Thanh Tịnh Đạo – Chương XII

120. Ở đây, “Mặc dù xa, vị ấy quyết định lại gần”, sau khi xuất khỏi thiền căn bản, vị ấy tác ý đến một cõi Phạm thiên hay cõi chư thiên rất xa, và nghĩ “Nó hãy gần”. Sau khi tác ý và làm việc chuẩn bị, vị ấy lại nhập định và quyết định bằng trí “Nó hãy gần lại”. Nó trở nên gần. Cũng một phương pháp giải thích ấy áp dụng cho những mệnh đề khác nữa.

121. Ở đây, ai đã làm cho một cái gì xa trở thành gần? Chính Ðức Thế Tôn. Vì khi Ðức Thế Tôn đi đến thế giới chư thiên sau khi làm hai phép lạ, Ngài đã làm cho Yugandhara Simeru gần lại, và từ mặt đất Ngài đặt một chân lên Yugandhara và chân kia lên Sumeru.

122. Và còn ai khác nữa đã làm được việc ấy? Tôn giả Mục Kiền Liên. Vì khi tôn giả đang rời Xá vệ sau khi dùng ngọ xong Ngài đã rút ngắn đám đông dài 12 lý và con đường ba mươi lý dẫn đến đô thị Sankassa, và Ngài đến nơi cùng lúc ấy.

123. Lại nữa Trưởng lão Cùla- Samudda cũng làm như vậy trên đảo Tích lan, vào một thời đói kém, một buổi sáng nọ có 700 tỷ kheo đến viếng Trưởng lão. Trưởng lão suy nghĩ như sau: “Ở đâu một đoàn tỷ kheo đông nhiều có thể đi khất thực?” Ngài thấy không một nơi nào trên đảo Tích-lan có thể khất thực nhưng có thể có một nơi ở bên kia bờ, tại Pàtaliputta (Patna) Ngài bảo các tỷ kheo lấy y bát và nói: “Lại đây, chư hiền, chúng ta hãy đi khất thực”. Rồi Ngài rút ngắn đất lại và đi đến Pàtaliputta. Các tỷ kheo hỏi: “Ðô thị này tên là gì, bạch đại đức?”. – “Chư hiền, nó tên Pàtaliputta”. “Pàtaliputta thì xa lắm, bạch đại đức?”. “Chư hiền, các vị trưởng lão kinh nghiệm làm cho cái gì xa thành gần”. “Vậy thì biển ở đâu đại đức?” – “Chư hiền, há các ngươi đã không đi qua một dòng nước xanh hay sao?” – “Bạch đại đức, có, nhưng biển thì rộng lớn chứ?” – “Chư hiền, những vị trưởng lão có kinh nghiệm có thể làm cho cái gì rộng lớn trở thành nhỏ hẹp”.

124. Và trưởng lão Tissadatta cũng làm như vậy, khi ông đã đắp thượng y sau khi tắm rửa vào buổi chiều và ý nghĩ đi chiêm bái cây Giác ngộ khởi lên nơi ông.

125. Ai đã làm cho cái gì gần trở thành xa? Ðức Thế Tôn. Vì mặc dù Angulimàla đang gần bên cạnh Thế tôn, Ngài làm cho ông ta cách rất xa (xem M. ii, 99).

126. Ai đã làm cho nhiều thành ít? Trưởng lão Maha-Kassapa. Vào ngày lễ ở Vương xá, có 500 thiếu nữ đang trên đường đi d? hội, và đem theo bánh “mặt trăng” (bánh đa). Chúng trông thấy Ðức Thế Tôn mà không cho Ngài gì cả. Nhưng trên đường về, chúng gặp trưởng lão. Nghĩ rằng “Ngài là vị trưởng lão của chúng ta” chúng mỗi người lấy một cái bánh đem biếu trưởng lão. Trưởng lão mở bát ra và hóa phép làm cho chúng vào tất cả ở trong đó. Ðức Thế Tôn đã ngồi xuống trước và đang đợi trưởng lão. Trưởng lão đem chúng đến trước mặt Thế tôn.

127. Trong câu chuyện về trưởng giả Illisa (Jà. i, 348), thì trưởng lão Maha-Moggallàna làm cho ít thành nhiều. Và trong câu chuyện Kàkavaliya Ðức Thế Tôn cũng làm vậy. Trưởng lão Maha-Kassapa, sau bảy ngày nhập định, đến đứng trước cửa nhà một người nghèo tên Kàkavaliya để chứng tỏ lòng chiếu cố đến người nghèo. Vợ ông ta trông thấy trưởng lão, và đổ vào bát ngài thức cháo chua không muối mà bà đã làm sẵn dành cho người chồng. Trưởng lão nhận lấy và đặt trong tay Ðức Thế Tôn, Ðức Thế Tôn quyết định làm cho cháo ấy đủ cho đoàn thể tăng chúng dùng. Những gì được mang đến trong một cái bát trở thành đủ dùng cho tất cả mọi người. Và vào ngày thứ bảy, Kàkaliya trở thành một triệu phú.

