Phật Tử Có Nên Ăn Chay Không?

Một số người đã tranh luận rằng, trong trường hợp người ta không tự giết con vật để mà ăn, (có nghĩa là người khác giết) thì không có vấn đề gì khi ăn thịt đó. Nhưng kệ 129 và 130 trong kinh Pháp Cú đã chỉ rõ rằng chúng ta KHÔNG ĐƯỢC GIẾT HAY GÂY NÊN SỰ GIẾT (should not kill or cause to kill)…

Dr. D.P. Atukorale (*), M.D. M.R.C.P. là bác sĩ chuyên khoa về tim mạch, hiện là Giáo sư Viện Đại học Colombo Tích Lan và là Cố vấn Trưởng khoa Tim mạch Viện Tim mạch Quốc gia, Colombo, Sri-Lanka. Ông cũng là một nhà học Phật. Bài này và các bài nghiên cứu khác về y khoa và dinh dưỡng của ông được đăng tải trên tập san Y Khoa Hiệp Hội Y Khoa Tích Lan và các báo Online edition of Daily News và Sunday Observer.

Người ta cho rằng mọi người Phật tử đều tôn trọng năm giới cấm. Khi chúng ta giữ giới cấm thứ nhất, chúng ta phát nguyện rằng sẽ không tước đoạt bất cứ sự sống nào và gây đau đớn đến bất cứ sinh vật nào. Thật là rõ ràng rằng chúng ta không thể ăn thịt được nếu như không có người nào giết loài vật giùm chúng ta. Nếu chúng ta không tiêu thụ thịt hay các sản phẩm có nguồn gốc từ thịt, thì sẽ không có việc giết hại loài vật. Giới thứ nhất là một lời huấn thị chống lại việc hủy diệt sự sống và làm thương tổn đến muôn loài chúng sinh.

Theo giới thứ nhất, đức Phật dạy chúng ta không được làm tổn thương đến mọi chúng sinh. Trong kệ 131 kinh Pháp Cú đức Phật dạy rằng:

Ai mưu cầu hạnh phúc,
Bằng cách hại chúng sanh,
Các loài thích an lành,
Ðời sau chẳng hạnh phúc.

Vì thế theo Phật giáo, không giết hại và không làm tổn thương đến chúng sinh rất là quan trọng.

Kệ 225 kinh Pháp Cú nói rằng:

Hiền sĩ không sát hại,
Ðiều phục thân mạng hoài,
Ðạt cảnh giới bất tử,
Giải thoát hết bi ai.

Cũng kinh Pháp Cú kệ 405 nói rằng:

Không đánh đập chúng sanh,
Mạnh khỏe hay yếu đuối,
Không sát hại tàn rụi,
Ta gọi Bà la môn.

Kinh Pháp Cú kệ 129 và 130 nói rằng: “Tất cả đều sợ hãi trước hiểm nguy, tất cả đều quý trọng đời sống. Hãy lấy lòng ta suy lòng người. Không nên giết, cũng không nên làm cho kẻ khác bị giết”.

Theo Phật giáo, tất cả mọi loài như loài cá bơi lội, loài thú vật, loài chim bay đều là các loài có cảm giác, không thể bị giết hay làm bị thương. Người Phật tử không thể là những người đi săn bắn, đánh cá, câu cá, đánh bẫy, nhân viên của các lò sát sinh, và mổ xẻ động vật sống v.v…

VẤN ĐỀ ĂN THỊT THÌ SAO?

Một số người đã tranh luận rằng, trong trường hợp người ta không tự giết con vật để mà ăn, (có nghĩa là người khác giết) thì không có vấn đề gì khi ăn thịt đó. Nhưng kệ 129 và 130 trong kinh Pháp Cú đã chỉ rõ rằng chúng ta KHÔNG ĐƯỢC GIẾT HAY GÂY NÊN SỰ GIẾT (should not kill or cause to kill). Khi người nào đó mua thịt hay các sản phẩm có nguồn gốc từ thịt, người đó đã tạo nên những nhân thiết yếu (nhu cầu tiêu thụ) để cho người nào đó giết những con thú vật này. (Cung cấp theo nhu cầu)

Bởi sự đồng ý ăn thịt do người khác phục vụ, chúng ta là nguyên nhân tạo cho người khác giết hại thú vật. Kệ 7 kinh Pháp Cú nói, “Người hằng sống khoái lạc, tâm thần xáo trộn, ăn uống thiếu tiết độ, lười biếng, thiếu đức hạnh, người ấy sẽ bị “Ma vương” lôi cuốn, bị những cám dỗ dục vọng, như cây yếu trước gió”.

