Ta Trồng Hạt Giống Từ Bi

Nếu ai có hỏi :Tôi thích gì nhứt ở chùa Quang Minh, tôi không ngần ngại trả lời là : con đường mòn dưới thung lủng và những hàng cây xanh trên sườn đồi do thầy trụ trì và chúng tôi đã trồng từ những buổi đầu thọ bát ngày thứ bảy. Đôi khi người ta có những cái mới mẽ mà quên đi cái gốc cội. Có những thành quả tuy nhỏ nhặt nhưng mang đầy lợi lạc cho biết bao nhiêu loài chúng sanh sống quanh đây: những chú chồn, chú thỏ xinh xắn ra ngoài tìm thức ăn vào mỗi buổi hoàng hôn khi chiều xuống; trong những ngày hè bỏng rát của trời đất, bóng mát che râm cả đất trời, cây phát lòng từ bi rộng lớn cho ô xy là nguồn sống muôn loài; những chiếc lá vàng làm quà cho mặt đất, một thứ quà thiên nhiên mang một sức sống nhiệm mầu nuôi dưỡng đất mà không hề kể ơn; những cành khô gầy của mùa đông lạnh giá nhẫn nhịn và chờ đợi; những chú chim vể làm tổ xôn xao mang lời ái ngữ ngọt ngào của mùa xuân tươi thắm. Ta có thể học ở thiên nhiên nhiều bài pháp ngắn, dễ nhớ vì rất cụ thể và thật sinh động.

Sự cộng sinh của muôn loài trên quả đất là một niềm an ủi lớn cho chúng ta trong cõi ta bà này. Mặc dầu cõi ta bà tuy có khổ nhưng vẫn có cái hay cái đẹp mà muôn loài đã dành cho nhau. Đây cũng chỉ là một phần nhỏ trả lời cho câu hỏi: Tại sao Đức thế tôn lại chọn cõi ta bà này để giáng sinh? Và Đức Phật Di Lạc cũng sẽ lại giáng sanh trong cõi phàm trần này nữa.

Hạnh phúc thay, chúng tôi vẫn còn những vị thầy đức độ thừa kế được một phần di sản của Đức Thế Tôn để lại, quý thầy đã dạy chúng tôi cách thức ươm mầm những hạt giống thiện đã có sẳn tron tâm thức. Trong mùa Vu Lan thầy lại dạy chúng tôi cách ươm mầm hạt giống từ bi làm quà cho cha mẹ hiện tiền cũng như cha mẹ quá vãng nhiều đời. Hạt giống từ bi thì chắc cũng phải có hàng ngàn cách để ươm , để trồng . Người bạn đạo ngồi bên tôi nói nhỏ: “ Mỗi tuần chỉ cần nghe thầy Phước Tấn giảng một bài pháp, về nhà ngồi ghi lại rồi thực hành mình cũng gieo được hạt giống từ bi trên mảnh đất tâm của mình.”

Thế nên trong bài pháp hôm nay thầy hướng dẫn chúng tôi trở lại điều căn bản nhứt của người Phật tử để làm quà cho cha mẹ: “ Tam quy”. Bài pháp tuy giản dị nhưng lại là chất liệu căn bản mà Đức Phật đã giáo huấn chúng sanh trong những buổi đầu khi tăng đoàn được thành lập

Mỗi lần xong một thời kinh là ta đọc tam quy. Vậy mà có mấy ai hiểu được hết nghĩa của chữ “Tam Quy” đâu? Thầy đặt câu hỏi: Tự quy y tăng là gì? Không ai trả lời vì ai cũng biết cái lệ của đệ tử chùa Quang Minh là: khi cần nói thì không nói mà khi không cần nói thì lại nói rào rào áng mất tiếng thầy giảng.

Thầy nói một cách dí dõm: Đây là chuyện 1001 ngày có dài, có lâu và kết cục rất có hậu là không ai bị kết tội cả. Thầy giải thích tại sao ta phải quy y tăng vì tăng đoàn thể hiện được tính lục hòa và hiếu kính mà người con Phật không bao giờ thiếu được. Trong đó tính đồng sự được thầy nhấn mạnh, thầy còn cho biết khi ngài Thiện Tài đồng tử đi học đạo ở 53 vị thiện tri thức, thì ngài đã có học pháp đồng sự từ vị Tỳ Mục Phù Sa tiên nhơn. Tôi thích Thiện tài đồng tử qua chuyện Tề Thiên Đại Thánh của Ngô Thừa Ân, chứ tôi chưa có dịp tìm hiểu kinh Hoa Nghiêm để biết ngài làm gì.

Thầy còn nói thêm trong Tứ nhiếp pháp ngoài bố thí, ái ngữ thì đồng sự lại đứng hàng thứ ba trước lợi hành. Thầy còn nhắn vói chúng tôi là ngoài ra pháp đồng sự ta còn cần phải có hiếu để, nói lời ái ngữ vả phải biết tùy hỉ công đức nữa. Thầy nói thật nhiều mà tôi chỉ nhớ bấy nhiêu thôi, rồi thầy nói thêm đó là bài làm ở nhà từ nay cho tới ngày Vu Lan chúng tôi phải thực hành . Tôi nhớ hai câu thơ của Thầy Nhất Hạnh mà tôi cho là rất dễ thương và hợp tình hợp lý cho chúng tôi ươm mầm hạt giống từ bi:

Cám ơn đời, mỗi sóm mai thức dậy,
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương.

