Thanh Tịnh Đạo

100. (b) Trong khi sự chế ngự bằng giới bổn được thực hành với đức tin, thì chế ngự các căn môn được thực hành nhờ chánh niệm tỉnh giác. Khi hoạt động của các căn được y cứ vào chánh niệm, thì tham dục và các thói khác không có cơ hội xâm nhập. Như bài pháp về lửa: “Này các tỳ kheo, thà lấy thỏi sắt nóng đỏ nung đốt con mắt đi, còn hơn là nắm giữ các tướng riêng của sắc do mắt nhận biết” (S. iv, 168) Sự chế ngự này cần được thực hành bằng cách dùng chánh niệm liên tục ngăn sự chấp giữ những tướng ngoài có thể kích động tâm tham v.v…

101. Nếu không thực hành như vậy, thì giới chế ngự bằng Giới bổn không được lâu bền, như trồng trọt không rào giậu. Giới khi ấy sẽ bị giặc phiền não xâm nhập, như một khu làng mở cổng sẽ bị trộm cướp xâm nhập. Và tham dục lẻn vào tâm vị ấy như mưa dột ở mái nhà không lợp kín. Kinh dạy:

Giữa các pháp sắc, thanh…
Căn môn phải phòng hộ
Cửa mở không gìn giữ
Kẻ cướp vào xóm lang.
Như mái nhà vụng lợp
Sẽ bị mưa lọt vào
Dục tham cũng lẻn vào
Tâm không khéo tu tập. (Dh.13)

102. Khi được thực hành như vậy, giới thuộc sự chế ngự của Giới bổn sẽ được lâu bền, như trồng trọt có rào giậu kỹ. Giới khi ấy sẽ không bị giặc phiền não xâm nhập, như khu làng với cổng khéo phòng vệ thì không bị trộm cướp lẻn vào. Và tham dục không lẻn vào tâm, như mưa không dột trong một ngôi nhà lợp kín: Giữa các pháp sắc thanh Căn môn phải phòng hộ Cửa đóng, khéo gìn giữ cướp không vào được làng.

Như mái nhà khéo lợp
Mưa không thể lọt vào
Dục tham không lọt được
Vào tâm khéo tu tập. (Dh.14)

103. Tuy nhiên, đây mới là giáo lý thượng. Tâm này được xem là “biến đổi nhanh chóng” (A. I, 10), bởi vậy, sự phòng hộ các căn môn phải được thực hành bằng cách tẩy trừ tham ái đã khởi, với pháp quán bất tịnh. Như đại đức Vangìsa đã làm. Một hôm, trong lúc ngài đi khất thực, sau khi xuất gia không bao lâu, tham dục dấy lên nơi tâm lúc thấy một phụ nữ. Ngài liền bạch tôn giả Ananda:

Dục ái đốt cháy tôi
Tâm tôi bị thiêu đốt
Xin ngài vì thương xót
Nói pháp tiêu lửa hừng. (S. i, 188)

Tôn giả nói:

Chính do điên đảo tưởng
Tâm ngươi bị thiêu đốt
Hãy từ bỏ tịnh tướng
Hệ luỵ đến tham dục
Nhìn các hành vô thường
Khổ đau, không phải ngã.
Dập tắt đại tham dục
Chớ để bị cháy dài
Hãy tu quán bất tịnh
Nhất tâm, khéo định tĩnh
Tu tập niệm trú.
Hành nhiều, hạnh yểm ly
Hãy tập hạnh vô tướng
Ðoạn diệt mạn tùy miên
Nhờ quán sâu kiêu mạn
Hạnh người được an tịnh. (S. i, 188)

Vị đại đức trừ tham dục và tiếp tục đi khất thực.

104. Lại nữa, một tỷ kheo viên mãn Giới phòng hộ các căn hãy như đại đức Cittagutta cư trú trong hang động lớn ở Kurandaka, và đại đức Mahà – Mitta đại tự viện Coraka.

105. Trong hang động lớn ở Kurandaka, có một tranh đẹp diễn tả sự xuất gia của bảy vị Phật. Một số tỷ kheo du hành đến đấy, trông thấy bức tranh bảo: “bạch đại đức, tranh thật đẹp”. Vị đại đức nói: “Chư hiền, tôi ở đây hơn sáu mươi năm, mà không biết có tranh ở đấy hay không có, bây giờ, tôi mới biết được, nhờ chư hền có mắt”. Vị trưởng lão, mặc dù sống ở đó rất lâu, mà không bao giờ ngước mắt lên nhìn hang động. Tại lối vào hang, có một cổ thụ lớn, mà vị trưởng lão cũng không bao giờ nhìn lên nó, ngài chỉ biết là nó có hoa, khi trông thấy những cánh hoa rơi trên mặt đất.

