Trước nhất, chúng ta thử tìm hiểu nội dung và ý nghĩa 5 bổn phận trách nhiệm của con đối với cha mẹ, như đã được trích dẫn ở trên
1. Cung phụng không để thiếu thốn
Nội dung và ý nghĩa của điều kiện này, được đặt trên cơ sở là nền kinh tế thấp, tự cung tự cấp của gia đình, không có chế độ an sinh xã hội. Nói cách khác, sự sinh sống của các thành viên trong gia đình, chủ yếu tùy thuộc vào lao động mang tính cơ bắp của những người đang còn sức lực. Hơn nữa, ở thời đó kiếm được vật thực để nuôi bản thân và gia đình là giỏi lắm rồi, làm gì có dư thừa dành dụm, cho cha mẹ khi già yếu, không còn lao động được nữa. Nếu người con ngỗ nghịch, không hiếu thảo thì cha mẹ khổ sở trăm bề, không người nuôi dưỡng. Do vậy, sự chăm sóc dưỡng nuôi cha mẹ được xem như là bổn phận trách nhiệm của người con. Bổn phận trách nhiệm đó được thực thi tốt chừng nào, thì gia đình hạnh phúc chừng ấy, người con ấy cũng được xã hội tán dương ca tụng. Tất nhiên, sự cung cấp dưỡng nuôi không phải chỉ có vật chất mà trong ấy gói ghém tấm lòng thương yêu của người con, sự nuôi dưỡng ấy mới vẹn toàn.
2. Muốn làm gì thưa cha mẹ biết
Văn hóa Đông Tây không đồng, do vậy cách giáo dục cũng không giống nhau. Đây là điểm mà chúng ta cần chú ý. Người Tây Phương sống thiên về lý trí. Muốn mình được tự do thoải mái, cho nên tôn trọng cách suy tư và việc làm của người khác, miễn là việc làm ấy không phạm pháp không ảnh hưởng xấu đến người khác. Ngược lại, người Đông phương sống thiên về mặt tình cảm, xuất phát tự tình cảm đó, nên thường hay can thiệp vào đời sống người khác, nhất là những người thân trong gia đình và vô tình điều đó trở thành một qui định bất thành văn trong gia đình, mặc nhiên được xã hội chấp nhận. Do vậy, nếu người con trong gia đình làm việc gì mà không cho cha mẹ biết sẽ được xem như là thái độ xem thường khinh dễ cha mẹ. Cần phải tránh những hiểu lầm vô ích này. Đứng về mặt tích cực mà nhìn, dù muốn dù không cha mẹ là người đã trải qua một thời gian dài, đã từng lăn lộn trong cuộc sống, ít nhiều vẫn có kinh nghiệm đáng quí, do vậy nếu người con xin ý kiến từ cha mẹ, kết quả thành công của công việc có xác suất cao hơn. Đây là ý nghĩa tại sao đức Phật khuyên người con trước khi làm việc gì phải xin ý kiến cha mẹ.
3. Không trái điều cha mẹ làm
Điều kiện này được hiểu là cha mẹ có hành vi đúng đắn, có việc làm hợp lý, cho nên đức Phật khuyên làm con không nên làm những việc gì trái với điều hay lẽ phải mà cha mẹ đã và đang làm. Về văn hóa, Ấn Độ là một đất nước có truyền thống văn hóa tôn giáo, hầu như bất cứ ai cũng xây dựng cho mình một niềm tin tôn giáo, một đối tượng tôn thờ. Khi đã chọn và đặt niềm tin, ý thức của cha mẹ cũng muốn con mình cũng có niềm tin như cha mẹ. Nếu như người con làm trái ý với cha mẹ thì đó là điều đau khổ của cha mẹ, như trường hợp người mẹ của ngài Xá Lợi Phất, khi Ngài từ bỏ tôn giáo truyền thống Bà la môn, theo đức Phật và trở thành một vị Tỷ kheo. Có lẽ đức Phật là người hiểu được tâm tư của người làm cha mẹ, cho nên Ngài đã đề cập đến điều thứ 3 này.
4. Không trái điều cha mẹ dạy
Thật ra nội dung và ý nghĩa của điều thứ 4 này, cũng được đặt trong trường hợp cha mẹ là người hiểu biết. Dù gì đi nữa, làm cha làm mẹ không ai lại muốn con trở thành người hư người xấu, bất tài vô dụng trong xã hội. Xuất phát từ tinh thần đó, ý tứ mà cha mẹ dạy con, bao giờ cũng mang ý nghĩa tốt đẹp và có ích, nếu phương pháp hoặc cách răn dạy không phù hợp với thực tế, thì người con cũng nên nhận tấm lòng tốt từ lời dạy của cha mẹ, không nên trái ý.
5. Không cản chánh nghiệp mà cha mẹ làm
Chánh nghiệp là việc làm chân chánh, hay nói cách khác là những công việc hợp tình hợp lý, có ích cho mình, cho người, có trí tuệ, có chiều hướng giảm khổ đau, tăng trưởng hạnh phúc. Khi cha mẹ làm những việc lợi ích như thế không nên ngăn cản, ngược lại cần khuyến khích và tạo điều kiện cho cha mẹ làm. Tất nhiên, khi thấy cha mẹ hành tà nghiệp, là những việc làm ác, không lợi mình lợi người, không tăng trưởng trí tuệ, ngược lại dự phần phiền não, người con phải tìm mọi biện pháp ngăn cản, để tránh những khổ đau phiền hà cho cha mẹ.