Trong tăng đoàn chùa Quang Minh, pháp đồng sự được thể hiện qua cách làm việc làm của quý thầy. Trong khi thầy Phước Tấn lo việc đối ngoại, cai quản tổng quát trong chùa thì phải có thầy Phước Thái chăm lo hướng dẫn tinh thần chúng tôi .

Nếu thầy Phước Tấn là linh hồn của chùa Quang Minh thì thầy Phước Thái là cha đẻ tâm linh của chúng tôi . Thầy chăm sóc từng người một lo lắng hướng dẫn, tạo sáng kiến sống thực, khích động tinh thần tu tập và học hỏi của chúng tôi bằng những bài hát, những câu thơ cho đến những quyễn chuyện nhằm khai mở trí óc ngu muội của chúng tôi.

Thầy phát khởi ra nhiều phong trào, hiện nay phong trào sôi động nhứt trong đạo tràng là việc trùng tuyên những bài pháp về kinh A Di Đà do Thầy diễn giảng . Lắm lúc tôi tự hỏi có phải đường gươm Đao Lợi của Bồ Tát Văn Thù đã quét ngay tại cỗng chùa Quang Minh hay không? Làm sao mà trí tuệ của các bạn đạo lại vô cùng sắc bén và tinh thần học tập cũng đạt đến độ cao không thể tưởng. Nhưng phải trả lời là có mà không. Tại sao? Vì nếu không có cái nhiệm mầu đó thì ta sẽ không giải thích được sự đồng bộ phát triển của các bạn sen nằm trong phong trào này. Nhưng không là vì rõ ràng trên thực tế có sự tự lực học hỏi và có sự dìu dắt lẫn nhau trong đạo tràng và vì bài giảng thầy khúc chiết và dễ hiểu.

Hương sen tỏa ngát trong đạo tràng. Những đóa sen nhân tạo có đẹp thật nhưng vẫn không đẹp bằng những bông hoa thật có trong đầm lầy tỏa hương thơm ngát một gốc trời . Vậy mà tôi vẫn cho rằng nó còn chưa đẹp cho bằng những đoá sen của các bạn sen trong đạo tràng Quang Minh. Từ những đóa sen già vững chảy đến những nụ sen non vừa vươn mình lên khỏi mặt nước, đồng tỏa mùi thơm ngát trong hồ sen tịnh tâm của đạo tràng Quang Minh do thầy sáng lập. Phải nói các buổi trùng tuyên lời giảng kinh A Di Đà của thầy là một thành công lớn. Mảnh vườn tâm của đạo tràng Quang Minh với bàn tay chăm sóc của thầy trở nên đầy hương thơm và màu sắc. Chúng tôi không ngại học tập trao đổi nhau những kiến thức, những nụ cười với tấm lòng cỡi mở

Xuân, hạ, thu, đông bốn mùa, những chiếc lá vàng có chao đảo rụng rơi, những cành khô gầy có trơ trọi của mùa đông nhưng vẫn không nãn lòng người, thầy đã tạo dựng một đạo tràng lý tưởng, tạo một không gian học tập đầy sáng tạo. Chúng tôi học để cầu đạo chứ không học để tranh hơn thua. Người hướng dẫn chúng tôi ươm mầm tịnh độ qua lời giảng , qua câu thơ , bài hát và qua cách thực hành niệm Phật.

Lưới đế châu ví đạo tràng,
Mười phương Phật bảo hào quang sáng ngời.

Mỗi lần tụng đến câu này trong tôi hiện lên một hình ảnh đẹp rực rỡ của lưới Đế châu tại cung trời Đế Thích. Theo tôi lưới Đế châu không những có cái đẹp của vạn pháp mà còn cho ta ý niệm khái quát về tính đồng sự và giải thích được thuyết nhân duyên và trùng trùng duyên khởi của kinh Hoa Nghiêm nữa.

Nhưng ở đây thì tôi muốn thu gọn lại trong phạm vi nhỏ hẹp của đạo tràng Quang Minh và nói rằng : chúng tôi là những hạt giống từ bi có trong tâm các thầy và ngược lại tâm chúng tôi cũng có các thầy là những người hướng dẫn chúng tôi gieo trồng hạt giống từ bi có sẳn trong tâm mình. Vậy thì cũng có thể giải thích theo Hoa Nhiêm, quý thầy là một trong tất cả chúng tôi và tất cả bạn sen trong đạo tràng Quang Minh là một trong tâm của quý thầy

Tôi cảm một bài thơ của một vị thầy nào đó mà tôi lỡ quên mất tên, nhưng còn nhớ lại bốn câu thơ của thầy, xin chép lại tặng các bạn sen của đạo tràng Quang Minh

Ta trồng hạt giống từ bi
Ngày sau kết trái vô- vi- cúng- dường
Nguyện trên khắp nẻo vô thường
Người đi phổ độ vào đường chân như

Xin hãy cùng nhau kết làm những thiện hữu tri thức, để rồi một A tăng kỳ kiếp nào đó xin cùng gặp lại nhau tại cõi cực lạc

Diệu Thông

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.