240. Giải thích như sau. Trước hết có bốn loại thủ là dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ và ngã luận thủ.
241. Phân tích ý nghĩa là như sau. Gọi là dục thủ vì nó bám vào thủ khoái lạc giác quan tức sắc trần. Lại nữa, nó vừa là dục, vừa là chấp thủ (bám giữ) nên gọi là dục thủ. Thủ (upadàna) là sự nắm chắc, upa đây nghĩa là chắc chắn. Cũng vậy, nó vừa là (tà) kiến vừa là chấp thủ, nên gọi là kiến thủ. Hoặc vì nó bám vào tà kiến, vì trong trường hợp tà kiến cho rằng thế giới là ngã, thường, v.v., thì chính loại tà kiến sau (thường) bám vào loại trước (ngã). Cũng thế, bám vào lễ lạc là giới cấm thủ. Lại nữa, nó vừa là lể lạc vừa là chấp thủ, nên gọi là giới cấm thủ. Những giới như ngưu hạnh (sống như trâu bò) v.v… chính là những loại chấp thủ, do vì hiểu sai rằng nhờ vậy được thanh tịnh. Cũng vậy, vì chúng nhồi sọ bằng cách ấy, nên gọi là lý thuyết, chúng bám víu bằng cách ấy, nên gọi là thủ. Chúng nhồi sọ bằng cái gì? Bám vào cái gì? – Cái ngã. Sự chấp thủ lý thuyết về ngã, gọi là ngã luận thủ. Hoặc qua thuyết đó chúng bám vào một tự ngã vốn chỉ là lý thuyết, nên gọi là ngã luận thủ. Ðây là phân tích ý nghĩa.
242. Các pháp kể vắn tắt và chi tiết thì: vắn tắt, dục thủ được gọi là sự kiên cố của khát ái, vì kinh nói: “Ở đây, gì là dục thủ? Sự ham thích khoái cảm, sự thèm khát đối với dục, thích thú trong dục lạc, khát ái đối với dục, nhiệt não với dục, say mê dục, lao mình vào đó, gọi là Dục thủ (Dhs. 1214). Sự kiên cố của khát ái là một tên chỉ cái khát ái đến sau đã vững chắc nhờ ảnh hưởng khát ai đi trước tác động như duyên thân y cho nó. Nhưng lại có người nói ái là khát khao một đối tượng ta chưa đạt, như kẻ trộm vươn tay trong bóng tối; còn thủ là sự nắm giữ một đối tượng đã đạt, như kẻ trộm bắt được của. Những pháp này (ái thủ) ngược lại thiểu dục tri túc, bởi thế chúng là gốc rễ của đau khổ, do tìm kiếm và giữ gìn. (D. ii, 58). Ba thủ còn lại nói gọn chỉ là tà kiến.
243. Nhưng nói chi tiết thì dục thủ là tình trạng kiên cố của ái được mô tả ở trên, thuộc 108 loại tương ưng với sắc, vân vân.
Kiến thủlà tà kiến gồm 10 thứ như được nói: Gì là kiến thủ? “Không có bố thí, tế tự, không có sa môn bà la môn đức hạnh đã tự chứng với thánh trí và tuyên bố đời này đời sau”. Quan điểm như vậy, kiến chấp đảo lộn vậy gọi là kiến thủ (Vbh. 375). Giới cấm thủ là sự tin theo quan điểm cho rằng sự thanh tịnh là do lễ lạc, quan điểm như vậy, kiến chấp đảo lộn như vậy gọi là giới cấm thủ (Dhs. 1216). Ngã luận thủ là 20 kiến chấp sai lầm về ngã, như: “Ở đây, gì là ngã luận thủ? Kẻ vô văn phàm phu, không tu tập pháp các bậc chân nhân, chấp ngã là sắc… kiến chấp đảo lộn như vậy gọi là ngã luận thủ.” (Dhs. 1217)
Ðấy là các pháp kể sơ lược về chi tiết.
