Thanh Tịnh Đạo – Chương XI

80. Nước Tiểu được tìm thấy trong bàng quang (bong bóng). Ở đây, cũng như khi một cái ghè nhiều lỗ chúc ngược đầu trong một hố phân, ghè nhiều lỗ ấy không nghĩ “Hố phân thấm nước vào trong ta”, nước thấm từ hố phân vào ghè không nghĩ “Ta đang ở trong ghè”. Cũng thế, bong bóng không biết “Nước tiểu ở trong ta”, nước tiểu không biết “Ta ở trong bong bóng”. Những vật này không bận tâm đến nhau, không quan sát lẫn nhau. Bởi vậy, cái được gọi là nước tiểu là một thành phần đặc biệt của thân này,không có tư tưởng, bất định, trống rỗng, không phải tự ngã, chỉ là thủy đại dưới hình thức dính.

81. Khi hành giả đã tác ý theo cách trên đến lông v.v..vị ấy cần phải tác ý bốn thành phần về hỏa đại như sau: Cái gì bởi đó người ta được làm cho nóng, đây là một thành phần đặc biệt của thân này, không có tư tưởng, bất định, trống rỗng, không phải tự ngã, chỉ là hỏa đại dưới hình thức làm chín.

Cái gì bởi đó người ta biến đổi (già)…

Cái gì bởi đó người ta nóng lên…

Cái gì bởi đó những gì được ăn, uống, nhai, nếm, trở nên hoàn toàn được tiêu hóa, đây là một thành phần đặc biệt của thân này, không có tư tưởng, bất định, trống rỗng, không phải tự ngã, chỉ là hỏa đại dưới hình thức làm chín.

82. Kế tiếp, sau khi tìm thấy những gió đi lên (gió ở đây có nghĩa là năng lực) là đi lên, gió đi xuống là đi xuống, gió trong bụng là trong bụng, gió trong ruột là trong ruột, gió đi qua khắp tứ chi là gió đi khắp tứ chi, và hơi thở vô thở ra là hơi thở vô, thở ra, hành giả nên tác ý đến sáu thành phần về phong đại này như sau: Cái được gọi là gió (năng lực) đi lên là một thành phần đặc biệt của thân này, không có tư tưởng, bất định, trống rỗng, không phải tự ngã, đó là phong đại dưới hình thái bành trướng.

Cái gì được gọi là gió đi xuống…

Cái gì được gọi là gió trong bụng…

Cái gì được gọi là gió trong ruột…

Cái gì được gọi là gió đi ngang qua tứ chi…

Cái gì được gọi là hơi thở vô hơi thở ra là một thành phần đặc biệt của thân này, không có tư tưởng, bất định, trống rỗng, không phải là tự ngã, đó là phong đại dưới hình thái bành trướng.

83. Khi hành giả chú ý theo cách trên, bốn đại chủng trở nên rõ rệt với hành giả. Khi vị ấy tác ý, chú ý đến chúng nhiều lần, cận hành định khởi lên nơi vị ấy theo cách đã nói.

(iii) Với chi tiết lược nói

84. Nhưng nếu đề mục thiền của hành giả vẫn không đi đến thành công khi hành giả tác ý theo cách trên, thì nên tác ý đến đề mục ấy với chi tiết lược thuyết. Như thế nào? Trong hai mươi thành phần tính chất cứng, nên được phân biệt là địa đại, tính chất dính liền là thủy đại, tính chất làm chín là hỏa đại, tính chất bành trướng là phong đại. Trong mười hai thành phần, tính chất dính liền cần được định nghĩa là thủy đại, tính chất chín cũng ở trong đó, là hỏa đại, tính chất bành trướng, cũng ở trong đó, là phong đại, tính chất kiên cứng là địa đại, tính dính liền là thủy đại. Trong sáu thành phần (6 loại gió), tính bành trướng cần được định nghĩa là phong đại, tính cứng cũng ở trong đó, là địa đại, tính dính liền là thủy đại, và tính làm chín là hỏa đại.

Khi hành giả định rõ chúng là như vậy, bốn đại chủng trở nên rõ rệt với vị ấy. Khi vị ấy chú ý đến chúng và tác ý nhiều lần, cận hành định khởi lên nơi vị ấy theo cách đã nói.

