Mẹ Tôi

Mẹ tôi – Trích Phật Ân số 8 – PL.2549 – DL.2005

Một điều kỳ lạ, khi cầm viết để viết bài này mới viết được hai chữ “Mẹ tôi” thì người trực điện thoại ở chùa báo tin có Đồng Phúc gọi gấp (vì an cư thì chùa cắt điện thoại, chỉ khi cần thiết lắm mới găm vào để liên lạc). Tôi vẫn giữ lập trường không nghe, không gọi, nhưng người trực lại báo tin “Chị Phúc báo là Long (con trai của Phúc) đang hấp hối”. Tin bất bình thường này, tôi phải cầm máy. Nghe tiếng tôi Phúc chỉ nói được hai tiếng “Thầy ơi” rồi khóc nức nở trên điện thoại không nói được chữ thứ ba. Nỗi đau của người mẹ khi thấy con sắp chết…Thế là hình ảnh mẹ tôi lại kéo về trong ký ức, khi mẹ tôi chứng kiến cảnh những người con đã bỏ mẹ tôi mà đi trước, đi vĩnh viễn không bao giờ trở lại. Đồng Phúc chỉ có một người con trai duy nhất là Long, con một, dù không thấy, tôi cũng hình dung được nỗi đau xé lòng của Phúc, tôi thấy không đủ sức khuyên giải Phúc lúc này. Tôi bảo Phúc trao máy cho Hưng (em Phúc) để tôi nói chuyện… để máy xuống, tôi lại thẩn thờ vì nhớ mẹ, thương Phúc.

Mẹ tôi 12 lần sinh và chứng kiến 9 cái chết của 9 đứa con (4 trai 5 gái) và khi mẹ tôi mất chỉ còn 3 đứa (1 trai, 2 gái). Hầu hết, anh chị em tôi chết vì bệnh và đều chết trước sự chứng kiến của mẹ tôi, chỉ trừ chị ba là mẹ tôi không thấy.

Tôi nhớ rất rõ, mỗi lần có chị em tôi chết mẹ tôi thẩn thờ như người mất hồn, hầu như không còn nước mắt, thỉnh thoảng, bà chỉ gọi hai tiếng “con ơi” rồi bất tỉnh, cả người lạnh ngắt, nhiều lúc tôi cũng hoảng hốt tưởng mẹ tôi đã tắt thở, phải lấy dầu thoa bóp tay chân, có lúc phải làm hô hấp nhân tạo mẹ tôi mới tỉnh lại, mẹ tôi đau khổ nhất là cái chết của anh Phúng và em Long vì hai người này mẹ tôi đã săn sóc nuôi bệnh mỗi người trên 6 tháng rồi cũng bỏ mẹ tôi mà đi, nên nỗi đau của mẹ tôi tăng lên gấp bội. Tôi muốn nói với hai đàn cháu nội của mẹ tôi là con Phúng và Long rằng : “Bà nội của chúng nó suốt đời vì chồng, vì con, vì ba nó và vì hai đàn cháu nội mà bà đã gánh chịu quá nhiều oan trái, đau buồn”.

Hình ảnh của mẹ tôi ôm thằng Ty (Minh Trí) và được ôn Trí Quang chở đi bệnh viện, một diễm phúc cho cả bà và cháu. Rồi hình ảnh mẹ tôi, 1975, ôm thằng Rớt (Tiên Sa) theo tàu Hải quân di tản từ Đà Nẳng vào Nha Trang và nó chỉ sống nhờ nước miếng của bà nội và phải chăng nhờ cái lộc đặc biệt ấy mà Rớt bây giờ mập mạnh, to béo nhất nhà! Khi chạy giặc mẹ Rớt (em dâu tôi) đã rớt nó trên bãi biển Tiên Sa Đà Nẵng, nên gọi nó là Rớt và đặt tên Tiên Sa để kỷ niệm. Bà nội làm bà đỡ rồi ẳm nó chạy xuống tàu, lạc mẹ, nó không sữa, không hồ, chỉ nhờ nước miếng, thế mà nó vẫn sống được, mẹ tôi thường nhìn nó mà cười “cái thằng Rớt trời đánh cũng không chết mô”.

Riêng tôi thì quá tệ, dùø được mẹ tôi thương và cảm thông cái nghiệp chướng của mình, tôi vẫn thấy mình là người bất hiếu vì trong cuộc đời tôi làm mẹ vui thì ít mà buồn thì nhiều.

