Bài kệ 21
Diệt hậu hữu vô đẳng 滅後有無等
Hữu biên đẳng thường đẳng 有邊等常等
Chư kiến y Niết bàn 諸見依涅槃
Vị lai quá khứ thế. 未來過去世
Diệt rồi có hay không?
Hữu biên thường vân vân.
Kiến khởi từ Niết bàn
Từ quá khứ vị lai.
Trong bài kệ thứ 20, chúng ta thấy rằng thật chất của Niết bàn và thật chất của sinh tử luân hồi hoàn toàn không sai khác nhau. Ý niệm chạy trốn sinh tử để đi tìm Niết bàn là một ý niệm sai lầm. Có một thiền sư Việt Nam khuyên đệ tử đừng vướng mắc vào trong cõi sinh tử mà hãy tìm tới cõi Niết bàn. Có một vị đệ tử đứng lên hỏi thiền sư, vậy thì phải tìm Niết bàn ở đâu thì thiền sư trả lời: Tìm ngay trong cõi sinh tử! Ngoài sinh tử ra thì không tìm được Niết bàn. Nó là sinh tử tại vì chúng ta có cái nhìn sai lạc. Khi nhìn với con mắt của trí tuệ, của giác ngộ thì sinh tử biến thành Niết bàn.
Bài kệ thứ 21 nói về các kiến, tức là về các chủ thuyết. Chúng ta đã đọc kinh A Nậu La Độ, chúng ta biết có bốn mệnh đề: có, không, vừa có vừa không, không có cũng không không. Các triết gia muốn chúng ta phải chọn một trong bốn mệnh đề đó. Bụt nói, bốn phạm trù của tư tưởng không chứa đựng được thực tại. Đi hái mận, chúng ta có thể đem theo bốn cái giỏ để đựng mận. Nhưng đi tìm thực tại mà đem theo bốn cái giỏ thì không thể chứa đựng được.
Ngày xưa Bụt có một đệ tử tên là Mālunkyāputta. Anh ta đặt rất nhiều câu hỏi có tính cách triết học:
Con muốn biết, Ngài dạy cho con, thế gian này thường hay không thường, hữu hạn hay vô hạn, hữu biên hay vô biên? Thế giới của vũ trụ có biên giới hay không có biên giới? Thời gian là vĩnh cửu hay có giới hạn? Nếu thầy không trả lời cho con những câu hỏi này thì chắc là con phải bỏ giáo đoàn mà đi tại vì đó là cái con muốn đi tìm.
Đức Thế Tôn nói:
Này thầy! Hồi thầy mới xuất gia, tôi có hứa với thầy là tôi sẽ trả lời cho thầy biết thế giới thực tại này hữu hạn hay vô hạn, thường hay vô thường, hữu biên hay vô biên không? Tôi chưa bao giờ hứa với thầy là khi thầy đi tu thì tôi sẽ trả lời những câu như vậy.
Và Bụt đưa ra một ví dụ rất nổi tiếng: Nếu có một người đi đâu đó và bị người ta bắn một mũi tên độc cắm vào thân. Chất độc đã bắt đầu thấm vào. Lúc đó người trong nhà gọi bác sĩ tới. Ông bác sĩ sắp sửa nhổ mũi tên ra thì người bị thương ngăn lại: Không được! Không được! Ông chưa nhổ ra được! Ông phải nói cho biết ai là người bắn tên này? Tên họ người đó là gì, thuộc về dòng giống nào? Lý do gì mà người đó bắn tôi? Tôi phải biết rõ rồi tôi mới cho ông nhổ tên ra. Đức Thế Tôn nói:
Mālunkyāputta, nếu cứ ngồi đó mà trả lời cho hết những câu hỏi kia thì người bị thương đã chết trước khi vết thương được chữa trị. Sở dĩ tôi không nói đến chủ đề triết học, siêu hình tại vì tôi không thấy chủ đề đó giúp ích gì được cho quý vị. Những gì tôi dạy là về khổ đau, bản chất của khổ đau, nguyên do đưa tới khổ đau và con đường vượt thoát khổ đau. Tôi là ông thầy thuốc, tôi không ngồi trả lời những câu hỏi về nhân chủng học, về xã hội học. Nếu tôi ngồi để trả lời những câu hỏi đó thì anh sẽ chết trước khi có cơ hội để chuyển hóa và tu tập.
