Thanh Tịnh Đạo

39. 14). Giới bốn loại đầu tiên:

Kẻ học ác tri thức
Không gần bậc giới đức
Ngu si không thấy được
Lỗi phạm giới ở đấy
Tâm thường tà tư duy
Các căn không phòng hộ
Giới nơi người như vậy
Dự phần vào thối giảm.
Người có tâm tự mãn
Với giới đã thành tựu
Không bao giờ nghĩ đến
Tập đề tài thiền định
Chỉ an phận trong giới
Không nỗ lực tiến lên
Giới như vậy gọi là
Dự phần vào tù đọng.
Người có giới, nỗ lực
Với định làm phương tiện
Ðể đạt đến mục tiêu,
Giới của tỷ kheo này
Gọi là định cộng giới
(giới tăng tiến: Visesa)
Người thấy giới chưa đủ
Mà hướng đến ly dục
Giới do ước vọng ấy
Gọi là đạo cộng giới
(giới thâm nhập: nibbedha)

40. 15). Có những giới dành cho tỷ kheo không liên hệ đến những giới công bố cho tỷ kheo ni, gọi là giới tỷ kheo. Giới riêng cho tỷ khoe ni gọi là giới tỷ kheo ni. Mười giới của sa di và sa di ni là giới của người chưa thọ cụ túc. Ngũ giới hay thập giới, khi có thể giữ trọn đời và tám giới thọ vào ngày Uposatha(bố tát) dành cho nam nữ tại gia, gọi là giới tại gia.

41. 16). Sự không phạm của những người uttarakuru gọi là tự nhiên giới. Mỗi bộ lạc, tông phái, địa phương, có luật riêng, gọi là giới theo tục lệ. Giới của mẹ bồ tát khi bồ tát nhập thai “không có tư tưởng dục nhiễm”. Gọi là giới tất yếu. Giới của những người thanh tịnh như Ma ha Ca diếp và của tiền thân Phật khi hành bồ tát hạnh gọi là giới do nhân đời trước.

42. 17). Giới bốn loại, thứ tự

(a) Giới như Ðức Thế Tôn mô tả: “Vị tỷ kheo sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn, đầy đủ hành xứ và chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ, nên vị ấy lãnh thọ các học giới”. (Vbh. 244), đây là Giới thuộc sự chế ngự của giới bổn.

(b) Giới được mô tả như sau: “Khi mắt thấy sắc, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng, những nguyên nhân gì do đó mà nhãn căn không đư?c chế ngự, khiến cho tham ái, ưu bi, các bất thiện pháp khởi lên, vị ấy chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì nhãn căn, thực hành sự hộ trì nhãn căn. Khi tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân chạm xúc, ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng… Thực hành sự hộ trì ý căn”. (M. i, 180): đây là giới phòng hộ các căn môn.

(c) Sự từ bỏ những tà mạng, không vi phạm sáu học giới liên hệ đến cách sinh sống, cái tà mạng lôi kéo theo những ác pháp như “lừa đảo, ba hoa, hiện tướng chê bai, lấy lợi cầu lợi” (M. iii, 75): đây là giới thanh tịnh mạng sống.

(d) Sự sử dụng bốn vật dụng, được thanh tịnh nhờ giác sát, như khi nói: “Chân chánh giác sát, vị ấy thọ dụng y phục chỉ để che thân khỏi rét”. (M. i, 10): đây là giới liên hệ đến bốn vật dụng.

43. Sau đây là tóm tắt bình chú: (đoạn 42a) Chế ngự với sự chế ngự của giới bổn tức Pàtimokkha, vì nó giải thoát (mokkheti) người hộ trì (pàti) nó, vì nó làm cho vị ấy thoát khỏi (mocayati) các khổ của đoạ xứ. Chế ngự là không phạm về thân, lời. Sống là xử sự trong bốn uy nghi.

44. Ðầy đủ hành xứ và chánh hạnh v.v… ý nghĩ như kinh nói: “có tà hạnh và chánh hạnh”. Gì là tà hạnh? Ðó là vi phạm về thân lời, cả thân lẫn lời, những việc làm mà Giới cấm chỉ. Như một người sinh nhai bằng cách đem cho tre, lá, hoa, quả, bột tắm, tăm xỉa răng, hoặc bằng cách nịnh hót, ve vuốt, hoặc bằng cách làm các việc vặt, hay bất cứ tà mạng nào bị Thế tôn quở trách. Chánh hạnh là gì? Là không vi phạm về thân và lời, về cả thân, lời. Là tất cả sự chế ngự bằng giới. Là không sinh nhai bằng những cách như trên.

