Hạnh Hiếu Thời Nay

Nghĩa là già yếu rồi, tay chân run rẩy, không muốn run mà gân cứ run là run, nên đụng đâu rớt đó, chẳng biết làm sao. Rồi già nên hệ thần kinh kém, nó điều khiển cái tay và cái miệng không tốt nên ngồi trong bữa ăn, ăn uống không gọn gàng, rớt lên rớt xuống. Già yếu rồi cũng không biết làm việc gì hết, vào ra đụng người này người khác, họ thì bận việc, mình thì thấy thừa ra, mới để cái chìa khóa đây quay lại tìm không ra. Mình đâu có biết có ngày mình phải già, khổ như vậy, xưa kia mình cũng là một người anh hùng ghê gớm lắm chứ. Quý vị thấy cha mẹ mình ngày xưa là một tay cừ mà bây giờ còn như vậy, chúng ta rồi cũng sẽ giống như thế. Nhớ như vậy để biết thông cảm, để biết bỏ qua những điều chưa hay thì chúng ta sẽ sống vui. Đó là nói với những người con chưa biết thông cảm cha mẹ mình. Còn có những người con vì quá thương cha mẹ mình, cái gì mình nghĩ là hay, là đúng thì muốn cha mẹ phải giống như vậy, buộc cha mẹ phải theo mà không ngờ làm cho cha mẹ phải khổ sở. Đó là tình thương qua bản ngã của mình. Ví dụ ông già không muốn đi dự lễ ở chỗ đông người vì đang mỏi, người con lại nói “Ba là người lớn nên phải đi cho đúng phép, sau này con cái còn học theo”, tức là buộc cha mình phải làm như vậy mới đúng, làm ông già phải khó xử, không đi thì mình phiền não, mà đi thì thân ông cũng khổ. Hoặc mình nghĩ món ăn này rất bổ, rất tốt, ép ông già ăn bằng được dù ông già không muốn ăn món đó vì có bệnh đau bao tử, ăn vô sẽ rất khó tiêu. Cho nên thương quá mà không hiểu cũng làm cho cha mẹ mình khổ. Qúy vị nhớ, mình thương là phải hiểu được cảm xúc, cảm giác của người già để thương chứ không phải thương qua cái khái niệm của mình, để cuối cùng lòng hiếu bị phản tác dụng, có xung đột lại than trách sao mình có hiếu, thương cha mẹ mà cha mẹ lại nghịch lại với mình…

Đó là nói con đối với cha mẹ. Ngược lại, cha mẹ đối với con cũng phải biết tâm lý để thông cảm, tha thứ, xây dựng, làm cho người con trưởng thành. Qúy vị biết, tuổi trẻ đang lớn thì tâm lý hay bất thường, buồn là buồn một cái ào, vui là vui một cái ào, rất bốc đồng. Sự bồng bột đó là do tâm lý đang lớn nên thay đổi, chúng ta biết thông cảm để đừng trách nó quá mà vô tình tách nó ra khỏi tầm nhìn của mình. Chỉ cần mình thông cảm để nó lắng lại rồi sau đó dạy từ từ thì sẽ thành công. Thứ hai, quý vị nên tinh tế để ý từng nét của con để hiểu cảm xúc của nó, gần gũi để chia sẻ với nó thì sẽ thành công. Còn quý vị không hề biết nó đang nghĩ việc gì, đang buồn chuyện gì mà cứ lấy một đống khuôn phép trong đầu mình ra áp đặt lên nó, trong lúc chưa hợp thời làm nó khổ thì cũng thất bại. Và thứ ba, khi thấy nó nói cái gì, nếu chúng ta bảo “Con không được nói vậy, trứng không bao giờ hơn gà” và áp đặt bắt nó phải theo mình thì sẽ không thành công vì làm như vậy là khiến cho nó bị tự ti, không đủ niềm tin trong cuộc sống. Quý vị phải biết làm cho con thấy có niềm tin, thấy nó là quan trọng để tự thân nó có thể phấn đấu, trưởng thành và sống tốt được.