244. Về thứ tự, thứ tự gồm ba (xem Ch. XIV, đ. 211) là thứ tự sanh khởi, từ bỏ, và giảng dạy.
Ở đây, thứ tự sanh khởi các phiền não không nói theo nghĩa đen, bởi không có sự sanh khởi đầu tiên của phiền não trong vòng luân hồi vô thủy. Nhưng theo nghĩa tương đối thì: Thông thường, nơi một người, tà giải chấp thường, đoạn khởi từ giả thuyết có ngã. Kế đến, khi người ấy cho rằng tự ngã này trường cữu, thì sự chấp thủ khởi lên nơi nó vì mục đích thanh luyện tự ngã. Và khi nó tin rằng tự ngã này đoạn diệt, từ đó bất chấp đời sau, thì dục thủ khởi lên. Bởi vậy, ngã luận thủ sanh trước nhất, kế đến là kiến thủ, và giới cấm thủ hay dục thủ. Vậy đây là thứ tự sanh khởi của chúng, nơi một hữu tình.
245. Và ở đây, kiến thủ, v.v… được từ bỏ trước, vì chúng được loại trừ nhờ dự lưu đạo. Dục thủ được từ bỏ sau, vì nó được đoạn trừ nhờ A-la-hán đạo. Ðây là thứ tự từ bỏ.
246. Dục thủ tuy vậy lại được dạy trước hết, vì tầm đối tượng rộng rãi, và vì nó rõ rệt. Nó có một phạm vi đối tượng rất rộng, vì tương ưng với 8 loại tâm (22-29). Các thủ khác có phạm vi đối tư?ng hẹp vì chúng tương ưng với 4 loại tâm (22, 23, 26, 27). Và thông thường, dục thủ là rõ rệt, vì sự ưa thích ràng buộc của loại này (xem M. i, 167). Các loại thủ khác không rõ rệt như vậy. Một kẻ bị ám bởi dục, thì lao vào sự phô trương, tế lễ để đạt khoái lạc giác quan. Kiến thủ kế tiếp dục thủ vì sự phô trương và lễ lạc kia là một tà kiến nơi vị ấy. Rồi kiến thủ này lại chia làm hai thứ, là giới cấm thủ và ngã luận thủ, và trong hai thứ này, giới cấm thủ được dạy trước vì nó thô phù, dễ nhận ra, như hình thức ngưu hạnh và khổ hạnh. Ngã luận thủ được dạy sau rốt vì nó vi tế. Ðấy là thứ tự giảng dạy.
Thế Nào Là Ái Duyên Thủ
247.Và ái ở đây là một duyên cho dục thủ theo một cách cho ba thủ còn lại theo 7, 8 cách.
248. Về bốn loại thủ được dạy như thế, thì dục ái là một duyên theo một cách, kể như thân y, cho loại thủ đầu tiên, tức dục thủ, vì nó khởi lên tương ưng với những đối tượng mà aí thích thú. Nhưng nó là duyên theo 7 cách là câu sanh, hỗ tương, y chỉ, tương ưng, hữu, bất ly khứ, và nhân duyên, hoặc theo 8 cách, như trên thêm thân y, cho 3 loại thủ còn lại. Và khi nó đã làm thân y duyên thì không bao giờ là câu sanh.
Ðó là giải thích chi tiết mệnh đề “ái duyên thủ”.
Hữu
249. Về mệnh đề
“Do Duyên Thủ Có Hữu”:
một là ý nghĩa, hai là cảnh giới.
Ba mục đích, bốn phân tích, năm tổng hợp;
Sáu, thủ nào làm duyên cho hữu nào.
Sự trình bày cần biết vậy.
250. Ở đây, trở thành gọi là hữu (bhava). Có hai thứ là nghiệp hữu và sanh hữu như được nói: “Hữu theo hai lối, có nghiệp hữu, có tái sanh hữu” (Vbh. 137). Chính tiến trình nghiệp là hữu, thì gọi là nghiệp hữu. Cũng vậy, chính tiến trình tái sanh là hữu thì gọi là sanh hữu. Và ở đây, tái sanh là hữu vì nó hiện hữu, nhưng cũng như câu: “Sự xuất sanh của chư Phật là hạnh phúc” vì nó đem lại hạnh phúc, cũng v?y, nghiệp cần được hiểu là hữu vì nó đem lại hữu hay sự tái sanh; dùng từ ngữ thông thường chỉ hậu quả của nhân mà thay cho nhân. Ðây là trình bày ý nghĩa.
