Hoa Nở Vườn Nai

Lặn lội suốt ba ngày đêm trong khu rừng, gã thợ săn mệt bở cả hơi tai mà vẫn không sao lần ra được dấu vết. Người ta nói nhiều về con Nai vàng đó, và gần như gã có thấy thoáng qua. Khi thì nơi bụi rậm. Khi thì bên khe suối. Nhưng khi gả chạy tới thì cảnh vật cứ im lìm, rừng cây lặn bóng như ngầm trêu tức thêm nổi bực dọc hoài công của Gã. Con Nai có thần thông ẩn ẩn hiện hiện thoạt đến thoạt đi, hay bản chất tinh khôn khiến nó biết lẫn tránh một cách tài tình trước sự hung hản rình rập của con ngừơi.

Sáng sớm… nước trong xanh bên dòng suối bạc cứ róc rách miên man giữa cảnh vật muôn hình vạn trạng sau một đêm yên nghỉ. Sương mai và gió ngàn se lạnh. Hiu hiu một phong thái u nhàn. Mênh mông một nơi chốn thần tiên êm ả. Vậy mà tất cả bỗng giật mình thảng thốt hẳn lên khi nghe một tiếng nổ kinh hoàng, xé tan cả áng mây trắng chập chờn ung dung vừa bay ngang đỉnh núi. Gã thợ săn đã bắn hạ con vật tội nghiệp ngay dưới chân núi. Gã vội vã chạy tới, mừng rơn như bắt được vàng. Vết máu đỏ loang dài ra đất và ướt thẩm cả một đám cỏ dại. Gã vạch tìm trong bụi rậm, trong các hốc cây, và dấu chân con Nai vàng, một lần nữa lại bị dòng suối xoá sạch. Chắc chắn nó không thể đi xa hơn khi bị thương nặng như vậy. Người thợ săn lùng sụt mọi nơi suốtû buổi và chợt dừng chân lại bên một am tranh nhỏ nằm khuất sâu dưới thung lũng.

Vị Sư lặng lẽ đi ra suối múc nước. Khi trở lên Ông tìm hái một ít cỏ thuốc ở quanh đó. Hằng ngày Ông vẫn đi lại trên con đường này để múc nước và đôi khi chỉ để ngắm hoa hái lá bên dòng suối yên lành với một tư thái nhàn nhã vô tư của đời ẩn sĩ bén duyên với núi rừng. Nhưng hôm nay lòng Ông bị khuấy động bởi tiếng súng. Vẻ mặt của Sư càng trầm lặng hơn cả lớp màn sương vây đặc quanh sườn núi. Hình ảnh con Nai bị thương bỏ chạy xuống khe núi; Từng đàn chim rừng hoảng loạn bay tung toé cả bầu trời, làm gợi lên bao cảnh đời tang thương dâu bể.

Thoáng chút lo lắng… Aån sĩ điềm tĩnh đặt nắm cỏ thuốc xuống đất rồi ngước nhìn người thợ săn đang tìm kiếm quanh quẩn bên ngôi tịnh thất của mình. Người ấy chực muốn bước hẳn vào bên trong, nhưng vị Sư đã lên tiếng hỏi:

– Mô Phật ! Thí chủ định tìm gì ở nơi đây ?

– Bạch Thầy! Một con nai tơ có bộ lông vàng ánh mà Tôi đã bắn hạ nó lúc sáng này. Nó chạy đâu mất… không biết có vào ẩn trốn trong Am của Thầy không ?

Ẩn sĩ nhìn vào cây súng và ánh mắt mờ đục đầy sát khí của vị khách không mời này rồi chậm rãi nói:

– Thì ra tiếng súng nổ vang lúc sáng sớm là của Thí Chủ. Con Nai bị bắn trọng thương. Nếu nó không chết thì cũng chạy nhanh vào rừng sâu rồi, chứ làm gì còn lẩn quẩn ở đây mà Thí Chủ cất công tìm kiếm. Từ sáng đến giờ Tôi không thấy con vật nào qua đây cả.

