Thanh Tịnh Đạo – Chương XIV

150. Dục chỉ cho sự ham muốn hành động. Nó có đặc tính là muốn hành động. Nhiệm vụ nó là dò tìm một đối tượng. Nó được biểu hiện là nhu cầu một đối tượng. Nó có nhân gần là chính đối tượng ấy. Nó cần được xem như sự đưa ra bàn tay (tâm) để nắm lấy đối tượng.

151. Thắng giải là hành vi quyết định, xác tín. Nó có đặc tính là niềm tin chắc. Nhiệm vụ nó là không sờ soạng. Nó được biểu hiện bằng sự quyết định, nhân gần nó là một cái gì để tin chắc. Nó cần được xem như cái cọc phân định ranh giới, do tính bất động của nó đối với đối tượng.

152. Tác ý là cái tạo nên những gì sẽ được tạo, cái tạo nên trong tâm ý. Nó làm cho tâm khác với tâm hữu phần trước đấy, nên gọi là tác ý. Nó có ba cách làm việc này: kiểm soát đối tượng, kiểm soát lộ trình tâm và kiểm soát những tốc hành tâm. Kiểm soát đối tượng là tạo tác trong tâm, nên gọi là tác ý, chú ý. Nó có đặc tính hướng dẫn. Nó có nhiệm vụ buộc những tâm sở tương ưng vào đối tượng. Nó được biểu hiện bằng sự chạm xúc với một đối tượng. Nhân gần nó là một đối tượng. Nó cần được xem như người hướng dẫn lèo lái những tâm sở tương ưng bằng cách kiểm soát đối tượng, vì chính nó được bao gồm trong hành uẩn. Kiểm soát lộ trình tâm là một danh từ chỉ ngũ môn hướng tâm (70). Kiểm soát những tốc hành tâm là danh từ chỉ ý môn hướng tâm (71). Hai thứ sau này không bao gồm trong hành uẩn.

153. Trung tính là tình trạng trung lập đối với những tâm và tâm sở khởi lên tương ưng với nó. Nó có đặc tính truyền đạt tâm và tâm sở một cách quân bình. Nó có nhiệm vụ ngăn ngừa sự bất cập và thái qúa, ngăn chận tính thiên vị. Nó được biểu hiện bằng trung tính. Nó cần được xem như một người đánh xe bình thản nhìn những con ngựa tốt tiến về phía trước một cách đều đặn.

154. Bihỉ cần được hiểu như đã mô tả trong chương 9 về các phạm trú (đoạn 92, 94, 95) ngoại trừ điểm này, là bi và hỉ ở đấy thuộc sắc giới và đã đạt đến an chỉ, trong khi bi và hỉ ở đây thuộc dục giới. Nhưng có người lại muốn gồm luôn trong loại tâm sở này hai tâm sở từxả. Ðiều này không thể chấp nhận, vì nói về ý nghĩa thì vô sân chính là từ, và trung tính là xả.

155. Không làm thân ác hành, vv. Về đặc tính, ba tâm sở này có đặc tính không vi phạm về thân lời và ý. Nhiệm vụ chúng là tránh né tà hạnh về thân, lời và ý. Chúng được biểu hiện bằng sự không làm những tà hạnh ấy. Nhân gần chúng là những đức tính đặc biệt tín, tàm, quý, thiểu dục, vv. Chúng cần được xem như cái tâm ghét làm điều quấy.

156. Vậy, trên đây là 36 hành tương ưng với thiện tâm đầu tiên thuộc dục giới.(1) Với thiện tâm thứ hai cũng vậy, chỉ khác là ở đây thì cần được nhắc bảo.(2) (3-4) Những hành tương ưng với thiện tâm thứ ba cần được hiểu là tất cả hành nói trên, trừ vô si. Cũng vậy, với thiện tâm thứ tư, chỉ khác là cần nhắc bảo. (5-6) Tương ưng với thiện tâm thứ năm là tất cả tâm sở nói trên trừ hỉ. Cũng vậy với tâm thứ sáu, chỉ khác cần nhắc bảo.

