Mẹ Tôi

Mẹ tôi – Trích Phật Ân số 5 & 6 – PL.2547 – DL.2003

Mẹ tôi, chỉ có hai tiếng, viết nên hai chữ mà tâm tư bỗng chùng xuống, chùng xuống vì thương mẹ, nhớ mẹ mà mẹ đã không còn, mẹ không còn bằng xương, bằng thịt, nhưng gương mặt mẹ, tiếng nói mẹ, nụ cười mẹ, ánh mắt mẹ kể cả dáng đi, cách ngồi, thế đứng của mẹ không một chút phai mờ trong tâm thức của con !

Mẹ ơi !

Hai năm qua, giỗ mẹ lần thứ 14 và 15 con đã không cử hành như mọi năm, con đã chuyển hướng theo lời mẹ dặn “Đến ngày giỗ mạ, các con cháu chỉ cần thắp ba cây hương tưởng niệm là đủ”. Tuy vậy, các nghĩa tử của mẹ đã giỗ mẹ tại Từ đường (An Truyền), em Châu (con gái út của mẹ) và các cháu nội ngoại ở Đà Nẵng cũng có giỗ mẹ. Còn con, ngày đó (6/12) con đi cứu trợ đồng bào bị bão tại Từ Nham (Sông Cầu, Phú Yên) và hồi hướng công đức đó cầu siêu cho mẹ.

Thật ra, giỗ mẹ đơn giản con đã thực hiện ngay từ đầu, nhưng tình cảm thiêng liêng giữa con với các đệ tử xuất gia, tại gia, các pháp hữu, các đạo tràng, tự tâm họ nhớ ngày, tự động họ tổ chức, sắm lễ đến chùa “Giỗ mệ”, từ một thành hai, hai thành bốn và cứ thế mà lan ra thành cái lệ trong suốt hơn mười năm qua, con đã từng giải thích “Mệ chỉ là một Phật tử tại gia như bao nhiêu Phật tử khác, mến tôi, kính mệ xin quý vị góp lời cầu nguyện là quý lắm rồi, đừng sắm sanh lễ vật, mệ không hưởng mà chỉ thêm mang nợ mà thôi”. Vậy mà, ai cũng ậm ự rồi cứ… và cứ… Do đó, tránh không khỏi miệng đời, thế là con đành phải dời địa điểm “Giỗ mệ” về Huế, nhẹ nhàng, lặng lẽ, thanh tịnh.

Mẹ ơi !

Nói về mẹ, viết về mẹ, con không muốn tìm sáo từ để ca tụng mẹ “Thừa” và điều đó tối kỵ với mẹ, với con và với bất cứ ai có một chút tự trọng, vậy mà bao ký ức về mẹ lại dồn dập kéo về trong trí nhớ của con.

Theo lời ngoại kể, trong mười hai (12) lần sanh thì con và Diệu Uyển có hiện tượng đặc biệt hơn cả. Thường thường, người mẹ rất đau đớn khi “chuyển dạ” trước khi sanh con. Riêng con, mẹ không đau đớn gì cả mà chỉ nhức mỏi ở chân, gần một giờ sau thì con ra đời đúng 5 giờ sáng (cuối giờ Dần), ngày 15/10 năm Mậu Dần (thứ ba, ngày 06/12/1938). Ngoại thường mắng yêu “Mi là cái thằng nghịch ngợm nhất nhà, trước khi ra đời dè đôi chân của mẹ mày mà nhéo” – còn em Uyển, con nhớ rất rõ : đúng ngày cưới anh chị Thuyết (Giờ Mão, ngày 25/09 năm Bính Tuất (1946)). Mẹ trang điểm rất đẹp với tư cách bà mẹ đi cưới vợ cho con (tại làng Hà Trử) trước giờ nộp lễ, mẹ cũng chẳng đau đớn gì, khi bước từ đó lên đường thì em Uyển oa oa rớt xuống ruộng nước, và cũng không rõ vì sao từ đó cả nhà đặt cho nó một cái biệt danh là “Óc ne tai thỏ, ngồi chò hỏ sau nương (vườn)” và lối sống của nó dễ thương nhất trong bảy người con gái của mẹ.

