Mẹ Tôi

Lời đầu

Mẹ, chỉ một âm ngắn gọn nhưng thật cao cả, thiêng liêng.

Mẹ, không những chỉ là con người mà còn cả sông núi, cỏ cây, hồn dân, vận nước, bao trùm cả vũ trụ nhân sinh.
Những chữ “QUÊ MẸ, ĐẤT MẸ” thân thương lắm phải không ? Tôi nặng tình nhưng chỉ xin ấp yêu như bao người biết trân quí tình mẹ bao la ấy.

Ở đây, “MẸ TÔI” nghe riêng lẻ nhưng xin bạn xem đây là tiếng gọi chung vì ai trong chúng ta không là thân thuộc, không là anh em, không là gia tộc của nhau trong nhiều kiếp luân hồi, do đó mà chuyện tôi cũng là chuyện bạn và ngược lại.

Sáu (6) năm qua loạt bài này xuất hiện ở Phật Ân mỗi năm một bài và được nhiều độc giả thân thương hưởng ứng như một khích lệ kính yêu đầy cảm thông và hơn thế là một tấm lòng bao dung đồng cảm.

Giỗ thân mẫu tôi lần thứ 18, tôi in lại các bài này thành một tập để thân ái tặng những người thân thương, trước hết là trong gia đình Phật Ân và gia tộc Đoàn Đình, mong thêm một chút nữa trong mối tương giao đầy đạo vị.

Phật Ân tự, Vu Lan 2550
Minh Tâm


Mẹ tôi – Trích Phật Ân số 4
PL.2545 – DL.2001

Vu lan về con nhớ mẹ
Nhớ nhiều hơn ngày thường
Ngày ngày con nhớ mẹ
Nhớ cả một trời thương.
Trung Phong

Mấy hôm nay, lòng tôi ray rứt, đi dự lễ “Chúc Thọ” của một gia đình Phật tử. Tôi phát biểu rất hay, hay lắm, tôi cảm nhận như thế và mọi người cũng thấy như thế, nhất là gia đình chủ nhân, thấy họ xúc động đến rơi nước mắt và chính tôi cũng phải đưa khăn lau vội nước mắt nó cứ trào ra không kiềm chế được, mà làm sao kiềm chế được khi thấy những đứa con tóc đã bạc quỳ ôm gối người mẹ khóc sướt mướt không nói được nên lời dù chỉ một lời chúc ngắn gọn – làm sao không xúc động khi cả một gia đình trên dưới năm mươi người già trẻ, bé lớn, nam nữ thành kính quỳ lạy sống một bà cụ tóc trắng như bông, ôm đứa cháu nội vào lòng “con có thương nội không?” “con thương nội lắm!” “thương nội thì ráng học cho giỏi, trau giồi đức hạnh cho ngoan” “con cố gắng vâng lời nội” rồi bà cháu ôm nhau, hôn lên tóc, lên trán, lên má – gò má nhăn nheo của bà sát với gò má ửng hồng đầy sức sống của lứa tuổi sinh viên – thấy mà thèm, thèm quá tình thương của bà cháu, của mẹ con – nhìn lại mình, tôi thiếu, thiếu tất cả. Bà nội chết khi tôi mới lên năm, bà ngoại chết tôi ở Đồng Hới, xa nhà nên không gặp, lúc tuổi mới mười hai. Còn ông nội, ông ngoại chết lúc tôi chưa ra đời. Tôi thật quả vô phước, tủi buồn ! Thế mà có những người còn ông, còn bà, còn cha, còn mẹ thật diễm phúc, thật ấm áp tình thân gia tộc, thế mà, họ lãng quên, họ đánh mất, họ phụ rẫy, họ từ chối. Nghe đâu, một số người Việt Nam ta qua ở Mỹ, ở Pháp, ở Ý không cho ông bà gần cháu, họ hấp thụ nếp sống văn minh vật chất, họ sợ, sợ ông bà già lây bệnh cho con họ, lây cái già, cái yếu cho con họ, ông bà thèm ẳm, thèm nựng, thèm hôn cháu mình mà không được nên họ sống cô đơn, tẻ nhạt, buồn chán. Họ thèm sống tại Việt Nam – ở Việt Nam sống với bà con xa gần rất ấm áp – sống với làng với xã rất thắm tình, họ tìm được sự bình an khi đi chùa lễ Phật, tụng kinh bên thầy, bên bạn đạo.