128. Và không những với trường hợp biến ít thành nhiều, mà bất cứ điều gì người có thần thông mong muốn, như làm cho ngọt thành không ngọt, không ngọt thành ngọt v.v… vị ấy đều có thể thành công. Vì sự việc đã xảy ra như vậy khi trưởng lão Maha-Amula thấy nhiều tỷ kheo ngồi ở bên bờ sông Hằng (ở Tích lan) đang ăn cơm trắng, vật duy nhất họ đã có được sau khi đi khất thực, Ngài bèn quyết định “Nước sông Hằng hãy trở thành bơ”. Và Ngài ra dấu cho các chú tiểu đến lấy nước sông Hằng để vào bình bát, và đem đến cho chúng tỷ kheo. Tất cả chúng tỷ kheo ăn cơm ấy với bơ ngọt.

129. Với thiên nhãn: vẫn ở đây mà đuổi ánh sáng ra, vị ấy trông thấy sắc tướng của Phạm thiên. Và vẫn ở đây, vị ấy cũng nghe được âm thanh của Phạm thiên, và hiểu ý ông ta.

130. Vị ấy chuyển tâm mình theo thân mình: vị ấy chuyển tâm cho phù hợp với thân xác: lấy tâm của thiền căn bản, để tâm ấy lên thân xác mình, vị ấy làm cho sự vận hành của nó chậm lại cho phù hợp với vận hành của thân xác, vì cái kiểu của thân xác vận hành, thì chậm chạp.

131. Vị ấy đạt đến tưởng lạc và tưởng nhẹ: vị ấy đi đến, nhập, tiếp xúc với tưởng về lạc và tưởng về nhẹ phù hợp với tâm mà đối tượng là thiền căn bản. Và chính tưởng liên hệ đến xả được gọi là “lạc tưởng”: vì xả được gọi là lạc bởi nó an lạc. Và chính tưởng ấy cần hiểu cũng được gọi là “tưởng nhẹ”, vì nó đã được giải tỏa khỏi những triền cái và các pháp đối lập với nó khởi đầu bằng tham. Nhưng khi vị ấy đạt đến trạng thái này, thì cả đến thân xác vị ấy cũng trở nên nhẹ như bông. Như vậy, vị ấy đi đến Phạm thiên giới với một thân xác hữu hình nhẹ như một nắm bông gòn bay theo gió.

132. Khi đang đi như vậy, nếu muốn, vị ấy sẽ tạo ra một con đường giữa hư không nhờ biến xứ đất, và đi bộ trên đó. Nếu muốn, vị ấy quyết định với biến xứ hư không rằng “có hư không” và vị ấy đi qua hư không như một nắm bông gòn. Hơn nữa, ước muốn đi là thước đo ở đây. Khi có một ước muốn đi, một người đã làm quyết định ấy trong tâm có thể đi hiện hình thấy rõ, được mang đi bởi mãnh lực của quyết tâm giống như một mủi tên do nhà thiện xạ bắn ra.

133. “Vị ấy chuyển thân mình cho phù hợp với tâm của mình” vị ấy đem thân xác đặt trên tâm. Vị ấy làm cho nó đi nhanh cho phù hợp với vận hành của tâm, vì cái kiểu vận hành của tâm là nhanh.

Vị ấy đạt đến tưởng về lạc và tưởng về nhẹ: vị ấy đạt đến tưởng lạc và tưởng nhẹ phù hợp với tâm thần thông mà đối tượng của nó là cái thân xác. Những gì còn lại cần được hiểu theo cách đã mô tả. Nhưng ở đây chỉ có sự đi của tâm.

134. Khi được hỏi: “Khi vị ấy đi với một thân xác vô hình (không thể thấy) như vậy, thì vị ấy đi vào lúc tâm quyết định khởi lên, hay vào lúc nó trú, hay vào lúc nó diệt?” – Một vị trưởng lão đáp: “Vị ấy đi vào cả ba thời” – “Nhưng chính bản thân vị ấy đi, hay gởi một hóa thân do vị ấy tạo?” – “Vị ấy muốn làm thế nào cũng được cả.” Nhưng ở đây, chỉ có sự đi của chính vị ấy là được nói trong bản kinh văn.

135. Do ý sanh: do ý (tâm) sanh, bởi vì nó được tạo bởi tâm ý trong sự quyết định. Không thiếu căn nào: đây là nói đến hình dáng, lỗ mắt, lỗ tai v.v… nhưng không có cảm tính trong một sắc pháp được tạo tác mà thành. “Ðiều này nên hiểu là hàm ý rằng, cũng không có nam nữ căn hay mạng căn nữa” (Pm. 398) Nếu người có thần thông đi lui đi tới, hóa nhân do người ấy tạo cũng đi lui đi tới v.v… tất cả điều này chỉ cho những gì một vị đệ tử Phật tạo ra, nhưng những gì Ðức Thế Tôn biến hóa, thì làm theo những gì Ngài làm, mà cũng làm những việc khác nữa tùy ý thích của Thế tôn.

