Hạnh Hiếu Thời Nay

Qúy vị biết khi mặt hồ đang trong mát, nước đầy đủ thì con cá lòng tong táp bóng, các con cá khác cũng đua nhau táp bóng, tất cả giống như nhau. Nhưng tới khi trời khô nóng, nước cạn thì cá lòng tong chết hết, chỉ những loài cá rô, cá trê rúc dưới bùn mới còn sống. Cũng thế, khi chúng ta đang đi học, đang tiêu tiền của cha mẹ mà tưởng mình là đại gia, là anh hùng nên ham vui, thấy bạn bè đua thì chúng ta cũng nhảy theo mà đua, chẳng khác nào con cá lòng tong nhảy lưng tưng, lưng tưng trên nước. Cho tới khi những điều không may, không thuận trong cuộc đời ập đến, chúng ta có sống nổi không hay là gục ngã? Cái anh hùng trước đó có nuôi được mình không? Tuổi trẻ có rất nhiều niềm vui, nhiều sở thích, nhiều ham muốn nhưng nếu vì những niềm vui nhất thời đó mà lỡ mất sự nghiệp sau này thì chúng ta phải biết hy sinh chúng. Chúng ta còn trẻ thường nghĩ vội, không đủ chín chắn, nếu nhìn xa hơn thì phải nhớ rằng dù hiện tại có vui mấy nhưng nếu nhỡ sau này không thành đạt, không làm nên sự nghiệp thì chúng ta nói chuyện cũng không có ai nghe, những niềm vui nhất thời trước đây cũng không dùng được. Cho nên chúng ta phải nhìn tới sự nghiệp mười, hai mươi năm sau để phấn đấu chứ đừng nhìn cái niềm vui nhất thời của tuổi trẻ, nhớ như vậy chúng ta sẽ không lầm và mới có thể thành đạt được.

Có một số bạn thanh niên thưa: “Thưa Thầy, con nghe Thầy khuyên vậy thấy cũng hay, nhưng hiện nay, gia đình con không giàu có, mà được một bạn nhà giàu mời đi chơi du lịch năm ba bữa, được ăn nhà hàng, được tắm biển, được đi máy bay, con rất thích. Nếu ở nhà, không đi theo thì con sẽ không thưởng thức được những thứ đó. Dù chỉ đi năm ba bữa nhưng vẫn cảm nhận được niềm vui hơn là ở nhà, cả đời con không biết được những niềm vui đó, tại nhà con nghèo”. Đó là tư tưởng của tuổi trẻ. Quan niệm đó là vui nhưng có bao giờ quý vị đặt câu hỏi ai vui, vui với cái gì, có xứng đáng không? Ví dụ thế này, trong nhà mình có nuôi một số người giúp việc, họ là những người có vị trí thấp trong xã hội, thường bị người ta xem thường. Nhưng nếu người giúp việc đó rất ngoan ngoãn, chu đáo, đi đúng giờ, làm đúng việc, tất cả mọi thứ đều tươm tất, sạch sẽ, lỡ người chủ có nóng nảy, mắng oan vẫn nhẹ nhàng xin lỗi. Ngày này qua tháng nọ họ sống tốt như vậy, quý vị có thương họ không, có quý họ không? Mình rất cảm mến, đúng không? Ngược lại, mình có một người lãnh đạo trình độ không đủ, nhưng cách sống thì bê tha, nói năng thì ép người, quý vị có nể không? Chẳng qua vì công việc, vì đồng tiền, vì sự sống chứ chúng ta chẳng nể chút nào. Vậy thì, việc làm nên phẩm chất một con người có lệ thuộc vào địa vị và đồng tiền không? Một người giúp việc nghèo có thể làm nên được nhưng một người có nhiều tiền đôi khi lại không làm nên được. Phẩm chất của con người trong cuộc đời không phải do địa vị hay đồng tiền mà nằm ở ngay cách sống của người đó. Khi quý vị sống có tư chất, có trình độ, thành đạt rồi thì lúc đó mới là con người có giá trị mà người có nhiều tiền phải cần đến mình. Còn hôm nay mình nghĩ rằng “À, anh là đại gia có nhiều tiền, tôi đi chơi với anh được hưởng nhiều thứ thấy vui thích”, nhưng người có tiền kia, họ biết anh là người thiếu tiền, chẳng qua đi theo để được ăn nhờ, hưởng nhờ mà thôi. Cho nên dù người ta không nói ra nhưng trong tiềm thức họ có sự xem thường, không nể trọng mình. Khi vui thì cho cái gì đó, khi buồn, họ hất ngang mình một cái ào chẳng thương tiếc, tại họ đâu cần mình. Cho nên chúng ta vui như thế, tưởng là vui nhưng thực ra là đang nô lệ, đang phải chạy theo họ, bị họ sai bảo, chẳng có gì để vui hết. Nhìn nhận lại cho kỹ, ngày xưa, thời ông bà mình, dù có đói cơm, rách áo, nhưng người đi xin không lấy của mà cho không đúng cách. Người cho phải cho một cách lịch sự người ta mới lấy, còn nếu như vẩy tay gọi lại cho theo kiểu khinh thường thì người xin dù chết cũng không lấy. Thời bây giờ quá đầy đủ rồi, chúng ta chưa đến nỗi chết đói thì có nên đi dùng cái của được ban cho để bị người ta xem thường không? Chúng ta phải giữ sự tự trọng của mình, tôn trọng những gì trong gia đình mình, cha mẹ mình đang có. Cho nên bây giờ, điều quan trọng là chúng ta phải cố gắng rèn luyện phẩm chất đạo đức, tài năng bằng bằng việc học tập, rèn luyện những sở trường mình có để mai này khi thành rồi, những người giàu có, nhiều tiền phải tôn trọng và cần tới mình. Phải suy nghĩ vậy để mình chọn cách sống sao cho xứng đáng.

