Mẹ Tôi

Mẹ tôi – Trích Phật Ân số 7 – PL.2548 – DL.2004

Sửa bài cho mấy chú điệu, tôi đọc một bài thơ của chú T.G viết để nhớ mẹ của chú đã chết trước đây hai năm. Không rõ cái duyên như thế nào, suốt đời của chú và tôi chưa biết, chưa quen, chỉ nghe nói và cũng chỉ nghe mấy cuốn băng giảng của tôi, mẹ T.G mong ước gặp tôi trước khi chết vì bệnh quá nặng. Ở cách nhau quá xa, lại chưa gặp lần nào nên cũng khó. Thế mà, trong dịp tôi lên Buôn Ma Thuột để giảng lễ chúc thọ mẹ của Trung Nhật (đệ tử tôi) nên tranh thủ nhờ mấy Phật tử dẫn đến thăm. Nhà T.G cách thành phố Buôn Ma Thuột hơn 15 cây số. Dù đang bệnh nặng, Võ Thị Sương nghe tôi đến, ngồi dậy như người khỏe mạnh, “Mô Phật, con mừng quá Thầy ơi, đột xuất Thầy đến thăm, con toại nguyện rồi, không hiểu sao, chưa quen chưa biết chưa gặp Thầy mà con cứ mong gặp Thầy trước khi chết, nay con đã toại nguyện”. Qua vài lời thăm hỏi, an ủi, khuyến khích Sương niệm Phật và ý thức vô thường nằm trong định luật sinh lão bệnh tử.

Tôi hỏi: “Con muốn gặp Thầy có ý nguyện gì không?”. “Có – Sương trả lời – con mong Thầy cầu siêu cho con và giúp con nuôi thằng Út”. Tôi cười, “Cầu siêu cho con thì được, còn nuôi thằng Út, cái đó còn tùy nghiệp duyên”. Tôi không nỡ từ chối mà cũng không dám nhận lời vì mấy năm qua tôi không còn nhận điệu. Tôi trở về chùa thì mấy hôm sau Sương chết, bà ngoại và cậu nó đem T.G về xin cho nó tu. Đã hơn hai năm, hôm nay chùa làm báo, nó làm bài thơ “Nhớ Mẹ”. Hình ảnh mẹ nó cận tử nhất sanh chẳng lo cho bản thân mà lo cho đứa con út sợ không có nơi nương tựa, mong gặp tôi để gởi gắm mới yên lòng nhắm mắt. Ôi! tình mẹ cao quý, tình mẹ bao la, vì thế, tôi lại nhớ mẹ tôi, tự kiểm điểm bản thân, suốt đời làm cho mẹ vui thì ít mà buồn phiền, lo nhọc thì nhiều, tôi cảm thấy bất hiếu dù không chủ tâm. Bà ngoại tôi kể lại: “Lúc nhỏ mày bụ bẫm, khôi ngô, đau một trận gần chết, mẹ mày mất ăn mất ngủ bồng đi bác sĩ, gặp Bác sĩ Sa, ông ta không có con, muốn nhận mày làm con nuôi ông ta mới chữa, mẹ mày phải lạy lục xin ông ta chữa, nhưng không chịu xa con. Cảm động, ông ta chữa cho mày sống lại. Mẹ mày mừng quá đã quỳ lạy ông ta thật sự”. Mẹ ơi, vì con mẹ đã lao nhọc lại còn quỳ lạy người ta để cứu sống mạng con. Con hình dung cái cảnh mẹ vì con mà quỳ lạy thiên hạ cũng đủ đo lường tình thương của mẹ đối với con cao cả đến chừng nào!.

Năm 1966 hình ảnh mẹ theo nhỏ Tôn nữ Huệ giả làm bà đi cấy, ra tận đồng Phổ Minh mà thăm con tại nhà bác Mạnh khi con và Phan Văn Diên trốn Thiệu Kỳ ở đó, Diên nó cười chọc quê “bà cụ trắng trẻo, thanh nhã như hoàng hậu mà giả làm dân đi cấy, nhìn chẳng giống tí nào, rứa mà cũng lừa được mấy đứa Công An Thiệu Kỳ, cũng lạ”. Diên nó đã đánh giá trật lất vì sau đó nhà bác Mạnh nơi tôi trốn bị động, may có nhà bác Đính bên kia sông qua đó con mới thoát nạn.