Tôi càng nghĩ, càng ray rứt, càng nhớ mẹ, nhớ bà – nhớ những kỷ niệm bên bà, bên mẹ, không chỉ thuở ấu thơ mà đến lúc trưởng thành tôi cũng có quá nhiều kỷ niệm đẹp trong sự chăm sóc thánh thiện của mẹ, của bà.
Mẹ ơi !

Năm nay con đã 64 mùa xuân đi qua trong cuộc đời, con của mẹ đã già rồi phải không? Mỗi lần thấy mẹ của mấy điệu đến thăm, tình mẫu tử qua ánh mắt, qua nụ cười, qua sự vuốt ve thăm hỏi, con thèm quá mẹ ơi, có người bảo như vậy chúng nó khó tu, có thể – nhưng con thấy chúng nó rất hạnh phúc, có mẹ, còn mẹ thì cuộc đời có gì hơn nữa.

Mỗi lần, hằng năm đến ngày giỗ mẹ, trên bàn thờ bao giờ con cũng cúng mẹ một viên xà bông thơm, một lọ dầu xanh và một thỏi son nhỏ, ba thứ mà mẹ ưa thích nhất. Lúc sinh tiền con thắc mắc, mẹ bảo: “Viên xà bông mẹ dùng giặt khăn mặt và gội đầu trừ gàu ngứa, lọ dầu xanh đề phòng cảm mạo và nếm vào lưỡi một tí cho thông cổ hạ đàm đỡ ho và cũng đỡ hôi miệng – rồi mẹ cười, nụ cười của mẹ thật hiền từ bình dị – còn thỏi son, con thấy thây ma không? – và mẹ tiếp – nếu không điểm sơ một tí son nhè nhẹ, môi thâm đen hoặc trắng chợt như thây chết kỳ lắm”. Hiểu ra, con cũng cười với mẹ và rồi con cũng ghiền dầu xanh và xà bông thơm từ đó, các em Long, Uyển, Châu chúng cũng ghiền như con vậy – có điều, sau 1975 cho đến lúc mẹ qua đời, con không đào đâu ra tiền để sắm dâng mẹ các thứ đó nên mẹ thường thiếu dùng. Bây giờ, dầu xanh và xà phòng thơm con dư dùng thì mẹ không còn trên đời này nữa. Do đó mà mỗi lần đưa tay cầm đến hai thứ này, con nhớ mẹ quá nên chẳng dám dùng nhiều vì tự cảm thấy mình bất hiếu – chắc mẹ hiểu lòng con ! Thương nhỏ Đồng Phúc bao giờ giỗ bà nội nó cũng sắm ba thứ đó cúng nội đầu tiên dù chưa bao giờ thấy được bà nội. Chỉ có T. Thanh và bé Loan ở Mỹ, bé Lan ở Phan Thiết là được mẹ vuốt tóc khen ngoan nên chúng rất nhớ nội.

Mẹ ơi,

Phước duyên con rất lớn, con thường hãnh diện có được một người mẹ siêu tuyệt trong những người mẹ siêu tuyệt rất hiếm có trên đời. Thường thường, cha hát con khen, mẹ hò con ứng, nhưng trong trường hợp của mẹ và con nó không thường tình như người ta tưởng.