(iv)Với những đặc tính rộng thuyết

85. Nhưng nếu đề mục thiền của vị ấy không đi đến thành công khi tác ý đến nó như cách trên, thì hành giả nên tu tập bằng những đặc tính do phân tích. Như thế nào? Sau khi phân biệt tóc v.v… theo cách đã tả, tính chất cứng của tóc cần được định rõ là địa đại, tính chất dính liền của nó là thủy đại, tính chất làm chín là hỏa đại, và tính chất bành trướng là phong đại. Cả bốn đại cần được định rõ theo cách ấy với mỗi phần. (32 phần)

Khi định rõ chúng theo cách trên, các đại chủng trở nên rõ rệt đối với hành giả. Khi vị ấy tác ý đến chúng nhiều lần, cận hành định khởi lên nơi hành giả như cách đã nói.

Những Phương Pháp Tác Ý Khác

86. Thêm nữa, sự chú ý đến bốn đại chủng cần được làm theo những cách sau đây: (1) Về ý nghĩa danh từ, (2) Theo từng nhóm, (3) Bằng những vi thể, (4) Do đặc tính v.v..(5) Do sự phát sinh, (6) Về phía cạnh dị đồng, (7) Về tính chất khả phân và bất khả phân, (8) Về giống và khác, (9) Về phân định trong ngoài..(10) Về sự bao gồm, (11) Về điều kiện, (12) Về sự thiếu phản ứng tâm thức, (13) Về sự phân tích các điều kiện (duyên).

87. Ở đây, một người tác ý bốn đại chủng về phương diện ý nghĩa theo hai cách: Nói về biệt tướng thì gọi là đất (pathavi) vì nó trải ra (patthata), gọi là nước (àpo) vì nó chảy (appoti), lướt (àpiyati) làm thỏa mãn (appàyati), gọi là lửa (tojo) vì nó làm nóng (tejati), gọi là gió (vàyo) vì nó thổi (vàyati). Nhưng nói về tổng tướng, thì chúng đều là giới (dhàtu) vì mang (dhàrapa) tính chất riêng, vì nắm lấy (àdàna) đau khổ, vì lựa ra (àdhàna) đau khổ (xem Chương XV,19).

88. Theo nhóm: có địa đại được trình bày dưới hai mươi khía cạnh khởi đầu bằng tóc, lông, và thủy đại, dưới mười hai khía cạnh khởi đầu bằng mật đàm. Bây giờ, về những thứ này:

Màu, sắc, mùi, vị,
Dưỡng chất và bốn đại
Phối hợp tám thứ ấy
Có tên gọi là tóc
Tách riêng tám thứ này
Không còn tên là tóc.

Do đó, tóc chỉ là một nhóm tám pháp, lông và những thứ còn lại cũng thế. Cộng thêm hai yếu tố nghiệp sinh thì có nhóm mười pháp: mạng căn và nam hay nữ căn. Nhưng tùy theo tính cách trội hơn đặc tính cứng hay dính liền, mà gọi là địa đại hay thủy đại.

Trên đây là sự tác ý theo nhóm.

89. 3. Bằng vi thể: trong thân này, địa đại kể như tán thành bụi nhỏ và làm thành phấn cỡ như vi trần, thì có thể có lượng trung bình là một dona, địa đại ấy được liên kết với nhau bởi thủy đại với một lượng bằng phân nửa, được duy trì bằng hỏa đại (anurakkhita), nghĩa là duy trì cho địa đại khỏi rơi vào trạng thái ẩm ướt, trơn trượt do thủy đại, mà tánh của nó là nhỏ giọt (Pm.361), và được bành trướng (hay phồng lên) nhờ phong đại làm cho nó không bị phân tán, rã rời. Thay vì rã rời phân tán, nó đi đến những tình trạng khác nhau như nam, nữ, v.v.., và biểu hiện tướng nhỏ, lớn, dài, ngắn, cứng, rắn chắc, v.v..

90. Thủy đại nghĩa là trạng thái dính liền, nhờ được an lập trên địa đại, duy trì bởi hỏa đại, và bành trướng bởi phong đại, nên không rỉ hay chảy đi. Thay vì rỉ chảy, nó đem lại sự đổi mới liên tục “Ðây là nói đến thủy đại kể như một chất nước giúp cho sự tăng trưởng” (Pm.361).

91. Và ở đây, hỏa đại cái làm cho tiêu hóa (nấu) những gì đã được ăn, uống v.v..và là tính chất làm cho ấm với đặc tính là sức nóng, nhờ an lập trên địa đại, được liên kết lại bởi thủy đại, bành trướng nhờ phong đại. Hỏa đại này duy trì cơ thể và bảo đảm cái dáng vẻ của riêng nó. Và thân này, nhờ được hỏa đại duy trì, nó không bay ra mùi hôi thối.

