Tôi và Linh là chị em bà con. Linh lớn hơn tôi hai tuổi nhưng so vai vế thì tôi lại là chị. Cho nên hai đứa xưng hô với nhau “lung tung xèng”, khi thì gọi tên, lúc đứa này là chị, lúc lại là đứa kia… Người lớn sửa hoài riết cũng mệt nên thôi kệ: “Gọi sao cũng được, miễn biết thương nhau là quý rồi”.
Thuở nhỏ, tôi và Linh thường chơi chung với nhau. Biết tôi là con một, được cưng chiều nên Linh thường hay nhường tôi mọi thứ. Tôi nhớ nhất có lần, ông cậu của chúng tôi ở nước ngoài về cho quà, trời mưa, Linh đội nón lá, ôm phần quà chạy sang nhà tôi: “Ông Năm cho tụi mình nhưng chị thích cái nào thì lấy trước đi, cái còn lại Linh lấy cũng được”. Linh là vậy đó.
Tôi không phải là đứa mê bạn. Mấy đứa cùng xóm nếu thích đến nhà tôi chơi thì tôi chơi cùng, còn không thì thôi, tôi hơi một mình: chơi đánh cờ tay mặt với tay trái; chơi bán hàng thì tự bán, tự mua… Có lần Linh sang nhà tôi, thấy tôi ngồi thủ thỉ trò chuyện với búp bê, Linh bèn chạy u về nhà, ôm tấm ảnh Chúa Giêsu sang đưa cho tôi, nói: ‘Chị nói chuyện với Chúa nè. Chúa thương mình lắm!”. Tôi tròn xoe mắt nhìn Linh. Linh mỉm cười, nụ cười thật hiền.
Chúng tôi lớn lên, cùng vào Sư phạm. Linh học trước tôi một năm và ở trọ lại Sài Gòn. Còn tôi thì nhất định đi – về bằng xe đò chứ không chịu ở lại. Để tiết kiệm tiền, trưa thứ Bảy nào Linh cũng đạp xe từ Sài Gòn về quê. Vậy mà lúc đó, tôi đâu biết “ẩn tình” bên trong, nên tôi cứ “canh me” trưa thứ Bảy nào cũng đợi Linh tan học để tôi về cùng cho vui. Trời nắng, đi một mình đã “đau khổ” mà còn phải chở thêm tôi. Vậy mà Linh vẫn không hề than một tiếng. Ở nhà, ba mẹ tôi đâu biết, cứ tưởng Linh chở tôi từ bến xe về, cho đến một ngày, ba tôi bắt gặp, Linh đang gò lưng chở tôi, ông về kêu trời và cấm tôi không được đi ké xe như vậy nữa. Lúc ấy, biết được nội tình, tôi mới tự trách mình, thiệt là quá vô tâm.
Linh ra trường và về quê đi dạy. Tôi cũng bận rộn với sách vở cho năm học cuối nên thỉnh thoảng mới gặp nhau. Những lúc ấy, Linh hay tâm sự với tôi về những va chạm trong nghề nghiệp. Có lần, nghe Linh kể, không chịu được, tôi gào lên: “Trời ơi, Linh phải phản ứng đi chứ. Để người ta cứ ăn hiếp mình hoài. Sao chịu được?”. Linh cười: “Thôi kệ. Mỗi lần như vậy, Linh nói chuyện với Chúa là cảm thấy nhẹ lòng ngay”. Tôi dẩu môi, la bài hãi: “Thôi đi. Lo mà đối phó, chứ ở đó mà cứ đem trút hết gánh nặng cho Chúa”. Linh ấp úng: “Chúa sẽ an bài cho mình tất cả”. Tôi nhìn vào ánh mắt của Linh và cảm nhận được ở đó cả một tình yêu, một niềm tin đầy mãnh liệt và thánh thiện.
Nghỉ hè, gia đình tổ chức đi Đà Lạt, tôi và Linh cùng đi. Trong khi Linh say mê với khuôn viên của một nhà nguyện nhỏ thì tôi lại thẫn thờ trước khung cảnh tĩnh mịch, cô liêu của Thiền viện Trúc Lâm bên núi Phụng Hoàng, hồ Tuyền Lâm trong buổi chiều tà. Trước ngày về, nằm cạnh nhau, Linh thủ thỉ: “Chắc Linh đi tu quá hà”. Tôi không ngạc nhiên trước ý định này của Linh, vì trong những trò chơi thuở nhỏ của chúng tôi, có một trò chơi mà Linh rất thích, đó là Linh thường lấy chiếc khăn nâu đội lên đầu, ôm quyển kinh Thánh đọc kinh cho một “con chiên” là tôi nghe. Trong khi Linh say sưa, thành kính với từng trang kinh, thì tôi lại vừa nghe…vừa ngủ. Thiệt là tội lỗi!…
Và rồi, Linh đi tu thật. Ngày Linh sang nhà tôi từ biệt để vào dòng tu, mặt Linh rạng rỡ vì ước mơ của Linh đã thành hiện thực. Còn tôi lại… khóc. Chẳng hiểu vì sao?!!!
