Trong Phật giáo, ngày Vu Lan – Rằm Tháng Bảy là ngày lễ báo hiếu, tưởng nhớ công ơn sanh thành dưỡng dục của các đấng sinh thành, và cũng đã trở thành ngày truyền thống báo hiếu của dân tộc Việt Nam hiện nay. Đến ngày Vu Lan, ai nấy đều sắm sửa hương hoa tưởng nhớ ông bà cha mẹ. Mặc dù sinh hoạt của ngày này vẫn còn mang hình thức lễ nghi tôn giáo, nhưng đó là ngày gợi nhớ về bổn phận làm con làm cháu đối với ông bà cha mẹ.
Thật ra, người con hiếu không phải đợi đến ngày rằm tháng bảy mỗi năm, mà hằng ngày đều cần phải thể hiện sự hiếu thảo bằng chính tấm lòng của mình và cung cấp những nhu cầu vật chất cần thiết cho cha mẹ. Muốn có được người con biết hiếu thảo hội đủ hai điều kiện này, cha mẹ phải có vai trò quan trọng trong việc giáo dục và định hướng phát triển cho người con.
Quan điểm “trời sinh voi sinh cỏ” — biểu thị sự thiếu hiểu biết và vô trách nhiệm — có thể phù hợp với xã hội ngày xưa nhưng hoàn toàn không còn phù hợp ở xã hội ngày nay. Quan điểm đó sẽ dẫn đến một gia đình nghèo khó, một xã hội lạc hậu; cho dù gia đình đó, xã hội đó có người con hiếu, thì cũng chỉ có tấm lòng, không thể giúp đỡ được vật chất cho cha mẹ mà ngược lại còn làm khổ cha mẹ. Lòng hiếu đó bị khuyết tật, không loại trừ khả năng nó xuất phát từ sự thiếu trách nhiệm của cha mẹ. Đây chính là ý nghĩa đức Phật dạy Thiện Sanh về ý nghĩa lễ lạy sáu phương theo quan điểm của nhà Phật.
“Phật lại bảo Thiện Sanh: Ngươi nên biết ý nghĩa sáu phương. Sáu phương là gì? Phương Đông là cha mẹ, phương Nam là sư trưởng, phương Tây là thê thiếp, phương Bắc là bạn bè thân thích, phương trên là các bậc trưởng thượng, Sa-môn, Bà-la-môn, phương dưới là tôi tớ.
Này Thiện Sanh, kẻ làm con phải kính thuận cha mẹ với năm điều. Những gì là năm? 1. Cung phụng không để thiếu thốn. 2. Muốn làm gì thưa cha mẹ biết. 3. Không trái điều cha mẹ làm. 4. Không trái điều cha mẹ dạy. 5. Không cản chánh nghiệp mà cha mẹ làm.
Kẻ làm cha mẹ phải lấy năm điều này chăm sóc con cái: 1. Ngăn con đừng để làm ác. 2. Chỉ bày những điều ngay lành. 3. Thương yêu đến tận xương tủy. 4. Chọn nơi hôn phối tốt đẹp. 5. Tùy thời cung cấp đồ cần dùng. (“Kinh Trường A Hàm” ‘Kinh Thiện Sanh”)
Trong đoạn kinh vừa dẫn có hai vấn đề cần chú ý. Thứ nhất, sự khác nhau về ý nghĩa sáu phương và cách lễ lạy giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian. Thiện Sanh là người con có hiếu, biết vâng lời cha mẹ, ông thực hành lễ lạy sáu phương vào mỗi sáng theo lời cha dặn. Mong rằng qua việc làm đó sẽ đền đáp được công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, bằng cách mỗi sáng phải lễ lạy sáu phương: Đông, Tây, Nam, Bắc, Trên và Dưới.
Thiện Sanh được đức Phật giải thích về ý nghĩa sáu phương, và cách lễ lạy như thế nào mới đúng ý nghĩa sáu phương ấy. Ngài giải thích: Phương Đông biểu thị cho cha mẹ; phương Nam biểu thị cho sư trưởng; phương Tây biểu thị cho thê thiếp; phương Bắc biểu thị cho bạn bè; phương trên biểu thị cho các bậc trưởng thượng, là các vị tu hành; phương dưới biểu thị cho tôi tớ.
