Niệm Tăng
89. Một người tu tập niệm tăng, nên đi vào độc cư để tưởng niệm những đức tính đặc biệt của đoàn thể thánh chúng như sau: “Chúng đệ tử của Thế tôn đã đi vào thiện đạo, trực đạo, chân đạo, chánh đạo, nghĩa là bốn đôi tám vị. Chúng đệ tử này của Thế tôn đáng được cúng duờng, cung kính, chắp tay chào, là phước điền vô thượng của thế gian”. (A. iii, 286)
90. Ði vào thiện đạo (supatipanna) có nghĩa là hoàn toàn nhập đạo, và đó là đạo lộ chân chính (sammà-patipadà), con đường không thể đảo lộn, con đường phù hợp với chân lý, con đường không có đối lập, con đường được điều hoà bởi pháp. Chúng đệ tử này nghe (sunanti) một cách chăm chú lời dạy của đấng Thế tôn, cho nên gọi chúng là Thanh văn (sàvaka: người nghe) Chúng đệ tử là hội chúng những thanh văn này, cùng chung giới và (chánh) kiến. Ðạo lộ ấy là trực đạo, không bị cong, không có móc, không khuất khúc, gọi là thánh đạo, chân đạo, chánh đạo, bởi vì nó phù hợp (với chân lý)
91. Những người đứng trên đạo lộ ấy có thể xem là đã thể nhập thiện đạo, vì có chân đạo. Những người an trú trong quả vị có thể xem là đã thể nhập thiện đạo, vì nhờ chân đạo mà họ đã chứng những gì phải chứng.
92. Lại nữa, hội chúng ấy đã đi vào trực đạo là con đường trung đạo, tránh hai cực đoan, con đường từ bỏ những lỗi của thân cong và lời cong. Hội chúng ấy đi vào chân đạo vì Niết bàn được gọi là “chân thật”, và vì lấy Niết bàn làm mục tiêu. Hội chúng đã đi vào chánh đạo là con đường của những người đáng được tôn trọng.
93. Bốn đôi: người có đạo thứ nhất và quả thứ nhất là một đôi, theo cách ấy có bốn đôi. Tám vị kể từng người thì đứng ở quả vị thứ nhất là một người, như vậy có tám vị.
94. Ðáng cúng dường: Những gì đáng được mang (ànotvà) và cho (hunitabha) là một tặng vật (àhuna: vật tế lễ), có nghĩa là những vật được mang từ xa đến và tặng cho những người có giới hạnh. Ðấy là một danh từ chỉ tứ sự cúng dường. Chúng tăng đáng được những tặng vật vì làm cho tặng phẩm có kết quả lớn, nên gọi là đáng cúng dường (àhuneyya).
95. Cũng như ngọn lửa của Bà-la-môn thờ lửa được gọi là đáng dâng lễ cũng, vì những người này tin tưởng rằng sự cúng tế cho ngọn lửa ấy mang lại kết quả lớn. Chúng tăng cũng vậy, đáng được cúng dường bởi vì những gì cúng dường cho chúng tăng được kết quả lớn.
Dù trải một trăm năm
Thờ lửa tại rừng sâu
Chẳng bằng trong giây lát
Cúng duờng bậc chân tu (Dh. 107)
96. Xứng đáng sự mời thỉnh (pahuneyya):pàhunalà danh từ chỉ tặng phẩm dành cho khách phương xa đến. Nhưng không có đối tượng nào xứng đáng nhận sự thỉnh mời hơn là tăng chúng, vì Tăng là những vị được gặp trong thời gian giữa hai vị Phật, và Tăng có những đức tính hoàn toàn đáng mến mộ.
97 Cúng dường (dakkhina): tặng phẩm vì lòng tin ở đời sau, gọi là đồ cúng dường. Chúng tăng đáng cúng dường vì làm thanh tịnh những thứ cúng thí bằng cách đem lại quả báo lớn.
Chúng tăng đáng cho toàn thể thế gian chào kính: (anjali- kamma) bằng cách chấp tay lên đầu cho nên gọi là đáng tôn trọng kính chào (anjalikaranìya).
98. Là ruộng phước vô thượng của thế gian: một nơi không có gì sánh bằng có thế gian, để gieo trồng phước đức. Vì các loại công đức thế gian đưa đến an lạc và hạnh phúc, nếu y cứ vào thánh chúng để tăng trưởng nên chúng tăng là “ruộng phước vô thượng của thế gian”.
99. Khi hành giả tưởng niệm những đức đặc biệt của Tăng như thế, thì tâm hành giả không bị tham, sân, si ám ảnh, có được sự chất trực, vì cảm hứng từ chúng tăng (A. iii, 286) Sau khi hành giả nhiếp phục những triền cái như đã nói (đ. 66) những thiền chi khởi lên trong một tâm sát na. Nhưng vì tính chất sâu xa của những đức đặc biệt của Tăng, hay vì tâm hành giả bận tưởng đến những đức đặc biệt thuộc nhiều loại, nên thiên đạt được chỉ là cận hành định, mà không phải là định an chỉ.
