Bởi thế ngay từ đầu, thiền nhắm vào mục đích dẹp bỏ tất cả mọi định nghĩa khái niệm và tư duy: điều này thiền đã làm một cách triệt để. Thiền tuyên bố ngay Niết bàn và sanh tử là một, và đi tìm Niết bàn ngoài sinh tử, nỗ lực đạt Niết bàn bằng cách làm những việc phước đức thì chỉ là một sự ngớ ngẩn phi lý, Niết bàn là tại đây và bây giờ, ở ngay giữa dòng sanh tử, không có vấn đề nó là Một khác với Nhiều. Mọi sự đều tùy thuộc vào thực chứng trong tâm mỗi người. Người trí thấy ngay niết Bàn trong mọi vật tầm thường của cuộc sống; còn kẻ ngu thì cứ lý luận Niết bàn, xem Niết bàn như một cái gì rất xa xôi, trong khi “chim kêu, hoa nở đều nói lên chân lý nhiệm mầu”.
Khi một thiền sự được hỏi Phật là gì. Ngài đáp “ba cân nến”. Toàn bộ kỹ thuật của thiền là tẩy sạch những rỉ sét trí thức nơi con người và thứ đạo đức quy ước của họ. Những thiền sư thường đạt những câu hỏi phi lý không thể trả lời; họ chế riễu lý luận siêu hình, họ đảo ngược nền triết học chính thống, làm cho nó trở thành lố bịch. Thiều sư Ðức Sơn bảo: “Niết bàn và giác ngộ là những cọc cây khô để buộc con lừa của ông. Mười hai bô kinh là bản kê tên ma quỷ, là giấy loại để chùi đất trên da. Mười bốn lực vô úy là những bóng ma lai vãng trong những nấm mồ tàn tạ của chúng. Những thứ này có liên can gì đến việc giải thoát của ông?”
Thiền do Ðạt Ma sơ tổ du nhập vào Trung Hoa đầu tiên vào năm 527 sau Tây lịch. Gần như người ta không biết gì về lịch sử thiền ở Ấn Ðộ và rất có thể chính Bồ Ðề Ðạt Ma cũng chỉ gợi ý cho người Trung Hoa khai triển hình thái thiền độc đáo ngày nay. Tương truyền tổ Bồ Ðề Ðạt Ma được đưa đến yết kiến Lương Võ Ðế, một ông vua đã làm nhiều phước đức đang chờ đợi được vị thiền sư khen. Ông hỏi tổ:
– Trẫm đã xây nhiều chùa, in nhiều kinh Phật, lập nhiều giới đàn cho Tăng Ni thọ giới. Bạch ngài như thế có nhiều công đức hay không?
– Không có công đức nào cả.
Vị vua ngạc nhiên, cho rằng câu nói ấy đã đảo lộn nền giáo lý, nên hỏi lại:
– Thế nào là đệ nhất nghĩa đế?
– Rỗng tuếch, không có thánh.
– Thế người đứng trước mặt trẫm là ai?
– Không biết.
Những nhà nghệ sĩ Trung Hoa và Nhật Bản luôn luôn phác họa Bồ Ðề Ðạt Ma là ông già quắc thước có bộ râu đen rậm và đôi mắt sâu thẳm. Người ta biết rất ít về ngài và tác phẩm của ngài. Thật thế, ngài đã không đưa đến Trung Hoa một thông điệp hay giáo lý nào cả; ảnh hưởng của ngài không tùy thuộc những gì ngài làm hay ngài nói, mà vào con người của ngài. Trong hai bản văn thuật lại cuộc nói chuyện của ngài với các môn đồ, ngài cũng không thiết lập một giáo lý nào. Huệ Khả người thừa kế ngài đã phải đứng đợi suốt bảy ngày ở ngoài cửa thất nơi Bồ Ðề Ðạt Ma đang thiền định. Trong bảy ngày ấy tuyết xuống không ngừng, nhưng Huệ Khả quyết tâm đến độ chịu đựng cơn rét và lại còn chặt cánh tay trái dâng lên bậc thầy để chứng tỏ sẵn sàng hy sinh bất cứ gì để được nhận làm đồ đệ. Cuối cùng ông được thâu nhận, nhưng Bồ Ðề Ðạt Ma không chịu dạy một lời nào. Ngài chỉ làm mỗi mỗt việc là đặt trước người học trò một công án, và chính công án này mở mắt cho ông ta. Huệ Khả hỏi:
– Tâm con không được an ổn, Bạch Thầy, có cách gì làm cho con được an tâm.
Tổ đáp:
– Hãy đưa cái tâm của con ra đây, ta sẽ an cho con.