106. Vua nghe được giới hạnh vị ấy, nên cho triệu thỉnh ngài, ba lần trưởng lão đều từ chối cả ba. Vua bèn ra lệnh niêm phong tất cả bầu sữa phụ nữ và bảo, nếu ngài không chịu đến thì tất cả trẻ con còn bú phải chết đói. Vì lòng thương tưởng những đứa trẻ, vị trưởng lão ra đi. Khi nghe ngài đến, vua bảo: “Thỉnh ngài vào cung. Ta muốn thọ giới”. Sau khi ngài được đưa vào nội cung, vua đến đảnh lễ, cúng dường và bảo: “bạch đại đức, hôm nay chưa tiện. Mai trẫm sẽ thọ giới”. Vua và hoàng hậu đảnh lễ ngài rồi lui. Bảy ngày trôi qua như vậy, mỗi khi đức vua hay hoàng hậu đến, ngài đều nói một câu: “Mong vua được an lành”.

107 Các tỷ kheo hỏi: “Tại sao, bạch đại đức, dù với vua hay hoàng hậu ngài đều nói: mong vua được an lành? Trưởng lão đáp: “chư hiền, ta không để ý đó là vua hay là hoàng hậu”. Sau bảy ngày, thấy vị trưởng lão không khoái sống ở cung điện, vua bèn để cho ngài đi. Ngài trở về hang động. Ban đêm, khi ra đi kinh hành, có vị thần ở trên dây to trước hang đứng cầm bó đuốc, ngài bỗng sáng tỏ trong đề tài thiền quán. Vào lúc nửa đêm, ngài chứng A-la-hán quả, hang động vang dội.

108 Do vây, khi một thiện nam tử muốn tìm hạnh phúc cho mình,

Thì mắt đừng đói sắc
Như con khỉ trong rừng
Như con nai hoang dã
Như đứa trẻ háo động.
Hãy đi mắt nhìn xuống
Phía trước một tầm cầy
Ðể khỏi sa mãnh lực
Của cái tâm vượn khỉ.

109. Mẹ của trưởng lão Mahà- Mitta bị một ung độc. Bà nói với người con gái cũng là một ni cô: “Này cô, hãy đến anh cô, nói cho ông biết tôi bị đau, và xin về ít thuốc”. Ni cô đến bạch trưởng lão. Ngài nói: “Ta không biết hái rễ cây để chế thuốc, nhưng ta sẽ bảo cho ngươi một toa thuốc: từ khi xuất gia, ta chưa bao giờ vi phạm giới” phòng hộ căn môn bằng lối nhìn hình dáng phụ nữ với tâm ô nhiễm. Với lời nói đúng sự thật này, mong rằng mẹ ta sẽ khỏi bệnh. Ngươi hãy trở về bảo vị tín nữ như vậy, và chà xát cho bà”. Ni cô trở về kể lại cho bà mẹ nghe và làm theo lời trưởng lão dặn. Ngay tức thì, ung độc tan biến trên thân bà. Bà đứng dậy thốt lời mừng rỡ: Ôi, nếu Ðức Thế Tôn còn sống, thế nào Ngài cũng lấy tay sờ đầu thọ ký cho một vị tỷ kheo như con ta”.

110. Bởi vậy, một thiện nam tử xuất gia trong Giới luật này,

Hãy như trưởng lão Mitta
Thực hành một cách viên mãn
Giới phòng hộ các căn

111. (c) Trong khi giới phòng hộ các căn được thực hiện nhờ chánh niệm thì giới thanh tịnh sinh mạng cần được thực hiện bằng sự tinh tấn, Vì người tinh tấn thì từ bỏ được tà mạng, từ bỏ sự tìm cầu bất chánh, bằng cách tìm cầu chân chánh là khất thực, v.v.. Tránh những nguồn gốc không trong sạch như tránh rắn độc, và chỉ dùng những vật dụng có nguồn gốc trong sạch.