Ngưòi Thợ săn ngập ngừng định nói gì, nhưng rồi Gã quay đầu bỏ đi thẳng. Trời đã đứng trưa, ánh nắng rọi vào bên trong ngôi Tịnh thất trống trải. Vị Sư khẽ nhìn vào nhà. Đợi cho người thợ săn đi khuất sau lùm cây rừng xa xa, Ông mới trở vào cùng với nắm cỏ thuốc trong tay. Kéo nhẹ tám ván mỏng dưới bệ Phật, Sư đưa tay bế chú Nai con đang nằm trốn run rẩy nơi đó. Viên đạn chỉ bay lướt qua làn da, cũng đủ làm cho Nai đau đớn vật vả. Tuy vậy, nó vẫn không hề rên la một tiếng. Trốân ở đây, nó cảm thấy an toàn, lại được chữa trị vết thương. Mà kẻ ác tâm nào có chịu buông tha. Núi rừng muôn thuở thâm u vẫn không đủ sức chở che cho loài vật yếu đưối như nó. Aån sĩ rịt thuốc vào lưng con thú và vuốt nhẹ bộ lông tơ óng ả chiếu vàng sặc sở trong ánh nắng. Chính bộ sắc phục mà nó có trên người đã khiến cho bao kẻ thèm thuồng cố tìm bắt cho được. Vị Sư nhìn vào ánh mắt ngơ ngác của chú Nai Vàng. Aùnh mắt long lanh chứa chan niềm tin tưởng và dạt dào nguồn sống như trẻ thơ vô tội. Aùnh mắt cầu khẩn van lơn đầy cam chịu của kẻ thế cô mong được cứu giúp. Sư hiểu cõi lòng nó qua ánh mắt cũng như hiểu những việc cần thiết mình phải làm cho sự sống ngày mai của muôn loài.

Gã thợ săn quay trở lại một lần nữa và đã tìm được những gì Gã mong muốn. Chú Nai con, sau nhiều tuần được vị Sư chữa trị chăm sóc, vết thương đã liền da non. Sợ ở đây lâu không ổn, Sư định thả nó về với rừng xanh. Thế nhưng con Nai cứ quấn quýt bên Tịnh Thất của ẩn sĩ, cả khi người tụng niệm thiền hành, lúc nào cũng có bóng dáng Nai một bên. Thế là Sư đành để nó ở lại làm bạn. Có thể chuyện con Nai nương náu nơi am thất của vị sư nơi Thung lũng xanh này đã khiến cho mọi người chú ý. Thế là đến tai gã thợ săn hôm nào.

Nai con vụt chạy biến ngay vào bên trong khi vừa thấy bóng người lạ. Vị Sư đang vun tỉa mấy chậu lan rừng, vội bước đến đứng chắn ngang cửa, rồi nhỏ nhẹ hỏi : – Thí chủ, Ông còn đến đây làm gì?

Gã thợ săn hậm hực :- Thầy là người tu hành sao còn nói dối, lại đi bắt giữ con Nai mà Tôi đã lặn lội tìm kiếm biết bao lâu mới bắn được. Hôm nay Tôi đến đây để lấy lại vật của mình.

Trước sự hung hăng của gã, Sư vẫn điềm nhiên nói :- Thí chủ ! Tôi đã nói dối. Nhưng lời nói dối ấy là để cứu vớt một sinh mạng dù đó là con vật gì đi nữa, thì theo kinh điển Phật… cũng không có tội gì. Luật pháp Thế Gian cũng không bắt tội cho việc làm này mà.

– Thầy đừng nói nữa…. Ông cố giữ con Nai chỉ để mưu lợi cho mình chứ gì. Tránh ra để Tôi vào bắt nó lại.

Sư vẫn đứng yên, cất giọng từ tốn mà cương quyết :

– Thí chủ! Tôi khuyên Ông nên quay trở về, và bỏ ý định bắt lại con Nai đó đi. Chim rừng cá biển. Theo lý thì Ông chưa từng bắt được nó, sao gọi là của mình được. Còn về tình … Nó là con Vật vô tội, trong cơn hoạn nạn thì Tôi cứu giúp. Lợi lộc gì nơi am tranh vắng lặng này. Hơn nữa, điều này Ông chắc cũng biết. Nhà Nước đã ban hành luật nghiêm cấm người vào rừng săn bắn thú. Nhất là loài thú quý hiếm, sẽ bị xử án rất nặng. Nay mai nơi đây sẽ là một khu rừng Quốc Gia, là nơi bình yên cho muôn thú quy về sinh sống.

– Tôi không cần biết những điều đó, mà chỉ muốn bắt lại con Nai thôi.

Gã xô mạnh vị Sư ra rồi chạy sụt vào trong. Tìm kiếm một hồi gã vẫn không thấy bóng dáng con Nai đâu cả. Chắc nó đã nhảy vọt qua khung cửa sổ bỏ ngỏ để chạy biến vào rừng. Vị Sư cố kéo dài cuộc nói chuyện để nó có thời gian trốn thoát. Gã trở ra, giọng hặm hực đe doạ:

– Được rồi, Tôi sẽ trở lại và quyết sẽ bắt được nó nay mai thôi.

