65. Vị ấy quán: “Các giới (đại) và sở tạo sắc sanh trong động tác “nhấc chân”, đều chấm dứt tại đấy không đi đến động tác “đưa tới, bởi thế chúng là vô thường, khổ, không phải ngã. Cũng thế, sắc sanh trong động tác “đưa qua”, “hạ thấp”, đặt xuống”, … . chấm dứt tại đấy không đi đến động tác “mắc vào”. Như thế các hành tiếp tục tan rã, như những hột mè nổ khi đặt trong chảo nóng, sanh đâu là diệt ngay tại đó, từng giai đoạn, từng thời kỳ, mỗi thời không đi đến thời kế tiếp, bởi thế chúng là vô thường, khổ, không phải ngã”.
66. Khi hành giả quán hành từng giai đoạn như thế, với tuệ giác, thì sự quán về sắc của vị ấy trở nên vi tế, như ví dụ sau đây.
Một người ở biên địa đã quen với đuốc, củi, cỏ nhưng chưa từng thấy đèn, một hôm đến đô thị trông thấy một cây đèn đốt ở chợ, anh ta hỏi một người khác: “Cái vật xinh đẹp kia là cái gì?” Người kia bảo: “Có gì là đẹp? Nó là một cây đèn, khi dầu và bấc đã hết thì đèn ấy đi về đâu, chẳng ai biết được. “Một người khác bảo người ấy: “Nói vậy chưa được, vì ngọn đèn trong mỗi phàn ba của tim bấc khi nó dừng đốt cháy bấc, đã chấm dứt tại đấy không đi qua phần kia.” Người khác bảo anh này: “Nói vậy cũng chưa được, vì ngọn đèn trong mỗi tấc bấc, nửa tấc, mỗi sợi chỉ, mỗi sơ tơ quấn chỉ, sẽ chấm dứt, không đi đến sợi khác, nhưng ngọn đèn không thể xuất hiện nếu không có sợi tơ ấy”.
67. Ở đây khi một thiền giả gán tính vô thường khổ vô ngã cho sắc giới hạn 100 năm, ví như người nói về ngọn đèn “nó đi về đâu khi dầu, bấc hết, chả ai biết được”. Người gán ba đặc tính theo “sự biến mất của những gì già lần từng giai đoạn” giới hạn bằng một phần ba của trăm năm, là như người nói: “Ngọn đèn trong mỗi phân bà cây đèn chấm dứt không đến phần khác.” Người gán ba đặc tính cho sắc giới hạn thành từng thập niên, năm năm, bốn, ba, hai năm, là ví như người nói: “Ngọn đèn nơi mỗi tấc bấc chấm dứt không đi đến tấc khác.” Người gán ba đặc tính cho sắc được giới hạn thành từng mùa bốn tháng, hai tháng, là như người nói: “Ngọn đèn trong nửa tấc bấc không đi đến nửa tấc khác.” Thiền giả gán ba đặc tính theo từng nửa tháng, ngày, đêm, buổi sáng… từng phần sáu của ngày đêm, ví như người nói: “Ngọn đèn trong mỗi sợi chỉ chấm dứt không đi đến sợi khác”. Thiền giả gán ba đặc tính cho sắc được giới hạn thành từng động tác chân bước như nhấc lên đưa tới… là như người nói: “Ngọn đèn trong mỗi sợi tơ làm thành chỉ bấc chấm dứt, không đi đến sợi khác”.
68. (3-6) Sau khi gán ba đặc tính cho sắc bằng nhiều cách khác nhau theo “sự biến mất của những gì già lần từng giai đoạn” như vậy, hành giả phân tích sắc ấy, chia nó ra bốn phần là: “do đoàn thực sanh”, v.v… và lại gán ba đặc tính cho mỗi phần.
