Thanh Tịnh Đạo – Chương III

90. Vì những người thuộc tánh tín v.v… đi đối với tham v.v… Cho nên những tư cách cũng giống như đã tả. Trên đây là cách nhận ra tính tình qua dáng điệu.

91. Qua hành động: Trong quét sân, người tham cầm cái chổi một cách chắc chắn, quét sạch đều đặn, không vội vàng, không tung đất cát lên, trông như đang rắc hoa. Người sân nắm chổi thật chặt, quét không sạch, không đều, gây tiếng động chát chúa, hấp tấp tung đất cát lên hai bên. Người si cầm chổi lỏng lẻo, quét không sạch cũng không đều, trộn lẫn đất cát vãi ra tứ tung.

92. Cũng như quét dọn, mọi việc khác như giặt giữ, nhuộm y, v.v… Cũng thế. Người tham làm việc một cách khéo léo, từ tốn đều đặn, cẩn thận. Người sân làm việc một cách căng thẳng, cứng cỏi không đều. Người si làm việc vụng về, như thể đang bối rối, không đều và không quyết định. Người tham mặc y không quá chật, không quá lỏng, cẩn thận ngay ngắn, quấn y quanh mình. Người sân mặc y quá chật, và không sửa quanh thân. Người si mặc thật lỏng, và một cách hoang mang. Người tín v.v… Nên hiểu theo cách đã tả, vì những tính này sóng đôi với tham v.v…

Trên đây là cách nhận ra tính tình qua hành động.

93. Qua cách ăn: người tham thích ăn thực phẩm ngọt ngào, béo bổ. Khi ăn, nó ăn từng miếng không quá lớn, và ăn không vội vàng, thưởng thức vị ngon. Nó khoái ăn ngon. Người sân thích ăn đồ dai và chua. Khi ăn, nó làm từng miếng lớn đầy cả miệng, và ăn một cách hấp tấp không thưởng thức mùi vị món ăn. Nó buồn rầu khi ăn nhằm cái gì không ngon. Người si không có chọn lựa nhất định. Khi ăn, nó làm thức ăn thành từng miếng nhỏ không tròn, và làm rớt đồ ăn vụn trên đĩa, làm lấm mặt, tâm trí phiêu lưu nghĩ hết chuyện này tới chuyện khác. Những người thuộc tánh tín v.v… Cũng thế, giống như tham v.v…

94. Qua cách nhìn v.v..: Khi người tham nhìn thấy, dù chỉ một sắc pháp hơi thích ý, cũng ngắm thật lâu, như thể ngạc nhiên, nắm lấy những đức tính vụn vặt, mà không kể những khuyết điểm. Khi từ giả, nó đi một cách tiếc nuối, như không muốn rời. Khi người sân trông thấy một sắc pháp hơi khó ưa, nó cũng tránh nhìn lâu, như thể chán lắm, xoi mói các khuyết điểm nhỏ, bỏ qua những đức tính thực. Khi từ giả, nó ra đi không tiếc nuối, như thể muốn đi cho khuất. Khi người si nhìn bất cứ sắc pháp nào, nó bắt chước thái độ người khác: nếu nó nghe người ta chê, thì nó chê, nghe người ta khen thì nó khen, mà thật sự trong tâm nó vẫn bình thản, sự bình thản của người vô trí. Ðối với âm thanh cũng vậy.

Người có tín v.v… Cũng như tham v.v… qua cách nhìn tương tự .

95. Qua những loại tâm trạng: nơi một người tham, thường có những tâm trạng như lừa dối, gian lận, kiêu mạn, ác dục, đa dục, bất mãn, làm dỏm, khoe khoang. Nơi người sân, thường có những tâm trạng giận dữ thù hằn, phỉ báng, thống trị, ganh tị, biến lận. Nơi một người si, thường có những tâm trạng như đờ đẫn, lừ đừ, dao động, lo âu, bất định, bám víu dai, không chịu xả bỏ.