– Nhưng con không thể nào đưa cái tâm của con ra được.
– Thế thì ta đã an cái tâm của con rồi vậy.
Một thời gian ngắn sau khi tổ viên tịch, tương truyền người ta thấy ngài đi giữa núi rừng trên đường trở về Ấn Ðộ, đi chân không, tay cầm chiếc dép. Khi người ta mở nắp áo quan chứa di hài Tổ thì chỉ còn lại một chiếc dép. Từ đấy về sau một huyền thoại đã được xây dựng chung quanh sự tích ngài, khởi hứng cho bao nhiêu nghệ sĩ, văn gia, chiến sĩ, chính khách, ảnh hưởng đến cả nền văn hóa Trung Hoa và Nhật Bản hơn bất cứ một hiện tượng nào khác.
Sự thật là Bồ Ðề Ðạt Ma đã đạt được trí tuệ, cái tuệ giác đã được trao truyền cho người nào sẵn sàng đón nhận, thứ tuệ giác không thể diễn tả bằng tri thức. Chỉ có những người vì lòng khát ngưỡng vô bờ (như Huệ Khả), sẵn sàng từ bỏ bất cứ gì để đạt tuệ giác, mới có thể hiểu được. Với những người khác, nó không có ý nghĩa gì, và có lẽ một huyền thoại phi lý về Bồ Ðề Ðạt Ma được phát sinh chính vì người ta muốn tô đậm tính cách độc đáo của ngài và đem lại một bầu không khí hài hước thường vẫn liên kết với nhiều thiền sư.
Hầu hết, những bức tranh họa Bồ Ðề Ðạt Ma đều dường như cố ý làm cho người xem phải phì cười. Khía cạnh hài hước của thiền rất giống với Lão Trang, vì trong một số lời dạy của Lão Tử và Trang Tử, cũng ít có thái độ trang trọng nghiêm túc. Từ khi Bồ Ðề Ðạt Ma viên tịch đến nay, chắc chắn thiền đã tiếp xúc mật thiết với giáo lý Lão Trang, vì trong lời dạy của các thiền sư về sau, danh từ “đạo” thường được sử dụng đồng nghĩa với Phật tính hay pháp. Có lẽ bí quyết của hài hước trong Thiền và Lão Trang là ở chỗ không bên nào xem trọng thế giới khách quan; họ dễu cợt mớ trí thức cồng kềnh và tất cả hình thức có tính cách quy ước nghiêm trang. Khi vợ Trang Tử chết, môn đồ đến viếng thấy ông đang gõ nhịp hát. Người đồ đệ nói:
– Thầy đã ăn ở với người ta có con khôn lớn, bây giờ người ta chết, thầy không nhỏ một giọt nước mắt kể cũng đã tệ. Vậy mà thầy còn gõ nhịp ca hát nữa thì thật quá đáng.
Trang Tử trả lời:
– Không phải đâu, khi bà chết ta cũng không khỏi buồn rầu. Nhưng rồi ta nhớ lại, trước khi sinh ra bà cũng đã từng hiện hữu, rồi bây giờ bà chết, thì chỉ là đi từ một giai đoạn này đến một giai đoạn khác, như bốn mùa tuần hoàn đấy thôi. Như vậy nếu ta khóc lóc kêu gào thì hóa ra là ta không hiểu gì về định luật tạo hóa. Bởi thế ta không khóc”.
Tính hài hước đặc biệt của thiền được tìm thấy trong nhiều bức tranh mà các thiền sư họa lẫn nhau. Hiếm khi chúng ta thấy được những nhân vật hào hoa phong nhã, mà chỉ bắt gặp những con người nhỏ thó, mập phì một cách phi lý, đang cười rũ ra hoặc đang mắng một chú đệ tử bất hạnh không tìm ra câu trả lời nhanh chóng cho một câu hỏi quái gở. Có một bức tranh thú vị trình bày một người nhỏ thó, đầu hói đang chống gậy đúng nheo mắt thích thú nhìn hai con gà sống, một bức tranh khác trình bày lục tổ Huệ Năng ăn mặc rách rưới đang bận xé một quyển kinh ra từng mảnh như một kẻ điên.