Sắc do đoàn thực sanh trở nên rõ rệt với hành giả qua cơn đói và no, vì sắc sanh khi người đang đói thì khô khan vô vị, xấu xí dị hình như một khúc cây khô, sắc sanh khi đã hết đói thì phúng phính, tươi mát, mềm mại, láng lẩy, mịn màng. Khi phân biệt như vậy, hành giả gán ba đặc tính cho sắc như sau: “Sắc sanh khi đói chấm dứt tại đấy, không đi đến lúc hết đói. Sắc sanh lúc hết đói chấm dứt tại đấy, không đi đến lúc đói lại. Bởi thế nó là vô thường, khổ, không phải ngã.”
69. Sắc do thời sanh trở nên rõ rệt qua nóng lạnh, vì sắc sanh khi nóng khi thì khô cháy,, vô vị, dị hình. Sắc sanh do thời tiết mát lạnh thì phúng phính, tươi mát, mềm mại láng lẩy mịn màng… Phân biệt như vậy, hành giả gán ba đặc tính cho sắc như sau: “Sắc sanh khi nóng chấm dứt tại đấy không đi đến lúc mát, sắc sanh lúc mát chấm dứt tại đấy không đi đến lúc nóng do vậy nó là vô thường, khổ, không phải ngã.
70. Sắc do nghiệp sanh trở nên rõ rệt qua các căn món nghĩa là các căn bản của tâm. Vì trong trường hợp mắt, có 30 sắc với ba thập pháp mắt, thân, và tánh, nhưng với 24 sắc do thời sanh, tâm sanh, thực sanh nâng đỡ chúng thành 54. Tương tự với tai, mũi, lưỡi. Và thân thì có 44 pháp, với các thập pháp thân, tánh và các pháp do thời sanh v.v… Vế ý môn cũng có 54 với các thập pháp tâm cơ, thân, tánh và các pháp do thời sanh, v.v… Phân biệt tất cả sắc ấy, hành giả gán ba đặc tính cho nó như sau: “Sắc sanh trong nhãn căn chấm dứt tại đấy không đi đến mũi, sắc sanh trong nhỉ…, tỉ…, thiệt…, thân chấm dứt tại đấy không đi đến ý môn, do vậy nó là vô thường, khổ, vô ngã”.
71. Sắc do tâm sanh trở nên rõ rệt qua hành tướng một người đang vui hay buồn, vì sắc sanh vào lúc nó vui thì láng lẩy, mềm mại, tươi mát, mịn màng. Sắc sanh vào lúc nó buồn bực thì khô cháy vô vị xấu xí. Khi phân biệt như vậy hành giả gán ba đặc tính cho sắc như sau: “Sắc sanh vào lúc vui chấm dứt tại đấy không đi đến lúc buồn… và ngược lại. Bởi vậy, nó là vô thường, khổ, không phải ngã.”
72. Khi hành giả phân biệt sắc do tâm sanh và gán ba đặc tính cho nó như vậy, ý nghĩa này trở nên rõ rệt;
Mạng sống con người, lạc, khổ: chỉ những thứ này
nối kết trong một sát-na tâm vút qua,
các vị trời, dù sống tám vạn bốn ngàn năm,
cũng không còn là một
trong hai sát-na kế tiếp,
Các uẩn đã diệt của người đã chết hay còn sống
đều giống nhau
một đi không trở lại,
Các uẩn hiện tại đang tan rã, và sẽ tan rã ở vị lai
không khác gì các uẩn đã diệt từ trước.
Không có thể giới sanh nếu tâm không sanh,
Khi tâm có mặt, thì thế giới hiện hữu,
Khi tâm diệt, thế giới hết hiện hữu.
Khái niệm này sẽ đưa đến ý nghĩa tối thượng,
Không có kho chứa các pháp đã tan rã
Cũng không có sự tồn trữ các pháp trong tương lai,
Các pháp sanh như đầu kim hạt cải
(hột cải đề trên đầu cây kim sẽ rớt xuống ngay)
Sự tan rã của các pháp là dĩ định từ lúc chúng mới sanh,
Các pháp hiện hữu suy tàn không lẫn với các pháp quá khứ,
Chúng không từ đâu đến, rồi tan rã
không biết về đầu
thoạt đến thoạt đi, như làm chớp.
