Thanh Tịnh Đạo – Chương XI

105. 7. Về tính khả phân và bất khả phân: bốn đại là bất khả phân vì chúng luôn luôn cùng khởi trong mỗi một nhóm sắc pháp rất nhỏ chỉ gồm tám pháp (màu, mùi, vị, dưỡng chất, bốn đại) và những thứ khác, nhưng chúng là khả phân vì có thể tách rời do đặc tính. Ðây là cách tác ý bốn đại chủng về phương diện khả phân và bất khả phân.

106. 8. Về phương diện giống và khác: Và mặc dù chúng không thể phân tích (bất khả phân) như thế, nhưng hai thứ đều giống nhau về tính nặng, cũng như hai thứ sau giống nhau ở tính nhẹ. Và bởi lẽ ấy mà hai đại đầu khác hai đại sau, hai đại sau khác hai đại đầu. Ðây là cách tác ý bốn đại về phương diện giống và khác.

107. 9. Về sự phân biệt trong ngoài: nội giới (đại) là chỗ tựa vật chất cho những căn cứ vật lý của thức, cho các loại “biểu” (intimation), và cho các căn cứ vật chất. Chúng được liên kết với bốn uy nghi, và thuộc bốn nguồn gốc sinh ra. Nhưng ngoại giới (đại) thì thuộc loại ngược lại. Ðây là cách chú ý đến chúng về phương diện phân biệt nội ngoại.

108. 10. Về sự bao gồm: Ðịa giới do nghiệp sinh được gồm chung với những giới do nghiệp sinh khác, vì không có gì khác biệt trong sự sinh ra chúng. Cũng vậy, những giới do thức sinh được gồm chung nhau. Ðấy là cách tác ý chúng về phương diện bao gồm.

109. 11. Về phương diện điều kiện: Ðịa đại được giữ lại nhờ nước, duy trì bởi lửa và bành trướng nhờ phong, là một điều kiện cho ba đại chủng kia bằng cách làm nền tảng cho chúng. Thủy đại, được an lập trên đất, duy trì bởi lửa và bành trướng bởi gió, là một điều kiện cho ba đại kia bằng cách tác động như cách làm chúng dính liền. Hỏa đại được lập trên đất, giữ lại với nhau nhờ nước và bành trướng nhờ gió, là một điều kiện cho ba đại kia bằng cách tác động như cái duy trì chúng. Phong đại được an lập trên đất, giữ lại với nhau nhờ nước duy trì bởi lửa, là một điều kiện cho ba đại kia bằng cách tác động như cái bành trướng chúng. Ðây là cách tác ý bốn đại chủng về phương diện điều kiện.

110. 12. Về sự thiếu phản ứng ý thức: Ở đây cũng vậy, địa đại không biết “ta là địa giới” hoặc “ta là một cái duyên bằng cách tác động như là nền tảng cho ba đại kia”. Và ba đại kia cũng không biết “địa đại là một điều kiện cho chúng ta bằng cách làm nền tảng cho ta”. Tương tự trong mỗi trường hợp. Ðây là cách tác ý đến bốn đại về phương diện không có phản?ng ý thức.

111. 13. Về sự phân tích các duyên (điều kiện): Có bốn duyên cho bốn đại chủng là: nghiệp, thức, dưỡng chất và nhiệt độ (thời tiết).

Ở đây một mình nghiệp (kamma) là duyên cho cái gì do nghiệp sanh, không phải thức hay cái gì còn lại. Và một mình thức v.v… là duyên cho cái gì do thức v.v… sanh, không phải những cái khác. Và nghiệp là sanh duyên [1] cho cái gì do nghiệp sanh, nó là thân y duyên cho những cái còn lại.[2]

[1] “Danh từ sanh duyên” chỉ cho nhân sinh khởi, mặc dù nó thực sự đã là điều kiện cho nghiệp với tư cách là một duyên. Vì điều kiện này được nói “thiện và bất thiện” hành (formation – tạo tác) của tâm là một điều kiện, kể như điều kiện nghiệp, cho những uẩn dị thục (báo) và cho sắc do nghiệp sanh -(Pm.368)

[2] “Với những thứ còn lại” là do thức sanh v.v… Ðó là thân y duyên vì trong Patthàna thân y duyên chỉ được nói đối với vô sắc pháp bởi thế không có thân duyên đối với sắc pháp. Tuy nhiên vì những câu “Với một người kể như thân y duyên và “Với một khu rừng” kể như thân y duyên trong các kinh, “thân y duyên” có thể hiểu một cách gián tiếp theo kinh là có nghĩa “vắng mặt nếu không có’.

