120. Tiếp theo suy đạt, ý thức giới duy tác vô nhân (71) khởi lên câu hữu xả, xác định đối tượng ấy. Ðây là sự sanh khởi của một loại dị thục tâm kể như xác định tâm.
121. Tiếp theo xác định, nếu đối tượng là sống động, thì khi ấy có sáu bảy tốc hành tâm khởi lên tương ưng với đối tượng được xác định.
[Chú thích:”sống động” có nghĩa là nó kéo dài 14 tâm sát-na, và cần hiểu rằng đối tượng đã đi vào hai hoặc ba sát-na rồi tâm mới sanh khởi.– Pm. 479]
Những tốc hành tâm này là một trong tám loại thiện tâm dục giới (1-8), hoặc 12 bất thiện tâm dục giới (22-33), hoặc chín tâm duy tác dục giới (72-80). Ðấy là trường hợp đối với ngũ môn. Nhưng trong trường hợp ý môn, thì cũng những tốc hành tâm ấy sanh khởi kế tiếp ý môn hướng tâm (71).
Sau giai đoạn chuyển tánh, bất cứ loại nào trong 26 loại tốc hành tâm sau đây – loại nào đủ duyên để sanh khởi kế tiếp chuyển tánh – sẽ sanh:đó là một trong 5 thiện tâm (9-13), 5 duy tác tâm (81-85) thuộc sắc giới, bốn thiện tâm vô sắc (14-17), 4 duy tác vô sắc (86-89), 4 đạo tâm (18-21) và 4 quả tâm (66-69) thuộc siêu thế.
Trên đây là sự sanh khởi của 55 loại tâm thiện, bất thiện, dị thục và duy tác kể như tốc hành tâm.
122. Cuối những tốc hành tâm, nếu đối tượng là rất sống đống động ở ngũ môn, hoặc rất rõ rệt ở ý môn, thì khi ấy, nơi loài hữu tình dục giới, dị thục tâm khởi lên do bất cứ duyên nào có được, như nghiệp về trước, hoặc tốc hành tâm, vv. với đối tượng khả ý hoặc bất khả ý.
[Chú thích: Một đối tương rất sống động là đối tượng có đời sống dài 16 tâm sát-na. Vì tâm ‘đồng sở duyên’ chỉ khởi lên tương ưng với đối tượng này mà thôi. — Pm. 479]
Vậy dị thục tâm khởi lên kể như một trong tám loại (42-49) dị thục vô nhân thuộc dục giới, hoặc ba loại (40, 41, 56) ý thức giới dị thục vô nhân, khởi lên hai lần hoặc một lần, tiếp theo sau những tốc hành tâm đã khởi, và tương ưng với một đối tượng khác với đối tượng của hữu phần, như một ít nước đi theo một lát sau đuôi một con thuyền đi ngược dòng. Mặc dù sẵn sàng để sanh khởi với đối tượng của hữu phần sau khi những tốc hành tâm đã chấm dứt, nó lại sanh khởi với đối tượng là đối tượng của những tốc hành tâm, nên nó được gọi là “đồng sở duyên” tâm (nghĩa là, có cùng một đối tượng). Ðấy là sự sanh khởi của 11 loại dị thục tâm được hiểu là đồng sở duyên tâm.
123. Ở cuối tâm đồng sở duyên, hữu phần trở lại sự sanh khởi của nó. Khi hữu phần tâm lại bị gián đoạn, thì sự tác ý (hướng tâm) lại khởi lên, và nếu đủ điều kiện (duyên), tính tương tục của tâm lại sanh khởi kể như hướng tâm, thấy nghe, vv., theo quy luật lộ trình tâm, mãi mãi như vậy cho đến khi hữu phần của một hữu tình kiệt quệ. Tâm hữu phần cuối cùng nơi một hữu tình gọi là “tử tâm” do vì nó rơi khỏi hữu ấy (“tử tâm” tiếng Pàli là cuticitta, chữ cuti do chữ cavati là rơi). Tử tâm cũng thuộc vào 19 loại như kiết sanh và hữu phần. Ðấy là sự sanh khởi của 19 loại dị thục tâm kể như tử tâm.
