Rồi một ngày, trong giấc ngủ mơ màng, hình ảnh một người phụ nữ hiện ra, gương mặt đẹp như nàng tiên bước ra từ câu chuyện cổ tích. Cô bé dùng đôi bàn tay của mình sờ lên gương mặt người mẹ, ấm áp, thân quen…
Người phụ nữ cúi xuống hôn lên đôi má bầu bĩnh xinh xinh, cô bé ôm lấy mẹ khóc vì hạnh phúc. Người phụ nữ bế con lên và xoay một vòng, hai vòng, ba vòng,… Cô bé cười khúc khích, hình ảnh trước mặt cô bé quay vòng, quay vòng rồi chợt tắt lịm, bóng tối phủ xuống. Cô bé khóc vì hoảng loạn, cô bé sợ hãi la lên: “Mẹ ơi, mẹ ơi… mẹ… mẹ… đừng bỏ con… mẹ!”.
– Bé Mi, bé Mi dậy di con, đừng sợ, đừng sợ, có mẹ đây!
Cô bé giật mình, dùng tay sờ soạng mọi thứ xung quanh, đôi mắt rươm rướm ướt, hấp háy như cố nhướng lên nhưng bất lực, cứ nhấp nháy liên tục… Đó là phản xạ của một người bị mù.
Cô bé ôm gối và khóc nức nở.
– Mẹ ơi, con là đứa mù, mẹ ơi…
Hạ ôm lấy cô bé vào lòng vỗ về.
– Không sao đâu con, rồi con sẽ khỏi, mẹ tin, con gái mẹ hiền lành xinh đẹp như vậy, chắc chắn ông trời sẽ thương và hóa phép cho con một đôi mắt đẹp.
Cô bé vẫn nức nở…
– Thiệt không mẹ…
Từ hai khóe mắt của Hạ, những giọt nước mằn mặn bắt đầu chảy.
– Thiệt… thiệt… con hãy tin vào những điều tốt đẹp. Nào dậy và đi ra ngoài sân chơi với các bạn đi nào, mẹ dắt con đi.
Cô bé ngồi dậy, xếp những chiếc gối vào một góc tủ một cách gọn gàng, ngăn nắp. Cô bé dùng cọng thun đen cột lại mái tóc dài của mình, rồi cầm tay mẹ Hạ đi ra ngoài.
Cô bé hít thở không khí trong lành của buổi nắng sớm, rồi dùng đôi tai để cảm nhận những âm thanh đang xảy ra quanh mình, dùng cảm giác để biết ánh nắng vàng và ấm áp như thế nào đang chiếu rọi vào gương mặt.
Cô bé nghe được tiếng chim hót, tiếng lá xào xạc quanh sân trường, như cảm thấy đươngỡ.
– Mẹ ơi… con yêu mẹ.
Cuộc sống thường lấy đi của ta những điều ta mong ước và cho ta những thứ mà ta không mong muốn, nhưng sẽ có một ngày chính ta sẽ hạnh phúc với những điều đó. Đó là câu châm ngôn mà Hạ gieo vào lòng Mi, một cô bé vừa tròn 10 tuổi đang hàng ngày quen dần với cuộc sống mù lòa. Cô bé có cái lúm đồng tiền mỗi khi mở miệng cười, thật hồn nhiên và trong sáng…
Nhớ ngày đầu cô bé mới vào đây, mẹ Hạ cũng không thích cô bé lắm bởi bé không chịu hợp tác. Cô bé lầm lì không nói, không ăn uống cũng không chịu nghe lời ai, chỉ lủi thủi vào một góc phòng và khóc. Mẹ Hạ dùng hết mọi cách vẫn không lay động được, bức bí quá nên hăm dọa.
– Nếu con không chịu hợp tác với cô, thì… cô sẽ bỏ con một mình, lúc đó mẹ con có quay lại tìm cũng sẽ không gặp được con đâu.