Đời con bao nhiêu lần tù là bấy lần làm mẹ khổ, mẹ lo, mẹ nhớ, mẹ lặn lội đi thăm, mẹ tìm cách hối lộ cho Công an, cho cán bộ để được thăm, được gặp mặt, để xem con ốm hay mập, có bị tra khảo đánh đập gì không! Ăn uống thế nào?

Những thức ăn mẹ bới cho con chính tự tay mẹ làm, ở nhà con thích thứ nào thì mẹ làm và bới cho con thứ đó, tương ớt mẹ làm thật ngon, mẹ pha chế tài tình, cái hương vị thơm, cay, ngọt, mặn, béo hòa lẫn vào nhau, người khó ăn thế nào khi nếm vào cái lưỡi cũng thấy ngon đáo để. Chè kê, chè đậu xanh mẹ nấu thì tuyệt vời, dù cái bụng đã đầy mà cái miệng vẫn còn muốn ăn tiếp, muối mè muối đậu mẹ rang thì thơm phưng phức, đứng xa mấy chục thước nước miếng cũng nhiễu ra, đặc biệt canh mướp đắng (khổ qua) mẹ nấu, mẹ xắt mỏng như lá lúa, để vào miệng thì nhai đã tiếc mà nuốt chẳng đành lòng, sợ nuốt nhanh uổng đi cái hương vị đăng đắng, thơm thơm của những hợp chất gia vị.

Khi con đi tu, mẹ vui mừng khuyến khích. Khi đã lớn mặc dù gần 50 tuổi, đã là Giảng sư, Thượng tọa, mỗi lần về thăm nhà, mẹ vẫn coi con như trẻ nhỏ lên ba, mà chính con, khi gần mẹ, con cũng cảm thấy mình còn nhỏ, còn quá nhỏ. Mẹ nấu bồ kết gội đầu cho con, bàn tay nhăn nheo của mẹ vò cái đầu không tóc của con nó êm ái, nhẹ nhàng như bàn tay của Phật, con tưởng tượng như thế vì với cái tuổi gần 50 và vị thế như con ai dám sờ đầu, chỉ có Phật, chỉ có mẹ vì mẹ là Phật của con. Khi con ăn cơm, mẹ ngồi một bên khuyên bảo “đi đường mệt, gắng ăn một chút rồi đi nghỉ”, “rau mạ rửa đó con”. Mẹ biết tính con sạch sẽ, rau ăn phải lặt và rửa kỷ, mẹ nói để con yên lòng mà ăn cho ngon miệng, vì chỉ có mẹ, mẹ lặt rau, mẹ rửa rau, mẹ vo gạo thì con tin tưởng tuyệt đối, dù chị, dù em gái cũng thương, cũng lo, cũng sạch sẽ nhưng làm sao bằng mẹ được!