Đây là 5 điều kiện được đức Phật khuyên một người con phải có bổn phận trách nhiệm đối với cha mẹ, trong điều kiện xã hội thời đó. Tất nhiên, nếu như ở xã hội ngày hôm nay, đức Phật sẽ có những lời khuyên cụ thể khác, tùy theo trường hợp cụ thể ở từng nơi, từng nhóm người.
Vì tính công bằng, bảo vệ và vun bồi lòng hiếu thảo của người con đối với cha mẹ, đức Phật cũng đưa ra 5 điều cha mẹ phải có bổn phận trách nhiệm đối với con.
1. Ngăn con đừng để làm ác
Theo đạo Phật làm ác là làm những việc như chém giết, trộm cắp, tà hạnh, nói dối, nhậu nhẹt say sưa…, nói đúng hơn những việc nào xuất phát từ lòng tham lam, sân hận và ngu si, tất cả những việc ấy đều được gọi là việc ác. Như vậy trách nhiệm thứ nhất của cha mẹ là ngăn chận, không cho con làm những điều ác. Hay nói cách khác tích cực hơn là giáo dục con có trí tuệ, hiểu biết, để không nổi sân hận khi gặp những việc không vừa ý, hoặc khởi lòng tham lam đối với cái đẹp ưa thích. Có thể nói đây là bổn phận trách nhiệm quan trọng nhất, chuẩn bị cho con hành trang tốt nhất trước khi vào đời, cũng là yếu tố cơ bản nhất để trở thành một người hữu ích và có đạo đức đối với gia đình và xã hội. Lòng hiếu thảo đối với cha mẹ cũng nhờ đây mà hình thành. Khi người con có trí tuệ đứng trước việc sai việc đúng, việc có đạo đức và phi đạo đức, việc có hiếu và bất hiếu… chắc chắn sẽ chọn việc đúng, việc có đạo đức, việc có hiếu mà thực hành; ngược lại việc không đúng, phi đạo đức, bất hiếu sẽ tránh xa. Do vậy, cha mẹ phải có bổn phận trách nhiệm giáo dục đối với con.
2. Chỉ bày những điều ngay lành
Điều ngay lành là điều phù hợp với đạo lý, không quanh co gian xảo, thấy sao nói vậy, nói sao làm vậy, không thêm không bớt, sống thật thà, biết tôn trọng sự thật… Đây là mặt tư cách đạo đức của người con.
Một em bé sinh ra đời, người thầy đầu tiên là cha mẹ, ngôi trường đầu tiên là tổ ấm gia đình, nhất là môi trường xã hội ở những nước Châu Á. Do vậy, sự trưởng thành của người con như thế nào có ảnh hưởng trực tiếp từ cha mẹ và các thành viên trong gia đình. Người ta thường cho rằng: “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, câu nói này, có thể có một phần nào đó đúng, nhưng không thể hoàn toàn. Tính tình người con do quá trình tiếp nhận từ cuộc sống, thông qua gia đình, nhà trường và xã hội vô tình hay cố ý đã truyền trao. Trong đó, cuộc sống đầu tiên là gia đình, do vậy gia đình đã ảnh hưởng đến tính tình của đứa con. Nếu như tính tình của con người là do ai đó sắp đặt thì lời dạy bảo của cha mẹ thành vô nghĩa; vai trò tôn giáo trong xã hội trở nên dư thừa; giáo dục của nhà trường cũng không có giá trị gì; người ác cứ làm ác, người thiện cứ làm thiện. Do vậy, trong gia đình có người con hư người phải chịu trách nhiệm đầu tiên là cha mẹ, không nên đổ lỗi cho Trời, Phật hay Thượng Đế.
Sinh con là khó, nhưng việc nuôi dạy con thành người tốt hữu ích lại càng khó hơn. Theo tôi, trách nhiệm cha mẹ ở xã hội ngày nay không chỉ biết sinh và nuôi con, mà còn phải biết giáo dục con. Muốn giáo dục con phải biết xu hướng phát triển cũng như quan niệm đạo đức từ xã hội, không thể giáo dục theo truyền thống, ông bà dạy sao cha mẹ làm vậy; giờ đây cha mẹ dạy lại con phải noi theo. Cách dạy đó không những không có lợi mà còn có hại; đời cha mẹ đã khổ đời con cái cũng khổ theo, là căn nguyên sâu xa để trở thành người con bất hiếu, thiếu đạo đức. Nếu người con có lòng hiếu thảo, cũng chỉ có tấm lòng, không thể hoàn thiện bổn phận trách nhiệm thứ nhất của người con đối với cha mẹ.