Con nhớ lần con chặt một ngón tay (1966) tại văn phòng Quận trưởng Phú Vang để phản đối quân đội Mỹ Thiệu đàn áp Phật giáo, mẹ đã đĩnh đạc đi vào giữa một rừng người trả lời câu hỏi của phóng viên Nhật Bản: “Nếu vì Đạo pháp và Dân tộc con tôi hy sinh cả thân mạng tôi cũng vui lòng huống gì chỉ một ngón tay thì chẳng thấm chi mô”. Mọi người đã ngạc nhiên lẫn thán phục và nhờ vậy mà con chẳng thấy đau đớn gì.

Đời con, lắm nghiệp chướng, nhất là nghiệp ở tù. Sống với bốn (4) chế độ, ở tù đúng bốn (4) lần. Thuở nhỏ, theo Việt Minh (Đội thiếu nhi văn nghệ kiểu mẫu chống thực dân Pháp): ở tù; năm 1963 – chống Diệm: ở tù; năm 1966 – chống Mỹ Thiệu: siêu ở tù; năm 1977 khi đất nước thống nhất, hòa bình lập lại cũng ở tù… Mẹ đã lo lắng, đau khổ vì con. Con đã có lỗi với mẹ nhưng mẹ biết con không có tội, mẹ đi thăm nuôi con đã khóc nhiều vì nhớ thương con nhưng khi người ta hỏi, mẹ đã thẳng thắn trả lời: “Con tôi vô tội nó chống Pháp vì yêu nước thì có tội gì? Nó chống Diệm độc tài gia đình trị thì nó có tội gì? Nó chống Mỹ Thiệu đàn áp Phật giáo, gây cảnh chiến tranh đau khổ cho dân, nó có tội gì? Nó chống đập phá tượng Phật, lấy chùa làm kho, nó có tội gì? Vô lẽ yêu nước, mến đạo, thương dân, chống bất công gian ác là có tội sao? Các Ngài cầm tù nó, tôi lo nuôi, các Ngài giết nó, tôi lo chôn. Tôi rất vui khi có được những đứa con như nó. Các Ngài hiểu mà thả nó ra tù, tôi cám ơn, việc nó làm đúng đắn tôi không ngăn cản, thế thôi”.