251. Về cảnh giới: trước hết, nghiệp hữu nói vắn tắt là hành và các pháp tham, v.v… tương ưng với hành cũng được xem là nghiệp. Vibhanga nói: “Cái gì là nghiệp hữu? Phước hành, phi phước hành, bất động hành, ở bình diện hữu hạn hay đại hành: đấy là nghiệp hữu. Cũng vậy, tất cả nghiệp đưa đến tái sanh đều là nghiệp hữu. (Vbh. 137).
252. Ở đây, phước hành nói theo tâm pháp, là 13 loại hành, 1-13, phi phước hành là 12 loại 22-33, và bất động hành là bốn loại 14-17. Từ ngữ “ở bình diện hữu hạn hay đại hành” có nghĩa sự nhỏ nhặt hay lớn lao của quả dị thục mà các hành này đem lại. Nhưng từ ngữ “cũng vậy, tất cả nghiệp đưa đến tái sanh” là nói tham, vân vân tương ưng với hành.
253. Sanh hữu nói vắn tắt là các uẩn do nghiệp sanh, có 9 loại: “Ở đây, gì là sanh hữu? Dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu, tưởng hữu, vô tưởng hữu, phi tưởng phi phi tưởng hữu, hữu một uẩn, hữu bốn uẩn và hữu năm uẩn. Ðấy gọi là sanh hữu“ (Vhb. 17).
254. Loại hữu có dục vọng gọi là “dục hữu”. Tương tự, với sắc và vô sắc hữu. Hữu của những chúng sanh có tưởng, hoặc ở đấy có tưởng trong hữu, nên gọi là “hữu tưởng’. Ngược lại là “vô tưởng”. Do sự vắng mặt của tưởng thô, nhưng có tưởng vi tế, thì gọi là phi tưởng phi phi tưởng. Hữu chỉ gồm một sắc uẩn gọi là hữu một uẩn hay một chiều (dimension). Tương tự, với hữu bốn uẩn và năm uẩn.
255. Dục hữu là năm uẩn có được do nghiệp chấp thủ. Sắc hữu cũng vậy. Vô sắc hữu có bốn uẩn. Tưởng hữu có 4 và 5. Phi tưởng hữu là một uẩn tập thành do nghiệp chấp thủ. Phi tưởng phi phi tưởng có bốn uẩn. Hữu một uẩn bốn uẩn và năm uẩn là các uẩn ấy đã tập thành do nghiệp chấp thủ. Ðấy là trình bày về cảnh giới.
256. Về mục đích: Mặc dù phước hành v.v… được đề cập tương tự trong mô tả về hữu và hành, nhưng ở đây vẫn lặp lại vì có dụng ý. Trong trường hợp đầu nó được nói đến vì là một duyên kể như nghiệp quá khứ, cho sự tái sanh hiện tại, còn trường hợp sau thì nó là duyên kể như nghiệp hiện tại cho tái sanh tương lai. Hoặc trường hợp đầu, đoạn “Gì là phước hành? Ðó là thiện hành dục giới” (Vbh. 135), chỉ có ý hành được gọi “hành”, nhưng ở trường hợp sau, với câu “Tất cả nghiệp đưa đến tái sanh” (Vbh. 137), thì các pháp tương ưng với hành đều được bao gồm. Và trong trường hợp đầu chỉ pháp nào làm duyên cho tâm mới gọi là hành, còn ở đây thì cả cái nghiệp đưa đến vô tưởng hữu cuĩng gồm trong đó. Nhưng tại sao phải lắm lời?
257. Trong mệnh đề “Vô minh duyên hành”, chỉ có các thiện và bất thiện pháp được kể, gọi là phước hành, phi phước hành, còn ở đây trong mệnh đề “Thủ duyên hữu” thì thiện, bất thiện và cả duy tác cũng được kể, do sự bao quát của sanh hữu. Do vậy mà có sự lặp lại ở đây.
Ðấy là trình bày về mục đích sự lặp lại.
258. Về sự phân tích, tổng hợp là phân tích và tổng hợp của hữu do duyên thủ.
Nghiệp đã tạo do duyên dục thủ, và sinh ra dục hữu, thì gọi là nghiệp hữu. Các uẩn do nghiệp ấy sanh ra gọi là sanh hữu. Tương tự, với sắc hữu và vô sắc hữu. Bởi thế có hai loại dục hữu do duyên dục thủ, trong đó bao gồm cả tưởng hữu và hữu 5 uẩn. Và có hai loại sắc hữu, trong đó gồm cả hữu có tưởng, vô tưởng, hữu một uẩn và hữu 5 uẩn. Và có hai loại vô sắc hữu, trong đó gồm cả hữu có tưởng, phi tưởng phi phi tưởng, và hữu b61người uẩn. Vậy, kể cả những gì được gồm trong đó, thì có sáu loại hữu do duyên dục thủ. Tương tự, với ba thủ còn lại làm duyên. Vậy, phân tích thì có tất cả 24 loại hữu do duyên thủ.
