Chết Đi Về Đâu

THUẬT HỖ TRỢ HƯƠNG LINH

Trong giai đoạn từ năm 1975 đến năm 1988, tu sĩ xuất gia tại Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi ngày, tăng ni chỉ được phép ở chùa đến 20h30 tối là phải cuốn gói ra đi. Họ phải  tìm một gia đình Phật tử ở gần chùa để tá túc, và chờ đến 3h sáng hôm sau mới được phép về chùa sinh hoạt trở lại. Đây là giai đoạn khá cam go, trong số đó có khoảng 1/3 tu sĩ đã ra đời, vì điều kiện gần gũi với thế nhân nhiều, cùng những biến cố lịch sử trong giai đoạn đầy khó khăn.

Thời đó, ở chùa Giác Ngộ cứ sau 20h30 tối là chúng tôi phải đi ngủ nhờ ở nhà một Phật tử. Rất may trong số đó có một vị xuất gia tại chùa Giác Ngộ, gia đình vị này lại ở gần chùa, chỉ cách đó khoảng 200 mét. Nhà của vị này gồm có ba tầng lầu. Tầng trệt là phòng khám, vì chủ nhân của gia đình này là một bác sĩ, tầng thứ hai dành cho đời sống gia đình, tầng thứ ba và nóc nhà của tầng ba dành cho quý thầy. Gần mười vị thầy cùng ở chung một tầng mà bề ngang chỉ có 3,5m và bề dài 8m là quá chật hẹp. Các vị trẻ đành phải leo lên ngủ trên nóc của tầng nhà. Nhà vệ sinh của ngôi nhà lại nằm dưới tầng trệt, các tầng lầu còn lại đều không có nhà vệ sinh.

Một tối nọ, vì có nhu cầu đi vệ sinh, tôi đành phải đi xuống dưới nhà. Trong lúc đang xuống cầu thang, tôi nhìn thấy hình ảnh một ông Tây đang đội nón đứng ngay thang lầu. Tôi cứ tưởng do vì buồn ngủ quá nên mình bị ảo giác. Sáng hôm sau, khi tâm sự với các vị thầy khác mới biết rằng các vị này và người chủ nhà cũng nhìn thấy tương tự như tôi.

Tìm hiểu kỹ, tôi được biết ông Tây này trước đây từng là chủ nhân của ngôi nhà. Ông đã bị một tên cướp đột nhập vào nhà bắn chết và lấy hết của cải, tài sản. Dù là một người phương Tây chịu ảnh hưởng dưới nền văn hóa Cơ Đốc giáo hoặc Tin Lành sẽ không tin có đời sống sau khi chết, ngoài hai hình thái hưởng nhân đức Chúa hay bị hỏa ngục đời đời. Thế nhưng cái chết đó có thể để lại cho ông  sự nuối tiếc về gia tài sự nghiệp, khiến ông cứ muốn bám víu mãi nơi đó, không muốn ra đi. Do vì được huấn luyện từ nhỏ nên các tu sĩ luôn cảm thông, không sợ hãi mà trái lại rất thương hương linh. Bởi sự có mặt của họ là một điềm báo, họ rất cần sự giúp đỡ của ta. Vì vậy, chúng tôi đã tổ chức lễ cầu siêu giúp cho hương linh này được siêu sinh thoát hóa. Từ đó trở đi không ai còn nhìn thấy ông Tây này nữa.

Có thể ngôn ngữ trong tiếng Anh của ông Tây và tiếng Việt của các thầy có sự khác nhau, nhưng về dòng cảm xúc và sự giao thoa tâm tưởng của con người và hương linh vẫn có thể diễn ra một cách trực tiếp. Vì vậy mà ta cần nhờ đến quý thầy hoặc quý sư cô làm lễ cầu siêu là thế. Bởi năng lực tu tập và sự huấn luyện từ nhỏ khiến người xuất gia dễ dàng thiết lập được chánh niệm, chánh định, và sự giao thoa ảnh hưởng với hương linh vẫn có thể diễn ra theo một tần số tâm thức. Hương linh mặc dù không hiểu được ngôn ngữ của lời kinh tiếng kệ, nhưng thông điệp mà những vị xuất gia, người hộ niệm hay thậm chí là người Phật tử truyền đạt lại trong khóa lễ cầu siêu sẽ giúp họ cảm nhận được đây là năng lực hộ vệ giúp mình nhẹ nhàng ra đi, siêu sinh thoát hóa.