Linh đi rồi, thỉnh thoảng, tôi cũng nằm mơ thấy Linh. Nhưng đó chỉ là những giấc mơ ngắn, đứt quãng, không đủ để gọi thành tên. Tôi ra trường đi dạy. Thành công cũng có, va vấp cũng nhiều nhưng dường như, chúng không đủ để bù qua, sớt lại với nhau. Tôi cảm thấy chán. Ngày xưa, thi sĩ Xuân Diệu tự vấn: “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn?” còn tôi thì lại không thể lý giải được cái chán của mình bắt nguồn từ đâu? Vì lẽ gì?… Chỉ biết là nhìn đâu cũng chán, thấy gì cũng chán, có thể gọi nôm na là “chán đời!”.
Cho đến một ngày, tôi theo cô tôi về thăm một thiền viện. Thiền viện nằm sâu trong rừng như tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Một chút gió lao xao, một vài nụ hoa dại hé nở, chiếc cầu nhỏ bắc ngang dòng nước đầy ắp những nụ sen hồng… cùng những tà áo lam thật thanh thoát. Tôi bỗng thấy lòng mình nhẹ hẫng. Kể từ đó, niềm vui của tôi là được trốn “phố” về… chùa. Lúc đầu, về chùa, đối với tôi như một cuộc đi dạo cho khuây khỏa tâm hồn. Nhưng chẳng lẽ cứ vào chùa “chơi” hoài tự thân thấy cũng kỳ. Thế là mỗi khi ra tới chùa tôi bèn thay “xiêm y” bằng bộ đồ vạt khách. Ban đầu mặc vào không quen, thấy rộng thùng thình, có khi bỏ đồ vào túi áo lại lọt thỏm ra ngoài lúc nào chẳng hay. Nhưng mặc riết lại quen, rồi đâm ra thích, có khi tôi còn mặc bộ đồ vạt khách này đi thẳng luôn vào chợ, vào siêu thị… đầy tự tin, chỉ thấy ái ngại khi ai đó gọi mình là “cô”, bèn lí nhí đính chính: “Dạ, không phải”. Rồi sau đó, tôi bắt đầu học kinh, tụng kinh, đọc sách, truyện Phật… và tập ngồi thiền.
Tôi vẫn chưa thể “thoát vòng tục lụy” nhưng khi tôi dần quen với nề nếp sinh hoạt của thiền viện, nhất là đã không còn phải tuột lên tuột xuống bồ đoàn mỗi lúc ngồi thiền thì cũng là lúc Linh xong chặng đường tu thứ nhất được đánh dấu bằng lễ “Tiên khấn”.
Sau lễ, Linh về thăm nhà. Tôi bối rối hỏi mẹ: “Con phải gọi Linh như thế nào?”, “Bằng dì”, mẹ trả lời gọn hơ… Điện thoại reo, tôi bắt máy. “Chị hả?” – tiếng của Linh ở đầu dây bên kia. Tôi ngập ngừng: “Dạ. Dì khỏe không?”. Linh cười lớn: “Lạy Chúa! Cứ gọi tên như ngày xưa đi”. Tôi tự nhủ “như ngày xưa sao được”, khi
Đạo – Đời đã có phần ngăn cách. Nhưng rồi lại tự băn khoăn với chính mình: Đạo hay Đời; Đạo và Đời có phải chỉ khác nhau bởi danh xưng đâu? Trong khi Đạo cũng chính là Đời, là một thực thể sống động diệu kỳ nuôi dưỡng chúng ta từng giờ, từng khắc kia mà?!
Linh xuống thăm tôi. Năm năm thoáng qua như một giấc mộng. Linh cũng không thay đổi gì mấy.
Nhìn trong phòng tôi, thấy những quyển kinh, sách về Phật, Linh cười hỏi: “Chị học Phật à? Biết đâu, mai mốt mình gặp nhau, đứa thưa dì, còn đứa chào cô, thì sao? Thú vị đấy!”. Tôi cười: “Ừ, biết đâu”.
Đêm ấy, Linh ngủ lại nhà tôi. Sau khi hàn huyên tâm sự, trước khi ngủ, giường bên kia, Linh quỳ lên lần chuỗi cầu xin Chúa, dâng cho Chúa giấc ngủ của mình để được bình an, còn giường bên này, tôi cũng bắt chân lên làm một “chuyến” về với chính mình – “Tâm bình thường là Đạo”…
TIỂU TRÚC – Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 138
http://vanhoaphatgiaoblog.com/truyen-ngan/toi-va-linh.html