Vĩnh Biệt Cuộc Đời

NGƯỜI CHẾT SỐNG LẠI

Câu chuyện thứ tư mà tôi muốn chia sẻ là hiện tượng người chết sống lại được dân gian gọi nôm na là quỷ nhập tràng. Hiện tượng này có từ ngàn xưa, nhưng mãi đến khi nó được đề cập dưới góc độ của khoa học thì thế giới phương Tây mới bắt đầu quan tâm, và xem nó giống như một hiện tượng lạ mà khoa học chưa thể lý giải.

Sự kiện đầu tiên diễn ra vào năm 1906 tại bang Kansas – Mỹ, một thanh niên tên là Havy 20 tuổi bị bệnh nặng và đột ngột chết. Người bạn gái của anh rất đau khổ và thương tiếc vô cùng. Cô đã yêu cầu gia đình anh hãy khoan vội chôn, nài nỉ mãi, cuối cùng luật pháp cũng cho phép. Cô giữ xác người bạn trai trong nhà mình. Bảy ngày sau, chàng thanh niên kia sống lại. Người lý giải rằng đây là hiện tượng thần thoại, vì tấm lòng tha thiết của người thương mà người chết bỏ đi không đành, nên đã xin Diêm Vương sống lại.

Nếu hiểu về hiện tượng chết lâm sàng và chết thực sự hay còn gọi là hiện tượng chết sinh học, sẽ thấy đây là một hiện tượng hoàn toàn khoa học. Người được xem là chết nằm bất động như ra đi, và nếu như không có kiến thức về khoa học người ta dễ chôn sống những người chưa chết. Thống kê xã hội học phương Tây cho thấy cứ 200 ca chết thì có một người bị chôn sống, nghĩa là chưa chết thực sự mà bị cho là chết. Từ các nghiên cứu đặc biệt về hiện tượng chết lâm sàng ở phương Tây giúp thế giới hiểu rõ hơn về điều mà đức Phật đã dạy trong kinh, tại sao người chết có thể sống lại.

Dòng cảm xúc tiếc nuối về một mối tình, về trách nhiệm của người làm cha mẹ đối với con thơ, về trọng trách đại sự của quốc gia v.v… khiến họ muốn níu kéo sự sống. Do được sự hỗ trợ của phước lực về mạng sống hay tuổi thọ vốn gieo trồng ở hiện đời, hoặc nhiều kiếp về trước, năng lực níu kéo, tiếc nuối này sẽ làm cho đời sống được kéo dài. Người thì sống lại vài ngày rồi chết, người thì sống lại mấy mươi năm, tùy vào hành động phước báu liên hệ đến tuổi thọ.

Vì vậy, ngài Huyền Tráng đã yêu cầu thân nhân người quá cố phải sau 8 tiếng mới được động vào thi thể của người chết, khi họ được công nhận là đã chết thực sự. Việc tẩm liệm trước 8 tiếng sẽ khiến cho một số tình huống chết lâm sàng, nghĩa là sự sống vẫn đang còn, dẫn đến phản ứng ức chế tâm lý, sân hận, tạo bất hạnh và oan khiên oán trái ở người quá cố.

Sau khi phát hiện tình trạng chết đi sống lại của Havy vào năm 1906, các nhà nghiên cứu khoa học phương Tây đề nghị trong suốt 24 giờ sau cái chết lâm sàng, thân nhân người quá cố không được lãnh xác về, để người làm công tác pháp y xác định rõ người chết đã thực sự chết chưa, tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra. Về sau, nhà khoa học Nga tên là Khabasniki đã nghiên cứu, chế tạo thành công chiếc quan tài có tính an toàn hơn. Nó được thiết kế có hệ thống báo động và thông gió, để khi người chết bị chôn dưới lòng đất vẫn đảm bảo được sự sống. Ngoài ra, chiếc quan tài thông minh này còn có khả năng báo động khi người nằm trong đó phát hiện ra mình vẫn còn sống. Họ có thể động vào bất cứ vị trí nào của nắp hòm, khi ấy một tiếng chuông sẽ vang lên truyền đến nhà thân bằng quyến thuộc của mình. Lúc đó, thân nhân sẽ chạy ra đào mộ huyệt lên, tránh tình trạng để quá lâu có thể gây chết ngạt. Chi phí chế tạo loại quan tài này rất cao, chỉ có những thành phần giàu có trong xã hội mới có khả năng mua. Rất tiếc truyền thống sử dụng loại quan tài này không còn được lưu truyền cho đến ngày nay, ngay cả ở nước Nga.