(7-8) Những tâm sở tương ưng với tâm thứ bảy cũng giống như trên, trừ vô si. Cũng vậy tâm thứ tám, chỉ khác cần nhắc bảo.

157. (9-13) Tương ưng với tâm đầu (9) trong những thiện tâm sắc giới, là tất cả các tâm sở nói trong trường hợp đầu tiên trừ chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng. Với tâm thứ hai (10) bỏ thêm tầm. Với tâm thứ ba (11) bỏ thêm tứù. Với tâm thứ tư (12) bỏ thêm hỉ. Với tâm thứ năm (13) bỏ bivui vẻ (mudità).

(14-17) Trong trường hợp bốn thiện tâm thuộc vô sắc, giống như tâm đề cập cuối cùng trên đây, chỉ khác là tình trạng vô sắc.

158. (18-21) Về những tâm siêu thế, trước hết trong trường hợp đao tâm thuộc sơ thiền, thì như đã nói trong tâm đầu tiên sắc giới (9). Các đạo lộ thuộc thiền thứ hai vv. cần hiểu như đã đề cập trong trường hợp nhị thiền vv. thuộc sắc giới (10-13). Sự khác biệt ở đây là không có bi, hỉ, sự luôn luôn từ bỏ ba ác hành về thân, ngữ, mạng, và tình trạng siêu thế.

159. (22) Về bất thiện tâm, trước hết có 17 tâm sở tương ưng với tâm bất thiện đầu tiên có gốc ở tham, đó là 13 biến hành tâm sở được kể trong các bản kinh và 4 bất định tâm sở. 13 đó là: Xúc, tư, tầm, tứ, hỉ, tinh tấn, mạng căn, định, vô tàm, vô quý, tham, si, tà kiến. Bốn bất định là: dục, thắng giải, trạo cử, tác ý.

160. Ở đây, vô tàm là không biết tự hổ thẹn, vô quý là không biết thẹn với người. Vô tàm có dặc tính không ngán ác hành về thân ngữ ý, hoặc không biết sỉ nhục. Vô quý có đặc tính không sợ hãi vì những ác hành này, không lo ngại về chúng. Ðấy là nói vắn tắt. Chi tiết thì, đó là những gì đối nghịch với những điều đã nói dưới mục tàmquý đoạn 142.

161. Do tâm sở này chúng thèm muốn, hoặc chính nó là thèm muốn, gọi là tham (39). Si là tâm sở do đó ta bị lừa dối, hoặc chỉ là sự bị đánh lừa.

162. Trong số này, tham có đặc tính chấp thủ một đối tượng, như nhựa bẫy chim. Nhiệm vụ nó là làm dính, hư thịt đặt trong một cái chảo nóng. Nó được biểu hiện bằng sự khôngbuông bỏ, như thuốc nhuộm đen bằng khói đèn. Nhân gần nó là thấy thíc hthú trong những pháp dẫn đến sự trói buộc. Cuốn theo dòng khát ái, tham cần được xem như pháp đưa hữu tình đến các đọa xứ, như dòng sông chảy xuôi về biển cả.

163. Si có đặc tính là sự mù quáng, vô trí. Nhiệm vụ nó là không vào sâu, khuất lấp tự tính của một đối tượng. Nó được biểu hiện bằng sự thiếu chánh thuyết (xem Ch. XVII, 52) hoặc bằng sự đen tối. Nhân gần nó là phi như lý tác ý. Nó cần được xem là cội gốc của mọi bất thiện.

164. Tà kiến là cái do nó mà người ta thấy sai, hay chính nó thấy sai, hay chỉ là hành vi thấy sai. Ðặc tính nó là giải thích không như lý. Nhiệm vụ nó là đặt trước giả thuyết. Nó được biểu hiện bằng sự giải thích sai lạc. Nhân gần nó là không muốn yết kiến những bậc thánh. Nó cần được xem là tâm sở đáng trách nhất.