Khi tiếp xúc với một số thanh niên trẻ, quý Thầy hỏi “Quý vị cần cái gì?” thì những người đó nói “Thưa Thầy, tụi con cần tiền”. Hỏi “Cần tiền để làm gì?” thì có người nói rất thật là cần tiền để có một mâm nhậu thượng hạng, mua loại rượu thật ngon, thật đặc biệt, ăn những món sơn hào hải vị mà không ai có, ngồi với những bậc thượng lưu đẳng cấp trong xã hội. Những thứ đó quý Thầy không có, nhưng nói thế này quý vị thử nghĩ xem sao. Vì cần và để có những mâm nhậu thượng hạng, ngồi với những bậc thượng lưu đẳng cấp thì có khi chúng ta phải quần quật sớm tối bằng mọi âm mưu, bất chấp sức khỏe, gia đình, bạn bè, danh nghĩa, bất chấp tất cả mọi thứ đạo đức, miễn sao có tiền là vinh quang. Vậy thì bữa nào quý vị thử có bao nhiêu tiền dốc hết ra làm một lần để khỏi phải suy nghĩ lung tung trong đầu nữa. Cái gì ngon nhất, ưa nhất mua cho đầy bàn đi, người nào mình cho là quan trọng nhất thì mời tới đi, cái gì cần nhậu thì cứ ăn một bữa cho đã đi, uống một bữa cho thật say đừng dè dặt để coi tới đâu cho biết. Khi ăn uống say sưa rồi về có còn biết gì nữa không. Sáng mai thức dậy mệt nhừ, chán nản. Tiền hết, người mệt mỏi, sức khỏe, tinh thần rệu rã. Quay trở lại, nếu cái bàn tiệc hôm qua là một niềm vui thực sự, chắc thật, đảm bảo cho cuộc đời mình thì hôm nay nó phải bảo vệ được cho mình không mệt, không chán chứ, vậy mà nó lại không bảo vệ được niềm vui cho chúng ta tới sáng nay, như vậy niềm vui đó chưa đủ lớn. Một niềm vui trong chốc lát không đủ lớn để bảo vệ cuộc đời chúng ta mà ngược lại, chúng ta lại hy sinh cả đời, đánh đổi cả đời, đánh đổi tất cả người thân, bạn tốt đang có để có được một niềm vui tạm bợ nhất thời thì chúng ta có thông minh không? Đem tiền tỷ để mua một cái cốc giá trị khoảng vài chục ngàn đồng, quý vị nghĩ sao? Chúng ta phải bình tâm, gẫm lại cho kỹ chứ không sẽ lầm to. Lúc trẻ quý vị vui với những thú vui bên ngoài, lo kiếm tiền ăn nhậu thì khi về già, không có tiền, không ai nhìn tới, không còn sức lực, ngồi một chỗ thở hổn hển, quý vị có buồn, có khổ không? Cho nên lúc còn trẻ vui không đúng bao nhiêu thì khi về già quý vị sẽ khổ bấy nhiêu. Ngược lại, chúng ta chỉ cần sống vừa đủ, dư một chút thì nghĩ đến người xung quanh, luôn giữ lấy một sự an tịnh ở tâm hồn, tinh thần sảng khoái, mạnh mẽ, định tỉnh, trí tuệ sáng suốt, thông minh. Sống được như thế thì chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui thực sự, lúc đó tiền bạc có cũng tốt mà không có cũng tốt.

