Bài kệ 10
Như Phật kinh trung thuyết 如佛經中說
Đoạn hữu đoạn phi hữu 斷有斷非有
Thị cố tri Niết bàn 是故知涅槃
Phi hữu diệc phi vô 非有亦非無
Như trong kinh Bụt nói
Đoạn có và đoạn không
Mà ta biết Niết bàn
Không có cũng không không
Như Phật kinh trung thuyết
Đoạn hữu đoạn phi hữu
Như Đức Thế Tôn đã nói trong kinh, chúng ta nên dứt bỏ có và không có. Đây là sự thực tập của chúng ta. Chúng ta thèm khát cái có (craving for being), tiếng Phạn là bhava-tanhā. Bhava là being, tanhā là craving. Ta thèm có, có cho lâu, có cho nhiều. Đôi khi, ta không bằng lòng với chất lượng cái có của ta, và ta đi tìm cái có khác. Ta muốn sinh lên nước Chúa hay đi về cõi Tịnh độ, tức là ta muốn rời bỏ cái có này để đi tìm một cái có khác. Cái có khác đó gọi là vibhava-tanhā. Cái hiện hữu này quá nặng nề trên vai mình, mình muốn đặt nó xuống để đi tìm cái không hiện hữu. Đó là tâm trạng của những người muốn tự tử. Bhava và vibhava là hai đối tượng của sự thèm khát. Bụt nói, cả hai thèm khát đó đều không nên. Bụt dạy ta làm thế nào để vượt thắng hai thèm khát đó. Bụt không dạy ta từ bỏ sự thèm khát “có” để đi tìm sự thèm khát “không”.
Đây không phải là lý thuyết mà là sự thực tập, đừng bám vào hữu (becoming) mà cũng đừng bám vào vô (non-becoming). Trong rất nhiều kinh, Bụt dạy: Đừng thèm khát có mà cũng đừng thèm khát không. Căn cứ vào lời dạy đó chúng ta biết rằng, Niết bàn là một trạng thái, một thực tại vượt thắng có và không, trong đó chúng ta rất an ổn, ta không bị hai thèm khát có và không đè nặng.
Theo Cơ đốc giáo, nước Chúa là một cái gì có. Nếu nước Chúa không có thì ta mong ước sinh lên làm gì nữa? Nhưng trong giáo lý đạo Bụt, Niết bàn không phải là cái có. Nhìn cho kỹ, chúng ta thấy bất cứ cái gì có đều phải tiêu diệt và trở thành không. Tìm nước Chúa hay tìm cõi Tịnh độ như một cái gì có thì đó vẫn là một thèm khát. Có và không, trong bất cứ hình thức nào, đều không phải là đối tượng tìm kiếm của người Phật tử.
Thị cố tri Niết bàn
Phi hữu diệc phi vô
Nhờ đó mà biết Niết bàn không phải có mà cũng không phải không có. Nói Niết bàn có là sai lời Bụt dạy mà nói Niết bàn khôngcũng sai lời Bụt dạy.
Giới triết học đàm luận tới có và không như những thực thể của triết học. Trong nguyên văn tiếng Phạn của Trung Quán Luận, câu thứ hai dùng chữ hữu và vô là bhāva-vibhāva, nhưng câu thứ tư thì dùng chữ hữu và vô là bhāva-abhāva. Bhāva-vibhāva là đối tượng của kinh nghiệm, là những empirical events. Còn bhāva-abhāva có tính cách của triết học, của thực chất, là một giả định mang tính trừu tượng (a metaphysical assumption). Ý niệm về hữu-vô trong bhāva-abhāva vượt thoát lĩnh vực kinh nghiệm, nó đi vào phạm vi của triết học. Đó là ý niệm về siêu hình, nên gọi là metaphysical assumption. Hữu-vô dịch từ bhāva-vibhāva, là những cái thuộc về phạm vi kinh nghiệm của năm uẩn của mình trong đời sống hằng ngày (empirical events). Đến khi đi vào thực tại sâu sắc thì ta dùng chữ bhāva-abhāva. Đó là cái có và cái không đi vào phạm vi thực chất, là hai ý niệm siêu hình có tính cách triết học.
Bài kệ 11
Nhược vị ư hữu vô 若謂於有無
Hợp vi Niết bàn giả 合為涅槃者
Hữu vô tức giải thoát 有無即解脫
Thị sự tắc bất nhiên. 是事則不然
Nếu gộp cả có không
Mà thành ra Niết bàn
Có không là giải thoát
Điều này thật vô lý.
Nếu có và không hợp chung lại mà thành ra Niết bàn thì hóa ra hữu vô là giải thoát. Chuyện đó rất vô lý! Cái có riêng nó làm ta đau khổ, cái không riêng nó cũng làm ta đau khổ. Bây giờ góp có và không lại thì làm ta đau khổ thêm thôi, sao lại gọi là giải thoát?
Có bốn mệnh đề (tứ cú): có, không, vừa có vừa không, không có và không không có. Chúng ta đang học về mệnh đề thứ ba: vừa có vừa không. Nếu sự thật không nằm ở có thì nó nằm ở không, mà nếu sự thật không nằm ở không thì có lẽ nó nằm ở vừa không vừa có. Nhưng lấy cả có cả không hợp lại để làm thành Niết bàn thì hóa ra có-không tức là giải thoát. Đó là một điều vô lý!
Bài kệ 12
Nhược vị ư hữu vô 若謂於有無
Hợp vi Niết bàn giả 合為涅槃者
Niết bàn phi vô thọ 涅槃非無受
Thị nhị tùng thọ sinh. 是二從受生
Nếu gộp cả có không
Mà có được Niết bàn,
Niết bàn chẳng vô thọ
Cả hai do thọ sinh.
Lấy cả có và không mà hợp lại thành Niết bàn thì Niết bàn không còn tính chất vô thọ (phi vô thọ). Tại vì có là một cái tùy thuộc, cái không cũng là một cái tùy thuộc, hợp cả hai cái lại làm thành ra một cái tùy thuộc hơn. Trong khi đó, Niết bàn là một cái không tùy thuộc nhân duyên. Cái có và cái không đều do hữu thọ mà thành, còn Niết bàn là vô thọ. Lý luận cho rằng, Niết bàn là do cả có và cả không gom lại mà thành là không đứng vững. Ta vượt được mệnh đề thứ ba là “vừa có vừa không”.
Bài kệ 13
Hữu vô cộng hợp thành 有無共合成
Vân hà danh Niết bàn 云何名涅槃
Niết bàn danh vô vi 涅槃名無為
Hữu vô thị hữu vi. 有無是有為
Khi gộp có, không lại
Làm sao gọi Niết bàn?
Niết bàn là vô vi
Có, không là hữu vi.
Đem cái có và cái không góp chung lại gọi là Niết bàn, đó là một điều vô lý, (tại vì) Niết bàn là một pháp vô vi trong khi có và không là những pháp hữu vi.
Hữu vô cộng hợp thành
Vân hà danh Niết bàn
Vân hà có nghĩa là làm sao, danh là gọi. Cái có và cái không cộng lại làm sao gọi đó là Niết bàn, tại vì:
Niết bàn danh vô vi
Hữu vô thị hữu vi
Niết bàn là một pháp vô vi trong khi đó có và không là những pháp hữu vi.