Về Quê

Mỗi năm đến kỳ nghỉ hè, lòng tôi rộn ràng mong được mau về quê, vì ở đó ngoài bà ngoại, mẹ và vú ra tôi còn có các bạn.

Chị Hương (người theo săn sóc tôi) đã sửa soạn vali từ mấy hôm rồi, biết anh rất bận nên tôi xin phép để chúng tôi tự đi xe về. Từ Nha Trang về làng phải qua 2 chặng, xe chỉ về đến quận Ninh Hòa, rồi phải chuyển một chuyến xe nữa mới về đến quê tôi.

Ở xã chỉ có duy nhất một chiếc xe chở khách. Vào buổi sáng, xe phải chờ những khách hàng quen thuộc đem cá lên bán, phiên chợ tan họ lại đi mua hàng mang về lại, nên buổi chiều xe mới về đến đầu làng. Có một phiến đá rất to và bằng phẳng cho dân chúng ngồi đợi, nên xe rước hay bỏ khách ngay nơi đó.

Phiến đá có tên là Đá Đốt, những buổi chiều lũ nhỏ chúng tôi thích nằm dài trên đó nhìn trời, hôm nào trời trong chúng tôi nhìn thấy rõ cả núi Vọng Phu.

Tại sao quê tôi có tên là Hòn Khói ? Và phiến đá có tên là Đá Đốt?

Ngoại cũng được nghe kể lại. Trước thế kỷ 18, quân nhà Minh bên tàu cập vào đất Việt Nam để tìm kế sinh nhai. Những người giàu có như Mạc Cửu chọn Phú Quốc làm nơi sinh sống, còn các người nghèo phải đi cướp bóc lương thực ở các hải đảo, trong đó Hòn Khói cũng bị vạ này. Lúc bấy giờ triều đình Nguyễn ban lệnh phải cất một vọng gác trên núi cao, dân trong ba làng của xã tôi được giao phó việc thay nhau lên núi canh, khi thấy quân tàu đến thì đốt khói lên liền. Còn ở dưới đất, nếu ai thấy tàu giặc ở gần cứ đốt lửa trên phiến đá, cho quan chức chính quyền khu này điều binh kịp thời ứng cứu, Hòn Khói có tên từ đó và phiến đá đầu làng có tên là Đá Đốt.

Đang nghĩ về quê nhà, nghe tiếng chị bếp nói chuyện cùng anh.

– Cô út và chị Hương đều bệnh, chú Thái và chú Lan cũng bệnh.

– Có chuyện gì? Sao mọi người đều bệnh hết?

– Dạ không biết. Sáng nay hai chú rủ cô út ra đào khoai mì để cô đem về quê, cô nói bệnh nên không phụ. Hai chú đào cả một dòng khoai mà chỉ có mấy củ thôi, có lẽ hai chú rầu quá cũng sinh bệnh.

Anh mở cửa phòng xem. Chị Hương trùm mền phủ đầu, anh bước đến giường cầm tay bắt mạch cho tôi và chị Hương.

– Chị đi tắm thay quần áo sạch sẽ là hết bệnh. Chị Hương ra khỏi phòng rồi, em kể hết cho anh nghe đi!

– Bạn em rất thích ăn khoai mì nhà mình trồng, vì khoai dẻo và ngọt, nên tối nào em và chị Hương cũng lén ra vườn moi lên một ít. Sáng cả nhà đi hết, thì chị Hương luộc ở bếp nhà trên để chiều em và các bạn đi học về ăn. Em chỉ moi củ, cây vẫn để nguyên, tưởng sẽ mọc củ khác. Bây giờ phải làm sao, hai chú cũng bệnh rồi.

– Được. Phần hai chú anh sẽ lo. Em có biết là dù cây đó của nhà mình được hai chú coi sóc, nhưng không xin mà lại moi củ như vậy là sai không? Từ nay tất cả mọi chuyện gì khó, phải nói cùng anh. Ngày mai anh sẽ đưa em về quê và anh ở lại cùng gia đình 1 tuần. Chuyến đi này có vợ chồng cô y tá, anh muốn nhân dịp này khám bệnh cho bà con trong làng. Hơn nữa, vợ chồng cô y tá và chị bếp cũng là người trong làng nên về chung một lần cho vui.