Bóng dáng người thợ săn đi khuất từ lâu, mà vị Sư vẫn đứng yên ở cửa nhìn vào khoảng không thăm thẳm của núi rừng. Chừng như lâu lắm Sư mới trở vào, dở tấm ván bên bệ Phật. Con Nai khẻ cựa nhẹ vào tay Sư. Gã thợ săn đã không tìm ra nơi ẩn náu của con Vật. Phật đã chở che cho nó. Nai hẳn đã nghe hết lời đối thoại vừa rồi. Nằm dưới bệ Phật, Nai cảm thấy an toàn và tin là mình sẽ thoát như lần trước.

Gã thợ săn đã trở lại nhiều lần như đã nói. VỊ Sư có công việc phải đi xa vài hôm, khi trở về Ông thấy nhiều vết chân lạ. Xung quanh và bên trong Tịnh Thất bị lụt tung cả lên, ngay tấm ván dưới bệ Phật cũng bị dỡ ra. Trước đó Sư đã đưa Nai vào rừng. Nơi ấy cũng đầy nguy hiểm, nhưng vẫn là lá chắn an toàn cho nó trong lúc này.

Thung lũng xanh bây giờ đã trở thành một khu vườn cấp Quốc gia. Khu vườn của những cây cổ thụ có tuổi thọ hằng năm bảy mươi năm, và nhiều loại cây mới được trồng gần đây. Rồi cả một rừng hoa ….hoa rừng, hoa lạ mang giống từ các khác nơi về mặc sức đưa hương toả sắc. Hoa cỏ cây xanh …không gian rộng lớn bao la, tạo nên một mảnh đất lành cho chim chóc kéo nhau về làm tổ. Nhưng chủ yếu là thú rừng. Những con thú được cho là tuyệt tích lâu nay, không hiểu chúng đánh hơi tiếng thế nào lại tìm về được nơi này, hoà thành một quần thể chung sống yên bình giữa thiên nhiên và con người. Nhiều hơn hết vẫn là những chú nai vàng cứ nhởn nhơ qua lại trên mấy thảm cỏ xanh rờn. Con Nai trốn trong bệ Phật năm trước nay đã luống tuổi lắm rồi. Nó quanh quẫn mãi bên am tranh, cùng vị sư già nghe kinh niệm Phật. Khi thoát khỏi tay gã thợ săn, Nai trốn biệt một thời gian, sau đó cùng đồng loại mang cả một bầu đoàn thê tử về cư trú luôn ở đây và không ngừng sinh sôi nảy nở. Là cư dân đầu tiên khi khu vườn mới thành lập, nên nó cũng có vị thế quan trọng trước muôn thú. Mấy Thầy, mấy chú tiểu, những người lính bảo vệ rừng và du khách hành hương đến khu vườn vẫn luôn dành cho Nai nhiều thiện cảm ưu ái.

Mái am tranh vẫn là nơi trú ngụ của vị ẩn sĩ. Hằng ngày người ở đây tham thiền nhập định, cùng chú nai vàng làm bạn sớm hôm. Người đã đứng ra thỉnh nguyện chính quyền cho thành lập khu vườn để cho chim thú có nơi nương náu yên ổn, tránh sự săn bắt vô tội vạ của con người, và tạo cảnh quan trong lành xanh mát cho người yêu thiên nhiên cây rừng chim thú tìm về thưởng ngoạn. Nhiều tổ chức trong xã hội rất ủng hộ và đóng góp cho công việc tôn tạo khu vườn. Trên ngọn đồi cao, vị Sư cho xây một ngôi thiền viện nhỏ. Nhiều vị tăng trẻ cám cảnh yên tịnh chốn núi rừng đã đến xin nhập chúng tu niệm, và cũng để phụ chăm sóc cây cối chim thú. Khu vườn Quốc Gia vốn có cái tên rất mỹ miều, thế mà người ta vẫn thích gọi nôm na là khu vườn Nai để kỷ niệm về chuyện con nai vàng. Một khu vườn với những chú nai hiền lành bên những nhà tu sĩ dứt hết mọi sự huyên náo trần đời phải chăng là sự tái tạo một cõi Phật hiện hữu nơi thế gian này.

Hoa trong khu rừng Nai vẫn nở. Muôn thú quây quần trong thế giới tịch lặng của ánh đạo từ bi, nơi đây không còn cảnh nồi da xáo thịt, tranh chấp hận thù. Lộc giả uyển, những bài pháp đầu tiên thời Phật tại thế còn âm vang mãi trong lòng nhân thế cho đến tận bây giờ.

Truyện ngắn – Lam Khê

http://www.buddhismtoday.com/viet/truyen/hoanovuonnai.htm

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.