Nơi một người tín tâm: thường có những tâm trạng rộng rãi, mong muốn gặp những bậc thánh, mong nghe diệu pháp, vui vẻ, hồn nhiên, thành thục, tin tưởng những gì gợi niềm tin. Nơi người tánh tuệ, có những tâm trạng như dễ nói (với), có bạn tốt, biết vừa đủ trong ẩm thực, chánh niệm tỉnh giác, ưa sự thức tỉnh, có ý thức nghiêm trọng đối với những gì gợi lên ý thức nghiêm trọng, nỗ lực đúng hướng. Nơi người tánh tư duy, thường có những tâm trạng như nói nhiều, dễ hoà mình, chán ghét sự hy sinh cho điều thiện, không hoàn tất được những công việc đã làm; “ban đêm phun khói ban ngày chiếu sáng” (M. i, 144) – có nghĩa ấp ủ những kế hoạch ban đêm, và thi hành ngay vào hôm sau. Tâm thức chạy lăng xăng khắp (Ud. 47)

96. Tuy nhiên, những chỉ dẫn trên về sự nhận dạng tính tình đã không được hoàn toàn lưu truyền trong kinh hay luận, mà chỉ được diễn tả theo quan điểm của những bậc thầy, do đó, không thể xem là chân thật hoàn toàn, vì ngay cả một người có tánh sân cũng có thể biểu lộ những dáng đi v.v… được gán cho tánh tham, nếu cần tinh cần cố gắng. Vả lại, những dáng đi, v.v… Không bao giờ phát sinh với những đặc tính rõ rệt nơi một con người có tính tình hỗn hợp. Chỉ có những chỉ dẫn để nhận ra tính tình được ghi trong tập sở đáng xem là chân thật, vì trong ấy nói: “Một bậc thầy đã đạt được sự đi sâu vào các loại tâm, sẽ biết rõ tính tình, và giải thích một đề tài thiền quán thích hợp. Còn người không thể đi sâu vào tâm người thì nên hỏi ngay đương sự. Bởi thế, nhờ đi sâu vào tâm, hoặc nhờ phỏng vấn đương sự, mà có thể biết người ấy thuộc vào loại cá tính nào.

97. Cái gì thích hợp cho mỗi loại tính? Một chỗ thích hợp cho người tham, là cái nhà với ngưỡng cửa không lau rửa, nền ngang mặt đất, đó có thể một tảng đá treo lơ lửng không có ống máng (Ch. II), một lều cỏ, một nhà lá v.v… Nó phải có đầy rác rưới và dơ, tơi tả, quá cao, hoặc quá thấp, một vùng phụ cận trơ trọi, vắng vẻ, bị đe doạ bởi cọp beo v.v…, với một con đường mòn gập ghềnh, ngay cả giường, và ghế cũng đầy bọ hung, chỗ ở, xấu xí, không có gì đẹp mắt, nhìn là thấy ghét. Y phục thích hợp cho vị ấy là những thứ rách biên, sút chỉ lòng thòng khắp, như một cái bánh tổ chim, vải thì thô như gai, bẩn, nặng và khó mặc. Bình bát thích hợp là một cái bát bằng đất nung xấu xí dị hình, với những chỗ vá, nối, hoặc một cái bát bằng sắt nặng nề khó coi, không gợi thèm chút nào cả, giống như một cái sọ người. Loại đường đi thích hợp cho vị ấy để đi khất thực là một con đường khó chịu, không có làng mạc ở gần, và không bằng phẳng. Khu làng thích hợp cho vị ấy khất thực là một nơi mà người ta đi nghênh ngang không để ý gì đến vị ấy, một nơi mà, khi vị ấy sắp bỏ đi chỗ khác, vì không xin được chút gì, người ta sẽ gọi ông lại vào trong phòng bố thí và bảo “Này đại đức” rồi cho cơm cháo, mà tỉnh bơ như bỏ một con bò vào chuồng bò. Những người thích hợp để hầu cận vị ấy là những nô tỳ, thợ thuyền không đẹp mắt, bất hạnh, y phục dơ dáy, hôi hám, buồn nôn, những người cúng dường cơm cháo mà như ném vào ông một cách thô lỗ. Loại cháo và cơm thích hợp là gạo, v.v… Bơ lạt, cháo chua, cà ri bằng cải úa, hay bất cứ vật gì chỉ cốt làm cho đầy bụng. Trong bốn oai nghi, uy nghi thích hợp là đứng hoặc đi bách bộ. Ðối tượng quán thích hợp là bất cứ màu nào khởi từ xanh nhưng không được thuần tịnh.

98. Một trú xứ thích hợp cho người sân là không quá cao hay thấp, có sẵn bóng mát và nước, có những bức tường cân đối, cột và bực cấp, chạm trổ sáng sủa với nhiều bức hoạ, nền bằng phẳng, êm dịu, được trang trí bằng hoa, trên có một tàn che bằng vải nhiều màu như cung trời Ðại phạm. Giường ghế có nệm sạch sẽ xinh đẹp thơm mùi các thứ hoa, làm cho người ta chỉ nhìn cũng đủ sung sướng.