– Nhưng hai chú cũng là người trong làng. Phạt hai chú để mất khoai mì mà không bắt được kẻ trộm, kỳ quá hà! Đừng cho hai chú hay em ….

– Ờ, ờ. Hai chú phải ở lại coi nhà, không thì vườn sẽ mất hết! Ha…ha…

– Đừng chọc em mà.

Chị bếp và chị Hương nghe ngày mai về, hai người cứ lăn xăn sắp xếp các thứ. Anh mượn được chiếc xe đủ chỗ ngồi cho tất cả. Ngồi trên xe, nhìn những làn khói lam chiều, tôi thấy lòng mình nôn nóng và mong cho xe mau đến làng.

– Ô kìa sắp đến tảng đá đầu làng rồi. Sao đông người ngồi trên đó quá vậy? Anh Trí, ngừng xe lại đi anh (anh Trí là chồng cô y tá làm bên diệt trừ sốt rét).

Chúng tôi đều xuống xe và ngạc nhiên khi thấy đủ mặt, mẹ, vú, em Lan (con gái vú) và 2 cô bạn thân của tôi đều có mặt.

Tôi ôm chặt mẹ.

– Mẹ ơi, sao mẹ biết con về mà đón?

Mẹ chỉ cười. Các bạn thật ồn ào.

– Cây phượng nói, nên ra đây đón 3 buổi chiều rồi đó.

Cây phượng nói? Tôi không chờ lời giải thích mà kéo em Lan và 2 bạn chạy, tôi chỉ mong thấy lại cây phượng.

Chạy mau quá! Khi đến trước cây phượng, tôi chỉ biết khom người lo thở. Bạn Non lanh trí vào nhà hàng xóm rót cho tôi ly nước. Bớt mệt, tôi nhìn lên cây phượng. Không phải một cây, mà là một dãy phượng đỏ rực một vùng! Đẹp quá! Hiểu rồi!

Tôi cũng nghe được tiếng cây phượng như mẹ và các bạn đã nghe. Tôi ôm cây phượng, các bạn mỗi người cũng ôm một gốc cây, chúng tôi cùng cất tiếng cười.

Phượng ơi, xa vắng bao lâu
Nhớ thương, thương nhớ sắc mầu thắm tươi. (Phạm thị Hải)

Như thường lệ, khi tôi về nghĩ hè thì em Lan và 2 cô bạn đều đến ngủ nhà tôi mỗi tuần 2 lần.

Anh đứng cười mãi khi thấy vú xét người các bạn, cả em Lan trước khi bước lên lầu đi ngủ, vì vú sợ chúng tôi đem thức ăn lên, ăn mà không đánh răng lại sẽ hư răng (mỗi lần ăn xong là phải đánh răng, đó là luật của vú).

Thường khi lên lầu, không bao giờ 4 đứa lên một lần. Người lên trước sẽ thả xuống một sợi dây ở ngoài sân thượng, người lên sau đứng ở dưới cột đầu giây vào giống, trong giống để một cái rổ, trong rổ là thức ăn mà bạn tôi đi chợ mua, tuỳ theo ngày chúng tôi muốn ăn gì, khoai, bắp, bánh tráng, bánh phồng, mía, bánh bò, dưa hấu … v.v…

Người đứng trên lầu chỉ cần kéo sợi giây từ từ cái rổ sẽ lên đến. Sáng hôm sau sẽ có một bạn đi xuống lầu sớm, trên sân thượng thả xuống như lúc kéo lên, và bạn đó chỉ mở sợi giây ra là xong, sợi giây được kéo lên lại, giấu đi thật kỹ. Giống, rổ được nhanh chóng đem ra khỏi nhà tôi, vú không bao giờ khám phá được bí mật này, nếu trong nhà lỡ có ai thấy đều cười mà không nỡ nói ra, vì ai cũng thương bọn nhỏ cả.

Phòng anh, phòng khách rồi mới đến phòng tôi nhưng cùng một sân thượng. Anh cũng đã ra và ngồi ăn cùng chúng tôi, những món ăn ngày thơ bé của anh.

Ngồi ở sân thượng, nhìn ánh trăng chiếu sáng trên những tàu lá, vệt sáng loang ra lấp lánh như dát vàng, bầu trời như được dệt hàng ngàn kim tuyến.