Mẹ là con nuôi của cụ Nguyễn Thượng Hiền (một trí thức yêu nước) nên mẹ rất giỏi về nữ công gia chánh, mấy người con gái mẹ truyền thụ đã đành, ba thằng con trai mẹ cũng bắt học làm bánh, làm mứt, thêu thùa, may vá, nấu ăn, có lúc ham chơi, con bất bình vung văng thì mẹ cười dịu dàng bảo “Mạ biết, con là con trai, không muốn học cái việc của đàn bà, nhưng con phải biết để sau này dạy vợ dạy con, để vợ con nó nể, hơn nữa biết thêm để phòng khi cần, tự lực tự lo có hại gì đâu!”. Anh Phúng con thì quá giỏi, mẹ làm gì anh học qua là biết, còn con, cố nghe lời mẹ nhưng cái tính xắc lắc, lười biếng đôi lúc làm mẹ buồn. Con muốn chơi đá bóng, mẹ bảo chạy đuổi giành nhau như vậy lỡ gãy tay gãy chân, dù rất muốn con cũng không dám, con học đàn, mẹ bảo sợ đau tim, con học thổi sáo, mẹ bảo hao hơi và ma nó dụ, con biết mẹ không cấm nhưng mẹ hạn chế để chúng con đừng ham mê mà bỏ học. Điều đặc biệt ở mẹ là tôn trọng con cái và coi bạn bè của con như con nên bạn bè của chúng con đều xem mẹ như Dưỡng Mẫu, rất mực yêu thương và khi mẹ qua đời con chưa kịp về thì chính những vị này đứng ra lo tang lễ của mẹ rất chu đáo, như anh chị Nhu, anh chị Hoài, Tư (Cự Lại) Ty, Cúc, Nhạn ở Diên Trường, và cho đến bây giờ các anh chị đều có thờ và giỗ mẹ hằng năm. Một chân tình chung thủy mà con rất trân quý. Tình thương của mẹ dành cho con cũng có phần vượt trội hơn các anh chị em trong nhà, nhưng không có ai đố kỵ vì mẹ xử sự rất công bằng, mẹ thường dạy “thằng Điệp nó chịu thiệt thòi, nghỉ học sớm để cùng mẹ lo việc gia đình, giúp Phúng và Long ăn học, nó gánh vác công việc và lo cho gia đình tụi bây, có gia đình đứa nào mà nó không lo đâu? Đời nó làm lụng vất vả từ nhỏ đến lớn, bây giờ lại độc thân không ai chăm sóc, như tụi bây có chồng, vợ, con cái, dù sao vẫn ấm áp hơn nó”. Do đó, con ở và làm việc bất cứ nơi đâu mẹ cũng tìm đến coi chỗ ăn, chỗ ở, chỗ làm việc của con, mới yên lòng. Tháng nào mẹ cũng gởi thư thăm hỏi, nhắc nhở “gắng lo ăn, uống, ngủ, nghỉ có điều độ, bảo vệ sức khỏe, làm việc vừa phải để bảo vệ Dân tộc và Đạo pháp lâu dài, nhất là đừng ngã mạn tự cao, đừng gây thù kết oán, ở cho người ta thương, đi cho người ta nhớ, đừng lo nghĩ chi cho mạ, mạ còn khỏe và vẫn có tiền của tiêu xài…”. Có những lúc mẹ bệnh vẫn không cho Long, Uyển, Châu tin cho con biết, sợ con lo mà sinh bệnh hay lơ là Phật sự, khi mô mẹ chết mới được tin, còn hấp hối cũng đừng nhắn.

Khi con ở Cam Ranh, Tuy Hòa, Phan Thiết mẹ đều có đến nơi thăm vài hôm rồi về. Khi mẹ về rồi con mới biết là mẹ đã đến quý Ôn, quý Thầy và những Phật tử quen thân gởi gắm, nhờ họ chăm sóc khi con đau ốm hoặc tiếp tế những thức ăn mà con ưa, mẹ làm như con là những học tăng khờ dại, con nít, không tự lo được cho mình! Con thấy mẹ lo lắng như thế, con chỉ cười, bây giờ con mới thấm thía nỗi lo của mẹ, con thấy hạnh phúc tràn đầy, thì mẹ ơi, mẹ đâu còn trên đời này nữa để con nói được vài chữ niệm ơn mẹ!

Trong những ngày mẹ con mình nuôi anh Phúng bị bệnh, hai lần mổ ở bệnh viện Nha Trang, một lần ở bệnh viện Chợ Rẫy, con thì thức trắng đêm gần sáu tháng trường, chị Phúng lo ngoại giao ơn nghĩa với Bác sĩ, còn mẹ, ngồi còm lưng gọt từng củ khoai tây, canh từng hạt gạo nấu cháo cho anh Phúng. Hình ảnh mẹ năn nỉ bảo vệ để vào cổng, người gác thang máy để được bới xách, có lúc xách cháo lên cầu thang, đi lên mươi bậc cấp mẹ vịn cầu thang đứng thở hổn hển rồi tiếp tục từng cấp một rất khó nhọc. Đến phòng thì mẹ ngồi thở dốc, duỗi chân ra bóp nắn cho đỡ mỏi, mặt tái nhợt vì mệt, ngày này qua ngày khác, chị Từ, anh Thuyết cũng phải phàn nàn “dì già rồi, để mấy cháu nó lo cho, lỡ đau ốm thì khổ”. Mẹ cười “các cháu còn dại, không chu đáo, dì già, chết không sao, chứ em nó còn trẻ, con đông, nếu có mệnh hệ gì lũ con nó khổ” mắt mẹ lại đỏ hoe, nước mắt chảy ra trào xuống đôi má nhăn nheo của mẹ, chị Từ cũng mủi lòng khóc theo. Vậy rồi, anh Phúng cũng qua đời, mẹ lại khóc luôn mấy tháng, chưa nguôi, thì em Long ngã bệnh, mẹ con mình lại chăm sóc nuôi bệnh, Bệnh viện Đà Nẵng đầu hàng, ra Huế tìm thầy thuốc hay, bác sĩ giỏi, mượn máy móc về nhà, kể cả việc mời anh Ngạn (đã tự vận hơn 40 năm) xin giúp (cầu hồn) nghĩa là “hữu sự vái tứ phương” mê tín mẹ cũng ừ, dị đoan mẹ cũng chịu, miễn hy vọng con mẹ còn sống thì việc gì mẹ cũng làm.

