Hạnh Hiếu Thời Nay

Sách xưa có nói “Giáo đa thành oán”, bậc cha mẹ có khi vì muốn tốt cho con nên giáo dục hơi quá, khiến người con vì còn non dại, chưa nhận thức được nên oán trách cha mẹ,nhưng sau này khi phải sống xa cha mẹ hay cha mẹ đã qua đời rồi thì người con mới hối hận, nhận ra rằng trước kia mình sai. Quý vị thấy, người con nào hằng ngày nghịch ngợm nhất, làm cha mẹ buồn lo nhiều nhất thì khi cha mẹ mất, người con đó lại khóc nhiều nhất, hối hận nhiều nhất. Đứng trước cái chết của người thân, con người ta bao giờ cũng lắng lòng lại và nhận ra nhiều điều sai lầm trước kia. Khi mẹ mất, một người con là hiếu nam đã làm một bài ca mất mẹ:

Ngủ đi mẹ, ngủ ngàn năm đi mẹ
Biết đâu chừng kiếp khác thảnh thơi hơn
Đêm vắng lặng, đêm ễnh ương không ngủ
Nghiến răng kêu như san sẻ canh buồn
Khi mà trời vẫn từ từ xa dần lòng đất
Khi mà ngày mất mẹ rũ quanh đây
Cũng là lúc lòng con ngàn thương mến
Phủ cả không gian ngập mẹ thân gầy
Lạ, lạ quá!Mẹ ơi, con của mẹ
Chỉ biết thương khi mẹ sắp qua đời
Khi mà đất đã giành phần làm chủ
Xác thân kia trả nguyên vẹn hình hài
Khi mà trời và đất đang từ tâm đón nhận
Mẹ phiêu lưu vào thế giới bên kia
Thì mẹ nhé cho con lời ước nguyện
Một lần thôi ở giữa khoảng chia lìa
Rằng thưa mẹ tha tội cho con nhé
Như vạn lần mẹ từng đã thương yêu
Con biết lắm, mười con không nuôi được
Một mẹ thôi, một mẹ buổi xế chiều
Thì thôi mẹ, ngủ ngàn năm đi mẹ
Ru mẹ đây con tan nát lòng con
Nghìn năm sau rồi ai mất, ai còn
Ai chuộc được lỗi lầm khi mất mẹ.

Chúng ta chỉ nhận ra giá trị của một người khi mà sáng mai thức giấc, người đó không còn ở bên cạnh chúng ta nữa. Hàng ngày, quý vị có thể lơi lỏng, có thể không quan tâm, có khi đem cả cục tiền về đặt vào cha mẹ mà vẫn hờ hững không biết cha mẹ mình vui hay buồn, không biết cha mẹ mình cần sự quan tâm của mình hơn, để đến khi mẹ mất rồi thì ăn năn cũng không còn kịp nữa. Cho nên mới nói “Ai chuộc được lỗi lầm khi mất mẹ”. Vậy thì người biết thương mẹ phải làm như thế nào? Nên tỉnh táo để biết và kịp làm một điều gì đó ngay từ bây giờ sẽ thiết thực hơn.

Trong một tách cà phê có cả vị đắng của cà phê lẫn vị ngọt của đường, đường lắng ở phía dưới, cà phê ở trên, nếu biết khuấy đều cho đường tan thì sẽ có một ly cà phê ngon. Ngược lại, đường không chịu khuấy mà cứ uống cà phê không rồi than ly cà phê sao đắng quá thì có thông minh không? Cha mẹ với con cái cũng vậy, cha mẹ nuôi con vì tình thương, nếu không vì tình thương thì không thể nuôi được vì quá vất vả, vất vả từng ngày mà sự lớn khôn của con quá chậm nên vất vả chồng chất vất vả. Nhưng chúng ta lại quên đi sự hy sinh nhọc nhằn của cha mẹ mà cứ vin vào một số điều nào đó mình chưa vừa lòng rồi trách móc, rồi nói xấu, rồi lấc xấc giống như uống cà phê không khuấy đường rồi than đắng. Cha mẹ vất vả hy sinh cho con, chúng ta lớn khôn chừng nào thì cha mẹ chết dần mòn chừng đó, tại sao chúng ta không thấy vị ngọt hy sinh của cha mẹ mà lại chỉ vì chút vị đắng rồi trách móc cha mẹ?