Trước mặt họ, mẹ cứng rắn, bản lĩnh là thế, nhưng khi gặp con, nước mắt mẹ lưng tròng, mẹ khuyên con giữ gìn sức khỏe, thường xuyên niệm Phật. Mẹ lặn lội từ Đà Nẵng vào tới Sông Cái (Ninh Thuận) để thăm nuôi con – giỏ thức ăn nặng trĩu, hai tay mẹ sưng vù. Từ xa, trên đường lao động về với các bạn tù, con đã nhìn thấy mẹ, lưng mẹ đã còng, mẹ ốm quá, con muốn chạy đến ôm chầm lấy mẹ, la lên thật to hai tiếng “Mẹ ơi”, nhưng, nội qui của trại cải tạo không cho phép, cán bộ quản giáo hôm đó, ông rất quý mến con, ông là cán bộ tốt, nếu con xin thăm mẹ vài phút, chắc chắn ông sẽ du di, nhưng con nhìn lại mình, eo ôi ! Áo quần rách nát, vá đùm vá đụp mấy trăm mảnh, tay chân bùn đất dơ dáy, vai vác một ôm cuốc to tướng, lao động về mệt lả – với cái tướng này mà để mẹ thấy chắc mẹ đau lòng lắm, mẹ sẽ không yên tâm. Bên lề đường mẹ chăm chăm nhìn từng người tù đi qua trước mặt, con biết, mẹ đang tìm con – con run lên vì cảm động, nước mắt con ứa ra, tim con như thóp lại, đi qua trước mặt mẹ con ngoảnh nhìn hướng khác, trun vai, rút cổ cho nó khác đi, sợ mẹ trông thấy – qua khỏi chỗ mẹ đứng, con hồi hộp liếc mắt nhìn lui và để cho nước mắt tự do tuôi chảy. Vào đến trại, con tắm rửa, lựa bộ quần áo đẹp nhất mặc vào, các bạn tù lại có dịp “chọc quê” : “Có mẹ thăm, sướng hí, tha hồ đồ ăn”. Con im lặng, cho người khác lãnh khẩu phần ăn trưa, trưa nay con gặp mẹ, con đâu cần ăn, đợi máy phóng thanh gọi tên để ra thăm nuôi – từng phút, từng giây dài như cả thế kỷ, rồi cuối cùng cũng được gọi tên, con cố giữ bình tĩnh khi gặp mẹ, cố giữ thái độ tự nhiên cho ra vẻ anh hùng, không để cảm xúc quá đáng, thường tình. Nhưng khi gặp mẹ, nhìn khuôn mặt nhăn nheo, mái tóc điểm bạc, ánh mắt cố dấu kín nỗi thương đau của mẹ – cả hai mẹ con, nhìn nhau, không nói được một chữ thứ hai, mẹ chỉ nói được một chữ “con” nho nhỏ, con cũng chỉ nói một chữ “mạ” cũng chẳng lớn hơn, rồi im lặng. Cả hai mẹ con đều đóng kịch, đóng quá dở, cho đến lúc thấy môi mình mằn mặn, mẹ lại cười, mà nước mắt mẹ cứ chảy – mẹ giễu con “Lớn rồi, gặp mẹ mà khóc, xấu lắm”, con cũng cố nói vui “Còn mẹ, già rồi mà gặp con cũng khóc”, mọi người chung quanh cười ồ, mấy ông cán bộ cũng cười – cả mẹ và con đều cười theo, nhờ vậy mới lấy lại bình tĩnh. Hôm ấy, ông cán bộ phụ trách tốt quá, ông làm ngơ cho hai mẹ con tha hồ mà thăm hỏi và hình như ông muốn tỏ ra công bình, ông nói lớn “Anh Tâm có bà mẹ ở xa, từ ngoài Đà Nẵng vào, và ba năm mới thăm nuôi một lần nên gia thêm thời gian, các trại viên khác hết giờ thì vào để gọi người khác”. Mẹ sung sướng cám ơn rối rít. Bây giờ con mới thấm thía cái câu: “Mẹ già chín chục, còn thương con bảy mươi”.

Xách giỏ thăm nuôi của mẹ tuy có nặng nhưng không nặng bằng lòng con lúc này – con cứ tưởng tượng cái giỏ này con mới xách mấy trăm thước đã thấy ê tay. Vậy mẹ tuổi già sức yếu làm thế nào xách lên xe xuống tàu từ Đà Nẵng vào Phan Rang, từ Phan Rang lên gần Sông Pha – rồi từ Sông Pha vào trại cải tạo Sông Cái mấy chục cây số đường rừng, bụi bặm, nắng gió rát da, mẹ có phép tiên chăng hay chỉ là quả tim của mẹ ? Lòng mẹ cao vời vời – Lòng mẹ quá bao la – Tình mẹ quá ngọt ngào thấm sâu cả vũ trụ – thì Sông Cái với Đà Nẵng đối với mẹ chỉ là khoảng không gian quá ngắn phải không mẹ ? Soạn giỏ thăm nuôi của mẹ, con xúc động hơn khi thấy những thức ăn mà con ưa thích và chắc chắn do chính tay mẹ làm và những dòng chữ chính do mẹ viết “tương ớt để ăn với cơm, bánh cám ăn mỗi ngày hai cái cho khỏi phù thủng, muối đậu mè ăn cho có chất béo…” Cán bộ kiểm tra cũng phải buộc miệng: “Anh có được bà mẹ chu đáo quá, phước lắm đó”. Con hãnh diện: “Mẹ tôi, bà mẹ tuyệt vời trong các bà mẹ tuyệt vời nhất thế giới”.

Mùa Vu Lan 2545
Minh Tâm

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.