Bây giờ đọc Kinh Báo Ân mới thấy thấm thía lời Phật dạy.

Em Long chết, mẹ lại khóc, lại buồn, lại đau, lại bệnh. Chỉ 1, 2 năm sau thì chị Trang lại qua đời. Thế là chín đứa con đã bỏ mẹ mà đi, đi vĩnh viễn. Mẹ lại thư cho con “Điệp ơi, đã 9 đứa bỏ mạ mà đi, còn một mình con, hai em út con, Uyển và Châu còn dại, con gắng giữ gìn sức khỏe, đừng để mạ chết không ai chôn” thư nào cũng vậy, mẹ đều lo cho sức khỏe của con. Mẹ lặn lội vào tận Long Thành để xem cái chỗ con ở, Mẹ với bà Mười tâm sự, nhìn cái chòi, (gọi là cái cốc) vách đất lợp lá, mẹ lại phàn nàn “nhà cao cửa rộng không ở, phố thị không tới lại đục vô cái rừng cao su này, lỡ đau ốm mần răng” rồi mẹ lại cười “Thôi cũng được, Phật đã bỏ ngai vàng vào rừng tu mới thành đạo, con bắt chước Ngài mạ không dám nói chi, nhưng khi mô đau ốm nhắn cho mạ biết”.

Mẹ về Huế, lại gởi thư vào, lại nhắc nhở, lại đòi gởi tiền vào cho con tiêu, thư của mẹ con còn giữ lại nguyên cả chồng, nhưng không dám mở ra xem lại, chắc mẹ hiểu lòng con, con chỉ để lại để nhắc nhở mình, để nhớ mẹ, để thấy cái phúc báo của con, để thấy một bầu trời cao rộng của mẹ, một bể cả mênh mông trong quả tim của mình, là hơi thở ấm nồng tình mẫu tử trong chồng thư ấy.

Rồi sau này, trao lại cho bầy con anh Phúng, cho Minh Trí thằng cháu đích tôn của mẹ, à, Trí nó đã chết mấy tháng trước đây, nó có đi tìm bà nội? Nó còn thằng Minh Mẫn đích tôn của anh Phúng. Lễ chung thất Minh Trí, con làm lễ Giải Oan Bạt Độ, Chẩn Tế Cô Hồn, cầu cho cả dòng họ. Cháu Hạnh biết nghe lời, thương chồng, con bảo sao nó nghe vậy, cả bầy em của Minh Trí đã lớn, đã hiểu biết, nên sống rất có tình. Tội chị Phúng, thương con, khóc như dại, ốm xanh, có lẽ bây giờ chị mới hiểu, mẹ mất anh Phúng như chị mất thằng Ty, lũ cháu mất anh mới hiểu nỗi lòng của chú nó. Minh Mẫn rất dễ thương, lễ trai tăng nó đọc bài tác bạch, các Ôn các Thầy đều rất cảm động… rồi còn Đình Luyện, Tiên Sa, Lủy, Lập, anh Dũng, Đức Tâm, Linh, Chí Thiện….. Còn con, chùa là nhà, Thầy tổ là cha mẹ, bổn đạo là bà con, đệ tử là con cháu. Con có cả đại gia đình, đại gia đình là Phật giáo. Nhưng mỗi lần nhớ đến mẹ con vẫn thấy thiếu, thiếu cái khó tìm nhất là thiếu mẹ, mỗi lần như thế con chỉ biết niệm Phật, mầu nhiệm thay, niệm Phật là con thấy an lòng, niệm Phật là con bớt nhớ mẹ, niệm Phật là con cảm nhận như mẹ ở bên con, mẹ còn đó, mẹ mãi mãi sống với con. Nhớ Phật là có mẹ, nhớ mẹ là con niệm Phật.

Vu lan về
Con niệm Phật.
Con niệm Phật
Để nhớ mẹ của con.
Mùa Vu Lan 2548
Minh Tâm

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.