112. Ðối với người không thọ đầu đà thì bất cứ nhu yếu phẩm nào có được từ nơi tăng chúng, từ một nhóm tỷ kheo hoặc từ những cư sĩ có đức tin vào sự giảng pháp của vị ấy, v.v… đều được gọi là “có nguồn gốc thanh tịnh”. Nhưng những thứ kiếm được do duyên khất thực thì lại có nguồn gốc hoàn toàn trong sạch. Với người thọ đầu đà, thì thực phẩm thanh tịnh là thực phẩm có được do khất thực và do những người có lòng tin ở đức tính khỏi hạnh của vụ ấy. Nếu vị ấy sử dụng nước tiểu để trị bệnh, và chỉ ăn những hạt giẻ rụng, vỡ ra, thì đầu đà hạnh của vị ấy thật xứng đáng, vị ấy được xem là một tỷ kheo tối thượng trong số những vị thừa tự gia tài Thánh pháp (A. ii, 28)

113. Về y phục và những nhu yếu khác, một tỷ kheo thanh tịnh sinh mạng không được nói những cách nói ám chỉ, nói quanh, v.v… Nhưng về một trú xứ thì vị không thọ đầu đà hạnh có thể nói ám chỉ.

114. Ví dụ khi một tỷ kheo đang sửa soạn đất để làm một chỗ ở, và được hỏi: “Bạch đại đức, ai xây cất?” Vị ấy trả lời: “Không ai cả” Một lối ám chỉ khác, là hỏi: “Cư sĩ ở đâu?”

-Bạch đại đức, con ở trong một khu biệt thự -Ồ cư sĩ nhưng tỷ kheo lại không được ở biết thự” Nói quanh là như nói: “Trú xứ của tăng chúng đã chật ních”. Hoặc một kiểu nói gián tiếp nào khác.

115 Nhưng về dược phẩm trị bệnh, thì tất cả lối nói ám chỉ, quanh co đều được phép. Nhưng khi đã khỏi bịnh có được phép dùng những thứ dược phẩm đã xin được nhờ lối nói ấy hay không. Những Luật sư thì cho rằng được, còn những nhà y cứ vào kinh thì bảo mặc dù không phạm, song mạng sống như vậy là hết thanh tịnh, cho nên không được.

116 Tuy nhiên, một người không dùng lối nói ám chỉ quanh co, mặc dù Thế tôn cho phép, một người thiểu dục chỉ dùng những vật có được một cách chân chánh, không nói quanh co dù có phải hại tới sinh mạng, một vị như thế được gọi là tối thượng trong đời sống độc cư nhàn tịnh, như trưởng lão Xa lợi Phất.

117. Một thời tôn giả sống trong khu rừng cùng với Tôn giả Mục Kiền Liên. Một hôm, ngài bị chứng đau ruột trầm trọng. Vào buổi chiều, tôn giả Mục Kiền Liên đến săn sóc ngài, hỏi: “Hiền giả, ngày xưa mỗi khi đau như vậy, cái gì làm cho hiền giả bớt đau? Tôn giả trả lời “Khi tôi còn ở nhà, mẹ tôi thường trộn bơ, mật đường, v.v… Và cho tôi ăn cháo với sữa tươi. Tôi ăn xong thì thấy đỡ.

-“Ðược rồi, hiền giả. Nếu hiền giả hoặc tôi có phước đức, thì có lẽ ngày mai, chúng ta sẽ được một ít những thứ ấy”.

118. Bấy giờ có một vị thần cây ở gần nghe lỏm câu chuyện, nghĩ: “Ta sẽ cúng cháo cho tôn giả ngày mai”. Rồi vị ấy đến gia đình thường ủng hộ tôn giả, nhập vào thân của đứa con trai lớn, làm cho nó đau, và bảo quyến thuộc của nó rằng: “Nếu làm một thứ cháo như vậy như vậy cho tôn giả, thì ta mới giải cứu cho đứa bé”. Dù thần không bảo, chúng tôi vẫn cúng dường tôn giả những vật cần dùng cơ mà”. Hôm sau, họ sửa soạn món cháo như tôn giả cần.

119. Tôn giả Mục Kiền Liên hôm sau đến khất thực tại nhà ấy. Gia chủ đổ đầy bát của ngài thứ cháo đã làm sẵn. Tôn giả toan đi thì thí chủ bảo: “Bạch đại đức cứ dùng đi. Chúng con sẽ cúng thêm”. Sau khi tôn giả ăn xong, họ cúng thêm bát nữa để Tôn giả đem về. Thấy cháo, Tôn giả Xá Lợi Phất nghĩ: cháo này rất tốt, nhưng nó có được bằng cách nào? Khi thấy nó đã có được do cách như vậy, Tôn giả nói: “Hiền giả, món ăn khất thực này không thể dùng được”.

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.