Đi tu, trước hết là để chữa trị những vết thương của mình chứ không phải để đi tìm thỏa mãn những câu hỏi về siêu hình, triết học.
Diệt hậu hữu vô đẳng
Hữu biên đẳng thường đẳng
Diệt hậu là sau khi chết. Đẳng có nghĩa là vân vân. Sau khi nhập Niết bàn thì Như Lai có hay không có, những vấn đề như hữu biên hay vô biên, hay vừa hữu biên vừa vô biên, hay không hữu biên cũng không vô biên; còn hay không còn, hay vừa còn vừa không còn, hay vừa không còn vừa không không còn, là tám chủ thuyết triết học. Thêm vào bốn chủ thuyết nữa là thường hay đoạn, hay vừa thường vừa đoạn, hay không thường cũng không đoạn.
Chư kiến y Niết bàn
Vị lai quá khứ thế
Tất cả những chủ thuyết, những ý thức hệ đó đều nương vào ý niệm về Niết bàn và những kiến chấp kia cũng có liên hệ tới hai thời gian là quá khứ và vị lai. Những chủ thuyết này được đặt trong khung cảnh của không gian và thời gian.
Bài kệ này không phải là giáo lý của thầy Long Thọ. Thầy chỉ liệt kê những lý thuyết mà người đời đặt ra và tranh chấp với nhau. Có một vấn đề nữa được đưa ra là mạng và thân. Mạng là thọ mạng (mạng sống) và thân là hình hài. Mạng sống và hình hài là hai hay là một? Mạng sống có phải là hình hài không? Nếu hình hài chỉ có một khoảng thời gian thì mạng sống cũng chỉ có một khoảng thời gian như vậy không? Mạng và hình hài là một chủ thuyết khác ở Ấn Độ thời đó. Cộng vào tất cả thì có 14 chủ thuyết. Người ta làm ra 14 phạm trù của tư tưởng và bắt chúng ta phải chọn một trong những phạm trù, và thực tại phải được diễn tả bằng một trong 14 phạm trù đó. Trong khi đó, Bụt dạy là không thể nắm bắt thực tại bằng 14 phạm trù tư tưởng. Và đây là lời dạy của thầy Long Thọ:
Bài kệ 22
Nhất thiết pháp không cố 一切法空故
Hà hữu biên vô biên? 何有邊無邊
Diệc biên diệc vô biên 亦邊亦無邊
Phi hữu phi vô biên. 非有非無邊
Vì các pháp đều không
Sao có hữu vô biên?
Vừa hữu vừa vô biên
Vừa không hữu vô biên?
Nhất thiết pháp không cố
Hà hữu biên vô biên
Chúng ta biết tất cả các hiện tượng đều không thật có (không có tự tánh). Hữu biên hay vô biên đều là thuộc tính của các pháp, nhưng nếu các pháp đều là không thì tại sao lại đặt vấn đề hữu biên hay vô biên? Chừng nào một pháp thật sự có thì mới nói hữu biên hay vô biên, nó không thật sự có thì làm sao nói hữu hay vô?
Diệc biên diệc vô biên
Phi hữu phi vô biên
Tại sao lại phải nói vừa hữu biên vừa vô biên hay không phải hữu biên cũng không phải vô biên?
Bài kệ 23
Hà giả vi nhất dị 何者為一異
Hà hữu thường vô thường 何有常無常
Diệc thường diệc vô thường 亦常亦無常
Phi thường phi vô thường? 非常非無常
Làm sao có một khác
Có thường và vô thường
Vừa thường vừa vô thường
Không thường không vô thường?
Hà giả vi nhất dị
Nếu các pháp là không thì tại sao phải tìm hiểu nó là một hay là khác (the same and the difference) như mạng và căn, như thân (vật chất) và tâm (tinh thần). Đây là thuộc tính của vạn vật. Vạn vật là một hay là khác? Thân và tâm là một hay là khác? Chúng ta thấy có bốn chủ thuyết: là một hay là khác, hay vừa một vừa khác, hay không một cũng không khác.
Hà hữu thường vô thường
Diệc thường diệc vô thường
Phi thường phi vô thường
Nếu vạn vật là không thì tại sao ta gọi nó hoặc là thường hoặc là vô thường, hoặc vừa thường vừa vô thường, hoặc không thường cũng không vô thường. Câu trả lời của thầy Long Thọ rất rõ: