Bài kệ 4
Niết bàn bất danh hữu 涅槃不名有
Hữu tắc lão tử tướng 有則老死相
Chung vô hữu hữu pháp 終無有有法
Ly ư lão tử tướng. 離於老死相
Niết bàn không phải có
Có là tướng già chết.
Tuyệt không có pháp có
Lìa xa tướng già chết.
Niết bàn bất danh hữu
Nirvana không thể gọi là có. Không thể gọi Niết bàn là một cái gì có (existing). (You can not call Nirvana as something existing).
Hữu tắc lão tử tướng
Nếu Niết bàn là có thì cố nhiên nó phải có tính chất của già (lão) và chết (tử). Bất cứ cái gì có đều phải đi ngang qua giai đoạn tàn hoại và tiêu diệt
Chung vô hữu hữu pháp
Ly ư lão tử tướng
Chung là rốt cuộc. Rốt cuộc, không có pháp nào được gọi là có (hữu pháp) mà có thể xa lìa tướng lão và tử.
Chúng ta gọi bông hoa này là có, vì vậy nó sẽ tàn lụi và nó sẽ chết. Cái gì mà có là phải đi ngang qua tướng già và tướng chết. Nếu Niết bàn là một cái gì có thì nó cũng phải đi ngang qua tướng già và chết, vậy thì Niết bàn đâu phải là mục đích tìm cầu của ta? Ban đầu chúng ta nói: Tu là phải đạt được Niết bàn. Nếu Niết bàn không có thì tu để làm gì? Cũng như nếu không có Chúa, nếu không có Thiên đường thì theo đạo Cơ đốc uổng quá đi!
Nhưng trong giáo lý đạo Phật, Niết bàn không thể được gọi là có. Nếu Niết bàn là có thì Niết bàn phải đi ngang qua cửa của sự tàn hoại và tiêu diệt, mà nếu tàn hoại và tiêu diệt thì không thể gọi là Niết bàn. Rốt cuộc không có một vật nào được gọi là có mà có thể tách rời được tướng già và tướng chết.
Bài kệ 5
Nhược Niết bàn thị hữu 若涅槃是有
Niết bàn tức hữu vi 涅槃即有為
Chung vô hữu nhất pháp 終無有一法
Nhi thị vô vi giả. 而是無為者
Nếu Niết bàn là có,
Niết bàn là hữu vi.
Tuyệt không còn pháp nào
Được gọi vô vi cả.
Nhược Niết bàn thị hữu
Niết bàn tức hữu vi
Nếu Niết bàn được gọi là có, nó là một pháp hữu vi. Nhưng theo nguyên tắc, Niết bàn là một pháp vô vi. Hữu vi là samskrta. Tất cả những gì do các yếu tố khác tập hợp lại làm thành ra được gọi là pháp hữu vi (conditioned dharmas, choses conditionnées). Rừng cây, mưa, người thợ mộc, đinh v.v.. kết hợp lại làm biểu hiện ra cái bàn, nên cái bàn là một pháp hữu vi. Niết bàn không phải là một pháp hữu vi tại vì bất cứ pháp hữu vi nào cũng đi ngang qua sự tàn hoại và tiêu diệt. Nếu đi tìm Niết bàn như một pháp hữu vi thì không đáng để đi tìm, tìm một cái cũng già, cũng chết thì tìm làm gì? Nếu Niết bàn đã là một pháp hữu vi rồi thì:
Chung vô nhất pháp
Nhi thị vô vi giả
Vậy thì còn pháp nào được gọi là vô vi nữa? Niết bàn là hữu vi rồi thì cái gì trên đời được gọi là vô vi nữa? Vô vi là asamskrta(unconditioned dharmas). Người ta chia các pháp ra làm hai loại: những pháp do điều kiện tạo thành (hữu vi) và những pháp không do điều kiệu tạo thành (vô vi). Niết bàn thường được diễn tả trong kinh điển như là một pháp vô vi.
Bài kệ 6
Nhược Niết bàn thị hữu 若涅槃是有
Vân hà danh vô thọ 云何名無受
Vô hữu bất tùng thọ 無有不從受
Nhi danh vi hữu pháp. 而名為有法
Nếu Niết bàn là có
Sao gọi là vô thọ?
Không gì không từ thọ
Mà được gọi pháp có.
Nhược Niết bàn thị hữu
Vân hà danh vô thọ
Nếu Niết bàn được diễn tả như một cái gì có thì làm sao gọi đó là vô thọ? Trong kinh có nói: Hữu thọ là sinh tử, vô thọ là Niết bàn. Chữ thọ được dịch từ chữ upādāna. Upādāna có nghĩa là ta với tới được, ta nắm lấy được, ta chấp thọ được (s’acquérir, appropriating, dependant, cause). Tất cả cái gì mà ta có thể nắm được, có thể nắm bắt được, có thể nương tựa vào được để mà thành, gọi là hữu thọ. Đó là những pháp hữu vi, mà hữu vi thì thuộc về phạm vi sinh tử. Công ăn việc làm của ta như ta làm cho nhà băng, ta làm ruộng hay làm thợ mộc, tất cả đều là hữu thọ (hữu vi). Nó có đó, rồi mai mốt nó không có nữa. Ta bị mất việc làm như chơi. Ta phải nương vào nó, phải nắm bắt nó. Đó là những cái phải nương vào nhau để phát hiện. Nếu Niết bàn mà còn nương cậy trên những cái khác thì nó đâu phải là Niết bàn! Nếu gọi Niết bàn là có (hữu thọ) thì tại sao Niết bàn có thể còn là vô thọ? Vô thọ (independant) là cái không tùy thuộc, không vướng mắc, không nương cậy trên những cái khác.
Vô hữu bất tùng thọ
Nhi danh vi hữu pháp
Vô hữu tức là không có. Vô hữu bất tùng thọ nghĩa là, không có một cái gì không từ thọ mà có thể được gọi là một cái đang có. Hữu pháp là một cái gì có. Tất cả cái gì có đều phải có tính cách thọ, tức là có tính cách nương tựa, nhờ cậy, tùy thuộc. Không có một pháp có nào mà không tùy thuộc vào những pháp có khác. Thọ là tùy thuộc (dependant), vô thọ là không tùy thuộc (independant).
Niết bàn không phải hữu thọ, nó không tùy thuộc vào cái có-không, lên-xuống, còn-mất của những cái khác. Đó gọi là vô thọ.
Chữ hữu thọ và vô thọ phải được hiểu theo văn mạch của kinh điển: Hữu thọ là sinh tử, vô thọ là Niết bàn.