Vu Lan, Phật Nói Về Bổn Phận

“Kinh Thiện Sanh” trong “Kinh Trường A hàm” là bài kinh có nội dung mang tính giáo dục rất cao, biểu thị quan điểm khá thực tế của đức Phật đối với người Phật tử tại gia.

Đứng về mặt tôn giáo mà nói, đức Phật Thích Ca là vị sáng lập Phật giáo, tuy nhiên quan điểm giáo dục của Ngài không chú trọng hình thức lễ nghi tôn giáo, ngược lại chú trọng đến đời sống thực tế của con người. Ngài không trực tiếp phê bình niềm tin và cách báo hiếu của Thiện Sanh, Ngài chỉ trình bày ý kiến của mình về sáu phương và ý nghĩa lễ lạy.

Theo Ngài, 6 phương, mỗi phương đại diện cho mối quan hệ giữa mình với cha mẹ, thầy tổ, vợ chồng, người tu hành, bạn bè và người giúp việc. Lạy 6 phương có nghĩa là muốn thể hiện tình cảm và bổn phận của mình với những người đó, không phải chỉ đơn thuần lễ lạy.

Cũng vậy, ngày Vu lan là ngày để những người con cháu thể hiện tấm lòng của mình đối với cha mẹ. Trong ý nghĩa đó, nếu chúng ta có cầu siêu cho ông bà cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ, thì cũng đừng quên ông bà cha mẹ trong hiện tại. Nếu chúng ta có cầu an cho cha mẹ hiện tại được mạnh khỏe trường thọ, thì phải thể hiện lòng thương và sự chăm sóc của mình đối với cha mẹ.

Điểm đặc thù của kinh này là đề cập đến bổn phận trách nhiệm. Những bổn phận trách nhiệm cụ thể được ghi lại trong kinh là những qui định có giá trị cụ thể trong xã hội thời đó. Với sự thay đổi của thời gian và không gian, giá trị của nó cũng đổi khác. Tuy nhiên, trong đó vẫn còn lưu lại tinh thần giáo dục rất thực tế. Trong 5 điều mà Ngài khuyên người con phải có bổn phận trách nhiệm đối với cha mẹ, không có điều nào Ngài khuyên Phật tử mang tính lễ nghi tôn giáo. Ngược lại Ngài khuyên người con cần có trách nhiệm cung cấp nhu cầu vật chất cần thiết cho cha mẹ và biết vâng lời cha mẹ.

Muốn người con có lòng hiếu thảo, cha mẹ cũng phải có bổn phận trách nhiệm với con, ngoài bổn phận nuôi con, còn có bổn phận giáo dục về tri thức và đạo đức. Đây là bổn phận trách nhiệm không thể thiếu của cha mẹ đối con cái.

Thích Hạnh Bình – Nguồn: Thích Hạnh Bình

http://quangduc.com

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.