Có một vị lớn tuổi ở Sài Gòn đến gặp quý Thầy nói chuẩn bị tìm một viện dưỡng lão để ở. Quý Thầy hỏi tại sao giàu có, đang có nhà, có xe đầy đủ, có tiền, có bà con thân thích mà lại tìm viện dưỡng lão. Vị đó nói do hồi trẻ, ỷ làm được nhiều tiền, nghĩ có tiền là có tất cả, sống thụ hưởng cho thoải mái nên không hề biết đến cảm xúc của mọi người trong gia đình đang nghĩ gì, buồn vui mặc kệ, chưa bao giờ biết cảm thông, chia sẻ. Ai nói gì cũng không được nên lâu ngày, mọi người trong gia đình cũng không còn tình nghĩa gì. Vì vậy, bây giờ lớn tuổi, sức yếu, không có ai quan tâm nên muốn tìm một viện dưỡng lão.

Đó là tâm sự của một người đã trải qua nói lại. Quý vị nghĩ lại, khi có tiền, nghĩ có tiền là có tất cả, muốn làm gì thì làm không cần biết tới ai, đến khi già yếu rồi, có tiền cũng không tiêu xài được mà lúc đó trong nhà không còn ai thương và quan tâm đến mình nữa, mình phải đi tìm tình thương của người ngoài, may ra ai đó có lòng tốt quan tâm đến mình, nếu không thì phải chịu một sự lạnh lẽo, cô đơn và chết. Chúng ta không cần giàu như thế, cơm ngày ba bữa, áo quần vừa đủ, phương tiện đủ xài, có ăn, có học, mẹ con vui vẻ, hủ hỉ tình cảm, lúc mẹ già con có thương mẹ không? Thương rất nhiều. Sống như thế vẫn hay hơn chứ.

Cho nên, càng quan niệm về đồng tiền, càng nặng về vật chất bao nhiêu thì quý vị càng lầm lỗi bấy nhiêu. Qúy vị phải nhớ thế này, vật chất, đồng tiền có giá trị trong phạm vi giới hạn của nó, chúng ta phải đặt nó ở một vị trí đúng, đừng có nên đặt lộn với những chuyện cao quý, đạo đức trong xã hội. Nếu chúng ta dùng nó đúng và biết trân trọng những gì đang có thì không lầm, còn nếu quan trọng nó thái quá, để nó chi phối thì sẽ dễ có những quyết định sai lầm. Hoặc có khi mình đang cần tiền nhưng lại nghĩ vì tiền thì sẽ không có đạo đức, cũng đừng tin tư tưởng đó. Muốn thể hiện anh hùng thì vì cái anh hùng sẽ quên cái mềm mại, khôn khéo, vì một cái này thì sẽ quên một cái khác giống như đang nắm cái ly thì sẽ không nắm được cái đồng hồ.

Cho nên khi muốn quyết định một vấn đề gì, chúng ta phải yên lặng trở lại, đừng vội tin những tư tưởng khởi lên trong đầu, đừng để một cái gì chi phối hết, phải tỉnh sáng rồi sau đó quyết định thì sẽ đúng.