(Nd.1, 42)
73. Sau khi gán ba đặc tính cho sắc do đoàn thực sanh v.v… hành giả lại gán ba đặc tính cho sắc trong thiên nhiên. “Tự nhiên sắc” là danh từ chỉ sắc ngoại giới, không gắn liền với các căn, và khởi lên cùng với thành kiếp, chẳng hạn kiếp sắc, đồng, thiếc, chì, vàng, bạc, ngọc trai, ngọc bích, xa cừ, thủy tinh, san hô, hổ phách, đất đá có cây, v.v… Ðiều này trở nên rõ rệt qua một mầm cây Asoka.
74. Cái mầm ấy mới đầu màu hồng nhạt, hai ba ngày sau trở màu đỏ sậm, ba ngày nữa màu đỏ nhạt, rồi màu nâu, màu đọt xoài, màu đọt xoài đã lớn, màu lá nhạt, rồi mày lá đậm. Sau đó nó có màu lá úa và cuối năm thì rời khỏi cành.
75. Phân biệt như vậy, hành giả gán ba đặc tính cho sắc ấy như sau: “Sắc sanh khi mầm cây còn màu hồng nhạt chấm dứt không đi đến thời kỳ đỏ đậm, sắc sanh khi nó đỏ đậm… đỏ nhạt… màu của đọt xoài non… của đọt cây lớn… màu xanh lá nhạt… sắc sanh khi màu lá nhạt… . xanh đậm… lá úa, sắc sanh lúc nó là lá úa chấm dứt tại đấy không đi đến lúc lá tách khỏi cành. Bởi thế, nó là vô thường, khổ vô ngã”. Vị ấy quán sát tất cả sắc tự nhiên theo cách ấy. Ðấy là cách quán các hành bằng sự gán ba đặc tính cho chúng nhờ phương pháp bảy phép quán sắc.
Bảy Phép Quán Vô Sắc
76. Ðó là: (1) theo nhóm, (2) theo đôi, (3) theo sát-na, (4) theo loạt, (5) bằng cách trừ tà kiến, (6) trừ kiêu mạn, (7) chấm dứt ràng buộc.
77. (1) Theo nhóm là các pháp thuộc năm thứ xúc, thọ, tưởng, tư. Như thế nào? Ở đây, một tỷ kheo quán như sau; “Các pháp thuộc về 5 thứ xúc, v.v… khởi lên trong khi quán tóc là vô thường, khổ, vô ngã, trong khi quán lông… trong khi quán não là vô thường, khổ, vô ngã, tất cả những món này đều tan rã từng giai đoạn, thời kỳ, như hột mè nổ lách tách trên chảo nóng, hột này không đi đến hột kia. Bởi thế chúng là vô thường, khổ, vo ângã”. Ðây trước hết là phương pháp nói trong bài giảng về thanh tịnh[Chú thích: tên của một bản Sở giải cũ ở Tích lan, không còn].
78. Nhưng theo Bài giảng về các Thánh tài thì: “Quán theo nhóm” là khi, bằng một tâm kế tiếp, hành giả quán “vô thường, khổ, vô ngã” cái tâm sanh trong khi quán sắc là vô thường, khổ vô ngã trong bảy lối thuộc sắc pháp nói trên. Vì phương pháp này thích hợp, nên chúng ta sẽ giới hạn vào đấy trong khi giải thích những gì còn lại.