Có một vị thầy giáo, đến ngày hiến chương nhà giáo, học trò đến thăm, ông thầy dọn ra rất nhiều ly tách, cái thì đẹp, cái thì mẻ, cái thì của Trung Quốc, cái thì của Mỹ, Đài Loan, Nepal…rồi ông rót cà phê từ bình ra mời mấy cậu học trò uống. Mấy cậu học trò thì giành nhau ly kia tách nọ, ông thầy cười nói: “Các em uống các loại ly khác nhau nhưng cà phê có giống nhau không?”. Cà phê đều từ một bình chế ra, đồng một chất nhưng các học trò vì bồng bột nên chấp ly mà quên uống cà phê, cầm cái ly nào thì vẫn chỉ uống được cà phê chứ có gì hơn được đâu, cho nên chúng ta thường vì cái ly mà quên mất cà phê, đó là cái dại dột của mình. Cũng vậy, cà phê từ một bình rót ra chỉ một chất, bố mẹ nuôi con cũng chỉ là một chất yêu thương, một chất hy sinh, một chất tận tụy, không có chất gì khác. Có khi mệt mỏi, bố mẹ la rầy, có khi vì muốn con trưởng thành bố mẹ hơi ép, có khi bố mẹ thấy thoải mái lại thương con. Như vậy, thương hay rầy, đó chỉ là hình thức bên ngoài khác nhau nhưng bên trong chỉ một chất là yêu thương con, muốn con trưởng thành, muốn con thành tài chứ không gì khác. Chúng ta hãy là một người khôn ngoan, đừng chấp trên những hình thức sai biệt của ly cà phê, đừng nhìn vào những la rầy của cha mẹ mà phải thấu qua những thứ đó, nhìn thấu bên trong là tình yêu thương, sự hy sinh và mong mỏi những điều tốt đẹp cho con cái. Như thế chúng ta sẽ dễ dàng cảm thông cho cha mẹ, khi cảm thông được thì lòng chúng ta rộng mở và dễ dàng thương cha mẹ.

Có nhiều người nói:

-Thưa thầy, con với mẹ con từ nhỏ tới lớn rất tuyệt vời, thương lắm mà sao bây giờ mẹ con có những suy nghĩ kỳ lắm, không hợp với con. Bây giờ con muốn thương mẹ mà thương cũng không được, con thấy thật là tội ác nhưng giờ phải làm sao thưa thầy?

Người con này có hai tâm trạng, một tâm trạng là bực bội mẹ, ngày xưa mẹ quá tuyệt vời mà bây giờ sao kỳ quá, một tâm trạng lại thấy không thương mẹ là tội lỗi. Qúy Thầy nói, khi chúng ta có một cái tách nhỏ, hàng ngày mẹ chỉ rót nước cho chúng ta vừa với loại tách đó. Nhưng hôm nay, ngoài loại nước đó, mẹ lại rót thêm một loại nước khác vẫn vào cái tách của mình nên nó tràn. Như vậy, khi rót thêm nước mà bị tràn ra ngoài tức là cái ly của chúng ta còn bé, chưa đủ lớn, muốn chứa hết tất cả các loại nước đó phải tìm một cái ly nào lớn hơn. Cũng vậy, lâu nay chúng ta quen với tình thương ngọt ngào mà chưa quen với thử thách của mẹ nên hôm nay, khi có sự thử thách thì lòng chúng ta còn hẹp, chưa đủ lớn để chứa hết được. Do đó mà không thương, không chấp nhận được mẹ mình như thế và quay ra giận dỗi, trách móc. Một thời gian sau, khi lắng lại, lòng mình mở rộng hơn thì sẽ thấy rằng sự giận dỗi bây giờ là vu vơ, là trẻ thơ, là không nên có và hối hận. Hiểu như thế để mình không hành xử sai, để sau này không phải hối hận khi cha mẹ mất. Vì vậy quý Thầy có khuyên:

– Anh nên bình tĩnh trở lại, bỏ qua chuyện vui buồn. Một thời gian sau sẽ thấy chuyện đó rất nhỏ, anh sẽ thương được nó, còn nếu không như thế, khi bố mẹ anh mất anh sẽ khổ, sẽ khóc nhiều đó, hãy cứ thử xem.

Anh ta vào chùa tập tu được mấy hôm, nhớ về cha mẹ nên đến nói:

– Thưa thầy, mấy hôm vào chùa, con cảm nhận được lòng mình thanh thản, thoải mái, lòng con lớn hơn nên thấy mẹ la con đâu có gì đáng giận. May mà con biết kịp chứ không con giận, con làm sai, mai mốt mẹ con chết chắc con khóc hết nước mắt quá.

Quý vị thấy, khi bồng bột, chúng ta không thấy hết vấn đề, cho nên phải tỉnh táo. Có những người lúc còn trẻ sống với cha mẹ, khi cha mẹ dạy cái gì cũng không chịu, nói cái gì đúng cũng vùng vằng không nghe, lại bực bội trách móc cha mẹ. Tới khi lớn, đi học, đi làm ở xa cha mẹ, đến đêm nằm một mình ôn lại kỷ niệm, nhớ ngày xưa trong gia đình cha mẹ thương mình mà mình sống không phải rồi khóc. Vậy mới biết, cái gì sẵn bên mình, mình hay bỏ rơi và khi xa rồi mới nhớ. Chúng ta biết chậm quá, nhớ chậm quá, mà biết chậm thì có sai lầm, có hối hận, có khổ đau và chúng ta không an ổn. Bởi vậy, khi nào tâm tỉnh lại thì chúng ta sẽ phát hiện ra nhiều điều, và phải ngay khi còn sống trong gia đình, thấy rõ tất cả mọi thứ thì chúng ta sẽ không lầm lỗi với những người chung quanh. Chính đó là tâm mở, lòng sáng, trí sáng thì sự cảm thông, hiểu biết đầy đủ, từ đó sự hiếu hạnh từ trong tâm tự nhiên có ra một cách trọn vẹn và chúng ta xứng đáng là một người con cao thượng, trong sáng trong cuộc đời này.

ĐĐ.Thích Tâm Hạnh

http://tvsungphuc.net/index.php?option=com_content&task=view&id=1197

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.