Đó chỉ là một số ví dụ quý Thầy nêu ra, còn trong cuộc sống có rất nhiều thứ để nói. Trong gia đình hay trong các quan hệ xã hội khác, muốn cho gia đình hay mọi mối quan hệ ổn định, quý vị phải xác định được ba nhân tố chính:

Thứ nhất là chân thật: nghĩa là mình chân thật với người và người chân thật với mình. Chúng ta phải biết tạo điều kiện cho người bạn mình, người con mình, cha mẹ mình chân thật với mình, tâm sự thật với mình để chúng ta biết. Một con rùa nếu bị dọa thì nó sẽ giấu hết chân cẳng và đầu vào trong mai, chúng ta sẽ không thấy được hết con rùa, nhưng khi tạo được một không gian thật yên bình để nó đủ tin tưởng mà thò chân, thò đầu, thò đuôi ra và bò đi, lúc đó chúng ta mới thấy rõ thực trạng con rùa mà không nhầm lẫn. Những mối quan hệ chung quanh ta cũng vậy, quý vị đừng nên lấy tiền bạc, quyền thế để gây áp lực với người khác, tưởng vậy là hơn người nhưng đó là sai lầm. Khi quý vị sử dụng tiền và quyền để để đàn áp người khác thì họ phải sợ, khi sợ thì họ sẽ che giấu hết những cái bên trong và chỉ thể hiện ra những điều tốt hay thậm chí giả tạo để chúng ta tin tưởng. Cuối cùng chúng ta lại là người bị lầm lẫn. Tưởng rằng đem tiền của, thế lực ra thì có thể đàn áp được người khác nhưng không ngờ càng đưa những thứ đó ra bao nhiêu, chúng ta càng bị những người xung quanh lừa bấy nhiêu. Bởi vậy trong cuộc sống, mình cần phải biết tạo một không gian để cho mọi người có thể chân thật với nhau. Quý vị thích sự chân thật hơn hay sự lừa dối, lúc nào cũng phải canh chừng, nhìn trước nhìn sau hơn? Canh chừng là khổ, chân thật mới vui nên đối với mọi mối quan hệ trong cuộc sống, quan trọng là phải chân thật với nhau.

Thứ hai là tôn trọng. Cha mẹ tôn trọng con và con tôn trọng cha mẹ, bạn bè, đồng nghiệp tôn trọng lẫn nhau… Khi có sự tôn trọng lẫn nhau thì lời nói có nhẹ nhàng, có hay, có đẹp không? À, hay, đẹp. Nhưng khi đang cáu giận thì cái gì ác độc nhất, ghê gớm nhất phun ra cho nó đã. Thế nên, để cuộc sống tốt đẹp, gia đình được êm ấm thì quý vị phải biết tôn trọng và nhường nhịn nhau một chút, không ai hơn ai hết. Còn nếu không, cũng sống nhưng dày vò, dằn vặt lẫn nhau, khiến mọi người đều căng thẳng, nội kết, gia đình như địa ngục thì chúng ta sẽ khổ. Nhiều vị nói: “Con của con không chịu nghe lời, nó ăn rồi đi chơi bên ngoài hoài, không biết phải làm sao?” Qúy Thầy nói, khi quý vị vào một căn phòng sạch sẽ, ngăn nắp, thoáng mát, quý vị có thích ở không? Thích phải không? Cũng vậy, trong một gia đình, nếu quý vị tạo được một bầu không khí hòa nhã, vui vẻ, nhẹ nhàng, tôn trọng lẫn nhau, người con thấy rằng đó là một tổ ấm thì nó sẽ thích, sẽ chịu ở nhà mà không thèm đi chơi bên ngoài nữa, chúng ta cũng khỏi mất công răn nhắc nó. Còn ngược lại về nhà, con cái vừa mở miệng là bố mẹ la, tất cả mọi người căng thẳng với nhau, không có sự tôn trọng nhau nên nó chán, phải chạy ra bên ngoài tìm niềm vui khác chơi cho khuây khỏa.