Ở một thị trấn thuộc một vùng quê nước Mỹ, có một câu chuyện rất cảm động. Trong lớp học có một cô giáo là Thompson. Đầu năm học, cô được phân công làm chủ nhiệm một lớp. Đứng trước học sinh, cô nói rằng sẽ thương yêu các em bình đẳng như nhau, tuy nhiên, trong lòng cô không phải như vậy, vì cô thấy một cậu bé tên là Teddy Stoddard ngồi ngay ở đầu bàn, thoạt nhìn cô Thompson đã không ưa rồi. Lý do vì cô biết năm ngoái cậu chơi với bạn không tốt, không chăm chỉ học tập, người thì dơ dáy, bẩn thỉu, lôi thôi, lếch thếch, ngồi thì lù lù không thèm biết đến ai. Thường đầu năm học, cô giáo kiểm tra lại hồ sơ cá nhân của từng em, cô lấy ngay hồ sơ của cậu học trò khó ưa đó, vạch dấu chữ thập đỏ để lưu ý và đánh một chữ S thật lớn ở ngoài, chữ S nghĩa là hạng kém, khi xếp hồ sơ thì cô để hồ sơ đó ở dưới cùng. Sau khi xem hết hồ sơ của các bạn khác, đến hồ sơ của cậu bé, cô giật mình khi đọc những lời phê trong đó. Cô giáo lớp một phê: “Teddy là một cậu bé thông minh, ngoan ngoãn, lễ phép, hòa nhã, biết chia sẻ với mọi người, và tất cả mọi người trong lớp đều thấy cậu bé là một nguồn vui”. Sang lớp hai, cô giáo chủ nhiệm phê rằng cậu bé Teddy ngoan, tốt nhưng mẹ của cậu đang gặp một căn bệnh hiểm nghèo, trong gia đình là một chiến trường cho nên ảnh hưởng ít nhiều đến tinh thần của cậu. Lời phê của cô giáo lớp ba nói là cậu bé Teddy học giỏi, ngoan nhưng sự ra đi của người mẹ ảnh hưởng đến cậu phần nào, cậu rất chăm học, rất cố gắng học nhưng người cha thì không hề quan tâm đến việc học hành của con, cho nên nếu không được quan tâm, việc học hành của cậu bé sẽ bị ảnh hưởng. Tới cô giáo lớp bốn thì phê rằng, cậu bé Teddy là một người lãnh đạm, không cần biết đến những người xung quanh, không màng đến học tập và thỉnh thoảng ngủ gục trong lớp. Đọc đến đó cô Thompson cảm thấy hối hận vô cùng, vì biết rằng trước kia cậu bé vốn là một người rất ngoan, học giỏi, rất chan hòa nhưng vì mẹ bệnh rồi qua đời, cha không biết chăm sóc, chia sẻ, thiếu người quan tâm nên trở thành một cậu bé như thế, không thể kết luận là một cậu bé hư mà là một cậu bé đang bị bệnh, cần được giúp đỡ. Đến ngày lễ, các học sinh đến tặng cho cô những món quà được thắt nơ, gói trong giấy rất đẹp, riêng cậu bé Teddy vì nhà nghèo nên gói quà bằng giấy gói ở tiệm tạp hóa, thắt một cái nơ giấy cũ kỹ, khi mở ra thì bên trong là một chuỗi kim cương giả bằng nhựa, lại còn rớt hết mấy hột và một chai nước hoa bên trong còn một chút xíu. Cả lớp thấy vậy cười, chế giễu cậu, còn cô giáo thì trấn an cậu bằng cách đeo cái vòng lên tay, xịt một ít nước hoa để an ủi cậu bé. Khi cả lớp ra về, cậu bé ở lại gặp cô và nói:

– Thưa cô, cô thơm giống như mẹ của em ngày xưa.

