thì gọi là định vô hạn. Ðịnh phát sinh với một đối tượng nới rộng, gọi là định với đối tượng vô hạn.

21. 12). Ðịnh bốn loại thứ ba: đó là sơ thiền gồm năm thiền chi là tầm, tứ, hỉ, lạc, định, đạt đến sau khi trừ bỏ năm triền cái. Nhị thiền còn ba thiền chi, bỏ tầm và tứ. Tam thiền còn hai thiền chi, bỏ hỉ. Tứ thiền bỏ lạc, còn hai yếu tố là định và xả.

22. 13). Ðịnh bốn loại thứ tư, là định dự phần vào thối giảm, dự phần vào tù đọng, dự phần vào phân tích(vissesa), và dự phần vào thể nhập(nibbedha). Dự phần vào thối giảm là có thể đưa đến sự ngược lại (tán loạn). Dự phần vào tù đọng là sự dừng lại (trú) của niệm tương ưng với định ấy. Dự phần vào phần tích là đạt đến sự phân biệt cao hơn. Dự phần vào thể nhập là có thể đạt đến tưởng và tác ý câu hữu với ly dục. “Khi một người đắc sơ thiền mà có thể tưởng và tác ý câu hữu với dục, thì tuệ của vị ấy dự phần vào thối giảm. Khi niệm tương ưng với định ấy đứng lại, thì tuệ dự phần vào tù đọng. Khi vị ấy có thể tưởng và tác ý không câu hữu với tầm, thì tuệ vị ấy dự phần vào thẳng giải? (Visesa). Khi vị ấy có thể tưởng và tác ý câu hữu với vô dục, hướng đến ly tham, thì tuệ vị ấy dự phần vào thể nhập (nibbedha)”. (Vbh. 330). Những định liên hệ đến bốn thứ tuệ này cũng có bốn.

23. 14). Ðịnh bốn loại thứ năm: định dục giới, sắc giới, vô sắc giới, và định liên hệ tám thánh đạo. Ðịnh dục giới là tất cả loại định cận hành. Ba loại kia là sự nhứt tâm thuộc thiện tương ưng với thiền sắc giới, vô sắc và thiền thuộc đạo lộ.

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.