Mở “cổng xuống địa ngục” của người Maya

Bán đảo Yucatan của Mexico xuất hiện rải rác hàng ngàn hang động bí ẩn từng một thời là nơi trú ẩn của người tiền sử và về sau trở thành nơi hiến tế thiêng liêng của người Maya. Hiện nay, các nhà khảo cổ học và nhà làm phim người Đức đang thực hiện dự án thám hiểm khám phá mê cung hang động dưới mặt nước trong khu vực này, với sự giúp sức của công nghệ ghi hình hiện đại và kỹ thuật làm phim 3D.

125 bộ hài cốt dưới giếng sâu

Bộ hài cốt 10.000 năm tuổi của một cậu bé
Bộ hài cốt 10.000 năm tuổi của một cậu bé

Hài cốt của hơn 125 người nằm lại trong giếng sâu tự nhiên Las Calaveras mà không ai biết tại sao và như thế nào mà chúng nằm ở đó. Các giếng sâu tự nhiên trên bán đảo Yucatan của Mexico được coi là thế giới ngầm xinh đẹp và chứa đựng nhiều bí ẩn. Chúng xuất hiện khi các phần trần hang đá vôi ngầm sụp đổ. Một số lỗ ngập nước mưa, còn số khác dẫn xuống mạch nước ngầm và kết nối với các mê cung hang động khổng lồ.

Vào thời kỳ đồ đá, nhiều hang ngầm (lúc đó đã khô) được dùng làm nơi ở cho con người và chôn cất người chết. Về sau, người Maya không dám bén mảng đến các giếng vì họ xem đấy như là các cửa ngõ hay cổng dẫn xuống thế giới ngầm Xibalba (nghĩa là “Nơi sợ hãi”). Lần đầu tiên các hang ngầm này được quay bằng camera 3D và bộ phim tài liệu “Những hang của người chết” sẽ được công chiếu vào mùa xuân năm 2013.

Để thực hiện bộ phim, những người tham gia phải chịu thử thách cao độ về thể chất lẫn cảm xúc. Ví dụ, để chạm đến được các bộ xương nằm dưới đáy giếng sâu Las Calaveras, mọi người và thiết bị nặng nề phải khó nhọc chui qua lỗ mở phía trên rộng đúng 1m2. Đạo diễn Norbert Vander vừa bám tay vào các mô đá trơn trượt vừa chỉ đạo cho đoàn làm phim. Nhiệt độ trong khu rừng rậm là khoảng 30oC và không khí ẩm ướt tựa như trong nhà tắm hơi của người Thổ Nhĩ Kỳ. Chiếc camera 3D sử dụng dưới nước nặng đến 80kg được đưa xuống sâu để phục vụ công việc.

Đưa công cụ xuống giếng sâu từ lỗ mở phía trên.
Đưa công cụ xuống giếng sâu từ lỗ mở phía trên.

Đoàn làm phim kéo lê chiếc camera cồng kềnh và trang thiết bị nặng hàng trăm kilôgam băng xuyên qua rừng rậm trong suốt 3 tuần dài lê thê. Chịu trách nhiệm quay phim dưới nước là 4 chuyên gia lặn sâu quê ở thành phố Kiel miền Bắc nước Đức. Lặn sâu xuống các hang ngầm là vô cùng nguy hiểm và thách thức về mặt kỹ thuật nhiều hơn ở bất cứ nơi nào khác.

Hơn nữa, quay phim dưới nước với chiếc camera nặng 80kg và thường xuyên thay đổi độ sâu là công việc quá sức người. Florian Huber – chỉ huy nhóm lặn sâu và chuyên gia của Viện Khảo cổ tiền sử và sơ sử thuộc Đại học Kiel – cho biết, mỗi phút của bộ phim là một sự đầu tư công sức và trí tuệ đáng giá. Ông nói: “Quay phim tài liệu các hang ngầm này là cuộc nghiên cứu cơ bản. Nó giúp chúng ta phát hiện nhiều bí ẩn quá khứ”.

Máy quay phim 3D dưới nước nặng đến 80kg.
Máy quay phim 3D dưới nước nặng đến 80kg.

Công tác như thế là hết sức cần thiết, đặc biệt là đối với các hang ngầm ở Mexico, nơi mà công cuộc nghiên cứu thám hiểm chỉ mới bắt đầu cách đây vài năm. Giếng sâu Las Calaveras, nơi chứa đựng 125 bộ xương nằm rải rác, chỉ mới là phần nổi của tảng băng. Các nhà khoa học còn phải tiếp tục khám phá thêm nhiều hang ngầm khác nữa. Huber cho biết: “Hiện nay người ta chỉ biết có khoảng 3.000 đến 5.000 hang ngầm, song con số tổng cộng ước tính có thể đến 10.000”.