92. Phong đại đi qua khắp tứ chi và có đặc tính là di động và được an lập trên địa đại, làm kết tụ bởi thủy đại, và duy trì bởi hỏa đại, làm thân thể bành trướng, mà không sụp đổ, lại đứng vững và nhờ thứ phong đại di động mà nó dẻo, co duỗi, nhúc nhích tay chân trong bốn uy nghi đi, đứng, nằm, ngồi. Như vậy, cái cơ chế bốn đại này tiến hành như một trò ảo thuật, lừa dối kẻ ngu bằng nam tánh, nữ tánh.v.v..

Trên đây là sự tác ý đến bốn đại chủng xem như những vi thể

93. 4. Về đặc tính. v.v..: hành giả nên tác ý bốn đại chủng theo cách sau đây: “Ðịa đại – gì là đặc tính nhiệm vụ, biểu tướng của nó?”. Ðịa đại có đặc tính là cứng. Nhiệm vụ nó là làm nền tảng. Nó được biểu hiện bằng sự đón nhận. Thủy đại có đặc tính rỉ chảy…Nhiệm vụ nó là tăng cường. Nó biểu hiện bằng sự làm dính lại với nhau. Hỏa đại có đặc tính là nóng. Nhiệm vụ nó là làm cho chín. Nó được biểu hiện bằng sự liên tục cung cấp tính cách mềm mại. Phong đại có đặc tính bành trướng. Nhiệm vụ nó là phát sinh chuyển động. Nó biểu hiện bằng sự chuyên chở. Ðây là tác ý theo đ?c tính, v.v…

94.5. Về nguồn gốc phát sinh, trong bốn mươi hai thành phần khởi đầu là tóc được trình bày trong phần luận chi tiết về địa đại v.v..thì bốn thứ bao tử, đồ ăn uống vào, phân, mủ, nước tiểu, là do thời tiết sinh và đồ ăn sinh, bốn thứ nước mắt, mồ hôi, nước miếng, nước mũi, là thời sinh và tâm sinh, hỏa đại làm tiêu hóa thức ăn là nghiệp sinh, hơi thở vô là tâm sinh, còn lại gốc từ cả bốn (đồ ăn). Ðây là cách tác ý về nguồn gốc sinh (nghiệp, tâm, thời tiết).

95. 6. Về sự sai biệt và đồng nhất: Có sự sai biệt trong những đặc tính riêng của bốn đại, vì đặc tính (hay thể), nhiệm vụ (dụng) và tướng của địa đại là khác với đặc tính v.v..của thủy đại v.v..Nhưng có sự đồng nhất trong bốn đại về tính vật chất (sắc pháp), đại chủng giới, pháp, tính vô thường, v.v…

96. Tất cả những đại chủng này đều là sắc pháp (rùpàni) vì chúng không vượt qua đặc tính “bị quấy nhiễu” (ruppana). Chúng là “đại chủng” (mahà-bhùta) do sự biểu hiện lớn lao v.v..Có nghĩa rằng, chúng được gọi là đại chủng vì những lý do sau đây: (a) biểu hiện lớn, (b) giống như đại huyễn thuật, (c) sự duy trì lớn, (d) thay đổi lớn.

97. (a) biểu hiện lớn: chúng được biểu hiện lớn dưới hai hình thức là tương tục không chấp thủ (do nghiệp) và tương tục có chấp thủ. Biểu hiện lớn của tứ đại trong một tương tục không bị chấp được trình bày trong phần Mô tả về niệm Phật như sau:

“Hai lần một trăm ngàn lý
Và bốn na do tha (nahutas) nữa: trái đất này
“Kẻ mang tất cả tài sản”
Có bề dầy chừng ấy, như người ta nói”. (Ch. IV, 41)

và đại chủng được biểu hiện có tầm vóc vĩ đại trong một tương tục bị chấp thủ, như trong thân thể những con cá rùa, chư thiên, quỷ Dànava, v.v..Vì kinh nói:”Này các tỳ kheo, có những sinh vật lớn hằng trăm lý ở trong biển lớn” (A. iv, 207) v.v…

98. (b) Giống như đại huyễn thuật: “Một đại chủng (Mahà – bhùta) như một huyễn sư biến nước thành pha lê, biến đất thành ra vàng, và trình bày chúng ra, hoặc tự biến mình thành ma hay thành chim, cũng vậy, tự chúng không phải xanh đen vàng,đại chủng biến ra đại chủng sở tạo màu xanh đen vàng trắng và trình bày ra. Do vậy, chúng là đại chủng (mahà- -bhùta) vì giống như huyễn thuật của phù thủy.