136. Khi người có thần thông này, trong lúc ở đây, thấy được một sắc pháp bằng thiên nhãn, nghe một âm thanh với thiên nhĩ, biết được tâm (người khác) với tha tâm trí, thì vị ấy không vận năng lực thân xác trong khi làm như vậy. Và khi vị ấy trong lúc vẫn ở nguyên chỗ này, đứng với Phạm thiên nói chuyện, đàm thoại với Phạm thiên, thì vị ấy không vận năng lực thân xác trong lúc làm như vậy. Và khi vị ấy làm quyết định được mô tả “mặc dù ở xa vị ấy quyết định lại gần”, thì vị ấy cũng không vận năng lực thân xác trong khi làm như vậy. Và khi đi đến Phạm thiên giới với một cái thân xác có thể thấy được hay không thể thấy được, vị ấy không cần vận năng lực thân xác khi làm như vậy. Nhưng khi vị ấy bước vào quá trình khởi đầu là “Vị ấy tạo ra một sắc thân trước Phạm thiên ấy: do ý sanh”, thì vị ấy vận dụng năng lực thân xác khi làm như vậy. Những gì còn lại được nói ở đây, là với mục đích nêu rõ giai đoạn đi trước giai đoạn vận dụng thân xác. Trước hết đó là (i) thành công do quyết định (đ.45)

137. Sự khác nhau giữa (ii) thành công kể như biến hình và (iii) thành công kể như thân do ý sanh là như sau: (xem đ.22 và 45-6).

(ii) Một người thực hiện một cuộc biến hình, cần phải quyết định về bất cứ gì vị ấy muốn, trong số những vật khởi đầu là sự xuất hiện (tướng) một đứa bé trai, mô tả như sau: “Vị ấy từ bỏ hình dáng bình thường của mình và hiện hình một cậu bé hay một Long vương (rắn), hay một quỷ Supanna (loài da xoa có cánh), hay một a-tu-la, hay Ðế thích, hay hiện hình một vị thiên thuộc Dục giới, hay hình Phạm thiên, hay hiện hình biển, hình một tảng đá, một con sư tử, một con cọp, một con báo, hay vị ấy bày ra một con voi, một con ngựa, một cỗ xe, hay vị ấy hiện hình một người lính đi bộ, hay hiện ra một cuộc bày binh bố trận”. (Ps. ii, 210)

138. Và khi vị ấy quyết định, vị ấy nên xuất định từ thiền căn bản của thắng trí và có một trong những vật khởi đầu là biến xứ đất làm đối tượng, và vị ấy nên tác ý đến tướng của mình như là một cậu bé. Sau khi tác ý và làm công việc chuẩn bị xong, vị ấy nên nhập định trở lại rồi xuất định, và nên quyết định rằng: “Ta hãy thành một cậu bé thuộc mẫu người như vậy như vậy”. Ðồng thời với tâm quyết định, vị ấy biến thành cậu bé, như Devadatta đã làm (Vin. ii, 185). Ðây là phương pháp trong tất cả trường hợp. Nhưng “vị ấy bày ra một con voi” v.v… được nói ở đây có nghia là bày ra một con voi, v.v… ở bên ngoài. Ở đây, thay vì quyết định “Ta hãy biến thành một con voi”, vị ấy quyết định: Hãy có một con voi! Cũng tương tự như thế trong trường hợp con ngựa và những gì còn lại.

Ðây là thành công kể như sự biến hóa.

139. (iii) Một người muốn tạo thân ý sanh cần phải xuất khỏi định căn bản và trước hết tác ý đến thân xác theo cách đã mô tả rồi quyết định “Nó hãy rỗng “. Nó trở thành rỗng. Rồi vị ấy tác ý đến một thân xác ở bên trong thân ấy, và sau khi làm việc chuẩn bị theo cách đã nói, vị ấy quyết định, “Hãy có một thân khác bên trong thân này “. Rồi vị ấy kéo cái thân ấy ra như kéo một cây lau ra khỏi vỏ nó, như rút một cây gươm ra khỏi vỏ, như một con rắn lột xác ra khỏi vỏ. Do đó mà nói: “Ở đây, một tỷ kheo tạo ra từ thân này một thân khác có hình sắc, do ý sanh, với đầy đủ tứ chi, không thiếu căn nào. Giống như thế một người người kéo một cây lau ra khỏi vỏ nó, và nghĩ như sau: “Ðây là cái vỏ, đây là cây lau, cái vỏ khác,cây lau khác; chính từ cái vỏ mà cây lau được rút ra”. (Ps. ii, 210) v.v… Và ở đây cũng như cây lau, v.v… là giống với cái vỏ, cũng vậy sắc thân do ý sanh cùng giống với người có thần thông, và ví dụ này được nói lên để chứng minh điều ấy. Ðây là thần thông kể như thân ý sanh.

Chương mười hai này, gọi là “Mô tả về thắng trí”, trong Thanh Tịnh Ðạo, được soạn thảo vì mục đích làm cho những người lành được hoan hỉ.

http://www.tangthuphathoc.net/phapluan/thanhtinhdao-12.htm

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.