Thiền Đạo – The Way Of Zen

Vào cuối đời Tống (1279) một hình thức Phật giáo khác bắt đầu sinh khởi, và trong những năm sau đó, làm giảm địa vị ưu thắng của thiền ở Trung Quốc. Ðấy là sự tôn thờ đức Phật A Di Ðà, hiện thân của ánh sáng vô lượng, đức Phật vĩ đại đã phát nguyện cứu độ tất cả chúng sanh và cuối cùng đưa họ vào Niết bàn. Người ta tin rằng nhờ mãnh lực đại nguyện của ngài, tất cả những ai tin tưởng vào đức từ mẫn của Phật A Di Ðà thì sẽ được vãng sanh vào thế giới Cực lạc ở phương Tây, một nơi ở đấy người ta dễ đạt đến trí tuệ hơn ở thế giới vô vọng này. Thế giới Cực Lạc được diễn tả bằng vô số hình ảnh kích động cảm quan rất dễ lôi cuốn quần chúng: “Ở thế giới Cực Lạc kia hoa không bao giờ tàn, những hàng bao lơn đều bằng ngọc ngà châu báu. Chánh pháp của Như Lai được những con chim hót lên trong các khu rừng bằng thứ âm thanh vi diệu”. Ngày nay, Tịnh độ Phật giáo là hình thức phổ thông nhất của Ðại thừa ở Trung Hoa cũng như Nhật Bản, ở đấy đức A Di Ðà được tôn thờ như một đấng Thượng đế đầy từ bi rất giống Thượng đế Ki Tô giáo. Thế là Phật giáo Viễn Ðông đã chia thành hai tông phái chính ở Nhật Bản, gọi là Tự lực (Jiriki) và Tha lực (Tasriki), nghĩa là một phái chỉ nương cậy vào chính nỗ lực của bản thân để đạt giải thoát và phái kia nhờ vào lòng từ bi vủa Bồ tát. Thiền thuộc về phái thứ nhất, và bởi vì nền văn hóa Trung Hoa dần dần mất hùng tính. Thiền đã truyền sang nền văn minh trẻ trung của Nhật Bản khởi thủy do thiền sư Eisai vào năm 1191. Ở đây, thiền trở thành tôn giáo của giai cấp hiệp sĩ, và có một ảnh hưởng sâu xa trong nền văn hóa dân tộc còn hơn cả ở Trung Quốc. Cho đến ngày nay Thiền vẫn là yêu tố quyết định đối với giới trí thức Nhật Bản. Nhiều thương gia và chuyên gia vẫn có thói quen đến chùa sinh hoạt với các vị sư vài tuần để thêm sức mạnh trước khi trở lại công việc thường này của họ. Nhưng rồi đây thiền sẽ lan rộng khắp thế giới. Hiện nay đã có một ký túc xá dành cho sinh viên Tây phương gắn liền với một thiền viện ở Tokyo.

2. BÍ QUYẾT CỦA THIỀN

Có lần một nho sinh đi đến thiền sư để hỏi về giáo lý Phật, vị thiền sư đã trích dẫn một lời nói của Khổng Tử: “Các trò nghĩ rằng ta có điều gì dấu các trò chăng? Không, ta không có điều gì dấu các trò cả”. Vị thiền sư không để cho nho sinh hỏi thêm câu nào, nên người kia bỏ đi trong tâm trạng hoang mang và bối rối. Vài ngày sau, khi hai người cùng đi dạo trong núi ngang qua một bụi hoa dại, vị thiền sư quay lại hỏi: “Ông có ngửi thấy gì không?”. Nho sinh trả lời có, thiền sư bảo: “Đấy, tôi có dấu gì ông đâu!” Nho sinh tức thì liễu ngộ. Vì nói về bí quyết của thiền thì thật mâu thuẫn, và mặc dù những câu trả lời của các thiền sư phần lớn đều có vẻ khó hiểu, họ đã không che dấu chúng ta điều gì. Thiền khó hiểu chính vì nó quá rõ ràng, chúng ta không bao giờ gặp được vì cứ lo tìm kiếm một cái gì bí ẩn. Chúng ta ham để mắt về phía chân trời, nên không thấy được những gì nằm ngay dưới chân ta. Thiền sư Bạch Ẩn nói:

Tất cả chúng sanh vốn là Phật,
Như băng và nước vẫn là một.
Ngoài nước không có băng,
Ngoài chúng sanh, tìm đâu thấy Phật?
Vì không biết đạo nằm ngay trước mắt,
Người ta tìm nó tận đâu đâu.
Như người ở ngay giữa dòng sông,
Mà kêu gào xin nước uống.