Bất kỳ một sự bám víu nào về mặt cảm xúc đều có thể là trở lực, là sợi dây xích ghì chặt hương linh lại. Với người bị chết oan ức hay tự tử, cần làm lễ cầu siêu ngay tại địa điểm mà cái chết xảy ra, vì nơi đó hương linh thường xuyên về. Theo quan điểm của đạo Phật, đừng nên thiết lập bàn thờ hoành tráng tại nhà, đừng nên mở cửa mả rước ông bà tổ tiên về nhà, vì những điều này hoàn toàn không phù hợp và không an toàn với đạo lý tái sinh. Khi quý vị Phật tử yêu cầu các thầy hoặc các sư cô làm lễ mở cửa mả, các chùa vẫn thực hiện việc đó nhưng hoàn toàn vô nghĩa. Bởi bản chất của khóa kinh và cầu nguyện của Phật giáo là mong cho hương linh được siêu sinh thoát hóa, chứ không mong cho hương linh trở về nhà. Vì trở về nhà, hương linh sẽ tồn tại dưới dạng thức ngạ quỷ, chẳng lẽ chúng ta lại mong muốn ông bà, tổ tiên, người thân, người thương của mình trở thành ngạ quỷ cả hay sao. Vào ngày 30 tết cũng thế, người

Phật tử đừng nên cầu ông bà tổ tiên về dùng cơm, đón tết sum họp với gia đình. Ta chỉ nên đứng trước bàn hương án của ông bà để tưởng niệm công lao đóng góp của ông bà dành cho gia tộc, chứ đừng mong ông bà trở về.

Ở Việt Nam, Phật giáo thường khuyến khích người Phật tử nên tổ chức lễ cúng giỗ, cúng thất không ở nhà mà là ở chùa. Sau khi làm lễ thổ tiêu hoặc thổ táng thì nên thỉnh rước hương linh về chùa ngay. Bởi nếu hương linh đó chưa ra đi được, mà về nhà thì dòng cảm xúc cứ bị ghì chặt với những kỷ niệm đẹp. Chẳng hạn như cái bàn làm việc là nơi tạo cho hương linh cái danh vọng, thành công, hoặc chiếc giường là kỷ niệm đẹp của đôi vợ chồng đã tạo ra chất liệu hạnh phúc, tất cả những đồ vật đó đều có thể là cơ sở để hương linh chấp trước, bám víu vào. Do đó, ta đừng nên tạo cơ hội cho hương linh trở về nhà, nếu có chăng là trở về chùa, và nên cúng thất, cúng giỗ, làm lễ cầu siêu ngay tại  chùa. Trong trường hợp hương linh đó chưa ra đi được thì cũng chỉ quanh quẩn trong khuôn viên ngôi chùa, cùng với sự hỗ trợ của lời kinh tiếng kệ, sự giao thoa tâm linh của chư Phật, Bồ-tát và những người đồng tu sẽ giúp hương linh được siêu sinh. Đây là một thuật hỗ trợ giúp kẻ còn lẫn người mất đều lợi lạc và an vui. Như vậy, câu hỏi được đặt ra trong tình huống hương linh không rơi vào trạng thái bám víu về cơ thể vật lý, gia tài, sự nghiệp, tình yêu v.v… vậy thì chết đi về đâu?

CHẾT TÁI SINH THEO NGHIỆP

Ngài Na Tiên tỳ kheo đã đưa ra một ví dụ rất sâu sắc về hình ảnh cái cây. Cho dù cây có đứng thẳng cách mấy vẫn còn độ nghiêng nhất định của nó. Chẳng hạn như cây dầu, cây cau, cây dừa, hãy thử lấy chiếc cưa bằng máy hay bằng tay cưa nó, chắc chắn sẽ thấy độ thẳng của cái cây bị ngã. Như vậy nó ngã về hướng nào? Chắc chắn nó sẽ ngã về phía nó đang bị nghiêng. Một cái cây cho dù có đứng sừng sững, nhưng chỉ cần một cơn gió thổi qua theo độ nghiêng thì tự động nó sẽ ngả qua. Nếu độ nghiêng của cây khoảng 100 trở lên thì sự ngã sẽ diễn ra trước khi cái cây bị cưa đứt, lớp vỏ bên ngoài sẽ bị gãy đổ tức khắc.

Cùng cách tương tự, dòng chảy của nghiệp được thể hiện qua nghề nghiệp, chức tước của con người, những gì được lặp đi lặp lại sẽ trở thành quán tính của hành vi. Chính quán tính đẩy tiến trình tái sinh của con người theo một quỹ đạo, mà đôi lúc người quá cố hay người chuẩn bị ra đi không có sự lựa chọn. Họ phải đi trên con đường theo sức đẩy của nghiệp, và sức đẩy này tạo ra sự thiên sai vạn biệt của sinh giới với những yếu tố bẩm sinh như cá tính, văn hóa, phong tục tập quán khác nhau. Chẳng phải ngẫu nhiên mà con người có và duy trì được phong tục tập quán khác nhau, mà bởi vì trong tiến trình tái sinh, tất cả thói quen của văn hóa, phong tục tập quán, ứng xử được tích tụ lại dưới dạng thức năng lực của nghiệp. Năng lực nghiệp thúc đẩy con người từ lúc mới bắt đầu hình thành mầm sống mới trong bào thai người mẹ.

