THE PATH OF PURIFICATION – VISUDDHIMAGGA
Luận Sư: Bhadantacariya Buddhaghosa – Chuyển Dịch Từ Pàli Sang Anh Ngữ: Trưởng Lão Nanamoli
– Chuyển Dịch Từ Anh Ngữ Sang Việt Ngữ: Thích Nữ Trí Hải
PHẦN II – ÐỊNH
CHƯƠNG IV – ÐỊNH – KASINA ÐẤT
(Patthavì- kasina – niddesa)
1. Ở một đoạn trên, có nói: “Sau đó, hành giả cần tránh một tu viện không thích hợp cho việc tu tập định, và đến ở một tu viện thích hợp”. (Ch. III, 28). Trước hết, nếu tiện ở cùng chùa với thầy để học cho kỹ đề mục thiền quán thì tốt. Không tiện, thì có thể ở một chùa khác, một nơi thích hợp cách chừng một dặm hay nữa dặm, và khi nào nghi hay quên điều gì về đề mục, thì nên làm xong những phận sự trong chùa rồi ra đi, vừa đi vừa khất thực trên đường đến trú xứ của thầy sau bữa ăn. Phải quyết nghi đề mục thiền ngày hôm ấy ngay trước mặt thầy, hôm sau, sau khi đảnh lễ thầy, nên đi khất thực trên đường về để có thể trở về trú xứ mình không nhọc mệt. Nhưng nếu một người không tìm thấy chỗ ở thuận tiện trong vòng 1 dặm, thì nên giải toả mọi khó khăn về đề mục. cho đến khi hoàn toàn chắc về nó, rồi mới có thể đi xa, tránh một ngôi chùa không thích hợp cho việc tu tập định, và ở một nơi thích hợp.
Mười Tám Lỗi Của Một Ngôi Chùa
2. Một ngôi chùa không thích hợp có một trong 18 lỗi sau: rộng lớn, mới mẽ, tả tơi, gần đường gần ao, có cây lá ăn được, có hoa, trái, có tiếng, (danh lam) gần đô thị, gần cây lấy gỗ, gần đồng ruộng, cày cấy, có những người xung khắc nhau, gần cổng vào, gần biên giới các nước, gần biên giới kinh đô, không thích hợp, thiếu thiện tri thức.
3. 1) Trước hết, trong 1 ngôi chùa lớn, có nhiều người tụ hợp với những mục tiêu khác nhau. Họ chống trái nhau, nên công việc chểnh mãng sân không quét, nước uống, nước rửa không được múc sẵn, bởi thế khi định vào làng khất thực, lấy y bát đi ra, có thể vị ấy thấy những phận sự chưa làm xong, bình nước uống không còn một xuất, phải đổ nưóc đầy bình, vì nếu không làm, sẽ phạm lỗi, mà làm, sẽ mất thì giờ. Ðến làng sẽ không được gì vì giờ cúng dường đã qua. Lại nữa, khi vị ấy vào độc cư thiền tịnh, thì phải bị tán tâm vì sa di và tỳ kheo nhỏ tuổi gây tiếng động ồn ào, và vì những công việc của tăng đoàn đang được thi hành lúc ấy. Tuy nhiên, vị ấy có thể ở trong một ngôi chùa lớn trong đó mọi phận sự được thi hành, và không bị những quấy nhiễu.
4. 2) Trong một ngôi chùa mới, thì có quá nhiều hoạt động xây cất, người ta thường chỉ trích những kẻ không tham gia. Nhưng vị ấy có thể ở đó nếu các tỳ kheo bảo: “Hãy để cho đại đức tha hồ làm phận sự nhà khổ hạnh, chúng ta sẽ trông coi việc xây cất”.
5. 3) Trong một ngôi chùa tả tơi, thì nhiều chỗ cần sửa chữa. Người ta thường chê bai kẻ nào không coi sóc việc sửa chữa ít nhất là phòng xá của riêng mình. Nhưng nếu phải coi sóc việc ấy, thì thiền định bị thương tổn.
6. 4) Trong một ngôi chùa ở gần một con đường chính, thì ngày đêm luôn luôn có khách, vị ấy phải nhường chỗ cho khách về đêm, và phải đi ngủ dưới gốc cây hay trên tảng đá. Ngày hôm sau cũng lại như vậy, bởi thế không có dịp nào để thực tập đề tài thiền định. Nhưng vị ấy có thể ở một nơi không có những quấy rầy của khách.
7. 5) Một cái ao là ao trong đá. Nhiều người đến đây để uống nước nhuộm áo. Khi họ hỏi mượn thùng, củi v.v… Phải chỉ chỗ. Bởi thế, vị ấy phải luôn luôn canh chừng.
8. 6) Nếu vị ấy ban ngày đi đến toạ thiền ở những nơi có các thứ lá rau, thì những phụ nữ hái rau vừa hái vừa hát bên cạnh chỗ ngồi thiền, làm cho đề mục của ông bị lâm nguy do sự quấy rối của âm thanh người khác phái.