99. Loại đường thích hợp cho vị ấy đi đến chỗ trú, phải là một con đường không có nguy hiểm nào, đất sạch và bằng phẳng đã được soạn sẳn. Nhà phải đừng quá nhiều bàn ghế tủ giường, để khỏi làm chổ ẩn náu cho côn trùng, bọ hung, rắn chuột, chỉ nên để một giường một ghế. Loại vải thích hợp cho vị này là làm y phục trong và ngoài, là hạng tốt nhất, như hàng Trung Quốc, hàng Somàra, lụa, phin mỏng, vải mỏng, chỉ một hay hai lớp thật nhẹ, màu sắc thuần tịnh thích hợp với nhà khổ tu. Loại bát thích hợp làm bằng sắt, hình dáng thanh tú như một bóng nước, láng như ngọc, không tì vết, có màu thuần tịnh thích hợp với ẩn sĩ. Con đường thích hợp để đi khất thực phải tránh mọi hiểm nguy, bằng phẳng, dễ chịu, không quá gần làng cũng không quá xa. Khu làng thích hợp để vị ấy khất thực, là nơi mà mọi người soạn sẵn chỗ ngồi rãi hoa, quét dọn sạch sẽ, nghĩ rằng: “Vị đại đức của chúng ta sắp tới”. Và đi ra đón ông, cầm bát của ông đưa vào nhà, mời ngồi trên chỗ đã soạn, và tự tay hầu hạ chu đáo.

100. Những người thích hợp để hầu vị ấy phải đẹp trai, dễ ưa, tắm rữa sạch sẽ, bôi dầu láng xức nước hoa mùi trầm, trang sức bằng vải nhuộm đủ màu sạch và đẹp. Người ấy làm việc một cách cẩn thận, loại cơm cháo thích hợp, cho vị ấy phải đủ sắc, hương, vị bổ dưỡng, đáng thèm, thượng hạng về mọi mặt, và đủ cho nhu cầu vị ấy. Uy nghi thích hợp là nằm hay ngồi. Ðối tượng quán là bất cứ màu nào từ xanh, màu phải thuần tịnh.

101. Chỗ ở thích hợp cho 1 người si phải khoáng đạt, không bị ngăn bít, để vị ấy có thể thấy cả bốn phương khi ngồi đấy. Về các tư thế, thì đi là thích hợp. Ðối tượng quán thích hợp là một vật không nhỏ quá, nghĩa là phải cỡ bằng cỡ cái rổ, hay cái soong, vì tâm trí vị ấy trở nên rối ren hơn nếu bị giới hạn trong một không gian nhỏ hẹp. Những gì còn lại cũng như đối với tánh sân.

102. Với người tánh tín, tất cả những chỉ dẫn cho người tánh sân đều thích hợp. Về đối tượng quán, có thể quán một trong sáu niệm. Với người tánh tuệ, không có gì là không thích hợp về chỗ ở v.v…

Với người tánh tư duy, thì một chỗ ở khoáng đạt có phong cảnh dễ nhìn, ở đấy những vườn, đồng, ao, hồ, viễn tượng đẹp, quang cảnh những khu làng, đô thị, vùng quê nhìn thấy khi ngồi ở đấy, một khung cảnh như vậy không thích hợp vì tạo điều kiện cho tầm tư duy của vị ấy chạy lăng xăng khắp nơi.

Bởi thế, vị ấy nên sống tại một nơi như một hang sâu có rừng rậm ngăn che, như núi đá Bụng Voi (Hatthkucchiphabbàra), hay hang của Mahinda. Cũng thế, một đối tượng quán quá lớn không thích hợp vị này, vì làm cho tầm tư duy chạy lăng xăng. Một đối tượng nhỏ thích hợp. Những yếu tố khác cũng như với người tham.

103. Tuy nhiên, đề tài quán tưởng hợp với tính tình chưa được bàn rõ trong mọi chi tiết. Ðiều này tự nhiên sẽ rõ khi bàn chi tiết như sau. Như trên đã nói, “Và vị ấy nên chọn trong 40 đề mục, cái nào thích hợp với cá tính” (D. 28). Ở đây, sự trình bày về đề tài quán tưởng trươc hết cần được hiểu theo 10 cách sau: (1) số lượng, (2) cái nào đem lại định cận hành, cái nào đem lại định an chỉ; (3) các loại thiền; (4) về sự vượt qua, (5) về sự trải rộng, không trải rộng, (6) về đối tượng. (7) các cõi, (8) cách hiểu, (9) điều kiện (duyên), (10) về sự hợp với cá tính.

104. 1). Về số lượng: tức 40 đề mục như sau: Mười biến xứ, mười bất tịnh, mười chỗ tưởng niệm, bốn phạm trú, bốn vô sắc xứ, một tưởng, một phân tích.

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.