124. Và sau khi chết, có kiết sanh trở lại, sau kiết sanh là hữu phần. Cứ thế dòng tâm tương tục của các hữu tình vội vã chảy qua các loại hữu, thú, thức trú, hữu tình cư, tiếp tục sanh khởi không gián đoạn. Nhưng khi một người chứng quả A-la-hán, thì dòng tương tục ấy chấm dứt với sự chấm dứt của tử tâm nơi vị ấy.
Trên đây là giải thích chi tiết về thức uẩn.
Thọ Uẩn
125. Ở trên có nói: “Bất cứ gì có đặc tính được cảm thấy, cần được hiểu là thọ uẩn.”(đ.81). Và đây cũng vậy, cái gì có đặc tính dược cảm giác, chính là cảm giác, như kinh dạy, “Này chư hiền, vì nó được cảm nhận, nên gọi nó là thọ” (M. i, 293).
126. Mặc dù nó chỉ có một, xét theo tự tính nó là “được cảm nhận”, thọ vẫn có ba loại là thiện, bất thiện và bất dịnh. Ở đây, khi tương ưng với thiện tâm được kể trong Đoạn 83: “Tâm dục giới có 8 (1-8), được xếp theo hỉ, trí và sự nhắc bảo”, thì nó là thiện, thọ tương ưng với bất thiện tâm là bất thiện, và thọ tương ưng với tâm bất định là bất định.
127. Thọ có năm loại phân tích theo tự tánh nó là thân lạc, thân khổ, tâm hỉ, tâm ưu và xả. Lạc tương ưng với thiện dị thục thân thức(38) và khổ tương ưng với bất thiện dị thục thân thức (54). Hỉ tương ưng với 62 loại tâm là: dục giới 4 thiện tâm (1-4), 4 dị thục vô nhân (42-45), 1 dị thục vô nhân (40), 4 duy tác hữu nhân(73-76), 1 duy tác vô nhân (72), và 4 bất thiện (22-25); sắc giới 4 thiện tâm (9-12), 4 dị thục (57-60), và 4 duy tác (81-84), để ra ngoài tâm của thiền thứ năm trong mỗi trường hợp. Nhưng không có tâm siêu thế nếu không có thiền, do đó tám loại tâm siêu thế (18-21 và 66-69) nhân cho năm thiền thành ra 40, bỏ ra ngoài 8 tương ưng với thiền thứ năm, thì hỉ tương ưng với 32 loại thiện dị thục còn lại. Ưu tương ưng với hai loại bất thiện tâm (30-31). Xả tương ưng với 55 loại tâm còn lại.
128. Lạc có đặc tính là cảm nhận một xúc pháp khả ý. Nhiệm vụ nó là tăng cường những tâm sở tương ưng. Nó được biểu hiện bằng sự vui sướng của thân. Nhân gần nó là thân căn. Khổ có đặc tính là cảm thọ một xúc pháp không đáng ưa. Nhiệm vụ nó là làm héo tàn những trạng thái tương ưng. Nó có biểu hiện là sự đau đớn của thân. Nhân gần nó là thân căn. Hỉ có đặc tính là cảm thọ một đối tượng khả ý. Nhiệm vụ nó là khai thác bằng cách này hay khác, những khía cạnh đáng ưa. Nó được biểu hiện bằng sự vui mừng trong tâm. Nhân gần nó là khinh an. Ưu có đặc tính là cảm thọ một đối tượng không đáng ưa. Nhiệm vụ nó là khai thác cách này hay khác, những khía cạnh đáng ghét. Nó được biểu hiện bằng sự đau khổ về tâm. Nhân gần nó là tâm cơ. Xả có đặc tính là cảm thọ không vui không khổ. Nó có nhiệm vụ không tăng cường cũng không giảm bớt những trạng thái tương ưng. Nó được biểu hiện bằng sự an tĩnh. Nhân gần nó là tâm không có hỉ.
