180. Những hành tương ưng với cả hai loại dị thục ý giới thiện (39) và bất thiện (55) gồm có tám, là năm thứ đã kể cọng thêm tầm, tứ và thắng giải.
Những hành tương ưng với ba ý thức giới hữu nhân (40, 41, 56) cũng vậy. Nhưng ở đây hành (40) câu hữu hỉ cần được hiểu là còn thêm lạc.
181. Những hành tương ưng với tâm dị thục hữu nhân (2-49) là những hành hữu nhân. Về những hành này trước hết, các hành tương ưng với tâm dục giới dị thục hữu nhân là giống như các hành tương ưng với tám tâm dục giới (1-8). Nhưng trong những hành không thường khởi, thì bi và hỉ không thuộc về dị thục, vì lấy chúng hữu tình làm đối tượng. Vì nhựng hành dị thục của dục giới chỉ có những đối tượng hữu hạn. Và không chỉ bi và hỉ mà thôi, cả ba hành là từ bỏ thân ác hành, ngữ ác hành và tà mạng, cũng đều không ở trong số những tâm dị thục vì Luận nói: “Năm học giới chỉ là thiện mà thôi” (Vbh. 291).
182. (57-69) Các hành tương ưng với tâm dị thục sắc giới (57-61)vô sắc giới (62-65) và siêu thế (66-69) là tương tự các hành tương ưng với thiện tâm cùng loại (9-21).
183. (70-89) Các hành bất định duy tác cũng được phân loại thành vô nhân (70-72) và hữu nhân (73-80). Vô nhân tương ưng với tâm duy tác vô nhân, và những hành vô nhân này cũng như những hành tương ưng với thiện dị thục ý giới (39) và hai ý thức giới vô nhân (40-41). Nhưng trong trường hợp hai ý thức giới (71) và (72), tinh tấn được thêm vào, và vì sự có mặt của tinh tấn nên định mạnh. Ðấy là chỗ khác biệt.
184. Những hành tương ưng với tâm duy tác hữu nhân (73), (80) là những hành hữu nhân. Trong số này trước hết, những hành tương ưng với tám tâm dục giới duy tác (73-80) tương tự những hành tương ưng với 8 thiện tâm dục giới (1-8), trừ ba cái là vô thân tà hạnh, ngữ tà hạnh và tà mạng.
Những hành tương ưng với tâm duy tác sắc giới (81-85) và vô sắc (86-89) là tương tự trong mọi mặt, với các hành tương ưng thiện tâm (9-17).
Trên đây là những hành cần được hiểu là bất định.
Ðấy là giải thích chi tiết về hành uẩn.
Phân Loại Năm Uẩn Dưới 11 Ðề Mục
185. Ðoạn trên trước hết là cách phân loại theo A tỳ đàm về các uẩn. Nhưng trong Kinh tạng, Ðức Thế Tôn đã phân loại các uẩn một cách chi tiết như sau.“Phàm có sắc nào, quá khứ, vị lai, hiện tại, nội hay ngoại, thô hoặc tế, xa hay gần, hạ liệt hay cao sang, tất cả gồm chung lại đều gọi là sắc uẩn. Phàm thọ nào… tưởng nào… hành nào… thức nào, quá khứ vị lai hay hiện tại, … tất cả gồm chung lại, đều gọi là … thức uẩn.” (M. iii, 17).
Sắc
186. Ở đây, chữ “phàm” bao gồm tất cả không trừ. Chữ “sắc” đề phòng sự bao gồm quá trớn. Như vậy, sắc được bao gồm trong hai từ ấy, không ngoại lệ. Rồi ngài giải thích nó là quá khứ, vị lai, và hiện tại, vì sắc được phân loại như vậy. Th?, tưởng, hành, thức cũng thế. Sắc được gọi là quá khứ có bốn, tùy theo giới hạn giữa hai khoảng, theo sự tương tục, theo thời kỳ và theo sát-na. Cũng vậy sắc vị lai và hiện tại.
187. Trước hết theo giới hạn, trong trường hợp một hiện hữu của chúng sinh, thì trước kiết sanh gọi là quá khứ, sau cái chết là vị lai, giữa hai cái đó là hiện tại.
188. Theo tương tục, thì sắc nào do thời tiết sanh tương tự và đơn điệu, và do thức ăn đơn điệu sanh, mặc dù nó sanh khởi liên tục, đều gọi là hiện tại.
[Chú thích: Thời tiết lạnh bên ngoài tương tự với lạnh, nóng tương tự với nóng. Nhưng thời tiết ấy khi rơi xuống thân xác, dù nóng hay lạnh, mà xảy ra liên tục theo một điệu, không nhiều hơn hay ít hơn, thì gọi là thời tiết “đơn điệu”. Sở dĩ từ này được dùng vì có nhiều thời tiết “tương tự”. Thức ăn cũng vậy. Một “lộ trình” chỉ ngụ môn hướng tâm và một “tốc hành” chỉ ý môn hướng tâm. Sự giải thích về “tương tục” và “thơì kỳ” được nói trong các Luận sớ là để trợ gíup việc tu quán. — Pm. 496.]
Sắc nào do thời tiết và đồ ăn sanh mà không tương tự thì gọi là quá khứ. Sắc kế tiếp sau đó là vị lai. Sắc do tâm sanh và có nguồn gốc nó ở trong một tâm lộ trình, trong một tốc hành tâm, trong một thiền chứng thì gọi là hiện tại. Tiếp theo đó là vị lai. Không có phân loại đặc biệt nào thành tương tục qúa khứ, vv. của sắc có nguồn gốc ở nghiệp, nhưng tính cách qúa khứ, vv. của nó cần được hiểu là tùy theo nó nâng đỡ những sắc có gốc ở thời tiết, đồ ăn và tâm.
189. Theo thời kỳ: Bất cứ thời khoản nào như một phút, buổi sáng, chiều, ngày, đêm, vv. xảy ra theo một tương tục, thì gọi là hiện tại, trước đó là quá khứ, sau đó là vị lai.
190. Theo sát-na: Cái gì được gồm trong ba sát-na là sanh trú và diệt khởi đầu bằng sanh, thì gọi là hiện tại, trước đó là vị lai, sau đó là quá khứ.
[Chú thích: Trong hai đoạn này, “quá khứ” và “vị lai” không ám chỉ thời gian mà ám chỉ sắc.]
191. Lại nữa, sắc nào mà nhiệm vụ làm nhân và duyên đã qua đi, thì gọi là quá khứ, sắc nào nhiệm vụ làm nhân đã xong làm duyên chưa xong, gọi là hiện tại. Sắc nào chưa đạt đến nhiệm vụ nào trong hai nhiệm vụ ấy thì gọi là vị lai. Hoặc, sát-na làm nhiệm vụ gọi là hiện tại, trước đó là vị lai, sau đó là quá khứ. Và ở đây, chỉ có những giải thích bắt đầu từ đ. 190 là có nghĩa đen, còn lại đều có nghĩa tương đối hay nghĩa bóng.
192. Sự chia thành nội, ngoại sắc thì như đã nói ở đoạn 73. Ngoài ra, sắc nội là của mình, ngoại là của người khác. Thô và tế cũng đã nói ở đoạn 73.
193. Hạ liệt và cao sang có hai nghĩa: nghĩa tương đối hay nghĩa bóng, nghĩa tuyệt đối hay nghĩa đen. Ở đây, sắc của chư thiên Thiện hiện thấp hơn sắc của chư thiên cõi Sắc cứu cánh, nhưng thù thắng hơn sắc chư thiên Thiện kiến. Như vậy sự cao thấp tương đối xuống cho đến các dân địa ngục. Nhưng về phương diện tuyêt đối, nghĩa đen, thì sắc là hạ liệt khi nó khởi lên kể như quả dị thục bất thiện, và thù thắng khi nó là thiện dị thục.
194. Xa và gần cũng như đã nói trong đoạn 73. Ngoài ra tính xa gần tương đối ở đây cần được hiểu là theo địa điểm.
195. Tất cả gồm chung lại ; tập họp tất cả các loại sắc đã được mô tả riêng biệt thành quá khứ, vị lai, vv… thành một tập thể bằng cách hiểu theo tính cách duy nhất của nó, nghĩa là đặc tính bị quấy nhiễu, thì nó được gọi là sắc uẩn.
196. Nó còn có nghĩa là, sắc uẩn là toàn sắc, tất cả sắc gồm trong đặc tính bị quấy nhiễu, bức bách, vì không có sắc uẩn bên ngoài sắc.
Và cũng như sắc, thọ vv. cũng vậy, vì những uẩn này có những đặc tính là bị cảm nhận, vv., vì không có thọ uẩn ngoài cảm thọ, vv.
Thọ
197. Trong sự phân loại thành qúa khứ, vị lai, hiện tại, tình trạng quá khứ vị lai hiện tại của cảm giác cần được hiểu là tùy theo sự tương tục và theo sát-na, vv.
Tùy theo tương tục là gồm trong một lộ trình tâm duy nhất, một tốc hành tâm duy nhất, một chứng đắc duy nhất, và thọ khởi lên tương ưng với đối tượng thuộc một loại duy nhất, gọi là hiện tại. Trước đó là quá khứ, sau đó là vị lai.
198. Sự phân thành nội, ngoại cần hiểu là “nội” khi xảy ra trong thân của một người.
Thôvà tế cần hiểu theo loại, theo tự tính, theo người, và theo cõi thế gian hay siêu thế, như Vibhanga nói: “Cảm thọ bất thiện là thô, thiện và bất định là tế” vv.
199. Theo loại, trước hết, bất thiện cảm thọ là một trạng thái bất an, vì nó là nhân của những hành vi đáng trách và vì nó phát sinh ra phiền não bốc cháy, bởi vậy nó là thô so với thiện cảm thọ. Và bởi vì nó câu hữu với sự thủ lợi và dục vọng cùng quả dị thục, và vì sự bốc cháy của phiền não, vì đáng khiển trách, nó là thô so với duy tác bất định. Nhưng theo nghĩa ngược lại, thì cảm thọ thiện và bất định là tế so với cảm thọ bất thiện. Lại nữa, hai thứ cảm thọ thiện và bất thiện bao hàm sự vị lợi, dục vọng và quả báo, nên chúng là thô so với hai cảm thọ bất định. Và theo nghĩa ngược lại, thì hai cảm thọ bất định là tế so với chúng. Ðây là ý nghĩa thô và tế tùy theo loại.
20O. Theo tự tánh, cảm thọ khổ là thô so với những cảm thọ khác vì nó không có sự vui sướng, nó cần đến sự can thiệp, nó gây xáo trộn, tạo nên sự lo âu, và nó khống chế. Hai cảm thọ kia là tế so với khổ thọ, bởi vì chúng làm thỏa mãn, an bình, và thù thắng hơn. Chúng tương đối dễ chịu hơn, và trung tính. Cả hai cảm thọ lạc và khổ là thô so với bất khổ bất lạc vì chúng bao hàm sự can thiệp, phát sinh xáo trộn, và chúng rõ rệt. Cảm thọ bất khổ bất lạc là tế so với hai cảm thọ kia theo cách đã nói. Như vậy thô và tế cần được hiểu theo tự tính của cảm thọ.
201. Theo người, cảm thọ nơi người chưa chứng đắc là thô so với người đã có một thiền chứng vì cảm thọ của người chưa chứng bị phân tán bởi nhiều đối tượng. Với nghĩa ngược lại thì cảm thọ của người chứng đắc là tế.
202. Theo thế gian và siêu thế, cảm thọ còn lậu hoặc là thế gian và thô so với cảm thọ hết lậu hoặc, vì cảm thọ trước là nhân tố phát sinh lậu hoặc, liên hệ đến bộc lưu và liên hệ đến kiết sử, hệ phược, triền cái chấp thủ, và cấu uế mà tất cả phàm phu đều có. Cảm thọ siêu thế ngươc lại là tế so với cảm thọ còn lậu hoặc.
203. Ở đây, người ta nên coi chừng lẫn lộn những cách phân loại theo loại, vv. vì mặc dù cảm thọ tương ưng với bất thiện dị thục thân thức là tế, theo loại, vì là bất định, nhưng nó lại là thô nếu phân theo tự tính.Và điều này được nói:” Cảm thọ bất định là tế, khổ thọ là thô. Cảm thọ không lậu hoặc là tế, câu hữu với lậu hoặc là thô.”(Vbh. 3) Và cũng như khổ, lạc thọ, vv. là thô tùy theo loại, và tế theo tự tính.