Thứclà sanh duyên cho những gì “do thức sanh”, nó là hậu sanh duyên, hữu duyên, bất ly khứ duyên của những thứ còn lại. Thức ăn là sanh duyên cho những gì do thức ăn sanh, nó là thực duyên, hữu duyên, bất ly khứ duyên của những thứ còn lại. Nhiệt độ là sanh duyên cho những gì do nhiệt độ sanh, là hữu duyên, bất ly khứ duyên của những cái còn lại. Một đại chủng do nghiệp sanh là 1 duyên cho 1 đại chủng nghiệp sinh và cũng cho những thứ do tâm sinh v.v… Cũng tương tự với đại chủng do đồ ăn sanh. Một đại chủng do thời sinh là duyên cho 1 đại chủng thời sinh, và cũng cho những cái do nghiệp sinh v.v… (xem Ch. XX, 27)

112. Ở đây, địa đại chủng do nghiệp sanh là một điều kiện (duyên) cho những đại chủng do nghiệp sanh khác vừa kể như là những duyên câu sanh hỗ tương, y chỉ, hữu, bất ly khứ và vừa là điều kiện cho nền tảng, nhưng không được kể như sanh duyên (cho những đại chủng do nghiệp sanh ấy). Nó là một điều kiện cho ba đại chủng kia trong ba tương tục (xem Ch. XX, 22) kể như những duyên y chỉ, hữu, bất ly khứ, nhưng không như điều kiện nền tảng hay sanh duyên. Và ở đây, thủy đại là một điều kiện cho ba đại kia vừa kể như những duyên câu sanh v.v… và như duyên tương ưng, nhưng không kể như duyên làm phát sanh. Và đối với những đại khác ở trong ba tương tục, nó là một duyên y chỉ, hữu, bất ly khứ, nhưng không phải tương ưng duyên hay sanh duyên. Và hỏa đại ở đây là một điều kiện cho ba đại kia v?a kể như câu sanh duyên, v.v… vừa là duyên duy trì, nhưng không phải như sanh duyên. Và đối với các đại khác trong ba tương tục, nó là một y chỉ duyên, hữu duyên, bất ly khứ duyên mà không phải duyên cho sự duy trì hay phát sinh. Và phong đại ở đây là một duyên (điều kiện) cho ba đại kia vừa kể như câu sanh v.v… vừa kể như điều kiện bành trướng, mà không phải phát sinh. Và đối với các đại kia trong ba tương tục, nó là y chỉ duyên, hữu duyên, bất ly khứ duyên, nhưng không phải duyên cho sự bành trướng hay phát sinh.

Cùng một phương pháp ấy cũng áp dụng cho địa đại do thức sanh, và do nhiệt độ sanh, và các thứ còn lại.

113. Và khi những đại chủng này đã được phát sinh do ảnh hưởng của các duyên câu sanh v.v..

Với ba đại tùy thuộc một theo bốn cách
Cũng thế với một đại tùy thuộc ba
Với hai đại tùy thuộc hai theo sáu cách
Như vậy bốn đại được sinh khởi

114. Lấy ra một đại, khởi đầu là địa đại, có ba đại khác mà sự sanh khởi của chúng là do đại này, như vậy với ba đại tùy thuộc một đại, thì sự sinh khởi của chúng xảy ra theo bốn cách. Cũng vậy mỗi đại, khởi từ địa đại, sinh khởi tùy thuộc ba đại kia, như thế, với một tùy thuộc ba thì sự sinh khởi của chúng xảy ra theo bốn cách. Nhưng với hai đại cuối tùy thuộc hai đại đầu, với hai đại đầu tùy thuộc hai đại cuối, với đại thứ hai thứ bốn tùy thuộc thứ một thứ ba, thứ một thứ ba tùy thuộc thứ hai thứ bốn, với hai, ba tùy thuộc một, bốn, và với một, bốn tùy thuộc hai, ba, chúng xảy ra theo sáu cách, với hai đại này tùy thuộc vào hai đại khác.