Kinh điển đạo Phật xác quyết rõ cái chết lâm sàng chưa phải là cái chết thực sự, đó chỉ là dấu hiệu ngưng hoạt động của tim, hô hấp, trong khi não vẫn còn hoạt động dù rất mờ nhạt không đáng kể. Khi ấy, chỉ cần sự hỗ trợ và phục hồi hô hấp để tạo tiến trình tuần hoàn trong cơ thể thì người đó có thể sống lại, dĩ nhiên sự sống trong trường hợp này chỉ có thể là 1/100 hoặc 1/200 mà thôi.

Tháng 9-2006, các nhà xã hội học Việt Nam đã thống kê chỉ có hai hiện tượng chết sống lại, do vì nhận định sai lầm giữa cái chết lâm sàng thành cái chết thực sự. Vì vậy, đừng nên quan niệm đó là một hiện tượng thần bí do cầu nguyện, hoặc phước lực của người còn sống mong mỏi người chết sống lại. Chẳng qua do phước lực của người chết, năng lực níu kéo sự sống và cái chết khiến họ có khả năng đặc biệt chống chọi lại với hoàn cảnh phải chết. Thông thường, chỉ cần 30 giây là một người bình thường có thể qua đời, nhưng người chết lâm sàng có khả năng chịu đựng, vượt trội hơn mà cái chết vẫn không thể thiết lập.

Nhân quả liên hệ đến một số nghiệp, chẳng hạn như việc lấp hang chuột, hang dế, hang kiến làm cho những con vật này bị chết ngộp. Tất cả những hành động này tưởng chừng không có hệ quả xấu trong tương lai, nhưng theo luân hồi nghiệp báo trong đạo Phật con người vẫn phải gánh chịu. Để tránh nghiệp chết lâm sàng được đồng hóa là chết thực sự, người Phật tử cần gieo trồng hạt giống bảo hộ mạng sống. Việc bảo hộ mạng sống được thể hiện ở tấm lòng và những hành động nho nhỏ nếu chịu khó để ý, có thể tạo phước lực rất nhiều cho bản thân. Khi nhìn thấy một đám tang, quý vị nên cầu cho người quá cố được siêu sinh thoát hóa bằng cách tụng một câu thần chú vãng sanh hay danh hiệu của đức Phật A-di-đà, hoặc người hành giới Bồ-tát có thể hồi hướng công đức cho họ để cảnh đời bất hạnh được kết thúc tại đây và tiến trình tái sinh được diễn ra an lành. Chỉ cần ta thực sự có tấm lòng thì chẳng tốn kém tiền bạc gì. Không nên tin theo các quan niệm mê tín sai lầm mà có thái độ kỳ thị hoặc sợ hãi đối với người chết. Vì như thế làm thương tổn đến lòng từ bi, kiến thức về nhân quả trong đời sống bị mất phương hướng, con người luôn sống trong lo âu, sợ hãi và cuối cùng dẫn đến mất cơ hội để thành công.

1. Lễ cầu siêu với thông điệp buông xả

 Khi phát hiện có hiện tượng ma quỷ trong ngôi nhà hoặc bất cứ nơi đâu, hãy giúp hương linh bằng khóa lễ cầu siêu, nếu thỉnh mời được những vị xuất gia đến làm lễ càng tốt; bằng không quý vị tự thực hiện. Trong lúc làm lễ, cần truyền thông điệp rằng:

“Bản chất của sự sống và cái chết được qui luật nhân quả trong tự thân mỗi người định đoạt. Quý vị hãy hoan hỷ chấp nhận cái chết diễn ra như một sự thật. Đừng bám víu vào thân thể vật lý này; đừng bám víu, tiếc nuối vào dòng cảm xúc này; đừng bám víu vào những kỷ niệm đẹp và xấu, hạnh phúc và khổ đau hay bất cứ điều gì thì quý vị mới có thể ra đi. Chỉ có Phật, Pháp và Tăng mới có khả năng cứu giúp quý vị. Quý vị hãy nương vào thần lực của các Ngài để tình trạng khổ đau của kiếp ngạ quỷ sớm được kết thúc.”