99. Và cũng như người nào bị những chúng sinh lớn như Dạ xoa ám, những chúng sinh này không ở trong cũng không ở ngoài người ấy, mà cũng không biệt lập với người ấy. Cũng vậy, những đại chủng này không ở trong nhau cũng không ở ngoài nhau, mà cũng không biệt lập nhau. Bởi thế chúng là đại chủng vì giống như những chúng sinh lớn (mahabhùta) Dạ xoa v.v… ở chỗ chúng không có chỗ đứng (tương đối với nhau) mà người ta có thể tư nghì.

100. Và cũng như những Dạ xoa nữ dấu vẻ đáng sợ của chúng dưới màu sắc, hình dáng để lừa dối chúng sinh, cũng vậy, những đại chủng này mỗi thứ giấu diếm đặc tính và nhiệm vụ chúng như cứng thô, v.v… bằng một màu da dễ ưa của thân thể đàn ông và đàn bà v.v… những hình dáng dễ ưa của tay chân và dáng điệu khả ái của ngón tay ngón chân, mày mắt, chúng lừa dối người ngu bằng cách che dấu đặc tính và nhiệm vụ chúng là thô cứng v.v.., và không để cho tự tánh của chúng hay thực chất chúng xuất đầu lộ diện. Do đó, chúng là đại chủng vì ngang hàng với chúng sinh lớn tức quỷ Dạ xoa cái, ở chỗ chúng là những kẻ đại bịp.

101. (c) Thay đổi lớn: Vì bốn đại chủng này phải được duy trì bởi những nhu yếu lớn. Chúng đã trở thành (bhùta), sinh ra, nhờ các phương tiện thực phẩm, y phục v.v..có tầm quan trọng lớn, vì chúng cần phải được kiếm ra hằng ngày.

102. (d) Thay đổi lớn: Những đại chủng không bị chấp thủ và có bị chấp thủ đều là nền tảng cho những cuộc đổi thay lớn lao. Ở đây sự biến chuyển lớn của đại chủng không bị chấp thủ là kiếp tai nổi lên (xem Ch. XIII,34), và thay đổi của đại chủng có bị chấp thủ là xáo trộn tứ đại trong thân. Vì có câu:

Trận cháy lớn nổi lên
Từ lòng đất vọt cao
Cho đến Phạm Thiên giới
Khi thế giới thiêu hủy,
Toàn thể thế giới hệ
Một trăm ngàn triệu lý
Bị một cơn hồng thủy
Làm chìm đắm tiêu tan
Một trăm ngàn triệu lý
Toàn thể đều tan rã
Khi thế giới hệ này
Sụp đổ vì phong đại
Rắn miệng gỗ cắn
Làm thân thể cứng đơ
địa đại bị kích thích
nó có thể bị tóm
bởi con rắn như vậy.
Rắn miệng thối có thể
làm cho thân thối rửa
thủy đại bị kích thích
nó có thể bị tóm
bởi con rắn như vậy.
Rắn miệng lửa cắn
làm thân thể bùng cháy
hoả đại bị kích thích
nó có thể bị tóm
bởi con rắn như vậy.
Rắn mi?ng kiếm cắn
làm thân thể bung ra
phong đại bị kích thích
nó có thể bị tóm
bởi con rắn như vậy.

Bởi vậy, chúng là đại chủng vì chúng đã thành căn cứ địa cho những cuộc dâu bể đa đoan .

103. (e) Vì chúng là đại và vì chúng là hữu: đại là vì cần đại tinh tấn lực mới phân biệt chúng nổi và hữu (bhùta: trở thành hiện hữu) vì chúng hiện hữu.

Trên đây là nói thế nào bốn đại được gọi là đại – chủng do bởi biểu hiện (tướng) lớn, v.v..

104. Lại nữa, chúng là giới (dhàtu) vì mang, chở (dhàrana) những đặc tính riêng của chúng, vì nắm lấy, chấp thủ (àdàna) đau khổ và bị lựa ra (àdhàna) đau khổ (xem Ch.XV,19) và vì không cái nào thoát khỏi tính chất của giới. Chúng là pháp (dhamma) do mang giữ (dharana) tính chất riêng chúng, và do sự mang giữ như vậy trong khoảng thời gian thuộc về chúng. (Ðiều này ám chỉ thời khoảng một sát na trong đó sắc pháp hiện hữu, được nói là bằng mười bảy lần thời khoảng hiện hữu của tâm pháp. (Vib.A.25). Chúng là vô thường trong nghĩa đã bị hoại, chúng là khổ theo nghĩa gây ra khủng bố, chúng vô ngã trong nghĩa không có trung tâm điểm (của thường v.v..). Do vậy, có đồng nhất trong chúng vì tất cả đều là sắc pháp, đều là đại chủng, đều là giới, đều là pháp, đều vô thường, v.v..

Ðây là cách chúng cần được tác ý về tính sai biệt và đồng nhất.

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.