26. Vậy, sau khi đã định giới hạn cho kasina và làm theo cỡ đã nói, hành giả nên dùng một cái bay bằng đá để lấy nó xuống, không nên dùng bay gỗ, sẽ làm cho kasina trở màu rồi làm cho bằng phẳng như một cái trống. Vị ấy nên quét sạch chỗ ở đó, đi tắm rửa. Khi trở lại, hãy ngồi vào một chiếc ghế cao 1 gang 4 ngón, đặt cách kasina hai rưỡi khuỷu tay, vì biến xứ không hiện rõ nếu ngồi xa, còn nếu ngồi gần hơn thì những khuyết điểm nơi kasina lộ rõ. Nếu ngồi cao thì vị ấy phải cúi mỏi cổ, còn ngồi thấp hơn thì đau đầu gối.
Khởi Sự Quán Tưởng
27. Sau khi ngồi như đã tả, vị ấy nên ôn lại những dục vọng như kinh nói: “Dục đem lại ít lạc mà khổ nhiều, não nhiều” và khởi lên sự khao khát thoát ly dục vọng, khao khát sự từ bỏ phương tiện để vượt mọi khổ. Kế tiếp, vị ấy hãy khởi lên niềm hân hoan bằng cách tưởng nhớ những đức đặc biệt của Phật, Pháp, Tăng, khởi lên niềm kính phục với ý nghĩ rằng: “Ðây là con đường từ bỏ mà tất cả chư Phật, độc giác và thánh chúng đã dấn bước vào, khởi lên niềm hăng say với ý nghĩ: “Bằng cách này, chắc chắn ta cũng sẽ biết được vị ngọt của hạnh phúc độc cư”, sau đó, vị ấy nên mở 2 con mắt một cách vừa phải, quán tưởng và tiếp tục khai triển nó.
28. Nếu mở mắt quá lớn, mắt sẽ thấm mệt, và cái đĩa đất trở thành quá rõ, làm cho Sơ tướng hiện ra. Nếu mở mắt quá hẹp thì cái đĩa không rõ, tâm hành giả đâm ra lừ đừ, buồn ngủ, cũng làm cho sơ tướng khó xuất hiện. Vị ấy nên tu tập bằng cách quán tướng tức Kasina đất, trong khi mở mắt vừa phải, như thể đang nhìn phản ảnh gương mắt mình trên một tấm gương soi.
29. Màu sắc không nên xem kỹ. Ðặc tính không nên lưu ý. “Màu bình minh của kasina không nên nghĩ tới, mặc dù không thể chối cãi rằng nó được nhận biết nhờ nhãn thức. Bởi thế, mà thay vì nói “không nên nhìn” luận chủ nói “không nên nghĩ” bằng cách hồi tưởng. Cũng thể, đắc tính cứng của địa đại, mặc dù vẫn có ở đấy, mà không nên lưu ý, vì sự quán tưởng phải làm qua nhãn môn. Và sau khi nói “trong khi không bỏ quên màu sắc” luận chủ bảo “đưa màu sắc xuống địa vị đặc tính; chứng tỏ rằng sự chú ý không phải để ở màu sắc hay đất mà cả 2 đều được nâng lên ngang nhau bởi một nền tảng vật lý là cái đĩa, chú tâm ở danh xem như tâm pháp trổi nhứt và lặp đi lặp lại: “đất, đất”, hay bất cứ một danh từ nào chỉ đất, theo Pàli ngữ như mahì, medinì…”. Ðúng hơn, trong khi vẫn không bỏ qua màu sắc, sự chú ý nên đặt trên khái niệm danh từ. Cần chú tâm đến kasina khi thì với mắt mở, khi thì với mắt nhắm, cho đến khi sơ tướng hiện ra.
30. Ðến một lúc mà hanøh giả có thể thấy tướng, ấy dù nhắm mắt hay mở mắt, tức là sơ tướng đã phát sinh. Khi ấy hành giả không nên ngồi đó nữa mà trở về trú xứ và tiếp tục tu tập như thế. Ðể tránh sự chậm trể do rửa chân, nên sắm một đôi dép và một chiếc gậy chống, nếu định tan biến vì một chạm xúc không thích đáng thì hành giả mang dép, chống gậy đến chỗ cũ mà quán lại tướng bằng tầm tư duy.
Tợ Tướng
31. Khi làm như vậy, những triền cái được dập tắt, cấu nhiễm lắng xuống, tâm trở nên tập trung với định cận hành và tợ tướng xuất hiện. Sự khác nhau giữa sơ tướng và tợ tướng như sau: Trong sơ tướng, bất cứ lỗi nào ở kasina đều hiện rõ, nhưng tợ tướng xuất hiện như thế tách rời khỏi sơ tướng và trăm ngàn lần trong sạch hơn, như cái gương vừa được rút ra khỏi hộp, như cái đĩa bằng ngọc trai được rửa sạch, như mặt trăng vừa ra khỏi mây, như nhưng con hạc trắng nổi bật giữa vừng mầy sấm chớp. Nhưng nó không màu sắc hình dáng vì nếu có, nó có thể nhìn được bằng mắt, sẽ thô và in dấu 3 đặc tính (của hữu vi, là sinh trú diệt hoặc 3 đặc tính vô thường, khổ, vô ngã). Nhưng nó không phải vậy. Vì nó chỉ sinh từ tưởng nơi người đã đắc định và chỉ là một giả tướng. Nhưng vừa khi nó xuất hiện thì những triền cái dập tắt, cấu nhiễm lắng xuống, tâm trở nên định tỉnh với định cận hành.