45. Hành xứ: có hành xứ thích đáng và không thích đáng và không thích đáng. Gì là hành xứ không thích đáng? Như khi một người có những dâm nữ làm chỗ lui tới, có đàn bà goá, gái già, bán nam bán nứ, tỷ kheo ni, hay tửu quán làm chỗ lui tới; hoặc vị ấy sống có liên hệ với vua hay cận thần, ngoại đạo, đồ đệ ngoại đạo, có liên hệ không thích đáng với cư sĩ; hoặc làm quen, giao thiệp, tôn trọng những gia đình không tín tâm, phỉ báng thô lỗ, những người muốn hại, muốn sự xấu xa, phiền não, không muốn sự chấm dứt hệ luỵ cho những tỷ kheo, tỷ kheo ni, nam nữ cư sĩ. Ðấy là những hành xứ không thích đáng. Gì là hành xứ thích đáng? Như một vị không có những dâm nữ làm chỗ lui tới… Quán rượu làm chỗ lui tới,… Không liên hệ không thích đáng với cư sĩ; vị ấy làm quen, lui tới, tôn trọng những gia đình có tín tâm, những người làm nguồn an ủi nơi nào có bóng hoàng y, có gió mát của bậc trí, những người mong mỏi điều tốt lành, hỉ lạc, mong chấm dứt hệ luỵ cho tỷ kheo, tỷ kheo ni, nam nữ cư sĩ. đấy là hành xứ chân chánh. Như thế, vị ấy được gọi là “đầy đủ hành xứ và chánh hạnh”. (Vbh. 244-7).

46. Lại nữa chánh hạnh và hành xứ ở đây cần được hiểu như sau. Tà hạnh có hai là tà hạnh về thân và lời. Gì là tà hạnh về thân? Ðó là “Xử sự thiếu cung kính trước tăng, đứng ngồi, chen lấn với các vị thượng toạ, ngồi chỗ cao, ngồi bịt đầu, đứng mà nói chuyện, vung tay khi nói, đi giày dép trong khi các thượng toạ đi chân trần, đi chỗ cao trong khi các thượng toạ đi chỗ thấp, đi trên đường chính trong khi các thượng toạ đi chỗ không có đường…. Ðứng ngồi thúc vào các vị thượng toạ, tranh chỗ với các tỷ kheo mới… Vào buồng tắm…. Chưa hỏi các thượng toạ mà đã để củi trên lò, khoá cửa… Tại chỗ tắm, vừa đi vừa vẫy nước nhằm các thượng toạ, đi vào chỗ tắm trước mặt các thượng toạ, tắm vẩy nước vào các thượng toạ, tắm trước mặt các vị. Khi đi ra thì chen lấn các thượng toạ, đi ra trước mặt họ, vào nhà cũng chen lấn đi trước, đẩy họ ra mà chen tới…. Tại những nhà gia chủ có phòng riêng kín đáo, dành cho đàn bà con gái, thì vị ấy đường đột đi vào, vuốt đầu trẻ con”. (Nd1, 228-9). Ðấy gọi là tà hạnh về thân.

47. Ở đây, gì là tà hạnh về lời? “Ðó là khi một người sử sự vô lễ trước chúng Tăng. Không xin phép những vị Thượng toạ mà nói về Pháp, trả lời các câu hỏi, tụng giới, đứng nói vung tay. Vào nhà người gặp phụ nữ hay thiếu nữ thì ba hoa kiểu như: “Ê chị X, có gì ăn đấy? Có cháo không? Chúng tôi sẽ uống cái gì? Những gì là đồ ăn loại cứng? Những gì là đồ ăn loại mềm? Chị sẽ cho ăn cái gì?” (Nd1, 230). Ðấy là tà hạnh về lời.

48. Chánh hạnh cần hiểu là ngược lại với những điều trên. Hơn nữa, vị tỷ kheo có lễ độ, biết kính nhường, có tàm quý, mặc hạ y, thượng y một cách thích đáng, tác phong vị ấy làm khởi dậy niềm tin dù khi vị ấy đi tới đi lui, nhìn trước hay nhìn hai bên, co hay duỗi, mắt vị ấy thường ngó xuống, vị ấy có uy nghi, phòng hộ các căn môn, tiết độ trong sự ăn uống, chánh niệm tỉnh giác, đầy đủ sự tự giác, ít muốn, biết đủ, tinh cần, cẩn thận gìn giữ chánh hạnh, hết lòng cung kính những vị giáo thọ sư. Ðấy là chánh hạnh.