Gió từ biển thổi vào hòa cùng mùi thơm của các loại hoa, ngọc lan, dạ lý hương, thiên lý, hoa sứ, nên ban đêm trong gió tỏa ra mùi thơm đặc biệt, mùi của quê hương, nó in đậm vào tâm hồn thơ bé của chúng tôi.

Hạ vàng trăng sáng đêm long lanh.
Bóng trăng lơ lửng đậu trên cành (Phạm Đình Dung)

Sáng nay, tôi xin phép mẹ và vú cho em Lan và tôi theo bạn đi hái củi. Nhưng vú không cho em Lan đi vì em phải về ở với ngoại em, dì em có việc phải đi ra ngoài. Tôi ăn mặc đơn giản như hai bạn, thức ăn trưa là cơm vắt và thịt chà bông, nước và thêm 1 phong bánh in to. Vú cằn nhằn.

– Sướng không chịu. Con bé này làm sao ấy.

Anh cười không nói, bởi anh hiểu tôi muốn gì rồi. Ngày còn bé ai cũng ao ước một lần được lên đỉnh núi.

Chúng tôi chỉ chặt các cây khô và tìm dây rừng bó lại. Hai bó củi của bạn to gấp đôi bó của tôi, vì các bạn nói vác từ núi về rất mệt, sợ tôi không vác nổi. Những bó củi đã xong, chúng tôi đi tìm chỗ ăn trưa, tôi muốn lên trên đỉnh núi.

Chúng tôi ao ước một lần lên đỉnh núi. Tôi muốn nhìn thấy nơi mà ngày xửa ngày xưa tiền nhân của chúng tôi đã canh quân xâm lược, và giữ từng tấc đất của quê hương như thế nào.

Đứng dưới chân núi nhìn thì thấy đỉnh núi nhọn, nhưng khi lên đến nơi trên đó có khoảng trống lớn, rộng và bằng phẳng. Lòng dâng lên cảm xúc, chúng tôi quỳ xuống và sụp lạy ba lạy. Nơi đây, người xưa đã từng có mặt, mắt luôn nhìn ra biển khơi để canh chừng quân giặc. Xin đội ơn những liệt vị tổ tiên! Nhờ tấm lòng yêu nước và hy sinh mà ngày nay các con mới có được cuộc sống thanh bình, no ấm. Chúng con hãnh diện mình là người dân Hòn Khói.

Nhìn xuống thấy tất cả các xã, bên tay trái là làng Đông Hòa, làng của chúng tôi. Những mái nhà ẩn hiện trong cây và lá, biển xanh phía trước. Nhìn thẳng là làng Đông Hà như một cái cồn, một phía là núi, ba mặt là biển, con đường dài có cây cầu bắt qua để đến làng, bên mặt là làng Đông Hải một xóm nhà nhỏ gần nhau. Phía sau lưng làng một dãy núi thấp có Hang Dơi, một bên làng là những động cát chạy dài, trước mặt biển rộng bao la. Những thôn làng của chúng tôi đều nằm về hướng Đông của đất nước. Mỗi buổi sáng mặt trời mọc lên từ chơn nước giữa biển to và đỏ rực, ánh sáng chiếu trên biển rạng rỡ một màu, rồi mặt trời từ từ lên cao, ánh sáng chuyển sang màu vàng, biển cũng chuyển màu theo tạo thành một bức tranh hoàn hảo.

Bây giờ làng Đông Hải là một thắng cảnh, có bãi biển đẹp nhất tỉnh Khánh Hòa NhaTrang. Động cát cao nên có tên là Dốc Lết.

Những cồn cát trắng tinh khôi ngăn cách đất liền và bãi biển, muốn ra biển phải vượt qua cồn cát rất mệt mõi, khi tới được bãi biển thì đã quá đừ nên vừa đi vừa lết trên cát. Vì vậy nó mới có tên là Dốc Lết hay là Dốc Lếch.