115. Vào lúc chuyển động đi tới (M. i,57), địa đại trong bốn đại là một điều kiện cho sự ép. Ðại này được trợ lực bởi thủy đại là một điều kiện cho sự an lập trên một nền tảng. Nhưng thủy đại trợ lực bởi địa đại là một điều kiện cho sự hạ xuống thấp. Hỏa đại trợ lực bởi phong đại là một điều kiện cho sự nâng lên. Phong đại trợ lực bởi hỏa đại là một điều kiện để nhích tới trước và nhích sang hai bên (Ch. XX, 62).

Trên đây là tác ý bốn đại về phương diện phân tích các điều kiện (duyên).

116. Khi hành giả tác ý đến chúng về phuơng diện ý nghĩa, danh từ v.v. theo cách nói trên, các đại chủng trở nên rõ rệt đối với vị ấy dưới mỗi mục. Khi vị ấy tác ý nhiều lần,chú ý đến chúng,thì cận hành định khởi lên theo cách đã nói. Và định này cũng thế, được gọi là “định rõ bốn đại chủng” vì nó khởi lên nơi một người phân tích bốn đại chủng do ảnh hưởng của tri kiến.

117. Vị tỳ kheo chuyên vào việc phân tích bốn đại thì đắm mình trong Không và bỏ cái tưởng về chúng sinh. Vì vị ấy không nuôi những tưởng tượng sai lạc (vọng tưởng) về thú dữ, ma quỉ v.v… do đã từ bỏ chúng sinh tưởng, vị ấy nhiếp phục được sợ hãi khiếp đảm, nhiếp phục ưa và chán, vị ấy không vui mừng hay tiu nghỉu (ugghàta – vui mừng, nigghàta – tiu nghỉu, cả hai đều không tìm thấy trong P.T.S.) trước những chuyện đáng ưa hay khó chịu, và như một người có trí tuệ lớn, vị ấy hoặc đựợc Niết bàn bất tử ngay hiện tại, hoặc được hướng đến một thiện thú.

Phân tích bốn đại chủng (phân biệt giới)
Luôn luôn là sở hành của người trí
Bậc thiền giả Thánh sư tử
Sẽ lấy đề mục vĩ đại này làm trò chơi.

Trên đây là mô tả về sự tu tập phân tích tứ đại (còn gọi là giới phân biệt).

Ðịnh Tu Tập – Kết Luận

118. Ðến đây là hoàn tất trong mọi chi tiết luận giải về ý nghĩa câu “Làm thế nào định cần phải được tu tập” trong loạt vấn đề khởi đầu “Thế nào là định”, được đặt ra để chỉ rõ phương pháp tu tập định với đầy đủ chi tiết (xem Ch. III,1).

119. Ðịnh muốn nói ở đây có hai thứ là cận hành và an chỉ. Ở đây, sự nhất tâm trong trường hợp mười đề mục thiền và trong tâm đi trước định (trong trường hợp các đề mục còn lại) gọi là cận hành định. Sự nhất tâm trong các đề mục thiền còn lại gọi là định an chỉ. Bởi thế, định được tu tập dưới hai hình thức, với sự tu tập các đề mục thiền này. Do vậy ở trên kia nói “hoàn tất trong mọi chi tiết” v.v..

Những Lợi Lạc Của Ðịnh Tu Tập

120. Có năm lợi ích là hiện tại lạc trú v.v..Vì sự tu tập định đem lại hiện tại lạc thú cho những vị A-la-hán đã phá hủy các lậu hoặc khi tu định, nghĩ rằng “Ta sẽ chứng và an trú nhất tâm trọn một ngày”. Do đó, Ðức Thế Tôn dạy: Nhưng này Cunda, đấy không phải cái gọi là viễn ly trong giới luật bậc Thánh, đấy gọi là Hiện tại lạc trú trong Giới luật bậc Thánh” (M. i, 40)

121. Khi phàm phu và hữu học tu tập định, nghĩ rằng: “Sau khi xuất định, chúng ta sẽ tu tập Tuệ với tâm đã định tĩnh”, sự tu tập định an chỉ (absortion concentration) đem lại cho chúng lợi ích của tuệ bằng cách làm nhân gần cho tuệ, và cũng vậy định cận hành(access concentration) đem lại lợi ích là một phương pháp đạt đến nh?ng cảnh giới rộng mở trong những hoàn cảnh chật chội [1].