Cô giáo rất cảm động, thấy cậu bé là một người cần được chăm sóc cho nên ngoài việc dạy bình thường, cô chăm sóc cậu bé chu đáo hơn, những lần cô đến sát bên để hướng dẫn thì thấy tinh thần cậu có vẻ phấn chấn, mạnh mẽ. Kết quả, cuối năm đó cậu bé đạt thành tích học giỏi nhất lớp. Qua năm sau, lên lớp sáu, cô không còn chủ nhiệm nhưng tới ngày kỷ niệm nhà giáo, cô nhận được một tờ giấy nhét qua cửa sổ ghi: “Em cảm ơn cô. Cô là một cô giáo tuyệt vời nhất trong đời em. Em đang học giỏi”. Sáu năm sau, cậu bé tốt nghiệp trung học, cậu gởi một bức thư về cho cô giáo: “Em đã tốt nghiệp xong trung học, em đứng thứ ba trong khối. Em cảm ơn cô, cô luôn là một người thầy tuyệt vời nhất trong đời em”. Bốn năm sau, cậu bé tốt nghiệp đại học và gởi thư về “Dù cuộc sống khó khăn, vất vả nhưng hình bóng của cô không bao giờ em quên, cho nên em đã cố gắng tốt nghiệp hạng nhất đại học”. Bốn năm sau nữa, cô nhận được một bức thư báo rằng, cậu bé đã bảo vệ xong luận án tiến sĩ và với một câu “Cô vẫn là cô giáo tuyệt vời nhất trong đời em và em sẽ cố gắng tiến bộ thêm nữa”. Một thời gian sau, cũng là một lời gởi về cho cô giáo như vậy “Cảm ơn cô, cô là một người thầy tuyệt vời nhất trong đời em” và ký tên ở dưới, nhưng bây giờ chữ ký dài hơn một chút, tức là Giáo sư, tiến sĩ Stoddard. Từ một cậu bé ngoan, vì hoàn cảnh nên thành một người chưa tốt nhưng bởi có người hiểu, cảm thông được hoàn cảnh, tạo cho cậu bé có một niềm tin nên cậu bé trưởng thành được như vậy. Hai, ba năm sau cậu gởi thư cho cô giáo “Thưa cô, em đã tìm được một người bạn đời và em chuẩn bị cưới. Em mời cô đến thay cho cha mẹ em, ngồi vào ghế của mẹ em để cưới gả cho em” vì người bố đã qua đời cách đó vài năm. Cô giáo Thompson đến trong ngày cưới, ngồi vào ghế với tư cách là một người mẹ để đứng ra làm lễ cưới cho con, cô đeo chiếc vòng kim cương giả rơi mất mấy hột và xức chai nước hoa cũ mà cậu bé ngày xưa tặng cho cô. Hai bên cảm động ôm nhau, cậu học trò nói:

– Em cảm ơn cô nhờ cô đã tin tưởng em. Em cảm ơn cô rất nhiều vì đã làm cho em cảm thấy mình quan trọng và cho em niềm tin rằng mình sẽ tiến bộ.

Cô giáo nói:

– Teddy, em nói sai rồi, chính em mới là người dạy cho cô sống khác đi. Cô chưa từng biết dạy học cho tới khi cô được gặp em.

Có nghĩa trước đó cô dạy nhưng chưa từng biết cảm xúc của học trò, chỉ tới khi gặp cậu bé này thì cô mới là một người thực sự biết dạy học.