Thứ ba là sự thông cảm, tha thứ. Vì sao như vậy? Mỗi con người chúng ta đều tồn tại ít nhiều những điều chưa hoàn bị, người ta nói là “Nhân bất thập toàn”, không có ai là đúng một trăm phần trăm hết. Biết rằng mình chưa hoàn bị thì người khác cũng vậy, nên chúng ta cần phải biết thông cảm, tha thứ, bỏ qua cho điều chưa được tốt của người khác. Bỏ qua ở đây không có nghĩa là chấp nhận điều xấu mà chúng ta phải biết xây dựng một cách có nghệ thuật. Chúng ta bị một vết thương trên cơ thể, bác sĩ muốn phẫu thuật phải trích thuốc tê, hay thuốc gây mê để chúng ta đỡ đau, huống nữa là một vết thương lòng, là một cái tật trong người mà quý vị góp ý một cách xối xả thì họ có chịu nổi không? Không chịu nổi nên họ phản ứng thì làm sao mà tốt được. Cho nên việc góp ý xây dựng phải có nghệ thuật, khéo léo, đúng thời, đúng lúc, vì lợi ích cho người chứ không phải vì sân hận thì mới mang lại hiệu quả. Nếu như góp ý đến mức nào đó mà mình thấy quá sức, người đó không thể sửa hơn nữa thì quý vị phải chấp nhận ngang đó bỏ qua thì mới sống êm được. Cũng như một cậu bé học lớp năm mà quý vị đưa bài toán lớp mười hai bảo nó phải giải, nó chưa được học thì làm sao giải được, mà nếu nó không giải được chẳng lẽ chúng ta khổ hoài sao? Nếu chúng ta cố ép những người chung quanh làm một điều theo sở thích của mình mà quá khả năng của người đó, quý vị thấy có ác không? Cho nên cha mẹ cần phải biết sức chịu đựng của con cái thế nào, con cái cũng cần biết sức chịu đựng của ba mẹ đến đâu để đừng đòi hỏi, biết ngang đó để bỏ qua, thông cảm, tha thứ, giúp đỡ, như vậy có vui hơn không? Nhất là con cái đối với cha mẹ, quý vị sinh ra trong thời này, được học hành rồi ra xã hội, tiếp xúc với những tư tưởng rất thời đại, ba mẹ mình ở nhà đâu có theo được với cái văn minh của mình đâu, cái đúng của cha mẹ lại không đúng với mình, cho nên về nhà nhìn cha mẹ rồi bảo cha mẹ già, lạc hậu, không biết cái này cái nọ, rồi chê trách, khinh thường. Trong khi đó cả một cuộc đời cha mẹ đã hy sinh cho mình, từ lúc mình sinh ra, lớn lên, được đi học, có trí khôn như ngày nay đều được đánh đổi bằng một phần xương, thịt và máu của cha mẹ. Làm như vậy có phải khiến cho cha mẹ mình khổ không? Mình nên nhớ rằng cha mẹ sống trong thời cực khổ, không đầy đủ thì chỉ biết ngang đó, hiểu ngang đó, nhận định ngang đó. Chúng ta chỉ nên thương chứ không nên trách, còn nếu không, quý vị cứ đòi hỏi bố mẹ phải hiểu như mình thì làm sao được, không được thì trách, mà trách thì chúng ta sẽ bất hiếu. Hoặc khi bố mẹ lớn tuổi, trong người thường đau nhức, mệt mỏi, ăn thì nghẹn, sặc, đi đứng khó khăn, bỏ trước quên sau, siêng thì siêng nhưng bệnh muốn làm gì cũng không làm được, có khi chúng ta trách móc sao mà thấy yếu đuối quá, xem thường cha mẹ mình. Qúy vị nhớ, mình giờ đang trẻ nhưng rồi cũng có ngày già như thế, mệt như thế, bệnh như thế, bây giờ chưa già, không biết cảm xúc của người già như thế nào thì đừng đem cảm giác của một người trẻ để áp đặt cho người lớn tuổi, đó là điều phi đạo đức. Có mấy vị lớn tuổi rồi, thấy con cái không hiểu, không thông cảm cho mình, tủi thân làm bài thơ “Già” cho vui:

Rù rờ đổ vỡ thiệt là hư
Chẳng biết mần răng được nữa chừ
Ăn uống vãi rơi làm họ bực
Vào ra đụng chạm thấy mình dư
Người thân gặp lại chừng quên hết
Để trước, quên sau kiếm mệt đừ
Ai ngỡ ngày nay ra thế ấy
Xưa kia lỗi lạc một tay cừ.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.