Con người thường không đủ đức bình dị để thấy những sự việc hiển nhiên gần gũi nhất. Thiền nhận thấy những tín đồ Đại thừa đang tìm chân lý qua kinh điển, qua những người thánh thiện và những vị Phật, và tin rằng những vị này và kinh điển sẽ khai thị chân lý cho họ nếu họ sống một đời xứng đáng. Người nào tỏ vẻ khiêm tốn nghĩ rằng tuệ giác là một cái gì quá cao siêu không đời nào hiển lộ trong những sự vật hàng ngày, thì sự khiêm tốn ấy chỉ là một hình thức kiêu căng vi tế. Trong thân tâm, người kia tự cho mình rất cao siêu, phải ra khỏi thế gian mới thấy được chân lý, và người ấy kiêu căng đến độ chỉ đón nhận chân lý từ kim khẩu của thánh hiền và từ thánh điển. Họ không chịu thấy chân lý ngay trong người thường, việc thường, ngay trong chính mình, vì họ quá kiêu căng để nhìn mình đúng như thật.

Thay vì đi tìm chân lý, người ấy che dấu những bất toàn của mình dưới lớp áo “công đức” và tiếp xúc với Phật qua những chiếc mặt nạ. Ðối với thiền, thì dọn mình cẩn thận để đi tìm chân lý ở một thời điểm vị lai, từ một nguồn bên ngoài mình, chính là trì hoãn việc nhìn thấy mọi sự đúng như bản chất của chúng (như thật tri kiến) ngay trong lúc này, dù chúng tốt hay xấu. Một người không thể thấy chân lý ngay trong chính mình, thì không một vị Phật nào có thể khai thị cho họ. Một người không thấy được chân lý ngay lúc này thì không hy vọng gì thấy nó trong tương lai. Bởi thế, thiền dạy rằng, không ai có thể tìm thấy Phật ở trong một cõi thiên đường nào, nếu họ đã không tìm thấy Phật ngay trong chính mình, và ngay trong chúng sinh khác. Họ đừng hòng đạt tuệ giác trong một am cốc nào, nếu không thấy được chân lý ngay trong đời sống hàng ngày của thế gian.

Nguyên lý đầu tiên của Ðại thừa là mọi sự vật dù bề ngoài có vẻ xấu xa vô nghĩa đến đâu, cũng đều là những mảnh vụn của Phật tính, và điều này có nghĩa cần phải chấp nhận mọi sự vật, không thể gạt bỏ một cái gì khỏi xứ Tịnh độ, xem nó là “thế tục” tầm thường, thấp kém. Như Thomas Kempis đã viết: “Nếu lòng người chân chính, thì mọi sinh vật đều là những tấm gương phản chiếu đời sống, một cuốn thánh kinh. Không có một sinh vật nào dù hèn mọn đến đâu, mà không phản chiếu sự thuần thiện của Thượng đế”. Khi được hỏi đạo là gì, một thiền sư trả lời: “Tâm bình thường là đạo”. Tổ Bách Trượng bảo rằng thiền có nghĩa là: “Ðói ăn, khát uống, mệt ngủ”. Một thiền sư khác cho rằng, con người tôn giáo đích thực thì cứ sống cuộc đời mình trong mọi hoàn cảnh khác nhau của thế gian. Người ấy sáng dậy, mặc áo đi làm việc. Khi muốn đi thì đi, muốn ngồi thì ngồi. Người ấy không khát khao thành Phật. Vì sao? Nguời xưa có câu rằng: “Nếu ta nỗ lực để thành Phật, thì vị Phật ấy chính là nguồn gốc của luân hồi sinh tử”.

Nếu mọi sự vật trong bản chất chính là đạo hay Phật tính, thì cần gì nỗ lực để thành Phật và đạt Niết bàn? Ðối với những người có mắt để nhìn, thì chân lý vĩnh cửu, Phật tính hiển lộ trước mắt ta ngay bây giờ ở chỗ này, trong chính những tư tưởng và hành động của ta, trong dòng biến dịch đang tuôn chảy không ngừng. Bởi thế, thật phi lý để đi tìm Phật tính xem nó như là một cái gì khác hơn sự sống thường nhật. Tổ Huệ Năng dạy rằng, sự khác biệt giữa một đức Phật và phàm phu là: Phật nhận chân được Phật tính, còn phàm phu thì không. Thiền sư Bạch Ẩn nói: “Ðất này chính là Tịnh độ, thân này chính là Phật thân”.