Cô bé nghe tới tiếng mẹ thì chợt bừng tỉnh, trong ký ức của bé, mẹ đẹp lắm. Nhưng sao mẹ lại để bé một mình, bé nhớ mẹ, nên khẽ thì thầm: “Con nhớ mẹ lắm… mẹ ơi…”.
Cô bé sốt mê man hai ngày, nhiệt độ lên tới 40 độ. Mẹ Hạ lo lắng bế sốc bé lên, chạy thật nhanh qua khu y tế, cầu xin bác sĩ cứu chữa…
Cô bé nằm trong lòng, trong nỗi hốt hoảng của mẹ Hạ mà nghe rõ từng nhịp tim của mẹ Hạ đập mạnh. Cô bé mơ màng trong cơn sốt: “Sao giống mẹ quá”. Vì mẹ cũng từng ôm bé và chạy vào bệnh viện cấp cứu lúc bé bị bệnh nặng…
Lúc đó bé nói với mẹ là mắt bé rất đau, còn người thì nóng hổi, mẹ vội đưa bé vào bệnh viện cấp cứu. Bé nghe được tiếng mẹ khóc nhưng mắt bé không thể thấy. Dù muốn mở mắt ra nhìn mẹ nhưng không được, bé đành ôm cứng lấy mẹ, mê man và ngủ thiếp đi…
Cô bé thức dậy trong một căn phòng có mùi thuốc sát trùng của bệnh viện, nghe tiếng rì rào của những người xung quanh, mà chẳng biết gì hết. “Ai lấy khăn bịt đôi mắt của mình vậy?”. Cô bé muốn mở ra, muốn nhìn thấy mẹ…
– Con không được tháo băng ra, bác sĩ mới phẫu thuật cho con.
– Mẹ con đâu rồi?
Cô bé không nghe thấy tiếng trả lời, chỉ có những cuộc trò chuyện của người lớn đang xì xào điều gì đó mà bé chẳng hiểu. Và tự nhiên, người ta lại đưa bé vào ngôi trường khiếm thị này. Cô bé gào lên, khóc thét, hoảng loạn, xin mọi người hãy trả lại mẹ, miệng bé luôn nói: “Mẹ ơi… đừng bỏ con…”
– Bác sĩ ơi, xin giúp giùm con gái tôi.
Cô bé nghe thấy tiếng của cô Hạ như vậy, và kể từ đó, bé yêu cô Hạ cũng giống như mẹ mình, bởi cô Hạ có giọng nói giống hệt mẹ. Mỗi lúc bé hoảng loạn, cô là người ôm lấy bé, vỗ về và ru bé vào giấc ngủ êm đềm. Bé nghe mọi người gọi cô Hạ bằng mẹ và bé cũng bắt đầu gọi cô bằng mẹ thật tự nhiên…
Mẹ Hạ dạy cho bé tự đánh răng, rửa mặt. Mỗi sáng thức dậy, mẹ Hạ dạy bé xếp gối và mùng mền. Cô bé lắng nghe một cách chăm chú và làm theo, mẹ Hạ khen bé giỏi, tiếp thu nhanh, bé vui lắm, nụ cười của lại nở trên môi.
Một ngày kia, cô bé nói với mẹ Hạ.
– Mẹ cho con ra sân nha mẹ.
– Ừ, con nắm lấy tay mẹ nè.
Hạ nắm lấy tay bé, nhưng bé rút tay lại.
– Mẹ, con muốn tự đi.
Hạ mỉm cười.
– Con làm được không?
Bé nhoẻn miệng cười thật xinh, đung đưa đôi tóc bím mẹ Hạ đã thắt cho bé.
– Dạ được.
Bàn tay nhỏ xíu của cô bé bắt đầu lần mò những bức tường, có những đoạn đường bé phải quờ quạng vào không trung để lấy thăng bằng, bằng giọng nói ấm áp của mẹ Hạ, bé nhận ra trước mặt mình là gì.
– Con cẩn thận nha, trước mặt con là một cái cột, có ba bậc thềm con phải bước xuống.
Cô bé đi chầm chậm, chân rà rà tìm đến chỗ bậc thềm, bước và đếm: “Một bước, hai bước, ba bước”. Cô bé bước ra được khoảng sân trống, nghe gió vi vu thổi bên tai, thật sảng khoái.
– Mẹ ơi, bây giờ là mấy giờ hả mẹ?
– Bây giờ là chín giờ sáng.
– Làm sao con có thể biết được bây giờ là chín giờ hả mẹ?
Mẹ Hạ dắt bé lại chiếc ghế đá và ngồi xuống.
– Con xòe bàn tay ra cho mẹ đi.
Bàn tay nhỏ xíu của bé xòe ra, xinh xinh như một bông hoa. Mẹ Hạ cầm lấy và hỏi.
– Con biết bàn tay mình có mấy ngón không?
– Dạ biết, năm ngón.
– Ừ, năm ngón tay, đại diện cho năm giác quan của cơ thể mình. Mẹ đếm cho con nghe nhé.
– Dạ.
Mẹ Hạ dùng bàn tay của mình, chỉ vào đầu ngón tay bé.
– Thị giác là nơi con có thể nhìn thấy gương mặt của mẹ qua đôi mắt của mình nè. Thính giác là nơi con có thể nghe được giọng nói của mẹ mỗi ngày. Khứu giác là nơi con có thể ngửi được mùi thơm của mẹ khi mẹ ở bên cạnh con. Vị giác là nơi con có thể cảm nhận được những món ăn của mẹ nấu cho con ăn hằng ngày. Còn một giác quan quan trọng nữa đó là xúc giác, đó là bàn tay bé nhỏ này nè, nơi con có thể cảm nhận được tình yêu thương qua cách con sờ lên gương mặt mẹ và cảm nhận mẹ qua trí tưởng tượng của con, nơi con có thể biết cái ôm ấm áp của mẹ mỗi lúc con vui mừng hay sợ hãi.
Cô bé cười vì bài học mẹ Hạ giảng dạy thật ý nghĩa.
– Như vậy, con chỉ còn có bốn giác quan thôi hả mẹ? Nghĩa là chỉ còn có bốn ngón tay.
Mẹ Hạ cười, ôm nó vào lòng.
– Không phải đâu con, bàn tay của con vẫn năm ngón đó thôi, chỉ là con thiếu đi một giác quan thôi.
Mẹ Hạ bước lại sân bóng và cầm lấy một trái bóng mang đến cho bé.
– Nào, trước mặt con là một trái bóng, con hãy cầm nó bằng bốn ngón tay đi nào.
Cô bé cầm lấy trái bóng đưa lên cao bằng bốn ngón tay. Mẹ Hạ vỗ tay hoan hô.
– Giỏi, con của mẹ giỏi lắm. Đó, con thấy không, chúng ta cũng có thể cầm lấy một vật bằng bốn ngón tay. Vậy con hãy tự tin mà bước vào đời bằng bốn giác quan còn lại của con được chứ.
– Dạ, con làm được nè mẹ.
– Đúng rồi. Tuy con bị thiếu đi đôi mắt, nhưng con sẽ được bù lại bằng đôi tai nghe rất giỏi, cái mũi ngửi rất hay và độ nhạy cảm rất tốt. Con hiểu chứ, tất cả những thứ đó sẽ hoạt động, bù lại cho đôi mắt của con.
Cô bé ôm lấy mẹ Hạ, rồi hôn lên bàn tay mẹ.
– Mẹ của con thật tuyệt, cảm ơn mẹ.
Mẹ Hạ cười.
– Ừ, bây giờ con hãy chơi với trái bóng này nhé.
– Dạ.
Cô bé thả trái bóng xuống đất, trái bóng lăn đi và bé chạy theo trái bóng bằng quán tính của mình, dùng chân và đá trái bóng trúng ngay vào khung thành, trái bóng xoay tròn, xoay tròn rồi dừng lại.