1963, khi biết tôi đang bị Tổng Thống Diệm giam ở Đà Nẵng mẹ tôi đã vào tận nơi, xin thăm nuôi mà không được, rồi tìm cách đút lót (hối lộ) cho công an trại giam gởi cho tôi một hủ chè đậu xanh đánh, chỉ cần nhìn hủ chè là biết ngay mẹ tôi nấu, cái hương vị không tìm đươc ở người thứ hai nấu như thế. Tôi đã trở thành một tên tham ăn và ích kỷ khi dấu kỹ hủ chè và lén quẹt từng miếng mà thưởng thức không cho ai thấy vì sợ họ xin hoặc ăn vụng, một hủ chè mà tôi ăn gần bốn ngày mới hết, vì đâu dám ăn nhiều, mỗi ngày chỉ vài quẹt để tận hưởng niềm hạnh phúc lớn lao của tình mẫu tử.

Một bữa, công an dẫn tôi lên phòng hỏi cung, khi trở về anh ta dẫn tôi đi vòng theo bờ thành rào và đi rất chậm. Thấy lạ, tôi chú ý, thì ra, mẹ tôi đang lấp ló ngoài rào và đang dán mắt vào cái khoảng cách nho nhỏ của các tấm lam. Mừng quá, tôi gọi nho nhỏ :

– Mạ !

Mẹ tôi cũng chỉ nói nhỏ tiếng “con” rồi lau nước mắt.

– Sao dẫn nó đi ngõ đó?

Tiếng một tên công an đứng trong nhà hỏi vọng ra, tên công an dẫn tôi đi trả lời :

– Dẫn nó đi tiểu.

Hiểu ý, tôi vờ ngồi xuống, như đàn bà, và nói nhỏ :

– Không sao, con vẫn khỏe, họ không đánh đập gì cả mạ đừng lo.

Mẹ tôi cũng nói nhỏ :

– Để mạ nhờ các anh lo cho con ra”.

– Xong chưa ? Đi vô.

Tên công an ra lệnh, tôi đứng dậy nói to :

– Xong rồi.

Tên công an đến gần tôi nói nhỏ :

– Bà cụ đứng ngoài đường khóc lóc đã ba ngày, tôi không đành lòng mới cho thấy anh, chỉ tiếc, tôi không có quyền.

Tôi lại cám ơn. Sau khi ra tù tôi mới biết vợ người công an là một Phật tử đã thuyết phục chồng giúp đỡ bày cách cho mẹ con tôi gặp nhau như thế.

Khi mẹ tôi trở về, nhờ mấy người anh có chức lớn trong chế độ Diệm nhưng không có quyền vì không chịu theo Chúa hay vào Đảng Cần Lao do đó không đem tôi ra khỏi tù được.

Năm 1966, khi cuộc tranh đấu của Phật Giáo đến giai đoạn quyết liệt, Phật Giáo đem bàn thờ ra đường, bị xe quân đội Mỹ làm đổ, với tư cách Phó Chủ tịch lực lượng tranh đấu liên huyện Phú Vang và Phú Thứ, thương lượng từ 10 giờ trưa đến 4 giờ chiều chưa ngã ngũ, tôi phải tự chặt một ngón tay để khỏi kéo dài qua đêm bất lợi cho Phật Giáo vì cả ngàn đạo hữu, huynh trưởng và đoàn sinh Gia đình Phật tử hai huyện đang vây quanh Quận đường sẽ rất nguy hiểm cho các em.

Nghe tin, mẹ tôi đến tại văn phòng quận Phú Vang. Trước mặt một trung tá Mỹ và ông Đồng Sĩ Chương – Quận trưởng, ông Hồ Đình Chi – Chi trưởng Công an Quận, mẹ tôi đĩnh đạc đi vào, im lặng nhìn vũng máu và ngón tay tôi trên bàn ông Quận trưởng rồi cười, một nụ cười rất tự nhiên và tự tin, nén sự thương cảm khi mọi người dõi mắt quan sát thái độ của mẹ tôi, một Huynh trưởng Gia đình Phật tử đem đến một cái ghế “mời mệ ngồi”, trong lúc các nghĩa quân dọn dẹp súng ống, lựu đạn vất bừa bãi trong phòng vào một góc nhà, các vũ khí này là của công an, cảnh sát, nghĩa quân, dân vệ hưởng ứng theo tôi đã bỏ lại để ra đứng vào hàng ngũ Phật Tử tranh đấu.

Ông Đồng Sĩ Chương – Quận trưởng, rất lúng túng nhưng rõ ràng là đứng về phía quần chúng Phật Tử gọi điện thoại cầu cứu ông Tỉnh trưởng về giải quyết, còn ông trung tá Mỹ ngơ ngáo hết nhìn tôi, nhìn vũng máu trên bàn, nhìn đống vũ khí rồi nhìn ra sân cả ngàn Phật Tử đang đứng chờ đợi với một thái độ cương quyết, uất ức, căm giận.