Nhìn cảnh trời đất bao la chúng tôi thấy mình nhỏ bé trong gió mát dạt dào, ngồi xuống nương theo bóng cây, cùng chia xẻ với nhau những thức ăn trưa thật tuyệt vời. Lòng thanh thản qua! Tự nhiên ba đứa đều cất tiếng hát, tiếng hát vang xa nghe đồng vọng lại.
Hái hoa rừng để kết thành vòng hoa đội đầu, mỗi đứa chọn một màu hoa, riêng tôi thích vòng hoa đủ cả sắc màu chen nhau thơ mộng.
Xuống đến chân núi, trước khi về làng chúng tôi kiểm soát lại quần áo, mới hay áo quần tôi rách nhiều chỗ, nhất là ống quần bị tét một đường dài lên đầu gối, vì khi hái hoa rừng, tôi không để ý đến gai mắt mèo, nên quần áo giờ như dân Cái Bang.
Huề lên tiếng.

– Đừng lo! Tụi mình vác củi về nghĩ ở sân banh, tôi chạy về nhà lấy cho bạn mượn bộ đồ thay rồi mới vác củi về, vú không thấy đâu! Chúng tôi đều sợ vú, vì người không bằng lòng tôi lang thang khắp mọi nơi.

Vừa dựng 3 bó củi chụm vào nhau, tính chạy đổ xuống dốc sân banh, đó là một sân cỏ rất rộng. Chợt nghe tiếng chuông xe đạp vang inh ỏi, chúng tôi quay nhìn lại, anh tôi đang đạp xe và đưa tay chào. Anh cũng đổ dốc xuống sân banh.

– Mẹ, mẹ, bọn nhỏ hái củi về rồi.

Làm sao đây! Thôi thì đành trình diện với bộ dạng này, trên đầu đội vòng hoa như công chúa, quần áo thì như kẻ ăn mày.
Anh rủ cả nhà đi xuống làng Đông Hải, vừa tắm biển vừa leo động cát trước khi anh trở lại Nha Trang. Biển ở đó buổi sáng sóng rất êm, chỉ gợn lăn tăn, cách bờ rất xa mà nước thật trong chỉ đến ngực thôi.

Hai bên họ hàng cha mẹ cô y tá cũng đi chung. Anh Trí phải chở đến bốn chuyến xe mới hết, cũng may là gần. Bọn trẻ chúng tôi leo lên động cát cao nhất, ngồi trên cao lết xuống, cứ leo lên rồi lết xuống. Khi chán thì xuống tắm biển, chúng tôi bơi thi, rồi chạy đua trên cát, la hét cười vang một góc trời, vì ngoài nhóm chúng tôi không ai ra biển tắm cả.

Mẹ, vú và các bà rủ nhau vào trong xóm, vì mẹ muốn thăm người quen. Đoàn người vào thăm xóm đã trở về lại cùng nhau sửa soạn ăn trưa, mẹ mua thật nhiều trái cây, cá, tôm, mực, ghẹ. Mà ghẹ, mực thì mẹ nhờ luộc chín rồi, họ cho cả một chén muối ớt.

Tất cả mọi người phụ nhau để chuẩn bị cho một bữa ăn trưa BBQ ngoài trời với cá, tôm, bắp, khoai lang nướng.

Ông Tám, ba cô y tá nói từ nhỏ đến giờ mới được ăn một bữa ngon, vui và cười nhiều như hôm nay. So với đám cúng đình thì đồ ăn không nhiều bằng, nhưng ông thấy khỏe và ngon miệng quá!

Chiều đến, những người lớn đi xe về làng, vì ba làng gần nhau nên bọn nhỏ chúng tôi đi bộ, ai muốn cất tiếng hát cũng được.

Đường đi không khó,
Dô ta hò dô ta
Mà khó vì lòng người
Dô ta hò dô ta
Ngại núi e sông
Dô ta hò dô ta
Trời hôm nay thanh thanh
Dô ta hò dô ta
Gió đưa cành lung linh tà áo
Dô ta hò dô ta

Cứ vừa đi vừa hát, bọn nhỏ chúng tôi về đến làng.

                          *
*  *
Một vùng biển nhấp nhô gợn sóng
Một cánh buồm lạc lỏng ngoài khơi
Một vầng mây, một khung trời
Một vòng nhật nguyệt một đời người ta.

Nơi đất khách phương xa cầu thực
Chốn quê nhà thổn thức đợi mong
Xuân hè lại đến thu đông
Dù mưa dù nắng mà lòng lạnh câm (Nguyễn Cường)

Diệu Ngọc (Trương kim Báu gởi Huề và Non để nhớ lại ngày thơ ấu)

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.