259. Nhưng về tổng hợp, bằng cách phối hợp nghiệp hữu và sanh hữu, thì có (kể cả những gì nó bao gồm) một loại dục hữu do duyên dục thủ. Tương tự với sắc hữu, vô sắc hữu. Và tương tự, với ba thủ còn lại làm duyên. Như vậy có 12 loại hữu do duyên thủ kể cả những gì được bao gồm.
260. Lại nữa, bất cứ nghiệp nào có thủ làm duyên, mà đã đạt đến dục hữu, thì đều là nghiệp hữu. Các uẩn được sanh bởi nó gọi là sanh hữu. Tương tự, với sắc và vô sắc hữu. Vậy, cùng với những gì được bao gồm, có hai loại dục hữu, hai loại sắc hữu, và hai loại vô sắc hữu. Tổng hợp có sáu loại hữu theo cách này.
Hoặc không phân thành nghiệp hữu và sanh hữu, thì chỉ có ba loại hữu là dục, sắc, vô sắc. Hoặc không phân thành dục, sắc, vô sắc thì chỉ có hai loại nghiệp hữu và sanh hữu. Và nếu không phân thành nghiệp và tái sanh, thì chỉ có một loại hữu mà thôi.
Ðấy là trình bày về hữu với thủ làm duyên, phân tích và tổng hợp.
261. Thủ nào làm duyên cho hữu nào? Bất cứ loại thủ nào cũng là duyên cho loại hữu nào bất cứ. Vì phàm phu như một kẻ điên, không cần suy xét phải quấy. Bằng bất cứ loại thủ nào, nó khát khao đạt đến bất cứ loại hữu nào, và làm bất cứ loại nghiệp nào. Bởi thế khi có người nào bảo không phải nhờ giới cấm thủ mà được sanh vào sắc giới và vô sắc giới, thì không được chấp nhận, mà điều chúng chấp nhận là mọi thứ (hữu) phát sinh từ mọi thứ (thủ).
262. Ví dụ một người, theo tin đồn hay do tà kiến, nghĩ rằng dục thật là viên mãn nơi cõi người thuộc giai cấp sát đế lợi, v.v… và ở 6 cõi trời dục. Bị lầm lạc vì nghe theo tà thuyết, tưởng rằng do nghiệp ấy sẽ thỏa mãn được dục, nên kẻ kia vì mong hưởng lạc mà làm những ác hành về thân, v.v… do dụ thủ. Vì viên mãn ác hành, nó tái sanh trong các đọa xứ. Các nghiệp làm nhân cho tái sinh gọi là nghiệp hữu. Các uẩn do nghiệp ấy sanh, là sanh hữu, nhưng tưởng hữu và hữu 5 uẩn cũng được bao gồm.
263. Nhưng có người khác, nhờ nghe điệu pháp mà tăng trưởng tri kiến, và tưởng rằng do nghiệp này dục sẽ được thỏa mãn, nó làm các thiện hành về thân, v.v… vì dục thủ. Do viên mãn thiện hành về thân, nó tái sanh trong chư thiên hay loài n. Cái nghiệp làm nhân cho tái sanh ở cõi trời là nghiệp hữu, các uẩn do nghiệp ấy sanh là sanh hữu, nhưng tưởng hữu và hữu 5 uẩn cũng được bao gồm.
Vậy, dục thủ là duyên cho dục hữu, phân tích hay tổng hợp.
264. Một người nữa vì nghe hay đoán rằng dục càng viên mãn hơn ở sắc giới, vô sắc giới, nên vì dục thủ mà tu những thiền chứng có sắc, không sắc, và nhờ chứng thiền, họ tái sanh ở sắc giới, Phạm thiên giới. Cái nghiệp làm nhân cho tái sanh của họ ở đấy là nghiệp hữu, các uẩn do nghiệp ấy sanh là sanh hữu, nhưng hữu có tưởng, không tưởng, phi tưỏng phi phi tưởng, hữu một uẩn bốn uẩn và năm uẩn, cũng được bao gồm. Như vậy, dục thủ là duyên cho sắc và vô sắc hữu, theo phân tích và tổng hợp.