Thường thường các thiền sư ưa gọi nhau là “Cái túi đụng cơm cũ rích” và những danh từ khinh miệt, không phải vì ganh tỵ mà vì họ lấy làm thích thú khi nghĩ rằng họ và những huynh đệ minh triết của họ được người đời xem hết sức thánh thiện, trong khi họ lại thấy mọi sự đều thánh thiện, cả đến cái chảo nấu ăn, những ngọn lá vàng đang bay theo chiều gió. Họ không thấy có gì đặc biệt khả kính nơi họ cả. Một bức tranh khác trình bày một thiền sư đang khúc khích nhìn con tôm bò, bởi vì dù đấy là một con tôm hay một cặp gà, các thiền sư dường như vô cùng thích thú và ngạc nhiên trước những vật tầm thường nhất. Có lẽ các ngài cười vì nghĩ rằng những con vật nhỏ bé ấy cũng không khác gì con người, đều là hiện thân của Phật tính cao cả, hay cũng có thể rằng, như Keyserling nói: “Tâm linh không có thái độ trầm trọng nghiêm trang. Nhìn từ ánh sáng tâm linh, thì không có gì trầm trọng. Tâm linh xem nhẹ mọi sự, ngay cả khái niệm về khổ đau cũng không còn nữa. Chỉ có sự đau đớn khi đứng trên bình diện thân xác. Con người biết đau khổ chỉ khi nó là một sinh vật của cảm xúc giác quan. Do đó mà những con người tâm linh thường bị những người thế tục xem là thiếu nghiêm trọng”.
Nhưng ngoài tính cách hài hước, Thiền còn có những liên hệ khác với Lão Trang. Lão Tử, người được coi là sáng lập Lão giáo, tương truyền sống đồng thời với đức Phật, và khi thiền du nhập Trung Hoa thì triết lý nguyên thủy của Lão Tử đã nhiễm đầy tính chất thần thoại, dị đoan, bởi vì khác với Nho giáo. Lão giáo đã trở thành tín ngưỡng của quần chúng. Khái niệm cốt tủy của Lão giáo là khái niệm về Ðạo. Ðịnh nghĩa tổng quát thì đạo là sự tăng trưởng và biến dịch, một vận hành của tự nhiên, đấy là nguyên lý ngự trị và gây nên biến dịch, là sự di chuyển bất tuyệt của dòng sống không bao giờ dừng nghỉ. Theo Lão Trang, cái gì hoàn toàn bất động, cái gì tuyệt đối là cái đã chết, vì khi không thể tăng trưởng và biến dịch thì không thể có đạo.
Trong vũ trụ không có gì tuyệt đối đứng yên, những khái niệm như thế chỉ có trong tâm thức của con người, và chính những khái niệm này, theo Lão Trang là mầm móng khổ đau của con người. Bởi vì con người đã bám vào sự vật với hy vọng hão huyền rằng nó sẽ hoàn toàn đúng yên. Con người không chịu được sự biến dịch, không muốn cho đạo vận hành. Lão Tử và đồ đệ là Trang Tử, dạy rằng con người tốt nhất là con người biết thích nghi với đạo và uyển chuyển theo dòng biến dịch của đạo. Chỉ một con người như thế mới tìm thấy bình an, vì khi nó để ý và tiếc nuối sự biến chuyển tức là nó không uyển chuyển theo nhịp điệu của dòng sống. Chuyển động chỉ có thể nhận biết tương đối với một cái gì đang đứng yên. Nhưng sự đứng yên này chỉ là ảo tưởng, vì nó tương phản với cái đang chuyển động. Nếu con người uyển chuyển theo đạo, họ sẽ tìm thấy sự yên tĩnh chân thật, vì khi ấy họ chuyển động theo dòng sống và xung đột không còn khởi lên. Lý thuyết này rất dễ thoái hóa thành tình trạng buông trôi thả lỏng, và quả thế Lão giáo cuối cùng đã trở thành thứ thuyết định mệnh hoàn toàn khác biệt với giáo lý nguyên thủy. Vì song song với lý thuyết về đạo còn có giáo lý vô vi, bí quyết làm chủ sự sống bằng cách không chống lại nó. Vô vi đã được nhiều học giả Tây phương dịch là “Không hành động” và trong Lão Trang suy đồi nó cũng có nghĩa tương tự. Kỳ thực đấy là nguyên tắc căn để “dĩ nhược thắng cường” nhượng bộ trước một sức mạnh đang tấn công mình bằng cách làm cho nó chẳng những không hại được mình mà còn trở lại tự quật ngã nó. Bởi thế, người làm chủ cuộc nhân sinh không bao giờ chống lại thế gian: không đặt mình vào thế đối lập với cuộc đời, không cố ý làm thay đổi tình thế. Người ấy nhượng bộ mãnh lực bên ngoài, nhẹ nhàng chuyển hướng nó mà không bao giờ đối mặt với nó. Người ấy chuyển dổi hoàn cảnh bằng cách chấp nhận chứ không chối bỏ thẳng thừng.