Lý do chính là lòng từ bi. Lòng từ bi là một phương pháp tu học quan trọng để trở nên một người tốt. Người không có lòng từ bi thì không xứng đáng là một Phật tử. Người có tấm lòng từ bi, xót thương, thì trong mọi khía cạnh của cuộc đời, tâm từ bi đó luôn luôn biểu lộ. Hãy nghĩ đến sự đau buốt khi bạn bị một con ong chích hay con rết tấn công. Người nào đã từng nhìn thấy con cua bị luộc trong nồi nước sôi (hay chảo dầu nóng) sẽ thấy con cua dồn mọi nỗ lực một cách tuyệt vọng, đau đớn đến nỗi không thể chịu đựng được, mà vùng vẫy mong thoát ra khỏi nồi nước, sẽ không bao giờ có thể ăn cua được. Cuối cùng con cua bỏ mạng trong đớn đau cùng cực khi cơ thể chúng ngả qua màu vàng đỏ. Một cuộc đời đã kết thúc trong đau đớn biết là bao!

TẠI SAO PHẬT TỬ NÊN LÀ NGƯỜI ĂN CHAY?

Ai đã từng trông thấy cảnh đau đớn kinh hoàng của con bò khi bị người đồ tể cắt cổ thọc huyết và lột da hồi lâu trước khi nó chết sẽ không bao giờ nỡ nhẫn tâm mà ăn thịt bò được nữa. Không ăn thịt loài vật là sự biểu lộ của lòng từ bi. Với những người ăn thịt, những tiệc tùng, lễ cưới, lễ sinh nhật cũng như lễ kỷ niệm đám cưới là những sự chết chóc của hàng ngàn con vật. Ngăn ngừa nỗi đau đớn của những sinh vật bằng cách không ăn thịt chúng (để thỏa mãn sở thích và đáp ứng nhu cầu đói) là sự biểu lộ tối thiểu của lòng từ bi mà người Phật tử chúng ta có thể làm được. Bắn giết, đâm chém, siết cổ, dìm xuống nước, đánh bả thuốc độc, thiêu đốt hay để điện giật, hoặc cố ý dùng bất cứ phương tiện nào khác để tước đoạt sự sống, cố tình gây nên sự đau đớn cho con người hay loài vật là vi phạm và làm ô uế giới cấm thứ nhất. Một cách khác vi phạm giới thứ nhất là tạo nên nguyên nhân cho người khác giết hại, tra tấn đánh đập hay làm thương tổn đến bất cứ một sinh vật nào. Vì thế ăn thịt là tạo lý do cho người khác giết hại cũng là vi phạm giới cấm thứ nhất. Nếu những con gà, bò hay cá không bị ăn, chúng sẽ không bị giết chết. Vì vậy những người ăn thịt phải chịu trách nhiệm về sự bạo hành và sự hủy diệt loài vật. Phật giáo cũng dạy chúng ta rằng không một sinh thể nào không đã từng là cha, là mẹ, là chồng, là vợ, là chị, là anh, là em, là con trai, là con gái của chúng ta, trong những chuỗi nhân quả luân hồi chồng chất từ vô lượng kiếp. Nói một cách khác, một sinh vật như con bò ngày nay có thể là mẹ của chúng ta trong đời trước. Con gà mà bạn sẽ ăn vào bữa ăn chiều tối nay có thể là anh hay chị của bạn trong quá khứ. Vì thế, quyền sống của loài vật không thể bị coi thường hoặc chà đạp lên. Làm sao một vị sư đi tìm sự giải thoát khỏi nỗi đau khổ, mà lại cứ thản nhiên ăn thịt loài vật, dù biết rằng chúng nó phải chịu đựng nỗi thống khổ kinh hoàng trong giờ phút hấp hối khi bị giết?

Tâm Diệu Chuyển Ngữ

http://www.daophatngaynay.com/

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.