79. (2) Theo đôi: Sau khi vị tỷ kheo đã quán vô thường khổ vô ngã, cái sắc của sự “nhấc lên đặt xuống” (đ.46). Vị ấy lại quán rằng cái tâm mà vị ấy dùng để quán sắc ấy cũng vô thường khổ vô ngã, bằng phương tiện một tâm kế tiếp. Sau khi hành giả đã quán vô thường khổ vô ngã, cái sắc thuộc “sự biến mất của những gì già lần qua từng giai đoạn”, và sắc “do đoàn thực sanh”, “thời sanh”, “nghiệp sanh”, “tâm sanh”, và sắc “tự nhiên sanh”, vị ấy quán cái tâm năng quán ấy cũng vô thường khổ vô ngã” bằng một tâm kế tiếp. Theo cách ấy, gọi là quán theo đôi.
80. (3) Theo sát-na: Sau khi vị ấy đã quán vô thường khổ vô ngã, cái sắc của sự lấy lên đặt xuống, vị ấy quán cái tâm đầu tiên đã quán sắc ấy cũng vô thường khổ vô ngã, bằng một tâm thứ hai, và quán tâm thứ hai này bằng một tâm thứ ba, quán tâm thứ ba bằng một tâm thứ tư, quán tâm thứ tư bằng một tâm thứ năm, và tâm thứ năm này vị ấy cũng quán nó là vô thường khổ vô ngã. Sau khi vị ấy đã quán vô thường khổ vô ngã, cái sắc thuộc “sự biến mất của những gì già lần từng giai đoạn”, sắc “do đoàn thực sanh”, thời sanh, nghiệp sanh, tâm sanh, và tự nhiên sanh, vị ấy lại quán cái tâm năng quán là vô thường khổ vô ngã bằng một tâm thứ hai, quán tâm thứ hai bằng một tâm thứ ba, quán tâm thứ ba bằng một tâm thứ tư, quán tâm thứ tư bằng một tâm thứ năm. Tâm thứ năm vị ấy cũng quán nó là vô thường khổ vô ngã. Như vậy, quán bốn tâm từ mỗi lối phân biệt sắc cách đó, gọi là quán theo sát-na.
81. (4) Theo loạt: Sau khi hành giả đã quán vô thường, khổ, vô ngã cái sắc của sự lấy lên đặt xuống, vị ấy quán cái tâm đầu tiên cũng vô thường khổ vô ngã, bằng một tâm thứ hai, quán tâm thứ hai này bằng một tâm thứ ba, quán tâm thứ ba bằng một tâm thứ tư, … quán tâm thứ mười bằng tâm thứ 11, và tâm này vị ấy cũng quán là vô thường, khổ, vô ngã. Sau khi vị ấy đã quán là vô thường khổ vô ngã, cái sắc của “sự biến mất của những gì già lần từng giai đoạn”, và sắc do thực sanh, thời sanh, nghiệp sanh, tâm sanh, và tự nhiên sanh, vị ấy quán cái tâm đầu tiên là vô thường khổ vô ngã bằng tâm thứ hai, quán tâm thứ hai bằng tâm thứ ba, … tâm thứ mười bằng tâm thứ 11, và tâm thứ 11 này cũng vô thường khổ vô ngã, có thể quán tiếp tục như vậy đến suốt cả ngày. Nhưng cả đề mục sắc và vô sắc trở thành quen thuộc khi quán đến tâm thứ mười, do đó Luận về Thánh tài cho rằng có thể dừng lại ở tâm thứ 10. Quán như vậy gọi là quán theo loạt.
82. (5) Bằng cách trừ tà kiến, (6) kiêu mạn, (7) chấp thủ: Không có phương pháp đặc biệt cho các thứ này, nhưng khi hành giả đã phân biệt sắc và vô sắc (tâm) như trên thì thấy không có một hữu tình nào ở trong hay trên sắc và vô sắc. Khi vị ấy không thấy có một hữu tình (hay ngã, chúng sinh),nào thì ngã tưởng được từ bỏ, khi ấy tà kiến không khởi nơi vị ấy, gọi là trừ tà kiến. Khi vị ấy phân biệt các hành với cái tâm đã trừ ngã tưởng, thì kiêu mạn không khởi lên nơi vị ấy, và gọi là đã từ bỏ kiêu mạn. Khi vị ấy phân biệt các hành với cái tâm đã trừ kiêu mạn, thì tham ái không khởi nơi vị ấy, khi tham không khởi thì chấp thủ được gọi là đã chấm dứt. Ðấy là những gì được nói trong Luận về thanh tịnh (bản Sớ giải Tích Lan đã thất truyền).