49. Hành xứ (thích đáng) gồm ba sự hỗ trợ làm hành xứ, sự phòng hộ làm hành xứ, và sự buộc chặt làm hành xứ. Sự hỗ trợ làm hành xứ là, một người bạn tốt nói mười loại chuyện: “Nói về ít muốn, biết đủ, ẩn dật, độc cư, tinh tấn, giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến”. (M. i, 145), người bạn từ đó ta được nghe những điều chưa nghe, sửa sai những điều đã học, tẩy được những nghi vấn, làm chánh lại sự thấy biết, được đức tin, hoặc nhờ học với người ấy mà ta tăng trưởng về tín, giới, văn, bố thí và trí tuệ. Ðây là sự hỗ trợ làm hành xứ.

50. Sự phòng hộ làm hành xứ là, “một tỷ kheo khi đi vào một ngôi nhà, một con đường, thì đi với mắt nhìn trước khoảng một tầm, chế ngự nhãn căn, không nhìn voi, ngựa, xe, người bộ hành, đàn bà, đàn ông; không ngó lên, ngó xuống, ngó chỗ này chỗ kia”. (NdI, 474).

51. Sự buộc chặt làm hành xứ là bốn niệm xứ mà tâm được buộc vào, vì thế Ðức Thế Tôn dạy: “Này các tỷ kheo, gì là hành xứ của một tỷ kheo, quê hương vị ấy? Chính là bốn niệm xứ quán” (S. v, 148).

Ðược trang bị như vậy, được cung cấp đầy đủ như vậy, bằng chánh niệm và (chánh) hành xứ này, nên vị ấy được gọi là “đầy đủ hành xứ và chánh hạnh”.

52 Thấy sự nguy hiểm trong những lỗi nhỏ (đoạn 42): “Lỗi nhỏ” là như sự vô tình vi phạm một học giới nhỏ nằm trong Giới bổn, hoặc có một ý nghĩ bất thiện khởi lên. Vị ấy chân chánh lãnh thọ và học tập các học giới: Có bao nhiêu học giới, vị ấy đều học tập lãnh thọ một cách chân chánh (samàdàya). Câu “một người chế ngự với sự chế ngự của Giới bổn”., giới thuộc về sự chế ngự của Giới bổn được nêu bằng người, còn “đầy đủ chánh hạnh và hành xứ” chỉ phương pháp thực hành nơi vị đã viên mãn giới.

53. (b) Bây giờ, hay nói về giới thuộc sự chế ngự các căn môn, được nêu lên kế tiếp. Khi mắt thấy sắc: khi thấy một vật bằng nhãn thức có khả năng thấy, nhưng nương vào con mắt dụng cụ nên lấy tên “mắt”. Cổ đức (Porànà) nói: “Con mắt không thấy vì nó không có tâm. Tâm không thấy vì không có mắt. Nhưng khi có chạm xúc giữa căn và trần thì có thấy, do thức có thị giác làm nền tảng vật lý cho nó. (Thị giác, kinh gọi là mắt tịnh sắc: eye- sensitivity- chỉ đòng tử hay con ngươi). Vậy ý nghĩa thực sự ở đây là: khi thấy sắc nhãn thức”.

54. Không nắm giữ tướng chung, không để ý tưởng đàn bà hay đàn ông, hay bất cứ tướng gì làm căn bản cho ô nhiễm, như tướng đẹp, v.v.. Vị ấy dừng lại ở cái thấy, cũng không nắm giữ tướng riêng: vị ấy không để tâm bất cứ khía cạnh nào như tay, chân, nụ cười, tiếng nói, nhìn thẳng, nhìn nghiêng, v.v.. Gọi là những tướng chi tiết, vì chúng phát sinh ra từng ô nhiễm khác nhau, vì chúng nổi bật. Vị ấy chỉ thấy cái gì thực sự đang ở đấy. Như trưởng lãoNahàtissa ở Cetiyapabbata.

55. Khi trưởng lão đang trên đường đi từ Cetiyapabbata đến Anuràdhapura để khất thực, có một nàng dâu của một ông trưởng giả gây lộn với chồng nên khởi hành từ sáng sớm ở Anuràdhapura, trang sức lộng lẫy như tiên nữ, để về nhà bà con. Nàng trông thấy trưởng lão, và do tâm hồn hạ liệt, bật lên một tràng cười lớn. Ngạc nhiên không hiểu có chuyện gì xảy đến, vị trưởng lão nhìn lên, và khi được “bất tịnh tưởng” nơi hàm răng của nàng ngài đắc quả A-la-hán. Do đó có bài kệ:

Thấy xương hàm răng
Duy trì “cốt tưởng”
Chưa dời chân bước
Quả chúng vô sanh

Chồng nàng đi tìm nàng, gặp trưởng lão anh ta hỏi: “Bạch đại đức, ngài có tình cờ trông thấy một người đàn bà nào qua đây không?” Trưởng lão bảo:

“Không rõ ông hay bà
Vì ta không để ý
Nhưng trên đường cái này
Có đống xương di động”.