265. Một người khác chấp thủ đoạn kiến, cho rằng tự ngã này hoàn toàn đoạn diệt, khi nó đoạn diệt ở các thiện thú dục giới, sắc giới hay vô sắc giới. Và nó làm các nghiệp để thành tựu mục đích ấy. Nghiệp nó làm gọi là nghiệp hữu. Các uẩn do nghiệp ấy sanh là sanh hữu. Nhưng các hữu có tưởng, v.v… . cũng được bao gồm.
Vậy kiến thủ là duyên cho cả ba loại hữu dục, sắc, vô sắc, về phân tích và tổng hợp.
266. Một người khác, do ngã luận thủ nghĩ rằng, tự ngã sẽ được lạc, thoát y nhiệt não trong các tái sanh thiện thú dục giới hay trong sắc giới, vô sắc giới, và làm các nghiệp để đạt đến đấy. Nghiệp nó làm gọi là nghiệp hữu, các uẩn do nghiệp sanh là sanh hữu. Nhưng các loại hữu có tưởng, không tưởng, v.v… cũng được bao gồm. Vậy, ngã luận thủ là duyên cho cả ba loại hữu, phân tích và tổng hợp.
267. Một người khác do giới cấm thủ, nghĩ rằng, viên mãn giới cấm thủ sẽ đưa đến những thiện thú dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Và nó làm các nghiệp để đạt mục đích ấy. Nghiệp nó làm là nghiệp hữu, các uẩn do nghiệp ấy sanh là sanh hữu. Nhưng các hữu có tưởng, không tưởng v.v… . cũng được bao gồm. Vậy giới cấm thủ là duyên cho cả ba loại hữu, phân tích và tổng hợp. Ðấy là trình bày thủ nào duyên cho hữu nào.
Thế Nào Thủ Làm Duyên cho Hữu?
268.
Nhưng bằng cách nào thủ làm duyên?
Thủ duyên cho hữu
Ở sắc giới và vô sắc giới,
Theo kiểu thân y duyên,
Câu sanh, v.v… cho loại hữu dục giới.
269. Thủ này mặc dù có bốn loại, chỉ duyên theo một cách là thân y duyên cho hữu ở sắc, vô sắùc giới, nghĩa là cho thiện nghiệp trong nghiệp hữu xảy ra ở dục giới và cho sanh hữu. Nó là một duyên, kể như cu sanh vân vân có nghĩa: cu sanh, hỗ tương, y chỉ, tương ưng, hữu duyên, bất ly khứ, nhân duyên – cho bất thiện nghiệp hữu tương ưng với bốn thủ ở dục giới hữu. Nhưng nó là thân y duyên mà thôi, cho cái gì bất tương ưng.
Ðấy là giải thích chi tiết mệnh đề “Do duyên thủ, có hữu”.
Sanh v.v…
270. Về mệnh đề “Do duyên hữu có sanh v.v… “, định nghĩa về sanh, v.v… cần hiểu như đã nói trong phần Bốn chân lý (Ðế, Ch. XVI, đ. 32). Ở đây chỉ có nghiệp hữu được ám chỉ trong danh từ “hữu”, vì chính nó, chứ không phải sanh hữu làm duyên cho sanh. Nhưng nó là một duyên theo hai cách là thân y và nghiệp.
271. Người ta có thể đặt câu hỏi: Nhưng làm sao biết được rằng hữu là duyên cho sanh? – Do sự sai biệt có thể quan sát giữa tính chất hạ liệt và thù thắng. Mặc dù hoàn cảnh ngoại giới giống nhau, như cha mẹ, hạt giống, máu huyết, thực phẩm v.v… sự khác nhau giữa hạ liệt và thù thắng của hữu tình có thể thấy được, ngay cả trong trường hợp song sinh. Và điều ấy không phải không nguyên nhân. Nó không có nguyên nhân nào khác hơn là nghiệp hữu, vì không có lý do nào khác, trong tương tục nội tại của các hữu tình được sinh ra. Vì nghiệp là nhân của sự khác nhau giữa hạ liệt và thù thắng của các hữu tình nên Ðức Thế Tôn dạy: “Chính nghiệp là yếu tố phân chia hữu tình thành thù thắng và hạ liệt”. (M. iii, 209). Do vậy, ta có thể biết (nghiệp) hữu là duyên cho sanh.