83. Nhưng trong Luận về thánh tài, sau khi đề ra các mục “trừ tà kiến, kiêu mạn, chấp thủ”, phương pháp sau đây đã được nói: “không có sự từ bỏ tà kiến nơi một người thấy rằng tôi đã thấy với tuệ quán của tôi, mà có sự từ bò tà kiến nơi một người thấy rằng chỉ có các hành thấy các hành với tuệ quán, phân biệt định nghĩa và định ranh giới chúng. Không có sự từ bỏ kiêu mạn nơi một người thấy như sau: Tôi đã thấy suốt với tuệ quán, tôi thấy rõ với tuệ quán; nhưng có sự từ bỏ kiêu mạn nơi một người thấy như sau: Chỉ có các hành thấy các hành với tuệ quán, phân biệt, định nghĩa và định ranh giới chúng. Không có sự chấm dứt ràng buộc (trừ chấp thủ) nơi một người mừng rỡ vì tuệ như sau: tôi có khả năng thấy với tuệ quán; nhưng có sự chấm dứt ràng buộc nơi người thấy rằng chỉ có các hành thấy các hành với tuẹä, quán sát, định nghĩa, phân biệt, và định giới hạn chúng.
84. “Có sự dứt bỏ tà kiến nơi một người thấy như sau: “Nếu các hành thực là ngã, thì xem chúng là ngã cũng được đi, nhưng trong khi chúng là phi ngã lại bị cho là ngã, bởi thế chúng không phải ngã theo nghĩa là không thể thi thố một quyền năng nào trên chúng, chúng vô thường nghĩa là có rồi không, chúng là khổ có nghĩa là chịu sự áp bức của sanh và diệt”.
85. Có sự từ bỏ kiêu mạn nơi một người thấy như sau: “Nếu các hành là thường, thì cho rằng chúng thường cũng đúng, nhưng trong khi chúng vô thường, lại bị cho là thường. Bởi thế chúng là vô thường theo nghĩa có rồi không, là khổ theo nghĩa bị bức bách bởi sinh diệt, chúng vô ngã theo nghĩa không một quyền năng nào khả thi ở trên chúng”.
86. Có sự chấm dứt ràng buộc (chấp thủ) nơi người thấy như sau: “Nếu hành là lạc thì xem chúng là lạc cũng đúng, song chúng bị cho là lạc trong khi thực sự là khổ. Bởi thế chúng là khổ theo nghĩa bị bức bách bởi sanh diệt, là vô thường, theo nghĩa có rồi không, là vô ngã theo nghĩa không một năng lực nào khả thi đối với chúng”.
87. Như vậy có sự từ bỏ tà kiến nơi người thấy các hành là vô ngã, có sự từ bỏ kiêu mạn nơi người thấy chúng vô thường, có sự chấm dứt ràng buộc nơi người thấy chúng là khổ. Và tuệ giác này có giá trị trong mỗi trường hợp.”
88. Ðây là cách quán các hành bằng lối gán ba đặc tính cho chúng theo bảy vô sắc.
Ở giai đoạn này, cả hai đề mục thiền sắc và vô sắc đã trở nên quen thuộc với hành giả.
Mười Tám Tuệ Quán Chính
89. Sau khi đã quen thuộc với các đề mục thiền vô sắc, và như vậy, đã thâm nhập một phần trong 18 tuệ quán – tức 18 loại trí sẽ được viên mãn về sau nhờ liễu tri kể như từ bỏ, khởi từ quán tan rã – kế tiếp, hành giả từ bỏ các pháp chướng ngại (cho những gì mình đã thâm nhập).