Quay trở lại, có những người thấy con mình ngày xưa ngoan mà khi lớn lại trở chứng. Không phải trở chứng mà hãy coi lại, cuộc sống của nó, cô giáo chủ nhiệm của nó, bạn bè nó, cảm xúc của nó, tư tưởng nó… có vấn đề gì không, và chúng ta nên tìm hiểu cảm xúc để trao cho nó một niềm tin, một sự hy vọng, để nó tin rằng nó quan trọng và nó sẽ phấn đấu. Nếu lỡ cô giáo này không phát hiện ra để nâng đỡ mà chà đạp luôn thì sẽ giết chết cuộc đời cậu học trò đó rồi. Nhưng vì biết quan tâm, biết thông cảm, nâng đỡ nên cậu học trò trở thành một giáo sư, tiến sĩ. Bởi vậy, sự cảm thông, sự chia sẻ, hiểu được cảm xúc của người khác và dành cho họ sự tôn trọng là rất cần thiết. Quý vị dạy con cũng nên như vậy, do đó đừng bao giờ sợ con hơn mình, nếu quý vị chỉ biết trong gia đình mấy thành viên thôi thì bao giờ cũng nghĩ rằng tôi là cha mẹ, phải hơn con và con phải theo tôi, như thế sẽ xảy ra những lỗi lầm. Ngược lại, quý vị nên nhớ rồi đây con mình sẽ không sống với mình nữa, nó phải ra cuộc đời, phải tiếp xúc với xã hội, tiếp xúc với rất nhiều cạm bẫy, rất nhiều tầng lớp, rất nhiều con người. Muốn nó mạnh mẽ, tự tin, bản lĩnh, trưởng thành thì bây giờ quý vị phải cho nó một niềm tin, muốn cho niềm tin, quý vị phải tập cho nó chủ động, đừng để nó thụ động, và phải biết cách tập. Chúng ta thường tạo cho con mình một thói quen nương tựa nên lâu ngày nó trở nên thụ động, yếu đuối, không thành công. Thí dụ khi bảo con để cái ly này trên bàn, quý vị đừng nói con phải để như thế này, thế kia, như vậy là vô tình quý vị áp đặt nó phải để theo ý mình và vô tình nó ngoan ngoãn làm theo mà không có cái gì là của nó. Nhiều ngày như thế, nhiều thứ như thế, với lối sống như thế, nó sẽ trở thành một người thụ động, không thành công, làm mình phải lo lắng. Ngược lại, chỉ cần nói: “Con đem cái ly để giùm cho mẹ chỗ đó” thì nó sẽ tự để theo kiểu của nó. Khi nó để xong, nếu mình thấy không sai thì đừng sửa, hãy tôn trọng cái đúng của nó thì nó sẽ thấy là mình làm được điều đó. Còn nếu có sai, quý vị đừng sửa liền, đừng ra lệnh phải thế này thế kia, như thế sẽ khiến con mình bị thụ động. Qúy vị có thể gợi ý: “Con để thế là hay rồi, nhưng nếu con để như vầy có hay hơn không?”. Mình nói mà không áp đặt thì nó sẽ sửa lại, nhưng nó thấy rằng đó là nó đang tự sửa chứ không phải là mình bảo nó sửa. Tập như vậy lâu ngày sẽ tạo thành một thói quen chủ động. Nếu quý vị sợ nó hỗn thì tập cho nó thói quen lễ nghĩa. Có đạo đức, có lễ nghĩa, có sự chủ động, sau này nó bước ra cuộc đời, dù chúng ta còn sống hay không, nó vẫn là một người mạnh mẽ, chủ động, bản lĩnh, tự tin và thành đạt. Như vậy phải nhìn về tương lai xa hơn để có cách rèn luyện con cho đúng, còn nếu chỉ nhìn trong phạm vi nhỏ hẹp ở gia đình có mấy thành viên, quý vị luôn cho là mình hay và áp đặt, tất nhiên là mình hay nhưng như thế sau này con nó sẽ bị yếu, thụ động, khiến chúng ta phải lo lắng. Qúy vị nhớ thế này, chúng ta càng áp đặt bao nhiêu thì sau này khi con cái bước ra đường đời chúng ta sẽ càng lo lắng cho nó bấy nhiêu, còn hôm nay chúng ta tập cho nó thói quen chủ động, tự tin thì sau này chúng ta sẽ yên tâm với nó.

Trong một gia đình nọ, người mẹ thường đố con trai một câu đố: “Phần nào là phần quan trọng nhất trên cơ thể?”. Vì còn nhỏ, cậu bé cho rằng âm thanh là quan trọng đối với con người nên nói “tai là bộ phận quan trọng nhất”.

Người mẹ lắc đầu nói:

– Chưa đúng con à, vì trên đời này rất nhiều người bị điếc mà vẫn sống tốt.