Khám phá kho tàng của quá khứ

Vào thời tiền sử, người chết thường được chôn cất ở dưới lòng đất sâu tối đen. Khi mực nước biển đột ngột dâng lên sau thời kỳ băng hà cuối cùng, cách đây khoảng 10.000 năm, mực nước trong các hang – vốn nối liền đến Đại Tây Dương – cũng dâng lên theo. Và, từ đó các bộ xương cũng như công cụ từ thời đồ đá cũng dần dà nổi lên.

Một số giếng sâu có cảnh quan rất đẹp.
Một số giếng sâu có cảnh quan rất đẹp.

Về sau, người Maya – dân tộc sống trong khu vực từ khoảng năm 3.000 trước CN đến năm 900 sau CN – ném đồ sứ và châu báu (và cả người) xuống các giếng sâu tự nhiên. Do đó, các hài cốt người kể cả của những con thú đã tuyệt chủng như một loài có tên khoa học là Megalonychoidea và voi răng mấu đã trải qua nhiều thời kỳ dưới lòng đất.

Huber giải thích: “Có lẽ các giếng sâu tự nhiên chứa đựng câu trả lời cho các câu hỏi như khi nào những con người đầu tiên đến được châu Mỹ và lục địa được định hình như thế nào”. Thậm chí, nước còn bảo tồn những thứ mà có lẽ sẽ biến mất trong thời gian ngắn ở trên cạn. Ví dụ, trong hệ thống hang Toh Ha, các nhà khoa học tình cờ bắt gặp bộ xương có 10.000 năm tuổi của một cậu bé.

Guillermo de Anda
Nhà khoa học Guillermo de Anda, chuyên gia hàng đầu về giếng sâu ở Mexico.

Việc tìm thấy những mê cung hang ngầm giữa rừng rậm là cực kỳ khó, và việc thám hiểm đúng là một thách thức vô cùng nguy hiểm. Chỉ có những ngọn đèn giữ cho các nhà khoa học không bị lạc trong bóng tối dày đặc và tránh không bị kẹt giữa những lỗ mở hẹp. Một số giếng sâu hơn 100m và khí nén không còn đủ ở độ sâu này.

Để tránh bị hôn mê do nitrogen và nhiễm độc oxy, những người lặn sâu phải sử dụng các sản phẩm khác, như là Trimix – một hỗn hợp oxygen, nitrogen và helium. Uli Kunz, nhà sinh học và nhà chụp ảnh dưới nước, cho biết: “Đôi khi chúng tôi xâm nhập sâu vào trong hang đến 1km. Trong những hoàn cảnh như thế, nếu tính toán lượng oxy cung cấp không đúng thì dễ chết lắm!”

Đội lặn sâu từng làm việc trong các hang ở Mexico từ năm 2009, bắt đầu sử dụng công nghệ ghi hình hiện đại vào năm 2010. Khoảng 63m2 giếng sâu Las Calaveras được ghi hình bằng phép quan trắc, và một loạt các bức ảnh chụp những di hài dưới nước sẽ được xử lý sau đó bằng mô hình 3D trên máy tính. “Đây là công cụ mạnh để nghiên cứu” – theo Guillermo de Anda, chuyên gia hàng đầu về hệ thống giếng sâu tự nhiên ở Mexico ở Đại học Tự trị Yucatan.

Xương sọ người cổ dưới giếng sâu.
Xương sọ người cổ dưới giếng sâu.

Các phương pháp công nghệ cao khác cũng được sử dụng để khám phá thế giới hang động. Ví dụ, sử dụng công nghệ quét laser để loại bỏ toàn bộ khu rừng trên máy vi tính. Các nhà khoa học từng sử dụng phương pháp này để tìm kiếm các cơ sở hạ tầng của người Maya.

Một số giếng sâu rất đẹp, trong khi số khác cảnh trí trong hang giống như phim kinh dị. Những nhánh cây thò ra trong ánh sáng mập mờ trông giống như những ngón tay người chết. Những cảnh tượng như thế này giải thích tại sao người Maya coi các giếng sâu tự nhiên này là những cánh cổng dẫn xuống địa ngục.

Một bộ phim 3D có thể coi là cách tốt nhất giúp người xem trải nghiệm thế giới ngầm kỳ ảo từ trên cạn. Các kho tàng ở giếng sâu đang gặp nguy hiểm vì số lượng du khách muốn khám phá thế giới ngầm đang tăng nhanh. Họ thường lấy đi những mảnh gốm cũng như xương người hay xương thú để làm kỷ niệm. Dĩ nhiên bộ phim 3D về hệ thống giếng sâu ở Mexico càng làm tăng thêm sự cám dỗ. Tuy nhiên, như Huber giải thích, bộ phim cũng có thể quảng bá cho sự tôn trọng thế giới linh thiêng này để bảo tồn nó.

Theo ANTG

http://www.khoahoc.com.vn/khampha

This entry was posted in Khoa Học, Đời Sống. Bookmark the permalink.