165. Trạo cử là sự giao động. Nó có đặc tính là không an ổn, như nước bị gió đánh. Nhiệm vụ nó là sự không vững vàng, như cái cờ hay phan lung lay trước gió. Nó được biểu hiện bằng sự xáo trộn, như tro tung lên khi bị đá ném vào. Nhân gần nó là sự tác ý không như lý đối với nỗi bất an tâm thần. Nó cần được xem là sự xao lãng tâm.

166. Những hành còn lại ở đây cần được hiểu như đã nói trong phần các thiện tâm sở. Vì chỉ có tính cách bất thiện là chỗ khác biệt. Vậy đấy là 17 hành tương ưng với bất thiện tâm đầu tiên (22).

Với tâm thứ hai (23) cũng vậy, chỉ khác là cần nhắc bảo, và không luôn luôn sanh khởi hôn trầm thụy miên.

167. Hôn trầm thụy miên (thìna-middha) là sự cứng đờ, chậm chạp. Ý nghĩa ở đây là tình trạng tê liệt vì không có gì cấp bách, sự mất hết nghị lực. Danh từ ghép này cần phân tích thành thìnan ca middhan ca (cứng đờ và chậm chạp). Cứng đờ có đặc tính là thiếu năng lực điều động. Nhiệm vụ nó là lấy hết nghị lực. Nó được biểu hiện là sự hạ thấp, rút xuống. Chậm chạp có đặc tính là không kham nhậm. Nhiệm vụ nó là bóp nghẹt. Nó được biểu hiện bằng sự lười biếng, ngủ gà ngủ gật. Nhân gần nó là không như lý tác ý đối với sự buồn chán uể oải.

168. Với bất thiện tâm thứ ba (24), những tâm sở tương ưng là những tâm sở đã nói trong phần những tâm sở tương ưng với bất thiện tâm thứ nhất (22), trừ tà kiến. Nhưng sự khác biệt ở đây là có sự sanh khởi không thường cúa mạn. Tâm sở này có đặc tính là cao ngạo. Nhiệm vụ nó là kiêu căng. Nó được biểu hiện bằng sự khoa trương rỗng tuếch. Nhân gần nó là tham không tương ưng với tà kiến. Nó cần được xem như gần với bệnh điên.

Với bất thiện tâm thứ tư (25), những tâm sở tương ưng là những tâm đã kể ở bất thiện tâm thứ hai (23) trừ tà kiến. Và ở đây cũng có mạn trong số những tâm không thường khởi.

169. Với bất thiện tâm thứ năm (26), những tâm sở tương ưng là giống như những tâm tương ưng với (22) trừ hỉ. Với bất thiện tâm thứ sáu (27), tâm sở tương ưng cũng như trên, chỉ khác cần nhắc bảo, và hôn trầm thụy miên không thường khởi. Với bất thiện tâm thứ bảy (28), tâm sở tương ưng cũng như ở bất thiện tâm thứ năm, trừ kiến, nhưng ở đây mạn khi có khi không.

Với bất thiện tâm thứ tám (29) tâm sở tương ưng cũng như với tâm bất thiện thứ sáu, trừ kiến, và ở đây cũng vậy, mạn khi khởi khi không .

170. Với hai loại tâm bất thiện có gốc ở sân, thì tâm bất thiện thứ nhất (30) có 18 tâm sở tươn gưng, là 11 biến hành đã kể trong kinh, bốn bất định, và ba không thường khởi. Sau đây là 11 tâm sở kể trong kinh: Xúc, tư, tầm, tứ, tinhtấn, mạng căn, định, vô tàm, vô quý, sân, si. Bốn bất định là: dục, thắng giải, trạo cử, tác ý. Ba tâm không thường khởi là: ganh tị, bỏn sẻn, trạo cử.

171. Sân là tâm sở do đó chúng thù hận, hoặc nó là sự thù hận. Nó có đặc tính là sự tàn hại, như một con rắn bị khiêu khích. Nhiệm vụ nó là lan rộng như một giọt thuốc độc, hoặc nhiệm vụ nó là đốt cháy hết nơi nương tựa của chính nó, như một đám cháy rừng. Nó được biểu hiện bằng sự theo đuổi để làm hại, như kẻ thù được cơ hội. Nhân gần của nó là lý do để bực tức (A. v, 150). Nó cần được xem như nước tiểu đã thối hòa lẫn với độc chất.