Mỗi khi lạy về Phương Đông có nghĩa là phải nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ; khi lạy về phương Nam phải biết vâng lời thầy tổ, giáo thọ sư; khi lạy về phương Tây phải hoàn thành bổn phận trách nhiệm của mình đối với vợ hay chồng; khi lạy về phương Bắc phải biết cách giao du với bạn bè và tôn trọng tình bạn; khi lạy về phương trên phải có thái độ kính ngưỡng với các vị Thánh, Thần, Trời, Phật, và khi lạy về phương dưới cần phải tỏ lòng thương mến và có thái độ công bằng biết ơn đối với người giúp việc. Đây là ý nghĩa sáu phương và cách lễ lạy trong nhà Phật. Như vậy, hình thức lễ lạy trong đạo Phật mang nghĩa: 1. Hiểu biết rõ ràng về đối tượng ấy; 2. Thực hành đúng với ý nghĩa mà đối tượng ấy mong muốn, không dừng lại hình thức lễ lạy. Nếu có lễ lạy thì hãy trải dài tấm lòng thành kính và chân thật đến với đối tượng, dõng mãnh phát nguyện thực thi những gì mà đối tượng mong cầu
Từ ý nghĩa này, gợi ý cho chúng ta hiểu rằng, ngày Vu Lan là ngày tượng trưng cho ngày báo hiếu, mang tính giáo dục gợi nhớ, nhắc nhở những người con chớ quên bổn phận và trách nhiệm làm con làm cháu của mình. Nếu ngày này có lập đàn tràng cúng tế cho cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp, mong được thoát khỏi cảnh khổ trong địa ngục, thì cũng đừng quên cha mẹ già nua ở hiện tại thiếu thốn khổ sở trăm bề, không nơi nương thân. Nên nhớ rằng, ý nghĩa báo hiếu trong nhà Phật không phải là sự cúng kính phô trương hình thức mà quên đi giá trị thực của nó. Xin đừng đi ngược lại tinh thần hiếu đạo trong đạo Phật.
Thứ đến, điểm đặc thù của kinh này, đức Phật đề cập đến Báo hiếu, Ngài không nói một chiều mà nói cả bổn phận trách nhiệm làm con cũng như làm cha mẹ. Cha mẹ và con cái đều phải có bổn phận trách nhiệm của mình. Không thể chỉ riêng người con có bổn phận mà cha mẹ lại vô trách nhiệm hoặc ngược lại. Tình thương nếu chỉ có một chiều, tình thương ấy có thể phát sinh tật nguyền.
Trước khi bước vào tìm hiểu ý nghĩa nội dung của kinh, có liên quan đến chủ đề này, chúng ta cần chú ý đến bối cảnh ra đời của bài kinh. Đó là bối cảnh xã hội Ấn Độ cách đây trên 2500 năm, không phải là thời đại văn minh khoa học như ngày nay. Bài kinh đã được đức Phật nói ra cho đối tượng là người tại gia. Sự khác biệt về thời gian và địa lý đó, nói lên sự khác biệt về văn hóa, phong tục tập quán, và cách giáo dục ..vv… Do vậy, muốn tìm hiểu giá trị thật của vấn đề chúng ta cần xem xét giá trị của kinh trong bối cảnh ra đời của nó.
Một cách khái quát mà nói, vào thời đại đức Phật, Ấn Độ là một đất nước được phân chia thành 16 tiểu quốc tự trị, phân chia thành 4 giai cấp: Bà la môn, Sát đế lợi, Phệ xá và Thủ đà la, với nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, không có chế độ phúc lợi xã hội như những nước phương Tây ngày nay. Sự sinh tồn của con người trong xã hội đó, không thể dựa vào chính phủ hay bất cứ tổ chức nào, mà phải dựa vào gia đình. Do vậy, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình càng chặt chẽ, có nề nếp, có đạo đức giáo dục chừng nào thì gia đình ấy càng giảm thiểu những âu lo về kinh tế, niềm vui và hạnh phúc gia đình cũng theo đó càng tăng thêm, và ngược lại thì đó là nỗi đau thương và bất hạnh. Đó chính là một trong những lý do chính đáng để các nhà làm giáo dục thời đó phải đề cao vai trò hiếu đạo.
Dẫu rằng, nội dung giáo lý của đức Phật tập trung vào vấn đề: làm thế nào để được giác ngộ và giải thoát, nhưng với đời sống của người cư sĩ tại gia có quá nhiều sự khổ đau, đức Phật không thể làm ngơ, vì vậy cần có lời khuyên hợp tình hợp lý với con người sống trong xã hội thời đó. Nội dung và ý nghĩa “Kinh Thiện Sanh’ nói lên quan điểm và cách giải quyết của đức Phật đối với người tại gia ở bối cảnh xã hội thời ấy, trong đó có cả bổn phận trách nhiệm của cha mẹ và con cái.