Trên đây là chi tiết về thọ uẩn.
Tưởng Uẩn
129. Trên đây đã nói: “Bất cứ gì có đặc tính nhận thức, nói chung cần hiểu là tưởng uẩn” (đoạn 81). Mặc dù chỉ có một xét theo tự tánh là nhận thức, tưởng gồm ba loại là thiện, bất thiện và bất định. Cái gì tương ưng với thiện tâm gọi là thiện, tương ưng với bất thiện tâm là bất thiện. Vì không có tâm tách rời với tưởng, nên tưởng có cùng một cách phân loại như tâm, nghĩa là gồm 89 loại.
130. Nhưng mặc dù được phân thành 89 loại như tâm thức, song về đặc tính, vv. tưởng chỉ có một, là nhận biết. Nhiệm vụ nó là làm một dấu hiệu trở thành điều kiện để lần sau có thể nhận ra “đây là một thứ như trước”, như khi thợ mộc nhận ra gỗ. Nó được biểu hiện bằng hành động giải thích nhờ phương tiện các tướng đã nhận được, như người mù “thấy” một con voi. Nhân gần nó là một đối tượng khách quan xuất hiện bất cứ cách nào, như tưởng khởi lên nơi một con diều hâu khi trông thấy “người” bù nhìn.
Trên đây là giải thích về tưởng uẩn.
Hành Uẩn
131. Ở một đoạn trước đã nói: “Bất cứ gì có đặc tính tạo tác, nói chung gọi là hành uẩn” (đoạn 81). Cái gì có đặc tính tạo tác, chính là cái có đặc tính tích tụ. Cái gì có đặc tính tích tụ? Chính là các hành, như kinh dạy:“Này các tỷ kheo, vì chúng tạo tác ra các pháp hữu vi, nên chúng được gọi là các hành.” (S. iii, 87).
132. Chúng có đặc tính tạo tác. Nhiệm vụ chúng là tích tụ. Chúng được biểu hiện bằng sự can dự vào. Nhân gần chúng là ba uẩn vô sắc kia (thọ, tưởng, thức). Vậy, theo đặc tính, các hành là một, nhưng theo loại thì có ba là thiện, bất thiện và bất định. Khi tương ưng với thiện tâm thì hành ấy là thiện, tương ưng bất thiện tâm là bất thiện và khi tương ưng với tâm bất định thì hành là bất định.
Hành Tương Ưng Với 89 Loại Tâm
133. Ðầu tiên, tương ưng với thiện tâm dục giới có 36 hành, gồm 27 biến hành tâm sở, bốn bất định và năm không thường.
27 tâm sở biến hành là: xúc (phasso), tư (cetanà), tầm (vitakko), tứ (vicàca), hỉ (pìti), tinh tấn (viriyam), mạng căn (jìvitindriyam), định (samàdhi), tín (saddhà), niệm (sati), tàm (hiri), quí (ottappam), vô tham (alobho), vô sân (adoso), vô si (amoha), tâm sở thư thái (kàyapassaddhi), tâm thư thái (cittapassaddhi), tâm sở khinh an (cittalahutà), tâm khinh an (cittalahutà), tâm sở nhu nhuyến (kàyamudutà), tâm nhu nhuyến (cittamudutà), tâm sở kham nhậm (kàyakammannatà), tâm kham nhậm (cittakammannatà), tâm sở tinh luyện (kày-apàgunnatà), tâm tinh luyện (ciàtapàgunnatà), tâm sở chánh trực (kàyujjukatà), tâm chánh trực (cittujjukatà).
Bốn bất định là: dục (chanda), thắng giải (adhimokkha), tác ý (manikàra), trung tánh (tatramajjattatà).
Năm tâm sở không thường (inconstant) là: bi (karunà), vui vẻ (mudità), vô thân ác hành, vô ngữ ác hành, vô tà mạng. Năm tâm sở này thỉnh thoảng khởi lên (không phải luôn luôn), và không khởi cùng lúc.
134. Xúc là chạm đến. Nó có đặc tính xúc chạm. Nhiệm vụ nó là tác động. Nó được biểu hiện bằng sự gặp gỡ. Nhân gần nó là một ngoại trần đi vào sự chú ý.
Về đặc tính, thì mặc dù đây là một pháp vô sắc, tâm sở này khởi lên tương ưng với một đối tượng, kể như hành vi chạm xúc (mặc dù không có sự chạm xúc thực, như miệng chảy nước bọt khi thấy người khác cắt một trái xoài). Về nhiệm vụ thì, mặc dù nó không liênkết phía nào như mắt liên kết với sắc, tai với tiếng, xúc vẫn là yếu tố làm nên tác động giữa tâm và đối tượng. Xúc biểu hiện bằng sự gặp gỡ của ba thứ là mắt, sắc và nhãn thức (xem M. i, 111). Nhân gần nó là một ngoại trần đã đi vào sự chú ý, vì nó khởi lên một cách tự nhiên qua phản ứng tâm thức thích hợp, và với một cảm quan, khi ngoại trần có mặt. Nhưng xúc nên xem như con bò bị lột da (S. ii, 99) vì đó là trú xứ của cảm thọ.
135. Tư là mong muốn, suy nghiệm. Ðặc tính nó là trạng thái mong muốn. Nhiệm vụ nó là tích lũy. Nó được biểu hiện bằng sự phối hợp. Nó hoàn thành nhiệm vụ của nó và những tâm sở khác, như một học sinh trưởng lớp hay thợ chính. Nhưng tâm sở này rõ rệt nhất khi nó khởi lên điều động những tâm sở tương ưng để làm môt côngviệc cấp bách như nhớ lại, vv.
136. Về tầm, tứ, hỉ, đã đưọc nói trong phần Biến xứ Ðất, sơ thiền. (Ch. IV, đoạn 88-98).
137. Tinh tấn là trạng thái của một người mạnh (virà). Ðặc tính nó là điều động. Nhiệm vụ nó là củng cố những pháp cu sanh. Nó được biểu hiện bằng sự không sụp đổ. Do câu: “Bị kích động, vị ấy nỗ lực với trí tuệ” (A. ii, 115), nhân gần nó là một ý thức về tình trạng khẩn trương, hoặc lý do để nỗ lực.Khi được hướng dẫn một các thích đáng, tinh tấn đáng được xem là căn nguyên của mọi sự thành tựu.
138. Mạng căn là cái nhờ đó người ta sống, hay chính nó sống. Ðặc tính nó cần được hiểu như đã nói dưới mục Mạng căn đoạn 59, bởi đoạn ấy nói đến đời sống của sắc pháp còn đoạn này nói về đời sống của vô sắc, chỉ khác nhau có chừng ấy.
139. Ðịnh gọi là samadhi vì nó đặt tâm (àdhiyatu) một cách bình thản, bằng phẳng (samam) trên đối tượng, hay đặt tâm một cách chân chánh (sammà) trên đối tượng. Hoặc nó là sự tập ttrung (samàdhàna) của tâm. Ðặc tánh nó là không lang thang, không phân tán. Nhiệm vụ nó là hòa hợp những pháp cu sanh như nước hòa bột tắm. Nó được biểu hiện là sự bình an. Thông thường, nhân gần của định là lạc. Ðịnh cần được hiểu là sự vữngchải của tâm, như sự vững chải của ngọn đèn khi không có gió lay động.