Có người lên tiếng hỏi mẹ tôi :

– “Chừ mần răng mệ ?” Mẹ tôi dõng dạc trả lời :

– “Mần chi, nếu vì sự tồn vong của Đạo pháp và Dân tộc mà con tôi bỏ cả thân mạng tôi cũng vui lòng chớ mất một ngón tay thì đã có chi mô”.

Tuy nói cứng, nhưng nước mắt của mẹ cũng lưng tròng. Tôi vẫn ngồi yên để y tá băng bó chờ sự giải quyết của viên Trung tá Mỹ và ông Quận trưởng Đồng Sĩ Chương, trong lúc Chi Thông tin Phú Vang đem máy phóng thanh bắt loa trước Văn phòng Quận để người Mỹ và chính quyền xin lỗi. Mẹ tôi đứng lên nói : “Chính quyền và đại diện nước Mỹ đã xin lỗi, được rồi, mạ về, còn con, tự biết bổn phận và trách nhiệm của mình”. Mẹ tôi bước ra xe về nhà không hề quay nhìn lại, nhưng tôi biết rất rõ, vì nhìn theo, tôi thấy mẹ tôi kéo áo lên lau nước mắt. Tôi quan sát thấy viên trung tá Mỹ rất lo âu lẫn xúc động còn ông Chương lo lắng hơn nhưng lộ vẻ hãnh diện, trong lúc ông Chi trưởng Chi Cảnh sát Quận kề tai tôi hỏi nhỏ “Mình sắp thành công rồi, có đau không ? Hãy bảo vệ sức khỏe để còn tiếp tục”, tôi cười, không đau đớn gì cả, mà thật như thế đến chiều tối ngón tay nó mới hành.
Năm 1968, ba tôi mất tại Nha Trang, mẹ tôi vào trước Tết nên thoát nạn Mậu Thân ở Huế, mẹ tôi nhờ người về Huế tìm tôi nhưng mới đến Đà Nẵng thì đã gặp tôi đã vào trốn tại chùa Tỉnh Hội, người tìm trao thư của mẹ, tôi đọc kỹ và nhớ rõ mẹ tôi viết : Đám ma ba con có thầy Trí Nghiêm lo rất chu đáo, mạ vẫn khỏe, chỉ lo cho con không biết sống hay chết, nghe ông Loan ra lệnh gặp con đâu là bắn đó nên mạ rất lo. Mạ có nhờ anh Từ và anh Thuyết (anh Từ và anh Thuyết là hai người anh ruột của tôi đều làm lớn trong ngành cảnh sát của Thiệu Kỳ) xin cho con mà họ bảo con là Việt Cộng nằm vùng nên các anh đó xin không được và họ đòi cách chức mấy anh đó nữa. Nếu còn sống con tìm cách trốn vào Nha Trang, thầy Trí Nghiêm sẽ che chở, mạ rất nóng ruột muốn được tin con.

Trốn tại chùa Tỉnh Hội Đà Nẵng được mấy tuần, vâng lời mẹ, tôi tìm cách vào Nha Trang, mẹ tôi rất mừng, ngày nào cũng nấu thức ăn ngon ép tôi bồi dưỡng. Tôi lên ở Phật Học Viện mấy tuần, bị động, mẹ tôi nhờ ôn Trí Nghiêm gởi ra ở với thầy Viên Giác, làng Xuân Tự Ninh Hòa, cũng không xong, cuối cùng anh Thuyết tôi bảo lãnh tôi vào ở Cam Ranh, làm việc tại Văn phòng thị giáo hội với thầy Viên Đức, sau đó với thầy Đức Chơn và kết thân với các thầy : Huệ Tánh, Thiện Đạo, Giác Tuệ, Thiện Huệâ, Phước Châu, Phước Thắng, Hạnh Phát…

Ở Cam Ranh, mẹ tôi thường vào thăm có lần bà đọc tờ báo Quảng Hương thấy tôi viết bài chống chính quyền đương thời mẹ tôi ôn tồn bảo : “Người có lập trường, có mục đích không sợ khổ, sợ khó, rõ ràng là tốt, nhưng tính ngang bướng của con sẽ gặp trở ngại nhiều, viết nhè nhẹ để thức tỉnh người ta, con viết bài đốp chát quá họ tự ái rồi trả thù, họ có chức có quyền có vũ khí, còn con có gì ? Ngoài cái óc để phục vụ chính nghĩa, đừng làm liên lụy đến các anh con, bao nhiêu lần tù tội chưa đủ hay răng ?”. Tôi vâng lời, và từ đó, lời khuyên của mẹ ghi đậm trong óc, nếu không có lời khuyên của mẹ tôi, thì có lẽ tôi bị mất lòng dài dài và thêm nhiều oán đối.

