Hiến Tặng Bình An

1. Thí Vô Úy Giả có nghĩa là tặng sự không sợ hãi, làm cho người khác vững chãi trước mọi nỗi khổ niềm đau. Bồ tát Quán Thế Âm thân thương của chúng ta có Thánh hiệu như thế, cũng có nghĩa là Ngài có năng lực giúp an tâm cho những ai đang sợ hãi, khổ đau mà “gặp” được Ngài trong ý niệm…

Bạn có bao giờ đau khổ không? Chắc chắn là có, phải không? Bạn “gặp” được Ngài có nghĩa là bạn sẽ tìm thấy được năng lực vững chãi. Bồ tát Quán Thế Âm được mọi người nhìn thấy dưới hình tướng người nữ tay cầm tịnh bình, tay cầm dương liễu và được xưng tôn là “mẹ hiền”. Tiếng mẹ thân thương ấy đủ để cho chúng ta nhận ra sự dịu dàng lắng nghe của Ngài, giống như mẹ, mỗi khi con khóc thì mẹ đều nghe và chạy đến bên dỗ dành, yêu thương vậy!

2. Tôi từng đau khổ và sợ hãi, để rồi khi đối mặt với sự đau khổ tột cùng ấy tôi đã may mắn quay về bên Mẹ, niệm danh hiệu Ngài và khóc. Nhận ra rằng “con đã sai”, sai từ đầu cho đến cuối câu chuyện để rồi đến một ngày những gai gốc của cuộc sống, con người mọc ra từ sự tham ái, sân, si thì mới biết. Tuy muộn, nhưng khi ấy lòng tôi trải rộng lắm, nói với Mẹ nhiều điều lắm. Ngài nhắc tôi quay về quán tĩnh lặng, quay về tổng đài “hiểu và thương” để nói chuyện với Bụt, truyền thông với những người thân-thương về những nỗi khổ đau của mình để cùng được ôm ấp. Bạn biết không, điều kỳ diệu đã xảy ra khi mẹ Quán Thế Âm đã hiện thân trong mẹ tôi, sư phụ tôi, sư anh, sư em và chúng hội đồng tu của tôi…

3. Mẹ tôi bằng câu nói thật nhẹ nhàng, bằng sự yêu thương của người mẹ đã cho tôi nhận ra sự bình an từ sự vững chãi của tình thương không vụ lợi (của mẹ). Thế mà tôi quên mất trên đời này mẹ tôi là người đầu tiên dành cho tôi tình thương không mong cầu báo đáp, không yêu cầu tôi phải thế này, thế nọ, không vấn đáp theo kiểu đầy nghi ngờ… Tôi liền quay về niệm mẹ và thấy bình an, không còn sợ nữa bởi tôi hiểu, dù cuộc đời có nghiêng ngã, có thế nào thì khi quay về mẹ cũng đón tôi bằng tình thương lớn!

4. Sư phụ tôi thì chịu ngồi hàng giờ, nhắm mắt và nghe tôi nói những câu chuyện thật như chưa bao giờ tôi dám nói, những tưởng Người sẽ nhìn tôi mắng và thất vọng… nhưng không ngờ sư phụ lại bảo: “Sư phụ hiểu mà, đó là chuyện bình thường.” Hóa ra lâu nay tôi tưởng tượng, âu lo vì tôi không dám đối mặt với sự thật chứ sư phụ tôi nào có ghét bỏ tôi chỉ vì những chuyện ngoài ý muốn. “Quan trọng con giữ vững được tâm hướng thượng thì điều đó không là gì cả”, thầy đã nói ở “Quán Tĩnh lặng” của hai thầy trò, tôi đã nhẹ cả cõi lòng…

Sư anh tặng cho tôi sự dứt khoát, bảo tôi đừng sợ, có sư anh đây. Em cứ nhún nhường thì người ta sẽ làm tới, đừng sợ hãi, em phải đi đến cùng, em không đơn độc, ngoài em còn có sư anh và biết bao anh em khác, luôn xem em là anh em tốt… Tôi đã không còn sợ nữa, tôi thấy tin vào chính đôi chân của mình, đôi chân mà trước đây tôi sẽ không nỡ bước đi khi thấy ai đó khóc, dù tôi biết có thể họ đang diễn kịch, đang đóng hài. Sư anh bảo tôi từ bi phải có trí tuệ… Sư anh nhắc tôi về hình tướng của Ngài Tiêu Diện vốn là hóa thân của Bồ tát Quán Thế Âm, hiện tướng để nghiêm khắc đối trị với cái xấu, cái ác. Đó là cách thực tập hạnh nguyện từ bi!

Sư em thì tặng cho tôi năng lượng bình an của từng cái lạy, từng bước chân thảnh thơi và nụ cười đầy bi tâm khi nhìn tha nhân. Sư em dạy cho tôi biết ngồi im, uống từng giọt trà, nghe tiếng thở của đất và của nhiều thứ vô thanh khác, những âm thanh của sự im lặng lại là thanh âm hùng tráng làm người ta phải nể sợ. Tôi đã thực tập im lặng hùng tráng (của bầy cừu) và những cái lạy sám pháp để giãi bày với đất, để đi mỗi bước chân thong dong trong hơi thở vào ra mầu nhiệm…

5. Vậy là, Thí Vô Úy Giả đã hiện thân trong những người thân-thương của tôi, đã hiến tặng sự vững chãi và cho tôi thấy sự có mặt của họ trong tôi cũng như trong tôi có sự hiện diện của mẹ Quán Thế Âm. Chỉ đến khi tôi thấy những hiện thân của Mẹ trong tôi (lúc khổ đau) thì mới nhận diện hóa thân Bồ tát Quán Thế Âm với hiện tướng Ngàn mắt ngàn tay đâu phải chỉ là hình tướng, sự vô tướng của năng lực cứu khổ ấy được biểu hiện ở chính sự quay về với chân như của cuộc sống, lắng nghe sâu chính mình và người khác như: Long à, tại sao con phải khổ như thế, phải chăng vì con đã tham ái hay vì con còn không chịu buông bỏ…? Nghe xong, tôi giật mình quay về với hơi thở!

Chúc Thiệu

http://www.daophatngaynay.com

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.