272. Và khi không có sanh thì cũng không có già chết và các thứ sầu bi khổ ưu não; nhưng khi đã có sanh thì già chết xuất hiện, kéo theo các thừ sầu bi…, những thứ này hoặc liên hệ đến già chết nơi kẻ ngu bị sầu khổ vì các trạng thái được gọi là già chết, hoặc không liên hệ đến già chết, mà vì một nỗi đau đớn này hay khác. Bởi thế, sanh này là một duyên cho già chết và cho cả sầu bi vân vân. Nhưng đó là duyên theo một cách, là thân y mà thôi. Ðấy là giải thích chi tiết mệnh đề “Do duyên hữu có sanh”.
C. Bánh Xe Sanh Tử
1. Bánh Xe
273. Bấy giờ, cuối cùng sầu bi khổ ưu não được đề cập ở đây, vì nó mà vô minh được nêu đầu bánh xe sanh tử như sau: “Do duyên vô minh, có hành”. Vô minh ấy được thiết lập bằng sầu bi khổ v.v… bởi thế cần hiểu rằng
Bánh xe sanh tử không có mối đầu được biết đến.
Không người làm, không người chịu,
Trống rỗng với 12 kiểu rỗng.
Bánh xe ấy không ngừng ở đâu
Nó cứ xoay vần mãi mãi.
274. Nhưng thế nào vô minh được thiết lập bởi sầu…? Thế nào là bánh xe sanh tử không có khởi thủy? Thế nào là không người làm, người chịu? Thế nào là trống rỗng với 12 kiểu rỗng?
275. Sầu, ưu, não không tách rời khỏi vô minh, còn bi được thấy nơi người bị mê hoặc. Như vậy, khi những thứ này sanh khởi là vô minh được thiết lập. Lại nữa, “cùng với lậu hoặc có vô minh” (M. i, 54) và với lậu hoặc sanh, những thứ sầu, bi, … xuất hiện. Như thế nào?
276. Trước hết, sầu vì phải xa lìa đối tượng gây khoái cảm, sầu ấy được sanh từ dục lậu, như kinh nói:
Khi một người đang khao khát
Mà điều nó khao khát tuột mất
Thì nó đau khổ như bị trúng mũi tên (Sn. 767).
Và Pháp cú, 215, nói: ”Sầu do ái sanh”.
277. Và tất cả sầu bi… này phát sanh cùng với sự sanh khởi của kiến lậu, như kinh nói: “Nơi một người có kiến chấp tự ngã là sắc, sắc là của ta, thì cùng với sự đổi thay biến hoại của sắc, khởi lên sầu bi khổ ưu não.” (S. iii,3)
278. Và sầu bi… cũng sanh cùng với sự sanh khởi của hữu lậu, như kinh nói: “Có những chư thiên tuổi thọ dài, có mỹ sắc, hưởng nhiều lạc, đã sống lâu trong các cung điện tráng lệ. Các chư thiên này, sau khi nghe Như lai thuyết pháp, phần lớn đâm ra run sợ khiếp đảm.” (S. iii, 85), như trường hợp các vị trời bị ray rứt bởi nổi sợ chết, khi thấy năm suy tướng hiện ra.
[Chú thích: 5 suy tướng là hoa héo, y phục dơ dáy, nách toát mồ hôi, thân thể trở thành xấu xí, tâm bất an].
279. Cũng vậy, sầu bi khổ ưu não sanh cùng với sự sanh khởi của vô minh lậu, như kinh nói:” Này các tỷ kheo, kẻ ngu cảm thọ khổ ưu ngay hiện tại, theo ba cách.” (M. iii, 163)
Những pháp sầu bi… này phát sinh cùng với sự sanh khởi của lậu hoặc, bởi vậy khi chúng phát sinh, là chúng thiết lập lậu hoặc, nhân của vô minh. Khi lậu hoặc thành hình, thì vô minh cũng thành hình, vì vô minh hiện hữõu khi điều kiện của nó hiện hữu. Ðây, trước hết, là nói làm thế nào vô minh, vân vân được thiết lập bởi sầu, v.v…