Mẹ ơi ! con ghi điều này để thấy rõ phúc duyên của mẹ con chúng ta, vì cả nhà ta ai cũng theo Phật, tin Phật nhưng tín tâm không bằng được ba mẹ con mình. Mẹ là đệ tử của Hòa thượng Trí Thủ lại được quý Hòa thượng Trí Nghiêm, Huyền Quang, Thiện Siêu và Bổn sư của con kính mến dù mẹ chỉ là một tín đồ nhưng tín đồ rất thuần thành, nhiệt tâm với Phật sự. Còn Uyển, nó cũng có nhiều diễm phúc, trước khi lìa trần được trên hai mươi vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, chứng minh lễ thế phát xuất gia, hộ niệm khi nhắm mắt, tang lễ được tổ chức ở chùa, gần cả trăm tăng ni hộ niệm suốt thời gian tang lễ – vậy đó, con ghi vài dòng để thấy phúc duyên của mẹ con mình với Tam bảo và những hiện tượng tốt khi chúng con chỉ là một thai nhi mới lọt lòng.

Ký ức về mẹ thì quá nhiều, vì đời con xuất gia theo Phật, làm việc Phật, được Phật che chở, trong đó ảnh hưởng và công lao của mẹ rất lớn.

Thuở nhỏ, mẹ và bà ngoại thường khuyên dạy chúng con không được ăn thịt trâu, thịt chó, mẹ giải thích “Chúng là hai loài vật rất có công, hữu ích và rất trung thành với chủ”.

Lớn lên, con mới thấy, mới nhận rõ lời khuyên của mẹ, con chứng kiến tận mắt một chú chó ở Rạng (Phan Thiết) chủ đi vượt biên năm 1975 để lại chú chó trên bờ biển vì không thể đem theo được, hằng ngày chú chó cứ nằm bên bờ biển, mắt dõi trông ra khơi, nhịn đói, nhịn khát, nước mắt chảy dài cho đến chết đói bên gốc dừa, con đã không cầm được nước mắt với nó và không biết chủ của nó qua bên Tây bên Mỹ, bơ sữa dư thừa có còn nhớ đến chú chó trung thành đã chết đói vì nhớ thương chủ ! Các nước Âu Mỹ người ta cũng rất thương chó, chăm sóc chó, có bệnh viện cho chó, có những cuộc thi chó đẹp, chó khôn, chó làm trò v.v…

Ở Việt Nam chú chó của cụ Phan Bội Châu cũng trung thành chết theo cụ, người ta phải lập mộ, dựng bia ca ngợi và chôn nó gần mộ của cụ. Thế mà có người giết chó, nướng chó, thui chó, nhậu thịt chó không một chút từ tâm, thật tội cho loài chó ! Mẹ thường nói vậy.

Trong kinh đức Phật có dạy “khi lục căn thanh tịnh tiếp xúc với lục trần sẽ không bị nhiễm ô”â. Mẹ có được Tỷ căn (khứu giác) khá đặc biệt.

Một lần mẹ dẫn con lên Thành phố Huế, đi ra khỏi nhà chưa quá 100 mét, mẹ đứng lại rồi quay nhanh vào nhà, tỏ vẻ rất khó chịu rồi nói “Thịt chó, họ giết chó trên kia, không đi qua đó được” con thất vọng vì không được đi Phố nhưng ngạc nhiên hơn là con chẳng thấy, chẳng nghe mùi vị gì cả. Tò mò, lần theo đường làng, dọc bờ kinh (hói) đến làng Truyền Nam, một làng nhỏ mà muốn lên Huế, người làng An Truyền phải đi qua làng này, thì quả nhiên con thấy người ta đang làm thịt chó dưới bến. Con chạy về hỏi, thì mẹ trả lời là “Từ nhỏ, bất cứ ở đâu, ai làm thịt chó trong phạm vi hơn 1 km đường kính mẹ điều biết qua tỷ căn và rất khó chịu, phải tránh xa gần cả cây số mới khỏi bị ói”. Con ghi điểm đặc biệt này về khứu giác của mẹ thật quá tinh tường hay nhờ thiện căn quá khứ và cái thiện tâm của mẹ đối với loài chó trong hiện tiền.

Mẹ thật quả là một bà mẹ tuyệt vời đối với chồng, với con cái.