Nhìn chung, hương linh qua đời chỗ nào thường có khuynh hướng bám víu chỗ đó, chính nỗi đau uất hận sẽ làm cho hương linh giữ mình lại nơi đó. Ví dụ nơi có tai nạn giao thông, có người tự tử thì những nơi đó thường xảy ra cái “huông”, khiến những người có ý muốn tự tử tự dẫn dắt đến chỗ đó rồi lao xuống mà chết. Dĩ nhiên, đừng nên lý giải đó là hiện tượng bắt hồn  mà  thực  tế  chỗ  nào  có  quan  tài,  mồ  mả  đều  là  nơi  hương linh thường bám víu, chấp mắc. Chẳng hạn kỷ niệm đẹp trong một ngôi nhà, nơi nào tạo hạnh phúc lớn nhất thì nơi đó vẫn như một sợi dây xích trói buộc hương linh trong tiến trình tái sinh.

Mỗi khi có dịp đến nghĩa trang hay ngôi chùa nào có thờ các tro cốt, quý vị nhớ đừng nên cầu nguyện riêng cho người thân của mình, mà hãy mở rộng lòng từ bi cầu nguyện cho tất cả hương linh có mặt tại nghĩa trang hay những nơi khác hãy nương vào thần lực của Tam Bảo để siêu sinh thoát hóa. Đừng nên cầu nguyện, van vái: “Mẹ ơi, hãy về phù hộ cho con trúng số đề đi, con mắc nợ nhiều quá.” Điều này sẽ tạo lòng tham ở người quá cố, bởi vì bản chất của tình thương là lòng tham, tình thương con cái, vợ chồng đều mang yếu tố của lòng vị kỷ. Cũng đừng nên cãi vã với nhau việc chia gia tài khi cha mẹ mới vừa nằm xuống chưa kịp chôn, bởi như thế sẽ tạo ra lòng sân ở người ra đi.

2. Gieo trồng công đức, phước báu

Cần thực hiện nghi thức đúng theo lời Phật dạy, đơn giản nhưng có giá trị đạo đức và tâm linh hỗ trợ cho tiến trình tái sinh. Nên gieo trồng phước báu, cúng dường thế nào để chia một phần tài sản cho người quá cố, giúp họ có thêm sự hiểu biết và hành trang công đức. Nếu người quá cố không biết người thân của mình làm việc này thì họ chỉ hưởng được 1/7 công đức nói theo kinh Địa Tạng. Do đó, để hương linh có phước báu lớn, trước khi họ qua đời, người thân nên giải thích cho họ hiểu sẽ dùng 1/4 tài sản có được để làm công tác từ thiện, cúng dường hay đóng góp cho một ngôi chùa. Thuyết phục họ hoan hỷ đồng nghĩa với việc họ được hưởng trọn phần công đức và phước báu, bên cạnh đó, người khuyến tấn và thuyết phục cũng được hưởng một phần công đức tương tự. Ngược lại, chờ đến khi người quá cố qua đời ta mới thực hiện việc này, họ sẽ không biết. Do vậy, họ chỉ hưởng được một phần, còn người làm hưởng được sáu phần.

Trên thực tế, ai cũng muốn người quá cố của mình có nhiều công đức để có thể tái sinh vào một cảnh giới an lành. Ta cần lưu ý nói thật khéo, bởi vì đứng trước cái chết, nỗi sợ hãi sẽ có mặt, và càng cố tình phủ định nhiều chừng nào thì nỗi sân hận lại diễn ra nhiều chừng đó. Tình yêu, mồ mả, uất hận, tai nạn, tình cảm, kế hoạch chưa hoàn tất, sự bực bội, tức tối trước lúc chết tất cả đều trở thành ách nạn cho tiến trình tái sinh.