Thời gian sau cậu bé lớn hơn một chút, biết cái này đẹp, cái kia xấu, thấy hình ảnh là quan trọng nên nói:

– Thưa mẹ, trên cơ thể con người, con mắt là quan trọng nhất.

Người mẹ đáp:

– Chưa phải con à. Con học được nhiều đó nhưng trên đời có những người mù mà vẫn sống tốt.

Đã bao lần và lần nào cũng vậy, người mẹ vẫn nói:

– Con của mẹ đã lớn rồi nhưng mà chưa phải con à. Con cứ suy nghĩ tiếp rồi mẹ sẽ hỏi con.

Cho đến một ngày, ông nội qua đời, tất cả mọi người trong nhà đều khóc và người mạnh mẽ nhất trong gia đình là bố của cậu bé cũng khóc. Mọi người trong trong gia đình đến trước quan tài để nói lời tiễn biệt ông nội trước khi chôn cất. Tới lượt người mẹ dẫn đứa con đến trước quan tài thì người mẹ nhìn con thì thầm:
– Con đã tìm ra câu trả lời chưa?

Trong giờ khắc quan trọng này, người mẹ lại đưa ra câu hỏi mà hàng ngày mẹ con đùa với nhau khiến người con sững sờ, không kịp suy nghĩ. Thấy vậy, người mẹ nói:
– Con trai à, phần quan trọng nhất trên cơ thể chính là cái vai.

Người con hỏi:

– Có phải vì nó nâng đỡ cái đầu không hả mẹ?

Người mẹ nói:

– Không phải thế, bởi vì đó là nơi người thân của con có thể tựa vào khi họ khóc. Trong cuộc sống, mỗi người đều cần có một cái vai để nương tựa. Và mẹ chỉ mong con có nhiều bạn bè, nhận được nhiều tình thương để mỗi khi con khóc lại có một đôi vai để con có thể ngả đầu vào.

Qua câu chuyện này, quý vị có cảm nhận được điều gì không? Trong cuộc đời này, không phải lúc nào chúng ta cũng thành đạt, cũng mạnh mẽ mà có khi thất bại, có khi buồn tủi, tuyệt vọng. Khi thất bại, khi buồn khổ, khi đổ vỡ thì đâu là nơi chúng ta nương về? Khi chúng ta khóc thì đâu là bờ vai để chúng ta ngả đầu vào khóc? – Là những người quan tâm đến mình. Gần nhất là cha mẹ, cha mẹ là người lúc nào cũng tận tụy, lo lắng và quan tâm đến con. Có khi vì sự nghiệp, vì tiền của mà chúng ta quên mất điều đó nhưng khi mọi thứ vuột hết khỏi tầm tay thì người mà mình nghĩ đến đầu tiên là cha mẹ mình, người sẵn sàng đón mình về cho dù mình có tả tơi, có thất bại, không còn gì đi chăng nữa. Đó là điều thứ nhất. Điều thứ hai, hàng ngày nếu chúng ta sống hách dịch, chà đạp lên người khác để thành công, không bao giờ biết nhường nhịn ai khiến cho ai cũng ghét, ai cũng bực bội thì tới khi mình thất bại, họ có chia sẻ không hay họ nói thật đáng đời, lúc đó sẽ không tìm được một bờ vai nào để tựa. Chúng ta đang mạnh khỏe nhưng có ngày sẽ đau yếu, đang thành công nhưng có ngày sẽ thất bại, đang hy vọng nhưng có ngày sẽ thất vọng, sụp đổ, đang vui có ngày sẽ buồn. Cho nên người mẹ mới nói mỗi con người đều cần một cái vai để nương tựa, và mong con có thật nhiều bạn bè, nhận được nhiều tình thương để mỗi khi thất bại, mỗi khi khóc sẽ có một bờ vai để ngả đầu vào. Là cha mẹ phải biết dạy con cách để chuẩn bị một nơi nương tựa như thế chứ không phải chỉ có cha mẹ. Muốn vậy, chúng ta phải tập cho nó một tinh thần tích cực, để nó hiểu rằng phần quan trọng của cơ thể không phải là phần ích kỷ cho riêng mình mà là phần biết cho ra. Đứa con cần nghe nên nói đôi tai là quan trọng, đó là chỉ nghĩ tới mình. Nó cần thấy nên nói đôi mắt là quan trọng nhất, đó là vì cần cho mình. Nó đang cần sống nên nói rằng bờ vai là bộ phận quan trọng nhất vì đỡ cái đầu của nó, đó là đang nghĩ cho nó. Nhưng người mẹ nhìn xa hơn nên mới nói cái vai là nơi người thân của con ngả đầu vào khi người ta khóc, tức là nghĩ cho người khác. Vậy thì khi chúng ta nghĩ tích cực, chúng ta sẽ có một cuộc sống tốt.