Như vậy, khái niệm ngay thẳng ở đây là khái niệm thật thà. Thật thà không nghĩa ngu dốt, ngược lại được xây dựng trên sự hiểu biết. Sự hiểu biết đó mới hình thành tu cách đúng đắn ngay thẳng về mặt nhận thức, cũng như việc làm.
3. Thương yêu đến tận xương tủy
Hạnh phúc con người được hình thành từ hai nhân tố: Lý trí và tình thương. Nếu như lý trí có chức năng tính toán phân định công việc đúng sai, đưa ra phương pháp giải quyết thích đáng, hầu giảm thiểu thất bại, tăng sự thành công mang lại niềm vui, thì tình thương có chức năng làm giảm áp lực từ công việc, an ủi và tăng niềm tin. Nói cách khác, tình thương là chất dinh dưỡng nuôi con người sống có hạnh phúc. Như vậy, lý trí và tình thương không thể thiếu trong một con người. Con người sống thiếu lý trí thường có hành vi cử chỉ thô lỗ, giải quyết công việc không như ý; ngược lại, người sống thiếu tình thương trở nên khô cằn, và cũng dễ phát sinh dị tật về tâm lý.
Thiết nghĩ, là một người con sinh ra và lớn lên từ trong lòng quê hương Việt Nam, không ai lại không hiểu được tình thương vô bờ bến của cha mẹ. Nhờ tình thương đó mà người con cũng theo thời gian lớn lên dù có còi cọc nhọc nhằn; cha mẹ cũng nhờ tình thương con đó, mới đủ nghị lực vượt qua mọi chông gai thử thách từ cuộc sống, dù phải trả mọi giá, ngay cả sinh mạng chính mình. Sống mà thiếu tình thương của cha mẹ là nỗi niềm đau khổ cũng là điều bất hạnh nhất của cuộc đời làm con. Ai có diễm phúc sống trong tình thương của cha mẹ khó nhận thấy điều này, nhưng nếu có một lần nào đó chúng ta đếm thăm trại mồ côi, gần gũi với nhưng trẻ em lang thang bên đường phố, sống bằng chén cơm từ thiện, bằng những đồ ăn thừa vất đi, chúng ta sẽ cảm nhận một phần nào đó nỗi đau của những người con thiếu tình thương cha mẹ.
Tuy nhiên, trong thực tế cũng vẫn có những người làm cha làm mẹ vô trách nhiệm, vô cảm đối với con mình, dù là có ý thức hoặc vô ý thức. Người con phải trôi dạt theo dòng đời, không nơi nương tựa, sống bằng cuộc đời ăn xin, đôi lúc còn bất hạnh hơn, người con thành món hàng buôn qua bán lại của những con người vô cảm mất nhân tính.
Mong rằng, những người làm cha làm mẹ cần tính toán và chuẩn bị tinh thần trước khi làm cha làm mẹ. Đã sinh con thì phải có bổn phận trách nhiệm với con, tối thiểu phải có tình thương yêu đối với con.
4. Chọn nơi hôn phối tốt đẹp
Ý nghĩa điều thứ 4 này là nói lên bổn phận trách nhiệm dựng vợ gã chồng khi con đã trưởng thành khôn lớn. Có thể nói đây là một trong những qui định bất thành văn của thời đại phong kiến xa xưa. Đức Phật đề cập đến điều này là căn cứ vào phong tục tập quán ở xã hội cụ thể thời đó, không phải là nguyên tắc chung áp dụng cho mọi lúc mọi nơi. Tất nhiên qui định này theo thời gian và không gian khác nhau nó cũng được thay đổi, tự nó không còn có giá trị nữa. Ở xã hội ngày nay, nhất là những người con trưởng thành hấp thu nền giáo dục Tây phương, việc yêu đương cưới hỏi do người con quyết định, không phải là bổn phận trách nhiệm của cha mẹ. Nếu có thể được, cha mẹ chỉ là người góp ý cho con trong vấn đề hôn nhân, nên như thế nào và không nên như thế nào, và chỉ dừng lại ở đó, không nên có thái độ ép buộc, cho rằng: ‘Cha mẹ đặt đâu con phải ngồi đó’, gây sự khó xử khổ đau cho người con.
Quan điểm cổ hủ đó không những không phù hợp với xã hội Tây phương mà ở ngay xã hội Việt Nam hiện nay cũng không được chấp nhận. Tình yêu và hôn nhân phải do đương sự quyết định, người ngoài cuộc không được quyết định thay.
Do vậy, điều kiện này ở xã hội ngày nay, cha mẹ chỉ nên góp ý phân tích vị ngọt và trái đắng của tình yêu cho con thêm kinh nghiệm hiểu biết, không được thay con quyết định
5. Tùy thời cung cấp đồ cần dùng
Có lẽ điều kiện này ở vào trường hợp khi con còn nhỏ, nhất là ở vào môi trường sống có thời tiết khắc nghiệt như Ấn Độ, lúc thì quá lạnh lúc lại quá nóng. Làm cha mẹ phải biết tùy theo thời tiết nóng lạnh chọn y phục đồ ăn thức uống cho con, nếu không người con dễ dàng sinh bịnh. Đây chính là ý nghĩa và lý do tại sao đức Phật lại đề cập đến vấn đề này.