100. Khi một tỷ kheo chuyên tâm tu tập sự niệm tăng này, thì vị ấy có thái độ cung kính, tôn trọng đối với chúng tăng. Vị ấy được sự viên mãn về tín v.v… Vị ấy có nhiều hạnh phúc an lạc. Vị ấy nhiếp phục được sợ hãi và khủng bố. Vị ấy có khả năng nhẫn khổ. Vị ấy cảm thấy như mình đang sống với sự hiện diện của chúng tăng. Và thân thể của vị ấy, khi an trú trong sự niệm tăng, trở thành đáng tôn trọng như một ngôi nhà làm lễ bố tát, ở đó chư tăng tụ hội. Tâm vị ấy hướng đến sự thành đạt những đức tính đặc biệt của tăng. Khi hành giả gặp phải cơ hội phạm giới, vị ấy liền có ý thức tàm quý mãnh liệt như đang ở trước mặt chúng tăng. Và nếu hành giả không lên được địa vị nào cao hơn, thì ít nhất cũng hướng đến một cảnh giới hạnh phúc.
Người thực sự có trí
Thì công niệm thường xuyên
Là tưởng niệm Tăng bảo
Có tiềm năng vĩ đại
Niệm Giới
101. Người muốn tu pháp niệm giới nên đi vào độc cư và tưởng niệm đến những loại giới khác nhau của chính mình, trong những đức tính đặc biệt của chúng như không bị rách v.v… Như sau: “Quả vậy, các loại giới khác nhau của ta đều không bị rách, vá, bị lủng, bị ố, bị lốm đốm, giải thoát, được người trí khen ngợi, không liên hệ, đưa đến định” (A. iii, 286). Cư sĩ niệm giới tại gia, tỷ kheo niệm giới xuất gia.
102. Dù giới tại gia hay xuất gia, nếu không bị phá huỷ ở chặn đầu hay chặn cuối, không bị rách như miếng giẻ rách ở hai đầu, thì giới ấy gọi là không bị rách. Nếu không một học giới nào bị phá ở chặn giữa thì gọi là giới không bị lủng, như miếng vải không bị đâm thủng ở giữa. Khi học giới không bị vi phạm hai ba lần liên tiếp, gọi là giới không bị vá như một con bò có một miếng da khác màu ở lưng hay bụng. Khi giới không bị phá cùng khắp, cách nhau từng thời khoản, thì gọi là giới không bị lốm đốm như con bò có những đốm trên toàn thân.
103. Hoặc, nói chung, giới không bị rách, bị lủng, bị vá, bị lốm đốm, là khi giới ấy không bị tổn hoại do bảy hệ luỵ thuộc về dục tính (Ch. I, đoạn 44) và do sân, hận, cùng những ác pháp khác. (xem đoạn 59)
104. Chính những giới ấy là giải thoát vì chúng giải toả khỏi sự nô lệ cho dục ái. Chúng được người trí tán thán vì được những bậc trí như đáng giác ngộ khen ngợi. Chúng không liên hệ vì không liên hệ (aparàtthattà) với dục và tà kiến, hoặc vì không thể có sự hiểu lầm (paràmattum) rằng “Có khuyết điểm này trong giới của chư vị” Chúng đưa đến định vì hỗ trợ cho định cận hành và định an chỉ, hoặc cho định thuộc đạo và định thuộc quả.
105. Khi hành giả tưởng đến những giới của mình trong những đức tính đặc biệt của chúng, là không bị rách, v.v… Thì ngay khi ấy, tâm vị ấy không bị tham, sân, si ám ảnh, có được tính chất trực, vì được cảm hứng từ giới: (A. iii, 286). Bởi vậy khi hành giả đã nhiếp phục được những triền cái theo cách đã mô tả (66), thì những thiền chi khởi lên trong một tâm sát na. Nhưng do tính cách sâu xa của những đức đặc biệt của giới, hoặc vì tâm hành giả bận tưởng đến nhiều đức tính đặc biệt, thiền đạt đuợc chỉ là cận hành định, không đạt đến định an chỉ.
106 . Khi chuyên tâm vào việc niệm giới, thì hành giả có sự tôn trọng đối với học pháp. Vị ấy sống hoà hợp với những bạn đồng phạm hạnh. Vị ấy chuyên cần chào đón. Vị ấy không sợ tự mình trách cứ mình v.v… Vị ấy thấy sự sợ hãi trong những lỗi nhỏ. Vị ấy đạt đến viên mãn về tín, v.v… . Vị ấy có nhiều hạnh phúc an lạc. Và dù không đạt đến quả vị gì cao hơm ít nhất vị ấy cũng hướng đến một thiện thú.
Người thật sự có trí
Sẽ thường xuyên niệm giới
Vì việc này tốt đẹp
Với tiềm năng vĩ đại