[1] Xem M.i,179 v.v.”Quá trình hiện hữu trong vòng tái sinh luân hồi, một chỗ rất chật chội, là đầy chật bởi những cấu uế của tham v.v..

Bởi vậy Ðức Thế Tôn dạy rằng:

“Này các Tỳ Kheo, hãy tu tập định,
vì một Tỳ kheo định tĩnh thì biết đúng”. (S. iii,13)

122. Nhưng khi họ đã làm phát sinh được tám thắng xứ và mong muốn được các loại thần thông được mô tả như: “Vị ấy làm một thân hóa ra nhiều thân” (Ch. XII,2), họ làm phát sinh những loại thần thông ấy bằng cách nhập thiền kể như căn cứ địa cho thần thông, rồi xuất khỏi thiền ấy, như vậy sự tu tập định an chỉ đem lại cho hành giả lợi ích của các loại thần thông, vì nó trở thành nhân gần cho các thần thông khi có dịp. Do đó Ðức Thế Tôn dạy: “Vị ấy đạt đến khả năng chứng ngộ, do sự chứng ngộ với thắng trí (*), mà tâm vị ấy hướng đến, khi có một cơ hội” (M. ii, 96).

(*) Thắng trí là tên khác của thần thông.

123. Khi phàm phu chưa mất thiền định của chúng, mà muốn tái sinh vào Phạm thiên giới như sau: “Ta hãy tái sinh vào Phạm thiên giới” hay dù cho vị ấy không thực sự bày tỏ khát vọng ấy, thì sự tu tập định an chỉ cũng đem lại cho vị ấy những lợi lạc của một thiện thú, vì định an chỉ bảo đảm việc ấy. Vì vậy Ðức Thế Tôn dạy: “Chúng tái sinh ở đâu sau khi đã tu tập sơ thiền một cách giới hạn? Chúng tái sinh cộng trú với chư Thiên ở cõi trời Ðại Phạm” (Vbh. 424) v.v..Và ngay cả sự tu tập định cận hành cũng bảo đảm một hình thức tái sinh tốt đẹp hơn trong những thiện thú thuộc dục giới..

124. Nhưng khi những bậc Thánh đã chứng đắc tám Giải thoát tu tập định với ý nghĩ: “Ta sẽ nhập diệt định, và không tâm trong bảy ngày, ta sẽ được hiện tại lạc trú, bằng cách đạt đến diệt thọ tưởng, nghĩa là niết bàn”. Và khi ấy sự tu tập định an chỉ đem lại cho những vị ấy lợi lạc của diệt. Do đó Patisambhidà nói: “Trí tuệ kể như sự làm chủ, do…mười sáu loại tri kiến (behaviour of knowledge) và chín loại định (behaviour of concentration) là trí thuộc diệt định” (Ps. i,97; Ch. XXIII đoạn 18 và kế tiếp).

125. Ðấy là lợi lạc của định tu tập gồm năm thứ, là hiện tại lạc trú v.v…

Bởi vậy, người trí không quên tận tâm theo đuổi sự tu tập định:

Nó thanh lọc ô nhiễm của phiền não cấu
Và đem lại quả báo không thể tính lường

126. Và đến đây, trong Thanh tịnh đạo, được dạy dưới những đề mục giới, định và tuệ, trong bài kệ “Người trú giới có trí, tu tập tâm và tuệ…”, định đã được giải thích đầy đủ.

Chương mười một này kết thúc phần”Mô tả về Ðịnh” trong Thanh- tịnh đạo, được biên soạn vì mục đích làm cho những người hiền thiện hoan hỉ.

http://www.tangthuphathoc.net/phapluan/thanhtinhdao-11.htm

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.