204. Bởi thế tính cách thô tế được hiểu thế nào để khỏi lẫn lộn về cách phân theo loại vv. Ví dụ khi nói “cảm thọ bất định phân theo loại là tế, so với thiện bất thiện” thì tự tính, vv. không được nhấn mạnh đến, như:”Loại bất định nào? Bất định khổ? Bất định lạc? Bất định nơi người có đắc thiền? không đắc? còn lậu hoặc? không còn? Và ở mỗi trường hợp đều như vậy.
205. Lại bữa, do câu: “Hoặc cảm thọ nên xem là thô hay tế so với cảm thọ này hay cảm thọ kia? (Vbh. 4) trong những cảm thọ bất thiện, vv.cảm thọ câu hữu với sân cũng vậy, là thô so với cảm thọ câu hữu với tham, vì cảm thọ sân đốt hết chỗ nương tựa của nó như một đám cháy, còn cản thọ câu hữu với tham thì tế. Cũng vậy, cảm thọ câu hữu với sânlà thô, khi sân ấy thường khởi, và tế khi không thường khởi. Và cái thường khởi (constant) là thô nếu nó đem lại quả dị thục kéo dài một kiếp và không cần nhắc bảo, ngoài ra là tế. Nhưng cảm thọ câu hữu với tham là thô, khi nó tương ưng với tà kiến còn cảm thọ khác là tế. Cảm thọ tương ưng tà kiến nếu thường khởi, đem lại quả dị thục dài một kiếp và không cần nhắc bảo là thô, những cảm thọ khác là tế. Và không phân biệt, tất cả bất thiện cảm thọ là thô khi có nhiều quả báo dị thục, là tế nếu ít quả dị thục. Còn thiện cảm thọ với ít dị thục là thô, nhiều dị thục là tế.
206. Lại nữa, thiện cảm thọ thuộc dục giới là thô, thuộc sắc giới là tế, kế đó là vô sắc, và kế đó nữa là siêu thế. Cần được hiểu tương đối như vậy. Thiện cảm thọ ở dục giới là thô trong sự bố thí, là tế trong sự trì giới, tế hơn trong thiền tập. Lại nữa, thiện cảm thọ trong thiền tập là thô nếu có hai nhân, là tế nếu có ba nhân. Lại nữa, với ba nhân thì cảm thọ là thô khi cần nhắc bảo, tế khi không cần bảo. Thiện cảm thọ thuộc sắc giới là thô ở sơ thiền so với nhị thiền, nhị thiền là thô so với tam thiền, vv. Cảm thọ vô sắc giới tương ưng không vô biên xứ là thô so với cảm thọ tương ưng thức vô biên, vv… cảm thọ vô sắc giới tương ưng phi tưởng phi phi tưởng xứ là tế. Cảm thọ siêu thế tương ưng Dự lưu đạo là thô… Chỉ có cảm thọ tương ưng A-la-hán đạo là tế. Cùng phương thức ấy áp dụng cho cảm thọ dị thục và duy tác trong những cảnh giới khác nhau và cho những cảm thọ được xếp loại thành khổ lạc, vv
207. Rồi tùy theo xứ sở thì khổ thọ ở địc ngục là thô ở súc sinh là tế. Chỉ những cảm thọ ở chư thiên tha hóa tự tại là tế. Và lạc thọ cần được giải thích cặn kẽ như khổ thọ, chỗ nào thích hợp.
208. Và theo sắc căn thì bất cứ cảm thọ nào có căn hạ liệt là thô, căn thù thắng là tế.
Những gì là thô cần xem là hạ liệ và cái gì tế là thù thắng khi phân loại thành hạ liệt, thù thắng.
209. Xa, gần: Chữ “xa” được Vibhanga giải thích: “Cảm thọ bất thiện là xa đối với thiện và bất định” (Vbh. 4) và chữ “gần” được giải thích là “bất thiện cảm thọ là gần đối với bất thiện cảm thọ”. Bất thiện cảm thọ là “xa” với thiện và bất định, vì không giống nhau, không tương quan tương tự. Thiện cảm thọ và bất định cũng thế, là “xa” với bất thiện. Tương tự, trong mọi trường hợp. Nhưng bất thiện cảm thọ là gần với bất thiện cảm thọ, vì tương ưng và giống nhau.
Trên đây là giải thích chi tiết về những cách phân loại thọ uẩn.
Tưởng Hành Và Thức