172. Tật đố là ganh tị. Nó có đặc tính ganh tị với thành công của người khác. Nhiệm vụ nó là bất mãn trước thành công ấy. Nó được biểu hiện bằng sự đối kháng lại thành công ấy. Nhân gần nó là sự thành công của người khác. Nó cần được xem như một xiềng xích.

173. Xan lẩn là bỏn sẻn keo kiệt. Ðặc tính nó là che giấu thành công mà mình đã được hay có thể được.

Nhiệm vụ nó là không chịu đựng được san sẽ thành công đó với những kẻ khác. Nó được biểu hiện bằng sự tránh né hoặc bằng sự bần tiện nhỏ nhen. Nhân gần nó là thành công của chính mình. Nó cần được xem như một sự què quặt của tâm hồn.

174. Trạo hối (kukkucca) là sự xấu xa (kucchita) đã được làm (kata), tình trạng ấy gọi là trạo hối. Nó có đặc tính là sự hối hận sau đó. Nhiệm vụ nó là buồn bã về những gì đã làm hay đã không làm. Nó được biểu hiện bằng sự cắn rứt lương tâm Nhân gần nó là điều đã làm và đã không làm. Nó cần được xem như là tình trạng nô lệ..

175. Những tâm sở còn lại thuộc loại đã được mô tả.

Vậy 18 hành này cần được xem là những tâm sở tương ưng với bất thiện tâm thứ nhất có gốc ở sân, (30).

Với bất thiện tâm thứ hai (31) cũng thế, chỉ khác là cần nhắc bảo, và hôn trầm thụy miên thuộc tâm sở không thường hằng.

176. (32-33) Về hai bất thiện tâm có gốc ở si, thì tâm nghi (32) có 13 tâm sở tương ưng được kể trong kinh: xúc, tư, tầm, tứ, tinh tấn, mạng căn. trú tâm, vô tàm, vô quý, si, nghi; và hai tâm bất định là trạo cử và tác ý.

177. Ở đây, trú tâm (cittatthiti) là định yếu kém chỉ gồm trong sự trú tâm khi sanh khởi. Nghi (vicikicchà) là không mong muốn nghĩ cho ra lẽ. Nó có đặc tính là hoài nghi. Nhiệm vụ nó là lung lay giao động. Nó được biểu hiện bằng sự bất định, hoặc bằng sự đứng về nhiều phe khác nhau. Nhân gần nó là tác ý phi như lý. Nó cần được xem như chướng ngại cho lý thuyết. (xem Ch. XVII, 52). Những cái còn lại đã được giải thích ở trước.

178. Tâm bất thiện thứ hai có gốc ở si là tâm trạo cử (33), những tâm sở tương ưng với nó cũng giống như với nghi (32), chỉ trừ tâm sở “nghi” (xem đoạn 176). Nhưng thay vì nghi, có thắng giải khởi lên ở đây. Bởi thế, với tâm sở này (trạo cử) cũng có 13 hành tương ưng, và định mạnh hơn vì sự có mặt thắng giải. Lại nữa, trạo cử được kể như vậy trong kinh, còn thắng giải và tác ý thì ở trong số những tâm sở bất định.

Như vậy các hành bất thiện cần được hiểu.

179. Về bất định, trước hết, dị thục bất định (34-69) gồm hai loại là vô nhân và hữu nhân. Những hành tương ưng với tâm dị thục vô nhân (34-41) gọi là các hành vô nhân. Trước tiên những hành tương ưng với thiện dị thục (34) và bất thiện dị thục (50) nhãn thức là bốn hành được kể trong kinh như sau: xúc, tư, mạng căn, trú tâm cùng với tác ý là năm, trong đây tác ý là hành duy nhất thuộc về bất định. Tương ưng với nhĩ, tỉ, thiệt, thân thức, thiện dị thục (35-38) và bất thiện dị thục (51-54) cũng là những loại hành đã nói trên.

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.