7) Và ở nơi có nhiều hoa đang rộ nở, cũng có mối nguy tương tự.
9. 8) Ở những nơi có nhiều thứ trái như xoài mít, những người cần trái sẽ đến xin, và chúng sẽ giận dữ nếu vị ấy không cho hoặc sẽ cưỡng đoạt. Nếu vị ấy có nói, chúng sẽ mắng vào mặt, to tiếng.
10. 9) Nếu có một dạnh lam nổi tiếng, như Dakkhinagiri, Hatthikucchi, Ceetiyagiri, Cittalapabbata, thì luôn luôn có người muốn đảnh lễ vị ấy, cho rằng đó là A-la-hán, làm cho vị ấy lúng túng. Nhưng nếu muốn, vị ấy có thể ở đó ban đêm, ban ngày đi chỗ khác.
11. 10) Ở một ngôi chùa gần đô thị, những vật thuộc về người khác phái đập vào mắt, phụ nữ xách nước đi ngang đụng vào người ông ta, những cái thùng lớn choáng hết lối đi. Và những nhân vật quan trọng thì cứ trải thảm ngay giữa chùa mà ngồi.
12. 11) Một ngôi chùa gần nơi có nhiều cây hữu dụng thì bất tiện vì những người đến cưa gỗ và những kẻ nhặt cành và lá. Nếu trong chùa có cây lớn, người ta sẽ đến cưa về cất nhà. Ðến khi vị ấy xả thiền để đi bách bộ, gặp những người này và hỏi: “Này cư sĩ, tại sao lại làm như thế?” thì chúng còn mắng lại.
13. 12) Người ta thường xử dụng một ngôi chùa cạnh đồng ruộng để làm sân đập lúa ngay trước chùa, phơi lúa cho khô tại các khoảnh sân trước, gây nhiều bất tiện. Và khi đất chùa lan ra gần đồng ruộng, những người phụ việc chùa thường giữ lại súc vật của các gia chủ đi lạc vào đất ấy, hoặc làm bế tắc nguồn nước chảy ra ruộng. Người ta sẽ đem vào chùa một cọng lúa héo, chỉ cho cư tăng xem mà bảo: “Xem này, những người phụ việc chùa làm ăn như thế đấy”. Vì một duyên cớ này nọ, vị ấy phải đi tới cửa công.
14. 13) Sự hiện diện của những người chống đối nhau: Ở chỗ các tỳ kheo tranh chấp nhau, bất hoà, thì khi họ gây gỗ, vị ấy có can “chư đại đức đừng làm thế”, họ sẽ la lên: “Chúng tôi không kể gì nữa, có cái ông tu khổ hạnh này hay không cũng mặc kệ”.
15. 14) Một ngôi chùa gần cửa sông cửa biển, hay gần cổng vào đô thị, thì bất tiện vì nhiều người hay đoàn lữ hành sẽ đến bằng tàu, tụ họp quanh chùa xin chỗ nghỉ, nước uống hoặc muối.
16. 15) Trong trường hợp ngôi chùa gần biên giới thì dân biên địa không tin Phật pháp.
16) Trong một ngôi chùa gần biên giới có một kinh đô, thì có nỗi sợ hãi về vua vì có thể một ông vua đến tấn công chỗ ấy, nghĩ rằng: “Nó không thuần phục ta”. Ông vua khác cũng làm như vậy, và nếu chỗ ấy khi vua này chiếm, khi vua khác chiếm, họ sẽ nghi vị tỷ kheo làm gián điệp, và gây cho ông ta sự tàn hại.
17. 17) “Sự không thích đáng” là có mối nguy tiếp xúc các sắc pháp v.v… Của người khác phái, hoặc có phi nhân lai vãng. Có câu chuyện như sau. Một vị đại đức ở trong một khu rừng, có con quỷ cái đứng ngay trước cửa chòi của ông ta mà hát. Vị ấy đi ra, đứng nơi cửa. Con quỷ đi đến tận cuối đường kinh hành, mà hát. Vị đại đức cũng đi đến cuối đường mòn. Con quỷ đứng trong hố sâu trăm thước mà hát. Vị đại đức thụt lùi, thì thình lình con quỷ tóm lấy ông, bảo: “Ðại đức, ta đã ăn thịt không phải chỉ mới một hay hai vị như đại đức mà thôi đâu”.
18. 18) Thiếu thiện tri thức: Ở nơi nào ta không tìm được một thiện tri thức làm thầy, hoặc như bậc thầy, không tìm được một y chỉ sư hay tương đương y chỉ sư, sự thiếu thốn đó là một lỗi lớn.
Ngôi chùa nào có một trong 18 lỗi trên được kể là bất thiện.