Con làm sao quên được, ba con, một người ăn chơi nổi danh xứ Huế, là một thành viên của Hương Bình Thi xã mà cũng là hội viên hội đa thê, công khai đem về nhà hết bà này đến cô nọ, mẹ lo phục dịch ăn uống không một chút tỵ hiềm, ghen tương, ai đề cập đến vấn đề này, mẹ cười “vợ chồng là duyên nghiệp, đã một tá con rồi chưa đủ khổ sao còn ghen tương để chuốc thêm cái khổ”. Thế mà ba con chưa bằng lòng, đôi lúc đánh đập mẹ nữa, chúng con thương mẹ, chỉ biết khóc, còn mẹ, mẹ cười qua nước mắt: “Nghiệp mạ, mạ lo trả, mạ không oán trách, các con cũng vậy, Phật dạy, cuộc đời sướng khổ do mình, muốn gia đình êm ấm thì phải biết hi sinh và chịu đựng nghịch cảnh”. Chúng con gượng vui cho mẹ yên lòng.

Năm 1951 tản cư, chạy giặc về, chúng con đói khổ, mẹ đi năn nỉ vay mượn từng lon gạo về trộn với lá môn, rau lang, củ chuối nấu nhừ như cháo cho heo ăn, phát mỗi đứa một chén, không đủ no, mẹ lại nhịn phần cho chúng con, chúng con lại nhường cho mẹ, mẹ con nhường nhau, nhìn chén cháo rau đẩy qua đẩy lại, tám mẹ con một chén cháo, các chị con tủi thân ôm mặt khóc, còn mẹ, mẹ lại cười mà đôi mắt mẹ đỏ hoe, nước mắt chảy xuống má, mẹ bảo: “Thôi, các con phải nghe mạ, con Trang, Điểm, Diệm chuẩn bị đi mót lúa, còn chén cháo ba đứa Phúng, Điệp, Long chia ra làm bốn, ba anh em ăn mà đi học, một phần cho Uyển, mạï còn no”.

Mẹ ơi, mẹ ăn gì đâu mà no ? Mẹ thấy chúng con còn đói, còn thèm, mẹ nhường ! Ôi, chén cháo rau lưa thưa một ít gạo, mẹ cũng nhịn cho chúng con, nhìn mẹ, chúng con biết mẹ đang đói, mẹ ốm, mẹ xanh xao, gầy guộc, sức mẹ yếu, mười hai lần sinh nở, bồng con chạy giặc, phục vụ gia nương, suốt đời con chưa thấy mẹ thong thả, lo đứa này đến đứa khác, mẹ khổ suốt đời, có lẽ, không ai thông cảm nỗi khổ của mẹ bằng con, mấy chị con đi lấy chồng sớm, mẹ ráng sức cho ba đứa con trai ăn học, con phải nghỉ học sớm để giúp mẹ: sáng gánh hàng xuống chợ để mẹ bán, trưa lên mở quán hớt tóc, chiều gánh nước nấu cơm, tối đạp xe đi học, rồi mở lớp dạy thêm kiếm tiền giúp anh Phúng và em Long tiếp tục học, thấy vậy mẹ không đành, mẹ từng vuốt tóc con an ủi cảm thông, trong ba đứa con trai, con thiệt thòi nhất, nhưng bù lại con giúp được mẹ chút chút khó khăn nên con rất an tâm và hãnh diện, nhưng sống trong bốn chế độ con bị đủ bốn lần tù làm mẹ đau khổ không ít. Anh Phúng đau mấy trận, mẹ con mình lo, Long cũng bao lần đại nạn mẹ con mình cũng gánh vác cùng với hai người dâu, nhưng cuối cùng cũng đành chia ly vĩnh biệt.

Bây giờ, mười tám đứa cháu nội con Phúng và Long không rõ chúng nó có nghĩ, có nhớ gì về Bà nội đã suốt đời chịu đựng và hi sinh cho ba của chúng. Còn con, kiếp Tu sĩ không nhà, không vợ con, luôn niệm câu “Bát Nhã” và vì vậy, Vu Lan về con không cài hoa trắng mà cũng không có hoa hồng, các em Gia đình Phật tử cài hoa vàng cho con, màu vàng của chiếc y giải thoát. Vậy mà bao giờ cũng thế, khi cầm nhang cầu nguyện, hoặc khi lên Pháp tòa, sau khi nhớ Phật, niệm Phật xong, con vẫn nhớ mẹ và thầm gọi “Mẹ ơi !” vì mẹ cũng là Phật, Phật trong con. Phải không mẹ.

Mùa Vu Lan 2547

Minh Tâm

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.