120. (4) Trí về đời quá khứ phát sinh tương ứng với tám thứ đối tượng đó là đối tượng hữu hạn, đại hành hay vô lượng đối tượng đạo, đối tượng quá khứ, đối tượng ở trong, ở ngoài, hoặc không thể phân loại. Như thế nào?
Vào lúc nhớ lại các uẩn ở dục giới, tâm đó có một đối tượng hữu hạn. Vào lúc nhớ lại các uẩn ở sắc giới hay vô sắc giới, nó có một đối tượng đại hành. Vào lúc nhớ lại một đạo lộ đã tu tập, hay một quả đã chứng đắc, trong quá khứ, hoặc do tự mình, hoặc bởi người khác, nó có một đối tượng vô lượng. Vào lúc nhớ lại một đạo lộ đã tu tập, nó có một đạo lộ làm đối tượng. Nhưng nó luôn luôn có một đối tượng quá khứ.
121. Ở đây, mặc dù tha tâm trí và Tùy nghiệp thú trí cũng có một đối tượng quá khứ, nhưng trong hai cái này đối tượng của tha tâm trí, chỉ là tâm trong bảy ngày qua. Nó không biết các uẩn khác mà cũng không biết cái được liên kết với các uẩn (nghĩa là tên, họ v.v…). Nói gián tiếp nó có một đạo lộ làm đối tượng, vì nó có tâm liên hệ đến đạo lộ làm đối tượng. Lại nữa, đối tượng theo trí về sở hành theo nghiệp chỉ là ý hành quá khứ. Nhưng không có gì không phải là đối tượng của trí về đời quá khứ, dù uẩn quá khứ hay cái gì liên hệ đến uẩn; bởi vì trí này là ngang hàng với biến trí về các uẩn quá khứ cùng với những trạng thái liên hệ đến các uẩn. Ðây là chỗ khác biệt cần được hiểu.
122. Ðây là phương pháp theo các bộ luận. Nhưng trong Patthàna nói: “Các thiện uẩn là một duyên kể như sở duyên cho thắng trí, cho tha tâm trí, cho trí biết quá khứ, cho tùy nghiệp thú trí và cho trí biết vị lai”. (Ptn. i, 154), và bởi thế bốn uẩn cũng là những đối tượng của tha tâm trí và của trí tùy nghiệp thú. Và ở đây cũng thế uẩn thiện và bất thiện là đối tượng của trí tùy nghiệp thú.
123. Vào lúc nhớ lại các uẩn của chính bản thân, thì trí ấy có một đối tượng ở trong. Vào lúc nhớ lại các uẩn của một người khác, nó có một đối tượng ở ngoài. Vào lúc nhớ lại các khái niệm như danh, tánh (tên, họ) như “quá khứ có Ðức Thế Tôn Tỳ – Bà Thi. Mẹ ngài là Bhandumatì. Thân phụ là Bhandumant“(D. ii, 6-7) và khái niệm như tướng của đất, v.v… trí ấy có một đối tượng không thể phân loại. Và ở đây, tên và họ (dòng dõi) cần được xem không phải như những danh từ thực, mà như ý nghĩa của danh từ được lập ra do quy ước và gắn liền với các uẩn. Vì những danh từ thực thụ là “giới hạn” bởi chúng được gồm trong thanh xứ, như luận nói: “Sự phân biệt ngôn ngữ có một đối tượng hữu hạn” (Vbh. 304). Ở đây chúng ta chọn quan điểm này.
Trên đây là nói trí biết quá khứ cần được hiểu là phát sinh tương ứng với tám loại đối tượng như thế nào.
124. (5) Thiên nhãn trí phát sinh tương ứng với bốn thứ đối tượng, đó là, có đối tượng hữu hạn, đối tượng ở hiện tại, đối tượng ở trong và đối tượng ở ngoài. Nghĩa thế nào? Vì nó lấy sắc pháp làm đối tượng, và vì sắc là hữu hạn, nên nó có một đối tượng hữu hạn. Vì nó phát sinh đối với sắc hiện tại mà thôi, nên nó có một đối tượng hiện tại. Vào lúc thấy sắc bên trong bụng mình v.v… nó có một đối tượng ở trong. Vào lúc thấy sắc của kẻ khác, nó có một đối tượng ở ngoài. Ðây là nói thiên nhãn trí cần được hiểu là phải sinh tương ứng với bốn đối tượng như thế nào.
125 (6) Trí biết vị lai phát sinh tương ứng với tám thứ đối tượng, là hữu hạn, đại hành, vô lượng, đạo lộ, vị lai, trong, ngoài, hoặc không thể xếp loại. Nghĩa là thế nào? Vào lúc biết như sau: “Người này sẽ được tái sinh trong tương lai ở cõi dục; trí ấy có một đối tượng hữu hạn. Vào lúc biết “Vị ấy sẽ tái sinh trong sắc giới hay vô sắc, nó có một đối tượng đại hành. Vào lúc biết “Vị ấy sẽ tu tập đạo lộ, sẽ chứng quả”, nó có một đối tượng vô lượng. Vào lúc biết “Vị ấy sẽ tu tập đạo”, nó cũng có đạo làm đối tượng nữa. Nhưng nó luôn luôn có một đối tượng vị lai.
126. Ở đây, mặc dù tha tâm trí cũng có một đối tượng vị lai, nhưng đối tượng của nó chỉ là cái tâm vị lai trong vòng bảy ngày, vì nó không biết uẩn nào khác mà cũng không biết những gì liên kết với uẩn. Nhưng không có gì ở trong tương lai như đã nói ở phần trí biết quá khứ (đ.121) mà không phải là đối tượng của trí biết vị lai.
127. Vào lúc biết “Ta sẽ tái sinh ở đấy”, nó có một đối tượng ở trong. Vào lúc biết “Người kia sẽ tái sinh ở chỗ ấy”, nó có một đối tượng ngoài. Nhưng vào lúc biết tên và họ như “Trong tương lai Ðức Thế Tôn Di Lặc sẽ sinh. Phụ thân Ngài sẽ là Bà La Môn Subrahmà. Mẫu thân Ngài sẽ là Bà La Môn nữ Brahmavatì“(D. iii,76), nó có một đối tượng không thể xếp loại đã nói dưới đề mục trí quá khứ (đ.123).
Trên đây là trí biết vị lai cần được hiểu như thế nào.
128. (7) Tùy nghiệp thú trí: Phát sinh tương ứng với năm loại đối tượng đó là, giới hạn, đại hành, quá khứ, trong, ngoài. Như thế nào? Vào lúc biết nghiệp dục giới, nó có một đối tượng giới hạn. Vào lúc biết nghiệp sắc giới hay vô sắc giới, nó có một đối tượng quá khứ. Vào lúc biết nghiệp của chính bản thân nó có một đối tượng trong. Vào lúc biết nghiệp của người khác, nó có một đối tượng ở ngoài. Ðây là nói trí biết sở hành theo nghiệp căn được hiểu là phát sinh tương ứng với năm loại đối tượng như thế nào.
129. Và khi trí được nói ở đây vừa có một đối tượng ở trong vừa có một đối tượng ở ngoài, và biết những đối tượng này khi thì ở trong khi thì ở ngoài, ta nói nó có một đối tượng cả trong lẫn ngoài.
Chương mười ba kết thúc: “Mô tả Thắng Trí” trong Thanh Tịnh đạo được soạn thảo vì mục đích làm cho người lành hoan hỉ.
http://www.tangthuphathoc.net/phapluan/thanhtinhdao-13.htm