Năm Yếu Tố Của Một Trú Xứ
19. Một trú xứ có năm yếu tố sau, được kể là thuận tiện, như Ðức Thế Tôn dạy: “Một trú xứ không quá xa không quá gần và có một con đường để đi lại; ban ngày ít người lui tới, ban đêm ít ồn ào; ít ruồi muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát; người ở trong đó dễ kiếm 4 thứ cần dùng; trong đó có những thượng toạ tỷ kheo đa văn, thông kinh điển, những người tuân giữ Pháp và Luật, và thỉnh thoảng khi hỏi nghĩa lý kinh điển thì những vị này sẽ khai thị những điều chưa được khai thị giải thích những gì chưa được giải, trừ nghi cho hành giả về những chi tiết còn nghi” (A. v. 15) Trên đây là những chi tiết giải thích câu “ Sau đó, vị ấy nên tránh một trú xứ bất thiện, và đến ở một nơi thuận tiện cho việc tập định” (Ch. II, 28).
Những Chướng Ngại Nhỏ
20. Ðoạn, vị ấy nên trừ các chướng ngại nhỏ: (Ch. III, 28) Một người ở một nơi thuận tiện như vậy rồi, còn phải trừ các chướng ngại nhỏ như tóc dài, lông và móng tay dài phải được cắt bỏ, vá lại áo rách và nhuộm lại y cũ. Nếu bát có vết nứt, phải nung lại, ghế giường phải làm sạch.
Chỉ Dẫn Chi Tiết Về Cách Tu Tập
21. Với câu “Và không được bỏ qua một chi tiết nào trong những chỉ dẫn về sự tu tập” (Ch. III. 28) bây giờ đã đến lúc giải thích chi tiết về mọi đề mục thiền định, khởi đầu là kasina (biến xứ) đất.
Biến Xứ Ðất
Khi một tỷ kheo đã trừ những chướng ngại nhỏ, sau khi khất thực về, ăn xong, sau khi xua đuổi cơn buồn ngủ do bửa ăn, vị ấy nên ngồi thoải mái tại một chỗ vắng và quán rõ cái tướng của đất hoặc được làm ra hoặc không.
22. Kinh dạy: “Một người học về biến xứ đất nắm lấy tướng đất hoặc được làm ra hoặc không, có giới hạn không phải vô giới hạn, có một biên giới ở ngoài cùng, không phải vô biên, được vòng lại không phải không được vòng, hoặc lớn bằng cái thùng hay cái chảo. Vị ấy để tâm vào tướng một cách kỹ lưỡng, biết rõ nó, định rõ nó. Sau khi làm thế, và thấy rõ lợi ích cua nó, nhìn nó như một báu vật, tôn trọng nó, quý mến nói, vị ấy đặt hết tâm tư vào đối tượng ấy nghĩ rằng: “Chắc chắn bằng cách này ta sẽ thoát khỏi già chết”. Hoàn toàn ly dục… Vị ấy chứng và trú thiền thứ nhất.
23. Nếu đời trước, một người đã từng xuất gia từ bỏ gia đình, để thế nhập giáo pháp đức Như Lai, hoặc tu theo thiên đạo đã đắc tứ thiền hay ngũ thiền nhờ biến xứ đất, thì do công đức và sự hỗ trợ của việc hành thiền trong quá khứ, sơ tướng đất hiện lên nơi vị ấy, không cần tạo tác, nghĩa là ngay trên một thửa ruộng hay một sân đập lúa, như trường hợp trưởng lão Mallaka. Khi ông nhìn một thửa ruộng được cày bừa, sơ thửa ruộng ấy. Trưởng lão nới rộng tướng ấy, và đắc ngũ thiền, rồi nhờ an trú tuệ với định ấy làm nền tảng, đắc quả A-la-hán.
Cách Làm Một Kasina Ðất.
24. Nhưng nếu một người chưa từng thực hành trong quá khứ, thì nên làm một kasina, tránh bốn lỗi của nó và không được bỏ qua một lời chỉ dẫn nào về đề tài đã học được từ vị thầy. Bốn lỗi của kasina (biến xứ) đất là do sự xâm nhập của màu xanh, vàng, đỏ, hoặc trắng. Bởi thế thay vì dùng đất sét có màu như vậy, hành giả nên làm kasina bằng đất như ỏ trong sông Gangà (sông Hằng), nghĩa là có màu bình mình. Phải làm kasina tại một chỗ kín đáo trong chùa hoặc dưới một hốc đá, trong chòi, không được làm ngay giữa chùa nơi có sadi và mọi người qua lại. Có thể làm một kasina cố định hoặc một kasina có thể mang theo mình.
25. Một kasina để mang theo có thể làm bằng cách buộc giẻ hay da vào 4 cái gậy và kết thành một cái đĩa tròng lớn cỡ đã nói, bôi đất sét lên, đất phải sạch cỏ rác sỏi… Lúc mới làm, nó phải được đặt trên đất để nhìn. Một biến xứ cố định được làm bằng cách đóng cọc trên đất theo dáng một cái đài sen, rồi đan trên ấy những dây leo, nếu đất sét không đủ thì thêm vào bên dưới rồi làm một cái đĩa tròn, đường kính một gang tay và 4 ngón, đặt lên trên bằng đất sét màu bình minh. Trên nói cỡ bằng cái thùng hoặc chảo là cốt để nói kích thước. “Có giới hạn, không phải không giới hạn” là chỉ sự định giới hạn cho nó.