Năm 1970, tôi về Tuy Hòa với thầy Thiện Đạo làm Phó Giám đốc trường Trung học kiêm Hiệu Trưởng trường Tiểu học Bồ Đề. Bốn anh em tôi Thiện Đạo, Tâm Thủy, Nguyên Đức, MT đã một phen điên đảo vì vài vị giáo sư cư sĩ có tài, họ muốn thao túng cơ sở giáo dục này. Thế là thầy trò phải đối đầu, chúng tôi là tu sĩ chỉ có tấm lòng với Phật, với giáo hội, với học sinh nhưng chuyên môn và cơ tâm thì thua xa mấy vị này. Nhưng anh em chúng tôi quyết tâm không nhượng bộ. Chúng tôi phải nhờ lực lượng học sinh, phụ huynh học sinh và một số giáo sư Phật tử thuần thành yểm trợ.

Thông cáo số 1, thông cáo số 2 của lực lượng tranh đấu bay vào Nha Trang. Thầy Đổng Minh gọi tôi vào, vui vẻ cười nói : “Tuy Hòa yên ắng lắm, chỉ có MT, cái phương pháp sử dụng quần chúng, thông cáo số 1, số 2 này chỉ do MT chủ đạo ! Tâm Thủy, Thiện Đạo, Nguyên Đức chơn chất thiệt thà chưa ai quen cái lối tranh đấu này của Huế. Nhưng mà được. Cơ sở văn hóa và giáo dục của Giáo hội phải do tu sĩ lãnh đạo, nhưng các chú phải biết sử dụng nhân tài cư sĩ để hỗ trợ cho mình, phải giải quyết êm đẹp không được quấy động ồn ào hơn. Tôi sẽ thay mấy chú giải thích với ôn Trí Nghiêm, chứ ôn đang bực mấy chú đó”ù.

Thế là tôi thêm sức mạnh, về nhà thăm thì mẹ tôi đã ra Tuy Hòa. Đón xe về Tuy Hòa, bước vào Văn phòng trường Tiểu Học đã thấy mẹ tôi ngồi chờ, mặt lạnh như tiền, tôi chào, mẹ tôi chẳng ừ hử, biết mẹ giận, tôi quỳ xuống ôm chân mẹ.

– Mẹ giận con việc gì, cho con xin lỗi, mẹ đừng buồn.

– Đứng dậy, con đừng tưởng lúc nào cũng tranh đấu là hay. Đừng tưởng làm thầy rồi là mạ không dám khuyên dạy, đừng tưởng việc gì con làm cũng đúng, kẻ khác làm sai, đừng tưởng mạ không theo dõi cuộc sống và việc làm của con.

– Dạ, con đâu dám.

– Mạ ra đây từ hồi sáng, đã đảnh lễ Hòa thượng Phúc Hộ và T.T Bát Nhã rồi, may mà các ngài không phàn nàn gì về con cả. Mạ đã dặn : “Chơi đúng lúc, cười đúng chỗ, nói đúng lời, làm đúng việc, có nhớ không ?”

– Dạ, con nhớ !

– Chú Nghệ (con ôn Tiêu Diêu) nhắn vào, mạ ra ngay, làm việc gì cũng nhớ, Phật trên đầu trên cổ, đừng làm ai buồn khổ vì mình, mình mới tới, người ta kỳ cựu, mình ở Huế vô, người ta dân địa phương, mình cô đơn người ta có bà con dòng họ, gây thù kết oán với người ta mình lỗ, may mà vì Phật pháp và quyền lợi chung, chứ tranh giành riêng tư thì không được !

Tôi chỉ im lặng dạ vâng rồi sau đó tiễn mẹ ra xe. Khi đã được mẹ tôi thông cảm, cười vui.

Xe sắp chạy mẹ tôi mới lôi trong xách một gói nhỏ nói chị Ba tôi gởi. Về phòng tôi mở ra thì quà của chị tôi là một tượng Phật nhỏ bằng vàng tây và một lá thư mấy chữ : “Điệp, chị cho em, nghe tin em dẫn học sinh biểu tình, mạ lo lắng, thao thức suốt đêm. Em đừng làm mạ buồn. Chị của em. Điểm”.

Tôi sực nhớ chuyện Tăng Sâm giết người nên vọng theo lộ trình Tuy Hòa – Nha Trang âm thầm nói với mạ “Mẹ ơi ! Con vẫn là Tăng Sâm của mẹ, mẹ yên lòng, cầu Phật gia hộ cho mẹ của con, một người mẹ tuyệt vời mà tu bao nhiêu kiếp con mới được làm con của mẹ, Mẹ ơi !”

Mùa Vu Lan 2549
Minh Tâm

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.