140. Tín là tâm sở qua đó chúng ta tin tưởng, hoặc đó là lòng tin, hành vi tin tưởng. Ðặc tính nó là có lòng tin, tin cậy. Nhiệm vụ nó là làm sáng tỏ, như viên ngọc làm nước trong, hoặc nhiệm vụ nó là đi vào, như sự khởi hành vượt qua bộc lưu (xem M., Sn.184). Nó được biểu hiện bằng sự không mù mờ, hay sự quyết định. Nhân gần nó là một điều gì đáng để tin tưởng, hoặc do lắng nghe Diệu pháp, vv. các yếu tố tạo nên quả Dự lưu.
[Chú thích: Bốn yếu tố của quả Dự lưu là: thân cận thiện tri thức, nghe diệu pháp, khéo tác ý và thực hành pháp. Hoặc: có lòng tin tuyệt đối vào Phật, Pháp, Tăng và có giới. — S. v, 343].
Tín nên xem như một bàn tay, vì nó nắm giữ thiện pháp được xem như là tài sản (Sn. 182), và như hạt giống (Sn. 77).
141. Niệm là tâm sở nhờ đó ta nhớ lại, hoặc chính nó nhớ lại. Hoặc, niệm là sự nhớ lại. Nó có đặc tính là không tuột mất. Nhiệm vụ nó là không quên. Nó được biểu hiện là sự duy trì hay trạng thái xúc tiếp một đối tượng. Nhân gần nó là tưởng mạnh, hoặc các niệm trú về thân hành, vv. Tuy nhiên, niệm cần xem như cột vì nó có nền tảng vững chắc, hoặc như người giữ cửa vì nó giữ gìn căn môn như nhãn môn vv.
142. Tàm là dè dặt về thân ác hành, vv. Ðấy là danh từ chỉ sự khiêm tốn. Qúy là hổ thẹn về những ác hành này. Ðó là danh từ chỉ sự áy náy về tội lỗi. Tàm có đặc tính chán ghét tội lỗi, qúy có đặc tính sợ hãi đối với sự vi phạm. Tàm có nhiệm vụ không làm ác, dưới hình thức sự khiêm cung, quý có nhiệm vụ không làm ác dưới hình thức sợ hãi. Chúng được biểu hiện bằng sự tránh né tội lỗi theo cách đã nói. Nhân gần của chúng là tự trọng (tàm) và khính trọng người khác (quý). Một người từ bỏ tội ác do tàm như con gái nhà lành từ bỏ điều quấy, và từ bỏ điều quấy do quý thì như dâm nữ khước từ việc xấu xa (giữa côngchúng). Nhưng hai tâm sở này đều đáng được xem là những vị hộ trì thế gian. (A.i, 51).
143. Vô tham là tâm sở nhờ nó ta không thèm, là trạng thái không thèm khát. Vô sân, vô si cũng được giải thích tương tự. Trong đó, vô tham có đặc tính là tâm không thèm khát một đối tượng hoặc không dính mắc, như giọt nước trên lá sen. Nhiệm vụ nó là không nắm giữ, như một tỷ kheo đã giải thoát. Nó được biểu hiện bằng trạng thái không xem là chỗ an trú, như một người rơi xuống đống phân. Vô sân có đặc tính là không tàn hại, không đôí kháng, như thái độ một người bạn hiền. Nhiệm vụ nó là bỏ sự bực bội, xua đuổi cơn sốt, như huơng trầm. Nhân gần nó là sự dễ chịu, như ánh trăng rằm. Vô si có đặc tính đi vào bản chất hay tự tính của sự vật, sự thâm nhập chắc chắn như mủi tên nhà thiện xạ. Nhiệm vụ nó là thắp sáng đối tượng, như ngọn đèn. Nhân gần nó là không hoang mang, như người hướng đạo trong rừng. Cả ba tâm sở này cần được xem như gốc rễ của mọi điều thiện.