Hằng ngày, hằng giờ, mỗi hành giả cần thực tập phương pháp buông xả, xem nhẹ mọi thứ trên cuộc đời. Nỗ lực làm hết mình bằng phương pháp luận, sự tinh tấn, thông minh, trách nhiệm, lương tâm và đạo đức. Kết quả ra sao không cần bận tâm đến. Thất bại lần này, ta nỗ lực lại lần khác bằng sự kiên nhẫn và tinh tấn, làm hoài làm mãi, không cho phép mình dừng nghỉ. Đừng buồn với những thất bại trong quá khứ, bởi vì quá khứ đã qua rồi và tương lai thì chưa đến. Đừng mơ ước nhiều mà hãy nỗ lực làm hết mình trong hiện tại, khi ấy tương lai chắc chắn sẽ có. Ai sống được như thế thì sẽ rất thản nhiên và không có bất kỳ nỗi sợ hãi nào khống chế mình, nhờ đó mà đời sống trở nên có ý nghĩa.

Mong rằng quý vị mỗi khi có dịp đến chùa cầu nguyện cho hương linh được siêu sinh thoát hóa hoặc đứng trước di ảnh, bàn thờ người thân của mình đừng bao giờ mong họ trở về nhà; cũng đừng thương ông bà tổ tiên, cha mẹ, người thương của mình bằng cách lúc còn sống thèm cái gì thì khi mất cúng cái đó, càng thương tưởng theo tình huống trên thì khổ đau càng có mặt. Điều cần thiết ở đây là cúng một thời kinh về nguyên lý vô thường, vô ngã, về qui luật sanh tử không ai có thể tránh khỏi, cúng bằng công đức phước báu mình có thể làm, cúng bằng đời sống đạo đức để cho người ra đi được an tâm, cúng bằng sự thành công, nỗ lực của chúng ta để lời di chúc đó được thực hiện. Có như thế, người ra đi mới thực sự được lợi lạc. Trái lại, còn bất kỳ nỗi niềm nào chưa được an tâm sẽ làm cho người quá cố chết không nhắm mắt. Đây là phản ứng cơ học vật lý tự nhiên của cơ thể, ai suy nghĩ nhiều sẽ làm cho mắt hoạt động, càng hoạt động nhiều chừng nào thì ức chế tâm lý trên não trạng gây mất ngủ nhiều chừng đó. Đối với cái chết cũng tương tự như vậy, tức tối, khó chịu sẽ làm cho mắt không nhắm lại.

3. Phóng thích gút mắc

Ai là đối tượng dẫn đến cái chết, làm cho người quá cố chết không nhắm mắt, hoặc lúc còn sống người quá cố đã từng thề độc ví dụ như: “ Lúc tao chết, mày đừng bao giờ tới nhìn mặt tao…” trong tình huống này, hãy thực hiện đúng như lời thề, đừng nên tới nhìn mặt. Hãy đứng ở một nơi nào và nguyện cầu: “Ba ơi, mẹ ơi, hãy tha thứ cho con! Con biết rằng đó là một điều sai. Con nguyện hứa từ đây về sau sẽ không làm điều đó nữa. Ba mẹ hãy buông xả niềm uất hận này để tiến trình tái sanh được tốt, để cái gút của khổ đau được kết thúc tại đây…”

Phải nguyện bằng lòng chí thành và lặp lại nhiều lần giúp cho người quá cố phóng thích được cái gút của chấp mắc. Chính vì lẽ đó, di chúc của người quá cố lúc cuối đời cần phải được tôn trọng. Bằng không, hương linh chưa siêu sinh bị ức chế tâm lý, có thể tạo trở ngại về sau.

Hy vọng rằng mỗi chúng ta ý thức nhiều hơn về sự sống và cái chết như là một qui luật, có thể giúp cho mình và người thân vượt qua được thách đố lớn nhất trong cuộc đời, mà vốn chỉ là một điểm chấm trên tiến trình sinh tử không bờ bến.

Thích Nhật Từ (Chùa Xá Lợi, Sài Gòn, ngày 17-09-2006) Ghi chép: Huỳnh Thị Nhã Phương

http://www.daophatngaynay.com

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.