Trong kinh Vu Lan, đức Phật đề cập đến sự tương tác giữa bào thai của đứa con và cá tính của người mẹ. Nếu là đứa con ngỗ nghịch, biểu đạt bình thường vật lý khi sanh ra sẽ đạp quấy lung tung, làm đau đớn người mẹ; hoặc thay vì chui đầu ra trước thì nó lại đưa hai bàn chân ra trước. Đây là một biểu hiện vật lý, nếu như quá trình giáo dục của người đó không tốt, họ sẽ có khuynh hướng đi theo quán tính nghiệp đã gieo trồng, mà đôi lúc không cưỡng lại nổi. Cá tính được đính kèm khi con người có mặt dưới hình thức là một phôi thai. Đó là lý do tại sao có những hiện tượng thiên tài, thần đồng, người có năng khiếu, sở trường riêng về một lĩnh vực nào đó chẳng phải vô cớ, chẳng phải do Thượng đế nắn tạo, mà do nghiệp đã qui định rõ điều này.

Tôi có dịp xem bộ phim Kundun của Hollywood mô tả về cuộc đời của đức Đạt-lai-lạt-ma. Bộ phim đó với phần đầu khá

hấp dẫn, đề cập đến sự truy tìm hậu thân của đức Đạt-lai-lạt- ma thứ 14, tức là đức Đạt-lai-lạt-ma hiện tại. Ngài Đạt-lai-lạt- ma thứ 13 di chúc lại rằng ngài sẽ tái sinh vào vùng Heysa tức là vùng biên địa của Tây Tạng, trong một gia đình thuần tính về Phật pháp với một số yếu tính nhất định được ngài mô tả trong di chúc.

Khoảng 6 năm sau khi ngài nằm xuống, các nhà sư bắt đầu đi tìm hậu thân của ngài lần theo những gì được di chúc lại. Đến ngôi làng nọ, đoàn tìm kiếm rất ấn tượng khi nhìn thấy từ xa có một cậu bé đang chơi đùa với các cậu bé khác trong làng. Cậu bé này có gương mặt rất dễ thương, hiền lành và chất liệu từ bi. Lúc ấy, những đứa bé trong làng đang chơi trò bắt dế cắn nhau, chúng rất vui sướng, nô đùa khi nhìn thấy con này cắn thắng con khác. Trong lúc chúng đang hân hoan vỗ tay thì Kundun đã có phản ứng hoàn toàn khác biệt, Kundun nhảy vào tách đám trẻ đang chơi làm hai phía. Chính Kundun dùng bàn tay tách hai con dế ra, và bắt một con đi thật xa rồi bỏ xuống, để chúng không có điều kiện cắn nhau nữa. Kundun không cho phép bọn trẻ tạo niềm vui và nụ cười trên nỗi đau của loài vật, đây chính là chất liệu của lòng từ bi.

Một đứa bé chỉ mới sáu tuổi đầu, chưa có được sự giáo dục về hòa bình, sự tương nhượng thì làm sao lại có chất liệu từ bi nếu đây không phải là hậu thân của đức Đạt-lai-lạt-ma – một vị mà trong truyền thống Tây Tạng được mệnh danh là vị Phật sống, là hóa thân của đức Bồ-tát Quán Thế Âm tượng trưng cho lòng đại từ đại bi. Chất liệu đó vẫn còn giữ lại trong tiền thân, hậu thân có mối liên hệ mật thiết với nhau thông qua cá tính, phẩm chất, lý tưởng hoặc thói quen. Thế nhưng bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ để xác định đây là hậu thân của đức Đạt-lai-lạt-ma, người ta phải trải qua thêm nhiều cuộc thử nghiệm khác.

Vị Đạt-lai-lạt-ma thứ 13 có thói quen sử dụng cặp kính cận xấu và cũ. Người ta cho thử nghiệm bằng cách trưng bày bên cạnh chiếc kính cận cũ kỹ đó cùng nhiều cặp kính khác rất đẹp, sang trọng và hấp dẫn với nhiều màu sắc sặc sỡ. Vì tâm lý trẻ thơ thường thích những đồ vật đẹp và màu sắc bắt mắt. Trong rất nhiều cặp kính như thế, cậu bé Kundun là người chọn ngay cặp kính mà đức Đạt-lai-lạt-ma thứ 13 từng sử dụng. Tuy chiếc kính đó không đẹp nhưng là kỷ vật gắn bó trong suốt thời gian dài, và chỉ có chủ nhân của nó mới cảm giác được sự thân thương, gần gũi hơn là những người khác. Đây chính là yếu tố thứ hai để xác định hậu thân của đức Đạt-lai-lạt-ma. Sau đó, người ta tiếp tục làm cuộc thử nghiệm khác.

Theo truyền thống Tây Tạng, đức Đạt-lai-lạt-ma luôn ngồi giữa trong tất cả các khóa lễ, vì ngài vừa là vị lãnh tụ tinh thần vừa là vị lãnh tụ quốc gia. Hình ảnh một vị vua – triết gia của nền văn hóa Hy Lạp được thể hiện trọn vẹn trong hình ảnh của đức Đạt-lai-lạt-ma. Bởi vì thiếu triết lý thì cuộc đời và sự cai trị của nhà vua sẽ dẫn đến nỗi khổ niềm đau cho muôn dân. Hoặc nếu đơn thuần chỉ là nhà triết gia thì học thuyết và sự đóng góp cũng chỉ là vô ích, vì chẳng ai đem ra ứng dụng. Chính vì thế, trong hình ảnh của nhà vua phải có yếu tố của triết gia và ngược lại. Đức Đạt-lai-lạt-ma đã thể hiện sự hóa thân hai hình ảnh này làm một thông qua cấu trúc tôn giáo, chính trị và xã hội Tây Tạng.

Trước khi yêu cầu cha mẹ cho Kundun được trở về tu viện để làm lễ phục hồi chức vị thì bữa cơm tiếp đãi của gia đình được diễn ra. Theo phong tục tập quán Tây Tạng, trong gia đình người chồng là chủ nhân, người vợ bị lệ thuộc như một sở hữu tài sản, và con cái là hoa trái của sự sở hữu tài sản đó. Trong bàn cơm ngày hôm ấy, người chồng ngồi chính giữa, người vợ ngồi một bên và những đứa con ngồi một bên. Vị trí chính giữa đó chỉ dành cho người chồng và người cha.

Trong lúc người cha đi rửa tay để chuẩn bị bữa ăn thì Kundun bước đến ngồi vào ngay chiếc ghế giữa của cha. Thấy thế, người cha vội nói: “Đây là chỗ của ba, con phải ngồi ở bên đây nè”, và ông ẵm Kundun sang ngồi ghế bên cạnh. Thế nhưng Kundun lại vùng vằng nói: “không, chỗ này là của con… chỗ này là của con…”

Đối với nền văn hóa khác không phải là Phật giáo, trong tình huống này có thể người cha sẽ không vui.  Tại sao đứa con lại dám vô lễ giành chỗ ngồi của mình như thế? Trong suốt cuộc đời của Đức Đạt-lai-lạt-ma từ trẻ đến già, và liên tục trong 14 đời ngài luôn ngồi ở vị trí chính giữa, không ngồi ở vị trí bên cạnh. Dĩ nhiên, đây không phải là tính cách thể hiện cái bản ngã, mà để giúp cho người khác nhận dạng ra mình là hậu thân. Bản ngã được thể hiện thông qua sự giành giựt nhưng ở đây là sự gánh vác, ngài vẫn muốn bộc lộ rõ cái gốc của mình.

Tiếp tục, lại một thử nghiệm khác, lần này là cây gậy của vị tiền thân từng sử dụng. Nhiều cây gậy được làm giống hệt cây gậy đó, và một lần nữa Kundun là người chọn đúng cây gậy mà Đức Đạt-lai-lạt-ma thứ 13 đã dùng.

Cách thức tìm hậu thân theo truyền thống tái sinh của Tây Tạng thường được diễn ra như thế, thông qua di chúc cùng những biểu đạt cho thấy cá tính của người hậu thân và tiền thân có cấu trúc tương đồng với nhau về mặt bản chất. Vì bản chất của nghiệp không thay đổi, giữa đời cuối cùng và đời mới tái sinh có mặt, vấn đề còn lại của sự thay đổi là theo tiến trình lớn lên liên hệ đến giáo dục, phong tục tập quán, môi trường, hoàn cảnh và đối tượng giao tế của người đó. Còn lúc mới bắt đầu, một đứa bé chưa đủ sức để tự thay đổi chính nó, lúc này cấu trúc quán tính về nghiệp được thể hiện một cách rõ rệt.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.