Bởi thế, thiền cho rằng nỗ lực để thành Phật tức là đã phân biệt giữa mình với Phật, ấy là nguồn gốc của ngã chấp, nó có nghĩa là tách rời ngã ra khỏi cuộc đời, khỏi chúng sinh khác và đây là một hình thức điên nhẹ, vì người điên là người tự cô lập nhất trong thế giới. Bởi thế, thiền gạt bỏ thẳng tay mọi ý tưởng ngoại lai về Phật và Niết bàn. Nó phá vỡ không nương tay mọi khái niệm và biểu tượng về Phật. Một thiền sư nói: “Nếu các ông muốn hiểu thiền chính thống nghĩa là gì, thì đừng để người khác đánh lừa; bất luận trong ông hay ngoài ông, nếu ông gặp một chướng ngại nào thì hãy diêt nó lập tức. Gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ, giết hết đừng ngần ngại, vì đây là cách giải thoát duy nhất. Ðừng vướng bận một đối tượng nào, hãy vượt lên trên, vượt qua và giải thoát”. Tục ngữ thiền có câu: “Ðừng chần chờ ở nơi nào có Phật, và nơi nào không có Phật, càng nên vượt qua cho mau”. Một câu chuyện lý thú về điểm này là câu chuyện tổ sư Ðan Hà và tượng Phật gỗ. Vào một đêm đông, Ðan Hà tạm trú trong một ngôi chùa. Khi lò lửa lò sưởi gần tắt, ngài đi đến bàn thờ Phật lấy xuống một pho tượng gỗ bỏ thêm vào lò sưởi. Khi hay chuyện, vị chủ chùa trách cứ Ðan Hà về tội bất kính. Ðan Hà làm bộ bới tìm đống tro mà nói:

– Tôi đang nhặt xá lợi đây.

Vị chủ chùa ngạc nhiên hỏi:

– Làm sao ngài nhặt xá lợi được từ một cái tượng gỗ.

Ðan Hà trả lòi:

– Nếu không có xá lợi thì dĩ nhiên đây không phải là Phật và tôi cũng chẳng mang tội bất kính. Vậy thì ngài hãy cho tôi xin nốt pho tượng còn lại để sưởi chứ?

Thiền bởi thế là pháp tu trực tiếp nhất, gạt bỏ mọi trợ duyên cho tín ngưỡng vì dễ đưa người ta đến chỗ hoang mang. Kinh điển chỉ có lợi ích khi được xem như những cậy gậy chống, và những thiền sư thường ví nó với ngón tay chỉ mặt trăng. Chỉ có người điên mới cho ngón tay là mặt trăng. Thiền được tóm tắt như sau:

Bất lập văn tự,
Giáo ngoại biệt truyền.
Trực chỉ nhân tâm,
Kiến tánh thành Phật.

(Ðặc biệt truyền thừa sự giác ngộ không lệ thuộc kinh điển, không dựa vào ngôn ngữ, chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật).

Nhưng, trong khi chúng ta có thể hiểu rằng chân lý thiền quá rõ ràng, nó ở ngay trước mắt ta mọi lúc, điều ấy cũng không giúp chúng ta bao nhiêu. Dường như không có gì đặc biệt trong đời sống thường nhật. Không có gì trong sự ăn cơm, mặc áo, rửa tay chứng tỏ về Niết bàn và Phật tính cả. Nhưng, khi một vị sư hỏi Triệu Châu rằng đạo là gì, thì ngài đáp đời sống thường ngày chính là đạo. Vị sư lại hỏi làm thế nào để sống hợp với đạo, thì Triệu Châu trả lời: “Nếu muốn sống hòa hợp với đạo, thì sẽ xa đạo”. Bởi vì sự sống, ngay trong những loạt biến cố tầm thường hàng ngày là một cái gì không thể nắm bắt và định nghĩa. Không bao giờ nó ở nguyên trạng dù chỉ trong chốc lát; chúng ta không bao giờ có thể làm cho sự sống đứng yên để phân tích và định nghĩa. Nếu chúng ta cố suy nghĩ về tốc độ của thời gian đang trôi và tốc độ của sự biến chuyển nơi sự vật, thì tâm thức chúng ta bị đặt vào trong một cơn lốc, vì đấy là tốc lực không bao giờ có thể đo tính. Chúng ta càng cố gắng nắm lấy thời gian hiện tại, cố giữ lại một cảm giác khoái lạc, hay cố định nghĩa một cái gì bằng một lối ổn thỏa cho tất cả mọi thời, thì thực tại càng tuột khỏi tầm tay chúng ta.

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.