Hai Loại Ðịnh
32. Ðịnh có 2 thứ là định cận hành (upacàra) và định an chỉ (appanà): tâm trở nên định tỉnh theo 2 cách, trên bình diện cận hành và trên bình diện an chỉ. Cận hành là do từ bỏ những triền cái và an chỉ là do sự xuất hiện những những thiền chi.
33. Hai loại khác nhau chỗ nãy: các thiền chi (tầm, tứ,hỉ, lạc, nhứt tâm ) không được mạnh trong định cận hành, nên ở trong giai đoạn này, tâm khi thì lấy tướng làm đối tượng, khi thì nhập trở lại hữu phần, giống như một đứa trẻ được nâng lên, dứng trên hai chân, sẽ té xuống lại. Còn những thiền chi ở định an chỉ thì rất mạnh và vì thế, khi định này phát sinh thì lúc hữu phần dừng lại tâm có thể tiếp tục với một dòng tốc hành tâm suốt cả đêm ngày, giống như một người khoẻ có thể đứng suốt ngày.
Duy Trì Tợ Tướng
34. Làm tợ tướng khởi lên được rất khó. Bởi thế, nếu hành giả có đặc tính an chỉ trong cùng một thời tĩnh toạ, bằng cách nới rộng tướng thì tốt. Nếu không, cần phải gìn giữ tợ tướng ấy một cách tinh mật như giữ cái bào thai của một chuyển luân vương.
Hãy giữ tợ tướng bằng mọi giá,
Thì cái gì đã được sẽ không mất
Kẻ nào không duy trì được như vậy
Thì mỗi lần lại mất đi cái đã được.
35. Ở đây cách giữ gìn tợ tướng là:
Trú xứ và hành xứ,
Ngôn ngữ, người, thực phẩm
Khí hậu và uy nghi
Tránh thứ không thích hợp
Chọn những gì thích hợp
Vì nếu làm như vậy
Không lâu được “an chỉ”
36. 1) Trú xứ không thích nghi nếu khi sống ở đấy, hành giả không khởi được tướng chưa khởi, mất tướng đã khởi, niệm chưa an trú không được an trú, tâm chưa định tỉnh không được định tỉnh. Trú xứ thích nghi nếu ở đấy tướng khởi lên và trở nên xác định, niệm được an trú và tâm được định tỉnh. Như trường hợp trưởng lão Padhàniya-Tissa ở Nàgapabata. Vậy, nếu tu viện có nhiều trú xứ, hành giả có thể ở từng nơi thử, mỗi nơi 3 ngày và tiếp tục trú nơi nào tâm được định tỉnh. Và chính nhờ trú xứ thích nghi mà 500 tỳ kheo đã đắc A-la-hán quả trong khi còn ở trong động Cùlanàga tại đảo Tambapanni (Tích lan) sau khi quán đề mục ở đấy. Còn những bậc Dự lưu đắc A-la-hán quả tại đây thì vô số kể. Trong tu viện Cittalapabbata cũng thế và các nơi khác.
37. 2) Một khu làng để khất thực nằm về phía Bắc hay Nam của trú xứ (để tránh đối diện với mặt trời khi đi và về) không quá xa, trong vòng một câu xá rưỡi (1 câu xá rưỡi bằng ba ngàn cung), nơi dễ kiếm đồ khất thực, là chỗ hành xứ thích hợp. Ngược lại là không thích hợp.
38. 3) Ngôn ngữ: Lời nói nằm trong 32 thứ lời phù phiếm là không thích hợp vì đưa đến sự biến mất của tướng, còn lời nói dựa trên 10 ví dụ về lời nói, được gọi là là thích hợp, nhưng ngay cả lời nói thích hợp cũng cần nói vừa phải”. (26 loại lời vô ích được kể trong các kinh như M. ii. 145, iii. 113, Luận thêm thành ra 32 )
39. 4) Người: Một người không ưa nói phù phiếm, có những đức đặc biệt của giới… Do giao thiệp với người ấy, tâm không định được định, tâm đã định càng thêm định tĩnh, gọi là người thích hợp. Một người quá tĩnh, gọi là người thích hợp. Một ngưòi quá quan tâm đến thân thể, ưa nói vô ích, gọi là không thích hợp, vì chỉ gây rối, như bùn bỏ vào nước trong. Vì một người thuộc loại này, mà mọi chứng đắc của vị tỳ kheo trẻ ở Kottapabbata đã tiêu tan, nói gì đến tướng.