56. Qua đó (đoạn 42) nghĩa là, vì nguyên nhân ấy mà có sự không chế ngự của nhãn căn (và các căn khác). Nếu vị ấy không phòng hộ nhãn căn nghĩa là không dùng cánh cửa chánh niệm mà đóng nhãn căn lại. Xâm nhập là đe doạ vị ấy.

57. Không có gì là “chế ngự” hay “không chế ngự” nơi nhãn căn, vì đối với mắt tịnh sắc không có tỉnh giác hay thất niệm. Nhưng khi một sắc pháp đi vào sự chú ý của mắt, thì hữu phần khởi lên hai lần và diệt, rồi đến duy tác ý giới làm nhiệm vụ hướng tâm (chú ý) khởi và diệt, rồi đến nhãn thức với nhiệm vụ thấy, rồi đến dị thục ý giới làm nhiệm vụ tiếp thọ, rồi đến dị thục vô nhân ý thức giới làm nhiệm vụ xác định, khởi và diệt. Kế tiếp là tốc hành tâm. Trong đây, không có gì là chế ngự hay không chế ngự vào giai đoạn hữu phần, hay bất cứ giai đoạn nào sau đó từ hướng tâm trở đi. Song khởi hành từ giai đoạn tốc hành tâm, nếu không chánh hạnh, nếu có sự thất niệm, vô tri, không kiên nhẫn, lười biếng khởi lên, thì gọi là “không chế ngự nhãn căn”.

58. Tại sao? Vì khi ấy có nghĩa, là căn môn không được phòng hộ, hữu phần và các tâm thuộc lộ trình tâm cũng không được phòng hộ. Ví như khi, bốn cổng của một đô thành không được bảo đảm, thì dù cho các cửa của những ngôi nhà, kho chứa v.v… Bên trong thành được khoá kỹ, tài sản bên trong thành cũng không được bảo đảm, vì kẻ cướp sẽ vào thành tha hồ vơ vét. Cũng vậy, khi có sự không chánh hạnh, v.v… Khởi lên ở giai đoạn tốc hành, vì không chế ngự, thì căn môn cũng không được chế ngự, hữu phần và các tâm thuộc lộ trình kể từ hướng tâm, cũng không được phòng hộ. Nhưng khi giới, v.v… Khởi lên ở giai đoạn tốc hành, thì như vậy căn môn cũng được phòng hộ hữu phần và các tâm thuộc lộ trình cũng được phòng hộ ví như khi cổng thành đã chắc chắn, thì dù bên trong, các cổng nhà ở, nhà kho v.v.. Không chắc, tài sản trong thành vẫn được gìn giữ, bảo đảm, vì cổng thành đóng, kẻ cướp không thể xâm nhập.

Bởi thế, mặc dù sự chế ngự chỉ thực sự bắt đầu ở giai đoạn (sát na) tốc hành tâm, song vẫn gọi là “chế ngự nhãn căn”. Việc nghe tiếng, ngửi mùi v.v… Cũng vậy.

59. Vậy chính loại giới này, có đặc tính là tránh nắm giữ những tướng có thể kéo theo ô nhiễm liên hệ đến sáu trần, gọi là giới chế ngự các căn môn.

60. (c) Bây giờ hãy nói đến giới thuộc thanh tịnh sinh mạng (đoạn 42). Câu “Sáu học giới liên hệ đến cách sinh sống”. Có nghĩa: “vì nguyên nhân sinh nhai, vì lý do sinh nhai, mà một người có ác dục, làm mồi cho dục, tự xưng được thượng nhân pháp mà kỳ thực không có” bị phạm tội ba la di, vì nguyên nhân, “vì lý do sinh nhai mà một người làm môi giới” phạm bị tội tăng tàn; “vì nguyên nhân sinh nhai mà nói: Một tỷ kheo ở trong chùa của bạn là một bậc A-la-hán phạm tội ba dật đề nếu người ấy biết có tội mà cứ nói: “Vì nguyên nhân, lý do sinh nhai mà một tỷ kheo không bệnh xin món ăn thượng vị để dùng riêng” phạm thì phải sám hối; cũng giới ấy, tỷ kheo ni phạm thì phải phát lồ cũng giới ấy, người chưa thọ cụ túc phạm thì bị tội ác tác. (Vin. v, 146). Ðó là sáu giới liên hệ đến cách sống.

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.