Muốn thế quý vị phải rèn con ngay từ khi còn bé, để nó biết hy sinh, biết cảm thông và chia sẻ với người khác. Một người khi không mà giàu thì người đó ít khi biết thương người khác, nhưng nếu là người đã từng vất vả lăn lộn để mưu sinh, đã từng ở trong hoàn cảnh thiếu thốn thì khi giàu sẽ thấy thương người nghèo và lúc nào cũng muốn san sẻ cho họ. Một người lương thiện, đạo đức được xây dựng ngay từ con người biết cảm thông, chia sẻ với người khác đó. Ngay từ khi con còn bé, quý vị nên tập cho nó biết lao động, không phải là cần nó lao động hay bắt nó làm gì quá sức mà là tập cho nó biết cảm thông và chia sẻ với người khác. Vừa biết đi, bảo nó quét nhà, lớn một chút, dù con trai hay con gái cũng phải biết đi chợ mua đồ về lo một bữa ăn cho gia đình, điều đó không khó. Đừng nói rằng là con trai không đi chợ, không nấu ăn được mà phải thấy rằng không có một việc nào cố định là của nam hay nữ. Đã là con người, ai cũng có thể làm tất cả việc khi cần làm. Chúng ta đang làm giám đốc, đang là người có đẳng cấp trong xã hội, có người hầu kẻ hạ nhưng nhỡ bố mẹ mình bệnh, mình vẫn có thể biết tắm rửa, lo cho cha mẹ mình một cách bình thường không nhờm gớm, như thế mới thành công.

Điều thứ hai, tập cho nó đừng quá quan trọng bản thân mà phải nghĩ về người khác, biết mở rộng lòng để cho đi. Như vậy, nếu ngay từ lúc nhỏ, nó đã quen lao động, không quá quan trọng mỉnh, luôn nghĩ đến người khác thì vô hình cái tốt được nuôi dưỡng và lớn dần bên trong con người nó, có khi vừa buông lung một chút, không lo học hành thì tự nhiên trong lòng thấy khó chịu lại trở về học chứ không dám chơi nữa. Đó là chúng ta đã tạo ra một người mẹ, một người cha, một người thầy trong lòng nó và theo nó suốt cuộc đời nó, nếu lỡ một lúc nào đó nó chệch hướng thì người cha, người mẹ, người thầy trong lòng nó sẽ tự nhắc thức nó để nó ăn năn và trở về sống tốt.
Điều thứ ba, vì quen lao động, quen nghĩ đến người khác nên khi ra ngoài, thấy việc gì cần làm, nên làm, nó sẽ tự chủ động và siêng năng làm, không cần phải đợi người khác nhắc nhở hay nhờ vả. Nếu gặp một người có tư cách như vậy quý vị có thương, có quý không? Như vậy cuộc đời sẽ thương nó và nuôi nó, nó sẽ được nhiều hơn những gì chúng ta có thể cho nó, còn chúng ta dù có thương và lo cho nó hết lòng đi nữa thì khi nhắm mắt lìa đời cũng phải để lại nó trong cuộc đời. Từ đó mới thấy, khi quý vị xây dựng và rèn cho nó một cách sống thì với phẩm chất, tư cách, đạo đức đó, cuộc đời sẽ thương và nuôi nó, cho nó một bờ vai vững chãi, an toàn để nương tựa.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.