144. Thân thư thái gọi là tâm sở thư thái. Tâm thư thái thì gọi là tâm thư thái. Ở đây, thân có nghĩa là ba tâm uẩn thọ, tưởng và hành. Nhưng cả hai sự thư thái của thân ấy và của tâm đều có đặc tính và nhiệm vụ là làm lắng dịu sự giao động của thân tâm. Chúng được biểu hiện bằng sự yên tĩnh và mát lạnh của thân tâm. Nhân gần của chúng là cái thân (ba tâm uẩn) và tâm. Chúng cần được xem như đối lập với những cấu uế là trạo cử, vv. gây nên sự bất an trong thân 3 uẩn, và trong tâm.
145. Tâm sở khinh an là trạng thái nhẹ nhàng linh lợi của thân gồm ba tâm uẩn. Tâm khinh an là trạng thái nhẹ nhàng của tâm. Chúng có đặc tính là làm lắng dịu sự nặng nề trong thân 3 uẩn và trong tâm. Nhiệm vụ chúng là nghiền nát sự nặng nề ấy. Chúng được biểu hiện bằng sự không lừ đừ uể oải của thân ba uẩn và tâm. Chúng cần được xem là đối lập với những cấu uế của sự cứng đờ và buồn ngủ gây nên sự nặng nề của thân và tâm.
146. Tâm sở nhu nhuyến là tình trạng mềm mại của thân ba uẩn. Tâm nhu nhuyến là tình trạng mềm mại của tâm. Chúng có đặc tính làm lắng dịu sự cứng đờ trong thân tâm. Nhiệm vụ chúng là nghiến nát sự cứng đờ ấy. Chúng được biểu hiện bằng sự không đối kháng. Nhân gần chúng là thân và tâm. Chúng cần được xem là đối lập với cấu uế do kiêu mạn vv.gây nên sự cứng đờ của thân ba uẩn và tâm.
147. Tâm sở kham nhậm là tính thích ứng của thân ba uẩn, và tâm kham nhậm là tính thích ứng của tâm. Chúng có đặc tính là làm lắng dịu tính không thích ứng của thân và tâm. Nhiệm vụ chúng là nghiền nát tính không thích ứng trong thân và tâm. Chúng được biểu hiện là thành công trong việc lấy một pháp gì làm đối tượng. Nhân gần chúng là thân ba uẩn và tâm. Chúng cần được xem như đối lập với những triền cái còn lại, gây nên tính thiếu thích ứng trong thân ba uẩn và trong tâm, vì chúng đem tin tưởng vào những việc đáng được tin tưởng, và làm cho những hành vi thiện dễ được thi hành.
148. Tâm sở tinh luyện là tình trạng thuần thục của thân ba uẩn, tâm tinh luyện là tình trạng thuần thục của tâm. Chúng có đặc tính là tình trạng khỏe mạnh của thân ba uẩn và tâm. Nhiệm vụ chúng là nghiền nát sự thiếu lành mạnh của thân ba uẩn và tâm. Chúng được biểu hiện bằng sự vắng mặt của tính vô năng. Nhân gần chúng là thân ba uẩn và tâm. Chúng cần được xem là đối nghịch với sự bất tín, vv. gây nên tình trạng thiếu lành mạnh của thân tâm.
149. Tâm sở chánh trực là tình trạng ngay thẳng của thân ba uẩn. Tâm chánh trực là tình trạng ngay thẳng của tâm (thức uẩn). Chúng có đặc tính là sự thẳng thắn của thân 3 uẩn và tâm. Nhiệm vụ chúng là nghiền nát tính cong quẹo của thân ba uẩn và tâm. Chúng được biểu hiện bằng tính không cong. Nhân gần chúng là thân ba uẩn và tâm. Cần xem chúng như là tình trạng ngược lại với lừa dối, gian lận gây nên tính cong quẹo trong thân ba uẩn và tâm.
[Chú thích: “Ở đây, khi nói “tâm thư thái, khinh an… thì chỉ có tâm được như vậy, còn khi tâm sở thư thái, khinh an… chánh trực, thì cả cái cơ thể vật lý cũng được như thế. Ðó là lý do Ðức Thế Tôn nêu lên cả hai trạng thái ở đây chứ không nơi nào khác.” — Pm. 489]